Thông báo 298/TB-VPCP năm 2020 về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 298/TB-VPCP
Ngày ban hành 13/08/2020
Ngày có hiệu lực 13/08/2020
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Cao Lục
Lĩnh vực Thương mại,Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 298/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 13 tháng 8 năm 2020

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM BÌNH MINH TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH THÁI NGUYÊN

Ngày 04 tháng 8 năm 2020, tại Trụ sở Tỉnh ủy Thái Nguyên, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên về tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2020, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA năm 2020. Cùng dự buổi làm việc với Phó Thủ tướng có lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao, Ủy ban Dân tộc, Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Giao thông vận tải.

Sau khi nghe lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên báo cáo kết quả phát triển kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2020, tình hình thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA năm 2020 và một số đề xuất, kiến nghị của Tỉnh; phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Thái Nguyên là “đầu tàu” tiên phong về phát triển kinh tế xã hội của vùng trung du và miền núi phía Bắc, là tỉnh dẫn đầu vùng về quy mô kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, thu ngân sách nhà nước và xuất khẩu; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; hoàn thành 19/19 chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2015 - 2020. Trong 7 tháng đầu năm 2020, mặc dù bối cảnh thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội và tâm lý, đời sống của nhân dân, đặc biệt tác động lớn đến hoạt động xuất khẩu và các ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã nỗ lực, phấn đấu thực hiện mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch hiệu quả: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 2,63%, cao hơn bình quân chung của cả nước; sản xuất công nghiệp từng bước phục hồi; nông nghiệp tăng trưởng tốt, xây dựng nông thôn mới có nhiều thành tựu; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt khá với 10 dự án FDI, tổng mức vốn đăng ký 30,3 triệu USD.

Về tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA 7 tháng đầu năm 2020, Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, giải ngân đạt tỷ lệ 35% tổng số vốn kế hoạch được giao; tuy nhiên vẫn thấp hơn mức bình quân chung của cả nước (42,7%), nhất là giải ngân vốn ODA còn rất chậm (1,7%).

Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, đào tạo, lao động và các vấn đề xã hội có nhiều tiến bộ, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,35%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 98,2%; công tác phòng, chống dịch Covid-19 được nghiêm túc triển khai thực hiện; an sinh xã hội, chính sách đối với người có công với cách mạng được thực hiện kịp thời, góp phần ổn định đời sống người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; công tác dân tộc, tôn giáo được quan tâm thực hiện; cải cách hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử có nhiều cố gắng.

Thay mặt Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, biểu dương và đánh giá cao nỗ lực, cố gắng và những thành tựu quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đạt được trong thời gian qua, góp phần vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước. Bên cạnh việc phát huy những điểm mạnh, thành tựu, Tỉnh cần quan tâm chỉ đạo khắc phục bất cập, khó khăn trong một số lĩnh vực như: Khu vực doanh nghiệp trong nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế về quy mô và năng lực cạnh tranh, chưa kết nối tốt với khu vực FDI; 96,5% doanh nghiệp bị ảnh hưởng và 48% doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh do dịch Covid-19; giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA chậm hơn nhiều so với mức bình quân của vùng và của cả nước; thiếu các sản phẩm du lịch có chất lượng, phát triển du lịch chưa tương xứng tiềm năng; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2019 giảm nhiều so với năm 2018; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn cao hơn bình quân chung của cả nước...

II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM THỜI GIAN TỚI

Nhất trí với báo cáo của Tỉnh và phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, lãnh đạo các Bộ, cơ quan; trong những tháng còn lại của năm 2020, đề nghị Tỉnh cần lưu ý một số công việc trọng tâm sau:

1. Tập trung quyết liệt và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân để thực hiện các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020, Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ, Thông báo kết luận số 242/TB-VPCP ngày 18 tháng 7 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thu hút vốn đầu tư xã hội, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội; tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và các bộ, cơ quan liên quan bảo đảm hiệu quả, phù hợp trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp nhưng không làm kìm hãm, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế. Phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đã đề ra, tiếp tục phát huy vai trò là cực tăng trưởng, có tác động lan tỏa đối với toàn vùng trung du và miền núi phía Bắc.

2. Quyết liệt, sát sao hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; thành lập Tổ công tác để rà soát, đôn đốc, đẩy nhanh tiến giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA của từng dự án, đảm bảo tiến độ các dự án với tinh thần quyết tâm sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế, tháo gỡ toàn bộ các khó khăn, vướng mắc, nhất là trong quá trình giải phóng mặt bằng và chuẩn bị đầu tư. Kiên quyết thực hiện điều chuyển vốn đầu tư công từ các đơn vị, dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các đơn vị, dự án có khả năng giải ngân cao. Phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020.

3. Khẩn trương xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; thực hiện lập Quy hoạch tỉnh theo nhiệm vụ đã được phê duyệt; xây dựng các quy hoạch, phương án phát triển kinh tế - xã hội, phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, phát huy tối đa các lợi thế, tiềm năng của địa phương, trong đó chú trọng nghiên cứu phát triển một số lĩnh vực sau: (i) Công nghiệp cơ khí, công nghiệp chế biến, công nghiệp điện tử, công nghiệp hỗ trợ; (ii) Xây dựng và kinh doanh bất động sản; (iii) Nông, lâm nghiệp và thủy sản: (iv) Thương mại - du lịch và dịch vụ; (v) Y tế, chăm sóc sức khỏe; (vi) Giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; (vii) Công nghệ thông tin.

4. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, hoàn thiện thể chế, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để thu hút có hiệu quả đầu tư trong và ngoài nước bằng các hình thức phù hợp, chú trọng thu hút đầu tư một số lĩnh vực như xây dựng kết cấu hạ tầng, sản xuất công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo kết nối với các doanh nghiệp FDI để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và giá trị xuất khẩu của cả nước, tận dụng tối đa cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do mới ký kết (EVFTA, CPTPP).

5. Thực hiện tốt công tác dân vận, dân tộc, ưu tiên, quan tâm bố trí nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu, thiết chế văn hóa để phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn Tỉnh, đảm bảo sinh kế bền vững, nâng cao mức thụ hưởng vật chất và đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số; bảo tồn, phát huy không gian văn hóa, bản sắc riêng, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.

6. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cấp hệ thống y tế đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chăm sóc sức khỏe của nhân dân trên địa bàn Tỉnh và của cả vùng; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ các vùng, xã an toàn khu, chế độ với người có công với cách mạng; bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định trật tự an toàn xã hội.

7. Lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 theo đúng Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị, bảo đảm theo đúng tiến độ kế hoạch đã đề ra.

III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH

1. Về đề nghị mở rộng Khu công nghiệp Yên Bình, Khu công nghiệp Sông Công 2 và bổ sung quy hoạch các Khu công nghiệp trên địa bàn.

Tỉnh hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

2. Về Khu công nghệ thông tin tập trung trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Ủng hộ Tỉnh có một khu công nghệ thông tin tập trung. Tỉnh khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghệ thông tin tập trung theo quy định, gửi Bộ Thông tin và Truyền thông để chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 8 năm 2020.

3. Về quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc.

Giao Bộ Xây dựng khẩn trương thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên về nhiệm vụ, mục đích sử dụng của hồ Núi Cốc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

4. Về đề nghị sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của tỉnh Thái Nguyên.

Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 104/NQ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ, trình cấp có thẩm quyền theo quy định.

5. Về đề nghị bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2020 từ nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ.

[...]