Thông báo 239/TB-VPCP năm 2020 về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 239/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 14/07/2020 |
Ngày có hiệu lực | 14/07/2020 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Cao Lục |
Lĩnh vực | Xây dựng - Đô thị |
VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 239/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 14 tháng 7 năm 2020 |
Ngày 11 tháng 6 năm 2020 tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (sau đây gọi là Ban chỉ đạo) đã chủ trì cuộc họp bàn về việc triển khai chương trình công tác của Ban Chỉ đạo năm 2020, một số nội dung cơ bản về Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới của các cấp giai đoạn 2021- 2025, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng chương trình nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025 và kiện toàn Ban chỉ đạo. Tham dự cuộc họp có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Thường trực Ban chỉ đạo) và đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan là thành viên của Ban chỉ đạo.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ý kiến phát biểu của thành viên của Ban chỉ đạo, đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã kết luận như sau:
Sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (sau đây gọi tắt là Chương trình) đã đạt được những kết quả tích cực, toàn diện, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, xanh, sạch, đẹp hơn; hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục được quan tâm đầu tư, nâng cấp, xây dựng mới; kinh tế nông thôn ngày càng phát triển, đời sống vật chất của nông dân ngày càng được nâng cao; cấu trúc lại cơ cấu kinh tế nông thôn, cơ cấu lao động nông thôn tạo động lực không chỉ phát triển tại chỗ, mà còn thúc đẩy các địa phương, vùng, ngành khác; đời sống văn hóa, tinh thần, của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện; hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng được củng cố, vững mạnh.
Đến tháng 6 năm 2020, cả nước đã có 5.177 xã (58,2%) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 371 xã (4,2%) so với cuối năm 2019; có 09 tỉnh, thành phố có 100% số xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân cả nước đạt 16,2 tiêu chí/xã; có 127/664 đơn vị cấp huyện thuộc 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 14 đơn vị cấp huyện so với cuối năm 2019) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Cả nước đã có 62/63 UBND tỉnh đã phê duyệt, triển khai Đề án/Kế hoạch triển khai Chương trình OCOP; có 34 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng và có quyết định công nhận cho 1.730 sản phẩm OCOP của 1.005 chủ thể tham gia Chương trình OCOP.
Xây dựng nông thôn mới đã thực sự trở thành phong trào mạnh mẽ, rộng khắp trong cả nước, được hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia. Với sự nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng thuận, hưởng ứng, đóng góp tài sản, công sức của người dân, cả nước đã hoàn thành sớm các mục tiêu 5 năm (2016-2020) của Chương trình, sớm hơn gần 02 năm so với kế hoạch được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao.
Đối với nhiệm vụ năm 2020, trong 6 tháng đầu năm, mặc dù có sự điều chỉnh, kiện toàn nhân sự Ban Chỉ đạo, trong bối cảnh cả nước tập trung mọi nỗ lực để chống dịch COVID-19, Ban Chỉ đạo đã chủ động, trách nhiệm, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, đạt nhiều kết quả nổi bật. Ban Chỉ đạo đã hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định ban hành Chương trình công tác năm 2020 của Ban Chỉ đạo Trung ương; phê duyệt, điều chỉnh Bộ tiêu chí đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cho phù hợp với điều kiện thực tế. Đồng thời, chỉ đạo xây dựng Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021 - 2025; Báo cáo chủ trương đầu tư Chương trình giai đoạn 2021 - 2025; đề án kiện toàn hệ thống văn phòng điều phối nông thôn mới các cấp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện, Chương trình còn một số tồn tại, hạn chế, cần tập trung khắc phục có hiệu quả trong thời gian tới. Kết quả xây dựng nông thôn mới của một số vùng còn thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước, trong đó vẫn còn khoảng cách chênh lệch khá lớn giữa các vùng, miền; xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị chưa thực sự rõ nét; phân hoá giàu nghèo ở nông thôn vẫn còn cao; chênh lệch thu nhập giữa 20% nhóm hộ giàu nhất và 20% nhóm hộ nghèo nhất trong nông thôn tăng mạnh, từ 7,5 lần năm 2010 lên 8,6 lần năm 2018; tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn cao gấp 4 lần đô thị; quá trình xây dựng nông thôn mới chưa thực sự gắn chặt với cơ cấu lại kinh tế nông thôn; hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện nhiều nơi còn yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn; liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp và hợp tác xã còn lỏng lẻo, vai trò chủ thể của nông dân chưa được đề cao.
Trong khi đó, những nguồn lực mới cho phát triển nông thôn chưa được phát huy đúng tiềm năng; doanh nghiệp chưa được phát huy hết vai trò trong phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới; đầu tư xã hội cho nông nghiệp thấp, chỉ khoảng 3 tỷ USD/năm, trong đó 50% là ngân sách nhà nước, chỉ có 16,7% là của doanh nghiệp. Tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn có xu hướng gia tăng, nhiều vùng nông thôn bị ô nhiễm không khí, tiếng ồn và nước thải công nghiệp tại chỗ; công tác ứng phó rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu còn hạn chế; đại dịch COVID 19 đã làm cho tiến độ triển khai các dự án, công trình xây dựng nông thôn mới bị ảnh hưởng; tác động xấu đến đời sống, việc làm của người nông dân, lao động nông thôn không có việc làm, tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP 6 THÁNG CUỐI NĂM 2020
1. Năm 2020 là năm then chốt thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ còn lại của giai đoạn 2016-2020 theo hướng nâng cao chất lượng, ngày càng đi vào chiều sâu. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành Trung ương cần căn cứ Chương trình công tác năm 2020 của Ban Chỉ đạo đã được ban hành để tập trung chỉ đạo, đôn đốc các địa phương theo địa bàn được phân công đẩy nhanh tiến độ thực hiện, để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu còn lại của Chương trình trong năm 2020. Đặc biệt, phải kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các biểu hiện chạy theo thành tích, huy động quá sức dân, tự thỏa mãn với thành tích đã đạt được, để không làm ảnh hưởng chung đến kết quả thực hiện của cả nước. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương lồng ghép các mục tiêu, nội dung về xây dựng nông thôn mới vào các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.
2. Về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo và cơ quan liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.
3. Về Báo cáo chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 -2025:
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Tiếp thu ý kiến tham gia của các thành viên Ban Chỉ đạo tại cuộc họp đề rà soát, xem xét điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm; điều chỉnh phương án đề xuất nguồn lực cho phù hợp để vừa bố trí đủ cho các nội dung bổ sung, vừa tránh chồng chéo, vừa tạo điều kiện lồng ghép, phối hợp chặt chẽ với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, nhằm đảm bảo thiết thực, nâng hiệu quả đầu tư.
- Làm rõ vấn đề quy hoạch nông thôn mới cấp xã, huyện trong cả nước, từ đó xác định các nội dung trọng tâm để đề xuất Chương trình phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, của lĩnh vực giai đoạn 2021 - 2025; xác định rõ định hướng phát triển kinh tế nông thôn toàn diện, tạo sinh kế để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống một cách bền vững cho người dân nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, cơ quan có liên quan chủ động hoàn thiện dự thảo Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt; sớm hoàn thiện các thủ tục để trình Quốc hội phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 ngay sau khi Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư Chương trình.
b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
- Chủ trì làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc để làm rõ trách nhiệm, cơ chế phối hợp trong quản lý, điều hành, cơ chế lồng ghép nguồn lực ngân sách Nhà nước thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 ở Trung ương và địa phương, đảm bảo hiệu quả, tránh chồng chéo.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan liên quan tham mưu Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
4. Về Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021-2025:
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu ý kiến các Bộ, cơ quan liên quan, tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện Bộ tiêu chí, đảm bảo tính khả thi. Trong đó, cần lượng hóa các tiêu chí, xây dựng các tiêu chí phù hợp với điều kiện thực tiễn, nguồn lực của địa phương, từng vùng, từng khu vực; phù hợp về địa lý, lịch sử, văn hóa, đặc biệt là trình độ phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi vùng.
5. Đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy nhanh việc triển khai các hoạt động theo phân công của Ban chỉ đạo.
III. VỀ MỘT SỐ ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
1. Đối với Đề án phát triển hệ thống trung tâm cung ứng nông sản hiện đại giai đoạn 2020-2030: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với Bộ Công Thương và cơ quan liên quan: để tiếp tục rà soát, hoàn thiện, đảm bảo sự thống nhất trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
2. Về tổ chức Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo điều hành của Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan chuẩn bị nội dung, thời gian, điều kiện tổ chức cụ thể, gắn với một số hoạt động, báo cáo Trưởng Ban chỉ đạo xem xét, quyết định.