Thông báo 305/TB-VPCP năm 2020 về kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hưng Yên do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 305/TB-VPCP
Ngày ban hành 20/08/2020
Ngày có hiệu lực 20/08/2020
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Cao Huy
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại,Tài chính nhà nước

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 305/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 20 tháng 8 năm 2020

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ TRƯƠNG HÒA BÌNH TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH HƯNG YÊN

Ngày 8 tháng 8 năm 2020, tại tỉnh Hung Yên, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đi thăm và kiểm tra hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công và Kiểm soát thủ tục hành chính, làm việc với lãnh đạo tỉnh Hưng Yên về giải ngân vốn đầu tư công, công tác cải cách hành chính. Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Tài chính, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nội vụ; Văn phòng Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Sau khi nghe lãnh đạo tỉnh Hưng Yên báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, kết quả thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước tỉnh giai đoạn 2011 - 2020 và một số đề xuất, kiến nghị của Tỉnh, ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của cả nước, nhiều địa phương tăng trưởng âm, nhưng với sự nỗ lực quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân tỉnh Hưng Yên đã thực hiện hiệu quả chủ trương của Chính phủ "vừa chống dịch vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh". 6 tháng đầu năm 2020, Hưng Yên là một trong 4 địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước; tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 6,83%; giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng tăng 7,38%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,58 %; tổng vốn đầu tư phát triển tăng 7,76%; sản xuất thương mại, dịch vụ tăng 2,55%...

Xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh, Hưng Yên là một trong 8 tỉnh đầu tiên trên toàn quốc có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2019; dự kiến sẽ hoàn thành tiêu chí tỉnh nông thôn mới vào cuối năm 2020.

Công tác cải cách thủ tục hành chính được triển khai thực hiện đồng bộ, đạt hiệu quả tích cực, đến nay 100% các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện đã được đầu tư xây dựng hệ thống mạng nội bộ (LAN), kết nối Internet; Cổng Dịch vụ công tỉnh đã kết nối với trục liên thông quốc gia, việc xử lý hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng được triển khai đồng bộ đến 100% cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh có 188/188 cơ quan hành chính từ cấp xã có bộ phận một cửa điện tử hiện đại. Trung tâm phục vụ hành chính công và Kiểm soát thủ tục hành chính hoạt động hiệu quả. Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh được cải thiện, từ hạng 54 năm 2012, đến năm 2019 đã xếp hạng 22/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) đạt 91.03%.

Thực hiện tốt việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức bộ máy của 09 sở, ngành (giảm 01 chi cục, 14 phòng thuộc sở, ngành và chi cục); giảm 17 đơn vị sự nghiệp công lập; giảm 60 khoa, phòng, đơn vị tương đương khoa, phòng và 07 trạm y tế cấp xã... Giai đoạn 2015 - 2020, đã giảm 168 biên chế công chức và giảm 2.038 biên chế sự nghiệp.

Công tác an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được bảo đảm (đã hoàn thành 02 Đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng và hộ nghèo; hiện đang triển khai xây dựng nhà ở cho trên 1.500 gia đình người có công và hộ nghèo với tổng kinh phí hơn 120 tỷ đồng). Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,12%; công tác phòng, chống dịch Covid-19 được nghiêm túc triển khai thực hiện. Đã ban hành kịp thời nhiều chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.

về tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công và vốn ODA 7 tháng đầu năm 2020, Tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp, giải ngân được trên 2.700 tỷ đồng, đạt 86,6% kế hoạch Chính phủ giao, là một trong 4 tỉnh dẫn đầu cả nước về giải ngân (trong đó, giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia đạt kết quả ấn tượng 86,66%, gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước, là một điểm sáng trong công tác giải ngân của Tỉnh).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Hưng Yên còn một số hạn chế cần lưu ý khắc phục: vốn ODA giải ngân thấp hơn mức bình quân chung cả nước, một số dự án còn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, dẫn đến tình trạng khiếu kiện làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công và kết quả giải ngân của tỉnh. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính có ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và dịch vụ bưu chính công ích phát sinh còn rất thấp; chưa hoàn thiện việc kết nối, tích hợp Hệ thống thông tin báo cáo của địa phương với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2019 còn thấp.

II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phục hồi phát triển kinh tế, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hưng Yên cần tập trung thực hiện tốt một số trọng tâm công tác sau:

1. Phát huy mọi nguồn lực, sức mạnh của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị tham gia xây dựng và thực hiện các giải pháp thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa đầu tư, thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, doanh nghiệp công nghiệp lớn trong khu vực và thế giới tới đầu tư; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ ở các khu, cụm công nghiệp, tạo liên kết chuỗi sản xuất, trở thành động lực cho phát triển công nghiệp; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

2. Gắn cải cách hành chính với việc thực hiện các Nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” trong nội bộ; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức của Tỉnh.

3. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận của người dân, xã hội đối với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, đảm bảo nguyên tắc “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh thuộc nhóm các tỉnh khá của cả nước.

4. Tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và gắn kết chặt chẽ với chính sách tinh giản biên chế. Khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn về vị trí việc làm đối với công chức; hoàn thiện và ban hành quyết định vị trí việc làm của cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo đúng thời hạn quy định tại Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ.

Đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền giải quyết công việc gắn quyền hạn với trách nhiệm trong công tác tổ chức bộ máy và cán bộ; đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Tổ chức triển khai xây dựng Chính quyền điện tử hiệu quả, bền vững; chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; khẩn trương rà soát, tổ chức liên thông các phần mềm Quản lý văn bản và điều hành của các đơn vị trực thuộc, bảo đảm 100% kết nối, liên thông 4 cấp hành chính.

5. Đẩy mạnh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh; tránh tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư, lãng phí nguồn lực; đồng thời tích cực giám sát, kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý ngân sách nhà nước, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong việc thực hiện nhiệm vụ đầu tư công. Phấn đấu hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020.

Cần phân loại các dự án đầu tư công theo tiêu chí tiến độ, trong đó, nhóm 1 là các dự án đã hoàn thành, có khối lượng, cần hoàn tất thủ tục thanh toán, quyết toán; nhóm 2 là những dự án có khả năng hoàn thành những thủ tục giải ngân còn vướng mắc, nêu rõ khó khăn, vướng mắc, cấp có thẩm quyền giải quyết; nhóm 3 là những dự án khó có khả năng hoàn thành hoặc tiến độ quá chậm, vướng mắc về mặt bằng, thủ tục... thì kiên quyết điều chuyển vốn từ các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các dự án có khả năng giải ngân cao, nhu cầu vốn lớn theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, cơ quan trung ương, tạo hiệu quả, sức lan tỏa đối với phát triển kinh tế - xã hội.

6. Người đứng đầu chính quyền các cấp tích cực chủ động rà soát, tháo gỡ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, khi triển khai thực hiện các chương trình, dự án và giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài theo quy định tại Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ.

III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH

1. về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung, thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP về các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện:

Bộ Nội vụ khẩn trương tiếp thu, giải trình ý kiến các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự thảo Nghị định, báo cáo Chính phủ.

2. Văn phòng Chính phủ đôn đốc các Bộ, ngành kịp thời thực hiện đúng quy định về công bố, công khai thủ tục hành chính trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính.

3. Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tăng cường thực hiện việc rà soát, đôn đốc các Bộ, ngành trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành theo quy định.

4. về đề nghị giao bổ sung biên chế hành chính thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải và thanh tra chuyên ngành xây dựng; bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế:

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ