Thông báo 322/TB-VPCP năm 2021 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp với Đại học Quốc gia Hà Nội do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 322/TB-VPCP
Ngày ban hành 03/12/2021
Ngày có hiệu lực 03/12/2021
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Sỹ Hiệp
Lĩnh vực Giáo dục

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 322/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 03 tháng 12 năm 2021

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH TẠI CUỘC HỌP VỚI ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

Sáng ngày 28 tháng 11 năm 2021, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp với các cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN). Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; đại diện lãnh đạo các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Nội vụ, Xây dựng, Y tế, Tài nguyên và Môi trường; đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội.

Sau khi nghe báo cáo của Giám đốc ĐHQGHN, ý kiến phát biểu bổ sung của các giáo sư, cán bộ lãnh đạo chủ chốt của ĐHQGHN, ý kiến phát biểu của lãnh đạo các Bộ và Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận như sau:

1. Cơ bản đồng tình với báo cáo đánh giá về những kết quả mà ĐHQGHN đã đạt được trong thời gian qua. Trên cơ sở kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển, ĐHQGHN đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, các nhà khoa học với tiềm năng rất lớn; có truyền thống lịch sử vẻ vang, đáng tự hào với nhiều nhà lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và các cơ quan trong hệ thống chính trị từng học tập, rèn luyện tại đây. ĐHQGHN cũng nhận được tình cảm, sự tin cậy của nhân dân; sự ghi nhận trong các bảng đánh giá, xếp hạng quốc tế; sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong đầu tư xây dựng và phát triển (như việc dành khu đất hơn 1.000 ha để xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc).

2. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của ĐHQGHN còn có những hạn chế như: chưa có nhiều nhà khoa học nổi tiếng khu vực và thế giới; việc nghiên cứu ứng dụng cho quản lý, sản xuất, kinh doanh, phục vụ các nhiệm vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước, nhân dân, hoạt động tư vấn chính sách còn hạn chế; cơ sở vật chất còn khó khăn, việc đầu tư xây dựng dự án ĐHQGHN tại Hòa Lạc còn vướng mắc, chưa tập trung hoàn thành dứt điểm. Nguyên nhân là sự lãnh đạo, chỉ đạo chưa thật sự quyết liệt, sát sao, mạnh mẽ, có trọng tâm trọng điểm với tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược; những quy định vướng mắc, những cơ chế, chính sách không còn phù hợp với thực tiễn chậm được sửa đổi, bổ sung; đầu tư cơ sở vật chất chưa đạt tiến độ, chưa theo kịp sự phát triển về chuyên môn.

3. Trong giai đoạn tới, ĐHQGHN cần có những bước phát triển đột phá đáp ứng nhu cầu cấp bách về nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao, thực hiện trách nhiệm quốc gia, tiên phong trong giáo dục đại học, nghiên cứu, đổi mới và sáng tạo khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế. ĐHQGHN và các Bộ, cơ quan liên quan cần thực hiện tốt một số nội dung sau đây:

Thứ nhất, cần nâng tầm ĐHQGHN trong giai đoạn mới khi cả nước triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tập trung cụ thể hóa, thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết 20 của Trung ương về phát triển khoa học và công nghệ, Nghị quyết đại hội Đảng bộ ĐHQGHN. Có cơ chế giải phóng tối đa nguồn lực con người để đội ngũ cán bộ phát huy, cống hiến nhiều hơn nữa; xử lý hài hòa, hợp lý, hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, xã hội và thị trường, tăng cường hợp tác công tư; tăng đầu tư của Nhà nước để lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư.

Thứ hai, về tổ chức, bộ máy, công tác xây dựng Đảng và đội ngũ cán bộ cần bám sát và cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng về các vấn đề này và Luật Giáo dục đại học; xây dựng các cơ chế chính sách, quy hoạch, chương trình, dự án, kế hoạch, tập trung lãnh đạo chỉ đạo, bố trí nguồn lực, có mục tiêu cụ thể cho từng năm và trong 5 năm; bố trí người lãnh đạo, chỉ đạo từng việc để có kết quả cụ thể. Tập trung khắc phục bằng được những bất cập, hạn chế, yếu kém, bảo đảm bộ máy vận hành trơn tru, thông suốt, hiệu quả hơn; khắc phục bằng được việc đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm, thiếu dứt điểm nhất là khi nguồn lực có hạn.

Thứ ba, vấn đề đào tạo là một trụ cột của ĐHQGHN, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài theo Nghị quyết của Đảng, phục vụ đắc lực, hiệu quả cho ba khâu đột phá chiến lược. ĐHQGHN cần xác định người học là trung tâm, nhà trường là nền tảng, giáo viên là động lực. Tập trung đào tạo nhân lực trong các môn khoa học cơ bản - đây là một lĩnh vực truyền thống và thế mạnh của ĐHQGHN; đào tạo nguồn giảng viên cho ĐHQGHN và cho các cơ sở giáo dục đại học khác. Tăng cường liên kết, liên doanh với các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức để đào tạo nguồn nhân lực không chỉ đạt đẳng cấp quốc gia mà còn ngang tầm quốc tế; chú trọng đào tạo ngoại ngữ và tin học trong bối cảnh hội nhập sâu rộng; áp dụng chuyển đổi số trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu; đổi mới công tác tuyển sinh, tập trung kiểm soát đầu ra; tiếp thu các công nghệ đào tạo tiên tiến.

Thứ tư, về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cần chú trọng tổng kết thực tiễn, phục vụ các chương trình lớn của quốc gia, các vấn đề thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như: chủ quyền lãnh thổ quốc gia; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; tư vấn chính sách về đổi mới sáng tạo, cách mạng công nghiệp lần thứ 4; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đặc điểm văn hóa vùng miền; chính sách, giải pháp phòng chống dịch, khôi phục và phát triển kinh tế; vấn đề cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số, biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, năng lượng tái tạo; chuyển đổi số; công nghệ sau thu hoạch, xây dựng thương hiệu nông sản...

Thứ năm, về tự chủ đại học, vị thế, vai trò của ĐHQGHN, cần tổng kết thực tiễn triển khai mô hình ĐHQGHN từ năm 1993 tới nay, bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, căn cứ các quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn để đề xuất cụ thể với các cấp có thẩm quyền. Tinh thần chung là tăng thẩm quyền, tăng phân cấp, tăng tự chủ và tính linh hoạt. ĐHQGHN cần đi tiên phong thí điểm các chính sách, mô hình đổi mới trong giáo dục đại học trên cơ sở tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp tình hình thực tiễn Việt Nam, xứng đáng với vai trò, vị trí quan trọng của đại học quốc gia trong hệ thống giáo dục đại học nước nhà, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Thứ sáu, tập trung thực hiện dứt điểm dự án xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả với tư duy, cách làm mới. Trong năm 2022, Ban Giám đốc ĐHQGHN chuyển lên Hòa Lạc làm việc, tập trung chỉ đạo triển khai dự án theo hướng khu đô thị đại học; việc xây dựng có thể phân kỳ nhưng quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn. Khu đô thị đại học quốc gia có thể xây dựng theo hướng mô hình “5 trong 1” gồm: trung tâm đào tạo tài năng; trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ hiện đại; trung tâm đổi mới sáng tạo ngang tầm quốc gia và quốc tế; đô thị đại học thông minh, hiện đại; trung tâm thử nghiệm hợp tác công tư và đào tạo nghiên cứu.

4. Về một số kiến nghị cụ thể:

a) Về Dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đại học quốc gia: Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các đại biểu dự họp, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm tối đa cho đại học quốc gia theo đúng chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

b) Về việc đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc (Dự án):

(i) Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với ĐHQGHN căn cứ thẩm quyền và các quy định hiện hành để đề xuất việc phân cấp phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 đối với các dự án thành phần thuộc Dự án; báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

(ii) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

- Hướng dẫn ĐHQGHN thực hiện các dự án đầu tư theo mô hình hợp tác công tư (PPP);

- Chủ trì thành lập Tổ Công tác liên ngành để thúc đẩy tiến độ thực hiện Dự án, trong đó có: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổ trưởng); đại diện lãnh đạo các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và ĐHQGHN; kịp thời hướng dẫn hoặc chủ động xử lý, tháo gỡ các vướng mắc; báo cáo Thủ tướng Chính phủ vấn đề vượt thẩm quyền;

(iii) ĐHQGHN chủ động phối hợp với UBND thành phố Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bên có liên quan lên kế hoạch cụ thể, quyết liệt thực hiện, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong năm 2022.

c) Về các kiến nghị liên quan đến việc thành lập trường Đại học Luật và việc điều chuyển Bệnh viện E: ĐHQGHN chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để hoàn thiện Đề án, trong đó làm rõ: sự cần thiết, cơ sở pháp lý, tính khả thi; đánh giá tác động và hiệu quả khi chuyển đổi; báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

d) Về Dự án đầu tư xây dựng trường Đại học Việt Nhật: ĐHQGHN chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan để khẩn trương hoàn tất các thủ tục ký kết Hiệp định vay ODA theo quy định.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Đại học Quốc gia Hà Nội và các bộ, ngành, địa phương liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các Phó Thủ tướng (để b/c);
- Các Bộ: GDĐT, KHĐT, TC, NV, KHCN, TNMT, XD, TP;
- UBND TP Hà Nội;
- Đại học Quốc gia Hà Nội;
- Đại học Quốc gia TP. HCM;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: PL, KTTH, TCCV, QHQT, CN, TH;
- Lưu: VT, KGVX (2b) . ĐND

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Sỹ Hiệp

 

6
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ