Thông báo 30/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 30/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 01/02/2012 |
Ngày có hiệu lực | 01/02/2012 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Phạm Viết Muôn |
Lĩnh vực | Doanh nghiệp |
VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 30/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 01 tháng 02 năm 2012 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ VĂN NINH TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 28-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ SẮP XẾP, ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG, LÂM TRƯỜNG QUỐC DOANH
Ngày 6 tháng 01 năm 2012, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chủ trì Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2003 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh. Cùng tham dự có lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp và đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tập đoàn, các Tổng công ty, Công ty có nông, lâm trường quốc doanh.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ý kiến của các Bộ ngành liên quan, đại diện các tỉnh, thành phố, các Tổng công ty, doanh nghiệp, Phó Thủ tướng đã kết luận như sau:
1. Sắp xếp đổi mới nông, lâm trường là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, công việc hết sức khó khăn, đặc biệt là vấn đề rà soát đất đai, quản lý sử dụng đất. Sau gần 8 năm triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2003 của Bộ Chính trị, Nghị định số 170/2004/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2004 và Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 3 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh. Đến nay bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định, các địa phương, Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước có nông, lâm trường, cơ bản hoàn thành việc rà soát phương hướng nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của các nông, lâm trường và chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo quy định của Luật Doanh nghiệp; và đang tích cực việc rà soát đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, ký hợp đồng thuê đất đối với các công ty nông, lâm nghiệp; một số đơn vị đã có chuyển biến tích cực, sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số những tồn tại: tình trạng buông lỏng và quản lý đất đai kém hiệu quả, lãng phí ở một số đơn vị, những tồn tại trong việc giao khoán đất cho người lao động các nông, lâm trường quốc doanh về cơ bản vẫn chưa được khắc phục, ở một số đơn vị diễn biến phức tạp… nhất là đối với vùng đất ven đô thị, vùng đất có giá trị. Mặt khác trong quá trình sắp xếp đến nay đã xuất hiện một số nội dung, cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung chính sách của Đảng và Nhà nước về sắp xếp đổi mới và phát triển đối với nông, lâm trường quốc doanh.
Nguyên nhân: Nhiều địa phương, đơn vị chưa quán triệt và tích cực triển khai Nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường; chưa nhận thức đúng vai trò của nông, lâm trường nên chưa tập trung chỉ đạo, giúp đỡ nông, lâm trường đổi mới, phát triển. Một số nơi còn tránh né chưa vào cuộc và chưa quyết tâm triển khai. Các nông, lâm trường tồn tại quá lâu trong cơ chế bao cấp, luôn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước; lúng túng, không tích cực chuyển đổi nội dung và phương thức hoạt động theo cơ chế thị trường. Các cơ quan Nhà nước chậm hướng dẫn và điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách về sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh, chưa làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm để phát huy những ưu điểm, nhân điển hình tiên tiến và kịp thời chấn chỉnh, khắc phục yếu kém, khuyết điểm.
2. Phương hướng nhiệm vụ trong giai đoạn tới.
Sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh thời gian tới phải gắn với Nghị quyết Trung ương 3 khóa XI và Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để làm tốt vai trò chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, nhất là nâng cao hiệu quả tài nguyên đất, tài nguyên rừng, vườn cây lâu năm. Hình thành vùng sản xuất hàng hóa gắn với cơ sở chế biến, thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh, tăng thu nhập cho người lao động, bảo vệ môi trường sinh thái, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ an ninh quốc phòng.
Trước mắt các Bộ, ngành, Tập đoàn, tổng công ty nhà nước và địa phương khẩn trương thực hiện một số công việc sau:
- Về mô hình chuyển đổi: Trong quá trình sắp xếp xuất hiện một số hình thức chưa có trong quy định hoặc không phù hợp với mô hình hoạt động, yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, tổng kết, đánh giá cụ thể đối với từng mô hình, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp và có văn bản hướng dẫn cụ thể đảm bảo việc sắp xếp, đổi mới hoạt động có hiệu quả, đúng pháp luật. Tiếp tục thực hiện việc thí điểm cổ phần hóa cơ sở chế biến gắn với vườn cây, rừng trồng đối với các đơn vị có đủ điều kiện.
- Về đất đai: Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện việc rà soát đất đai trong các nông, lâm trường; trong năm 2012 hoàn thành việc rà soát, đo đạc, cắm mốc ranh giới, lập bản đồ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ký hợp đồng thuê đất đối với diện tích đất doanh nghiệp giữ lại sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh.
Hoàn thành việc xác định rõ từng loại đất không thuộc quỹ đất của công ty để chuyển giao cho địa phương quản lý, gồm: Đất không thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý và sử dụng của công ty; đất phục vụ cho các mục đích khác hoặc yêu cầu mới của địa phương; đất công ty để hoang hóa hoặc sử dụng không hiệu quả; đất bị lấn chiếm, đang có tranh chấp, đất cho thuê, cho mượn, liên doanh, đất có khả năng sản xuất nhưng trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại không cần thiết giao cho công ty quản lý và xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai trong các công ty nông, lâm nghiệp.
- Bộ Tài chính hướng dẫn việc cấp, sử dụng kinh phí đo đạc. Cho phép doanh nghiệp có điều kiện ứng kinh phí đo đạc, cắm mốc sau đó trừ vào tiền thuê đất của doanh nghiệp. Nghiên cứu ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách tài chính phù hợp với đặc điểm, mô hình các công ty nông, lâm nghiệp sau khi được sắp xếp chuyển đổi.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tổng hợp các ý kiến bổ sung hoàn chỉnh báo cáo trình Bộ Chính trị, trên cơ sở tổng kết đánh giá trình xin ý kiến sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách cho phù hợp.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện.
Nơi nhận: |
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |