Thông báo 264/TB-VPCP năm 2020 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bến Tre do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 264/TB-VPCP
Ngày ban hành 30/07/2020
Ngày có hiệu lực 30/07/2020
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Mai Tiến Dũng
Lĩnh vực Thương mại,Xây dựng - Đô thị

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 264/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 30 tháng 7 năm 2020

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH BẾN TRE

Ngày 9 tháng 7 năm 2020, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Bến Tre về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020 và một số kiến nghị của Tỉnh. Tham dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Công Thương. Sau khi nghe Báo cáo của lãnh đạo tỉnh Bến Tre và ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan; phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Bến Tre là tỉnh giàu truyền thống cách mạng, phát huy nhiều lợi thế cho phát triển. Trong giai đoạn 2016 - 2020, kinh tế của Tỉnh bình quân tăng 7,2%/năm, thu ngân sách tăng bình quân 13,2%/năm, xuất khẩu tăng 16,3%/năm; nông nghiệp phát triển tương đối khá, nhất là kinh tế vườn; kinh tế biển được chú trọng, xây dựng nông thôn mới được quan tâm đầu tư và vượt kế hoạch về số xã đạt chuẩn nông thôn mới; nhiều dự án năng lượng sạch được quan tâm đầu tư. Trong sáu tháng đầu năm 2020, Bến Tre đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, khắc phục khó khăn thực hiện mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19, vừa thực hiện các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tổ chức vận động hỗ trợ tốt cho người dân khắc phục hậu quả hạn mặn, phục hồi phát triển sản xuất và bảo đảm đời sống nhân dân.

Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và đào tạo được quan tâm đầu tư, an sinh xã hội được bảo đảm; chăm sóc sức khoẻ nhân dân được chú trọng; phòng chống dịch bệnh, nhất là chống dịch Covid-19 được triển khai tốt; tỷ lệ bảo hiểm y tế đạt 92,89%, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,59%; cải cách hành chính có nhiều tiến bộ. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, Bến Tre vẫn là một trong những địa phương khó khăn của vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long: Tái cấu trúc kinh tế còn chậm, quy mô kinh tế nhỏ, thu ngân sách chỉ đảm bảo 58% tổng chi. Hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài, thiếu nước ngọt nghiêm trọng, năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu còn hạn chế, công tác phòng, chống hạn mặn chưa kịp thời làm ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống nhân dân.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI

Tình hình thế giới gặp khó khăn, nhiều nước đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội trong nước và tỉnh Bến Tre. Trong thời gian tới, Tỉnh tập trung làm tốt một số trọng tâm công tác sau:

1. Phát huy kết quả đạt được và kinh nghiệm phát triển trong những năm qua, từ nay đến cuối năm 2020 và những năm tới, Tỉnh rà soát nhiệm vụ được giao, có giải pháp, quyết tâm cao hom nữa, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tập trung giải ngân các nguồn vốn đầu tư, vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, trong đó phấn đấu giải ngân trên 90% vốn đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phấn đấu hoàn thành mức cao nhất mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, xây dựng và tổ chức thực hiện tốt kế hoạch 5 năm tới.

2. Phải đón thời cơ hội nhập quốc tế, tận dụng lợi thế các Hiệp định thương mại tự do CPTPP, nghiên cứu mô hình phát triển kinh tế mới, xây dựng Bến Tre trở thành trung tâm một số lĩnh vực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; tìm giải pháp, cách làm mới thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực có lợi thế phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

3. Khẩn trương triển khai lập quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó lưu ý cần làm tốt quản lý quy hoạch, quản lý tài nguyên và môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn hán xâm nhập mặn; phát triển du lịch đưa Bến Tre trở thành điểm đến du lịch sinh thái. Trước năm 2023, toàn tỉnh Bến Tre phấn đấu ngọt hóa thành công.

4. Xây dựng Bến Tre trở thành trung tâm giống cây trồng, trái cây đặc sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tiếp tục hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản, tổ chức sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái miệt vườn; làm tốt chương trình xây dựng nông thôn mới.

5. Tăng cường cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy quản lý nhà nước, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, chương trình khởi nghiệp, phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 thành lập mới 4.000 doanh nghiệp. Bến Tre phải đi trước một bước trong chuyển đổi số, làm tiền đề phát triển kinh tế số, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

6. Thực hiện tốt các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường quản lý để chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân đánh bắt thuỷ, hải sản vi phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài, thay đổi nhận thức về sự tuân thủ các quy định về không khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU) của ngư dân; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân kéo dài, không để phát sinh điểm nóng. Đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội.

7. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân các cấp; phát huy tinh thần Đồng Khởi, tổ chức thành công Đại hội đảng bộ các cấp, hướng tới Đại hội XIII của Đảng.

III. MỘT SỐ ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH

1. Về việc ban hành cơ chế, chính sách mới trong điều phối, sử dụng nguồn nước sông Mekong: Giao Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long khẩn trương triển khai nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 825/QĐ-TTg ngày 12 tháng 6 năm 2020 để tham mưu, đề xuất, điều phối, kiểm tra, giám sát các hoạt động liên kết, sử dụng hiệu quả nguồn nước sông Mekong, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Về việc đầu tư xây dựng một số hồ chứa nước vùng Tứ giác Long Xuyên: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cân đối, tính toán để đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2021 - 2025 các công trình trữ nước tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có tỉnh Bến Tre, đảm bảo hiệu quả cung cấp nước ngọt cho người dân và phục vụ sản xuất.

3. Về vốn đầu tư giai đoạn 2 các dự án: Hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre, Hệ thống thủy lợi Nam Bến Tre và quản lý nguồn nước - JICA3: Việc đầu tư hoàn thiện khép kín hệ thống thủy lợi đầu mối thích ứng với biến đổi khí hậu, ngọt hóa là cần thiết; Tỉnh Bến Tre nghiên cứu hiệu quả của từng dự án cụ thể, có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan đề xuất nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

4. Về vốn đầu tư dự án Hồ chứa nước ngọt Lạc Địa và dự án Đường giao thông kết hợp đê bao ngăn mặn liên huyện Mỏ Cày Nam - Thạnh Phú: Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp chung các dự án nêu trên theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

5. Về việc chuyển 2.584 ha khu bảo vệ cảnh quan Thạnh Phú (rừng đặc dụng) sang rừng phòng hộ chắn sóng lấn biển: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương tổ chức thẩm định theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

6. Về việc bổ sung quy hoạch cảng nước sâu tại huyện Bình Đại vào quy hoạch hệ thống cảng nước sâu Quốc gia: Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, xem xét kiến nghị của Tỉnh trong quá trình lập Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo khoa học, phù hợp, chặt chẽ.

7. Về việc bổ sung quy hoạch tuyến đường bộ ven biển (kết nối từ Thành phố Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang đến các tỉnh Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng): Đồng ý về nguyên tắc, Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tổng hợp chung kiến nghị của Tỉnh trong quá trình lập Quy hoạch mạng đường bộ Quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Về vốn triển khai dự án trong giai đoạn 2021 - 2025: Sau khi dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung Quy hoạch, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, cơ quan liên quan xem xét, tổng hợp trong quá trình xây dựng “Chương trình đầu tư công sử dụng vốn ODA phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu” theo nhiệm vụ tại Chỉ thị 23/CT-TTg ngày 05 tháng 9 năm 2019, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

8. Về đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2:

- Đồng ý về nguyên tắc, giao Bộ Giao thông vận tải căn cứ vào các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 8 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, thống nhất với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính về khả năng cân đối nguồn vốn, tổng hợp trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Trong thời gian chờ xây dựng cầu, Bộ Giao thông vận tải sớm điều chuyển một số phà để vận chuyển phương tiện vận tải qua Sông Tiền, tránh tình trạng ùn tắc và gây mất an toàn giao thông.

[...]