Thông báo 131/TB-VPCP năm 2015 kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang
Số hiệu | 131/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 13/04/2015 |
Ngày có hiệu lực | 13/04/2015 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Kiên Giang |
Người ký | Nguyễn Sỹ Hiệp |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 131/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 13 tháng 04 năm 2015 |
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH KIÊN GIANG
Ngày 18 tháng 3 năm 2015, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng các Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, 138/CP và 389 của Chính phủ thăm và làm việc tại tỉnh Kiên Giang, Cùng đi với Phó Thủ tướng có lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Nội vụ, Công thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ và đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389. Sau khi nghe Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang báo cáo kết quả kinh tế - xã hội, công tác cải cách hành chính, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, công tác phòng chống tội phạm trong thời gian qua và một số kiến nghị của Tỉnh; ý kiến của các Bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận như sau:
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, biểu dương và đánh giá cao cố gắng, nỗ lực khắc phục khó khăn và những kết quả đạt được khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Kiên Giang trong thời gian qua: Tỉnh đã thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, công khai 178 thủ tục hành chính, thực hiện tốt cơ chế một cửa điện tử tại 7/15 huyện, thị xã, thành phố, duy trì tốt việc thực hiện cơ chế một cửa liên thông; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh liên tục được cải thiện (xếp thứ 3 cả nước, dẫn đầu các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long). Năm 2014, các lực lượng đã triển khai kiểm tra, xử lý trên 2.000 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại, xử phạt và nộp ngân sách 76 tỷ đồng. Tỉnh đã tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia phòng chống tội phạm; triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm nguy hiểm và tụ điểm tệ nạn xã hội phức tạp; tỷ lệ điều tra khám phá các vụ trọng án đạt cao.
Năm 2014, kinh tế - xã hội của Tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực: Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 9,51%, thu nhập bình quân đầu người đạt 47 triệu đồng, sản xuất công nghiệp tăng 8,15%, du lịch tăng 40%, thu ngân sách tăng 2,1%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 12,47% so với cùng kỳ. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ: hệ thống giáo dục đào tạo phát triển nhanh; chương trình xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo và đạt kết quả khá; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,58%; giải quyết việc làm cho 33.396 lượt lao động. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; quan hệ đối ngoại với nước bạn Campuchia được tăng cường.
Tuy nhiên, kinh tế-xã hội của Tỉnh vẫn còn khó khăn: một số chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch; hoạt động tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp; khiếu kiện đông người liên quan đến đất đai, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI
Tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế, huy động, sử dụng tốt mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển, phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch 5 năm 2011- 2015 đã đề ra; xây dựng Kế hoạch 5 năm (2016 - 2020) phải bám sát tình hình thực tế, thế mạnh của địa phương, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững đồng thời quan tâm chỉ đạo, thực hiện một số nội dung sau:
1. Tiếp tục đổi mới tư duy trong phát triển, thực hiện tái cơ cấu đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; chủ động nắm bắt thời cơ để hội nhập kinh tế sâu, rộng với các nước, trước hết là các nước trong cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015; thực hiện tốt đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; nâng cao năng lực quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; có giải pháp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đến sản xuất và đời sống của nhân dân;
2. Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa và công khai thủ tục hành chính ở tất cả các ngành, các cấp; tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, trọng tâm là xây dựng và triển khai Đề án xác định vị trí việc làm, thực hiện có hiệu quả Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 về chính sách tinh giản biên chế;
3. Sớm hoàn chỉnh Đề án thành lập Đặc khu kinh tế Phú Quốc để trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ Chính trị xem xét, quyết định. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung nội dung Quyết định số 633/QĐ-TTg ngày 11 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ nhằm khai thác, phát huy hơn nữa tiềm năng phát triển đảo Phú Quốc; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện kết cấu hạ tầng trên đảo, tạo điều kiện thuận lợi và môi trường tốt cho các nhà đầu tư lớn, chiến lược tham gia đầu tư trên đảo;
4. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; kiên quyết xử lý những cán bộ, công chức tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng kịp thời phát hiện các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, hàng giả; tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành thực hiện tốt phong trào toàn dân chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả;
5. Tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 48/CT-TW của Bộ Chính trị và 3 năm thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, ma túy, mua bán người; qua đó, rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra giải pháp thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới. Nắm chắc tình hình, chủ động có kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, không để tội phạm và tệ nạn xã hội hoạt động phức tạp, lộng hành. Tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát, nhất là trên các tuyến giao thông, địa bàn trọng điểm để phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn tội phạm.
6. Gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo. Củng cố thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác với các nước bạn.
III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH
1. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Công an, Quốc phòng và các Bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định hiện hành phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang thực hiện có hiệu quả các Thông báo số 426/TB-VPCP ngày 26 tháng 11 năm 2013, số 433/TB-VPCP ngày 03 tháng 11 năm 2013, số 286/TB-VPCP ngày 02 tháng 8 năm 2013 và số 365/TB-VPCP ngày 03 tháng 10 năm 2013 của Văn phòng Chính phủ; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
2. Về tăng biên chế Công an xã: Bộ Công an nghiên cứu, xem xét bố trí lực lượng Công an cấp xã đủ sức hoàn thành nhiệm vụ, nhất là các xã, thị trấn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự nhưng vẫn phải bảo đảm không tăng biên chế theo Nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 05 tháng 12 năm 2014 và số 01/NQ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ.
3. Về hỗ trợ nhà ở cho người có công: Bộ Xây dựng xem xét, xử lý theo quy định; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
4. Về phòng chống tội phạm và đưa người đi cai nghiện: Bộ Công an tổng hợp, nghiên cứu, xử lý các kiến nghị của Tỉnh về chế độ, chính sách, định lượng tang vật phạm pháp, đưa người vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc.
5. Về hỗ trợ vốn đầu tư dự án xây dựng Trung tâm nghề cá Kiên Giang; đường T3 (ĐT.970B); công trình đê biển kết hợp đường giao thông ven biển (từ Cống Kênh Cụt đến quốc lộ 63); đường ven Sông Cái lớn: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, tổng hợp, cân đối trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 theo quy định của Luật Đầu tư công và Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2014, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
6. Về việc mua xe ô tô phục vụ công tác: Bộ Tài chính tổng hợp chung nhu cầu của các địa phương, trong đó có tỉnh Kiên Giang, đề xuất phương án xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
7. Về Dự án đường ống dẫn khí Lô B cấp khí cho các Trung tâm nhiệt điện ô Môn và Kiên Giang: Thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 114/TB-VPCP ngày 03 tháng 4 năm 2015 của Văn phòng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang và các Bộ, cơ quan biết, thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |