Thông báo 291/TB-VPCP năm 2019 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 291/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 15/08/2019 |
Ngày có hiệu lực | 15/08/2019 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Mai Tiến Dũng |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 291/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 15 tháng 8 năm 2019 |
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH KIÊN GIANG
Ngày 29 tháng 7 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ những tháng còn lại của năm 2019 và một số kiến nghị của Tỉnh. Cùng dự buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ có các đồng chí: Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương; Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế; Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an. Sau khi nghe Báo cáo của lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và ý kiến phát biểu của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận như sau:
Kiên Giang có vị trí chiến lược, là mảnh đất anh hùng, địa linh nhân kiệt, có bề dày lịch sử cách mạng với nhiều tài nguyên phong phú, nguồn lao động dồi dào, hệ sinh thái đa dạng; những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Kiên Giang đã nỗ lực cố gắng, khắc, phục khó khăn, đoàn kết, phát triển khá toàn diện, thành tích nhiều mặt ấn tượng. Trong 6 tháng đầu năm 2019 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,08%, trong đó nông nghiệp tăng 5,1%, công nghiệp tăng 7,38%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tặng 11,26%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 3,17%; thu ngân sách tăng 11,2% so với cùng kỳ. Tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến Đầu tư năm 2019 thu hút hơn 10 tỷ đô la Mỹ vốn đầu tư vào nhiều lĩnh vực.
Các lĩnh vực văn hóa xã hội, giáo dục, y tế được quan tâm và có nhiều tiến bộ, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,14%. Các hoạt động văn hóa, thể thao phát triển rộng khắp. An ninh chính trị được bảo đảm, thế trận quốc phòng toàn dân được tăng cường; Tỉnh đã xây dựng mối quan hệ tốt với các địa phương của nước bạn Campuchia.
Kết quả kinh tế - xã hội Kiên Giang đạt được là tích cực cả về kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh nhưng vẫn còn một số tồn tại, khó khăn: Xuất phát điểm thấp, chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển doanh nghiệp kết quả đạt được chưa tương xứng; tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội, khiếu kiện ở một số nơi còn diện biến phức tạp.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI
Nhất trí với báo cáo của Tỉnh, phát biểu của các Bộ, ngành về một số nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm 2019 và trong thời gian tới; lưu ý một số nội dung công việc sau:
1. Kiên Giang tiếp tục có khát vọng vươn lên mạnh mẽ, phấn đấu trở thành tỉnh thuộc nhóm dẫn đầu, có khả năng tự chủ ngân sách; là động lực tăng trưởng mạnh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; Kiên Giang tiếp tục phát huy hiệu quả lợi thế so sánh và điều kiện tự nhiên, khí chất cần cù, bản lĩnh khắc phục khó khăn, xác định rõ triển vọng phát triển của địa phương trong thời gian tới, trong đó cần đặc biệt chú trọng những mô hình phát triển mới, năng động như phát triển đô thị, năng lượng tái tạo, nông nghiệp chất lượng cao thích ứng với biến đổi khí hậu, khai thác, nuôi trồng hải sản xa bờ, công nghiệp chế biến, kinh tế biển, phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế.
Chủ động phối hợp các Bộ, ngành Trung ương đề xuất thí điểm những cơ chế, chính sách đặc thù trong phát triển sản xuất, kinh doanh, ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn, thu hút những nhà đầu tư lớn, thực chất, giàu kinh nghiệm và có năng lực tài chính vững vàng, áp dụng các công nghệ kỹ thuật tiên tiến, thân thiện với môi trường.
2. Phải chú ý xây dựng quy hoạch tỉnh và làm tốt công tác quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch rừng, sử dụng đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, đảm bảo đồng bộ trong quá trình tích hợp, lập quy hoạch tỉnh và các quy hoạch chuyên ngành, tránh chồng lấn trong phát triển, bê tông hóa; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai, bảo đảm chất lượng môi trường, hạn chế tối đa rác thải nhựa, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và phát triển bền vững, quan tâm đến quyền lợi, sinh kế của người dân.
3. Đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương, liên kết vùng, liên vùng và bố trí dân cư theo hướng tập trung theo cụm đảm bảo phát huy hiệu quả tiện ích từ các dự án đầu tư và giảm chi phí cung ứng các dịch vụ phục vụ đời sống của nhân dân.
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, kết nối, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp và có hình thức xúc tiến đầu tư mạnh mẽ, phù hợp hơn nữa; tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn cam kết tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư vào Kiên Giang năm 2019.
4. Chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng, tay nghề nhằm thực hiện mục tiêu chuyển lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang phát triển dịch vụ và công nghiệp, xây dựng; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, phải phấn đấu trở thành một trong những tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất của vùng và cả nước; làm tốt chính sách dân tộc, tôn giáo.
Bảo đảm an ninh chính trị-và trật tự an toàn xã hội trong quá trình phát triển. Tăng cường công tác đối ngoại, quan hệ hợp tác với các địa phương nước bạn Campuchia và các nước tiếp giáp vùng biển.
5. Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh cả về tổ chức và con người; đề cao tinh thần trách nhiệm, nêu gương của các cấp ủy Đảng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy, khơi dậy tính năng động của cá nhân và tính sáng tạo của tập thể. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai, thực hiện tốt Chỉ thị số 35- CT/TW ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH
1. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng và các cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định hiện hành tiếp tục thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Thông báo kết luận số 114/TB-VPCP ngày 02 tháng 6 năm 2016, số 234/TB- VPCP ngày 25 tháng 5 năm 2017.
2. Về việc đề nghị thành lập thành phố Phú Quốc và huyện đảo Thổ Châu: Giao Bộ Nội vụ hướng dẫn Tỉnh xây dựng báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị trong quý III năm 2019.
3. Về việc quy hoạch huyện đảo Phú Quốc: Tỉnh tích hợp trong quá trình lập quy hoạch tỉnh sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết giải thích một số điều của Luật Quy hoạch.
4. Về việc quản lý đất rừng phòng hộ, đất Vườn quốc gia Phú Quốc và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang rà soát, thống kê số hộ đang sinh sống và sản xuất trong khu vực rừng phòng hộ, Vườn quốc gia Phú Quốc, xác định cụ thể vị trí, diện tích, loại đất, hồ sơ, điều kiện liên quan, đề xuất phương án theo quy định của pháp luật lâm nghiệp, pháp luật đất đai và pháp luật liên quan, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
5. Về việc bổ sung dự án đường hành lang ven biển giai đoạn 2 (Rạch Giá- Hà Tiên) và Quốc lộ 61 (Rạch Sỏi-Ben Nhứt): Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên trong quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, tạo điều kiện cho sự phát triển liên vùng.
6. Về việc nâng cấp tuyến đường Lộ Tẻ-Rạch sỏi (theo tiêu chuẩn đường cao tốc) từ số vốn dư của dự án đường Lộ Tẻ-Rạch sỏi: Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính rà soát phương án sử dụng số vốn dư của Dự án (nếu có), xem xét xử lý theo quy định.
7. Về việc bố trí phần vốn đầu tư công trung hạn 2016-2020 còn lại từ nguồn ngân sách trung ương của Tỉnh: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính căn cứ quy định tại các Nghị quyết sô 71/2018/QH14 ngày 12 tháng 11 năm 2018, số 84/2019/QH14 ngày 14 tháng 6 năm 2019 của Quốc hội và Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ xem xét, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
8. Về việc bổ sung 02 xã đảo An Sơn và Nam Du vào Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016-2020: Đồng ý về nguyên tắc; Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang lập hồ sơ đề xuất gửi Bộ Công Thương để chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
9. Về việc bố trí vốn thực hiện Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo của Tỉnh: Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp căn cứ mục tiêu và nguyên tắc ưu tiên của Chương trình, cơ chế sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ, hỗ trợ Tỉnh thực hiện theo thẩm quyền và quy định hiện hành.
10. Về xử lý tài sản bến cảng Bãi Vòng: Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang khẩn trương lập hồ sơ xử lý tài sản bến cảng Bãi Vòng gửi Bộ Tài chính để chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải đề xuất cơ chế quản lý, sử dụng bến cảng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.