Thông báo 262/TB-VPCP năm 2020 về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 262/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 29/07/2020 |
Ngày có hiệu lực | 29/07/2020 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Mai Tiến Dũng |
Lĩnh vực | Thể thao - Y tế |
VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 262/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 29 tháng 7 năm 2020 |
Sáng ngày 29 tháng 7 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19. Tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trần Đơn, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Nguyễn Đắc Vinh, đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, đại diện lãnh đạo các Bộ: Y tế , Ngoại giao, Công an, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện lãnh đạo Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Bình Thuận, Khánh Hòa, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ninh.
Sau khi nghe báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, của Ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ý kiến của các Phó Thủ tướng và các đại biểu dự họp, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo như sau:
1. Dịch bệnh COVID-19 đã và đang diễn biến phức tạp, đã nhiều ngày liền xuất hiện các ca nhiễm trong cộng đồng tại Thành phố Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố, chưa xác định được nguồn lây và có nguy cơ lây nhiễm tại nhiều địa phương trong cả nước, nhất là tại các thành phố lớn và các tỉnh lân cận Thành phố Đà Nẵng.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, các bộ, ngành, liên quan, lãnh đạo các địa phương đề cao trách nhiệm, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, triển khai thực hiện nghiêm Lời kêu gọi của Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư (trong đó có Điện ngày 28 tháng 7 năm 2020 của Thường trực Ban Bí thư), các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, không để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, bảo vệ tốt nhất tính mạng và sức khỏe nhân dân; đề nghị các đồng chí Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
2. Các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Y tế, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan báo chí, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về tình hình, diễn biến dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch và khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác, chủ động và tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế tụ tập đông người khi không cần thiết, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn...
3. Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh, đánh giá cao Thành phố Đà Nẵng, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đã triển khai kịp thời, đồng bộ biện pháp phòng, chống dịch phù hợp trên phạm vi toàn Thành phố Đà Nẵng, trong đó có biện pháp giãn cách xã hội trên toàn thành phố, góp phần giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng và các bộ liên quan tiếp tục tăng tốc truy vết nguồn lây, phát hiện nhanh nhất các ca nhiễm trong cộng đồng, cách ly kịp thời các trường hợp có nguy cơ. Bộ Quốc phòng, nhất là Quân khu 5 khẩn trương tổ chức hiệu quả, quản lý chặt chẽ việc cách ly các trường hợp thuộc diện phải cách ly tại Thành phố Đà Nẵng và các địa phương lân cận.
4. Các Bộ: Y tế, Tài chính và các địa phương phải bảo đảm năng lực cho hệ thống y tế, trước hết là công cụ, phương tiện, vật tư phục vụ cho xét nghiệm trên diện rộng và cán bộ, lực lượng chuyên môn đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.
5. Tiếp tục tăng cường năng lực, thực hiện xét nghiệm trên diện rộng trước hết tại Thành phố Đà Nẵng và các địa phương có ca nhiễm trong cộng đồng.
Đối với người đã tiếp xúc người bệnh cần cách ly ngay, đồng thời theo dõi, giám sát y tế chặt chẽ, Bộ Y tế có phương án cụ thể đối với các đối tượng này. Đối với người đã có biểu hiện ho, sốt cần được xét nghiệm ngay.
Các Bộ: Y tế, Quốc phòng tăng cường cán bộ, phương tiện, công cụ, sinh phẩm, vật tư phục vụ xét nghiệm trên diện rộng, tăng tốc việc xét nghiệm tại Thành phố Đà Nẵng và các địa phương liên quan; chú trọng xét nghiệm các trường hợp đã có biểu hiện ho, sốt, đã đến các địa điểm đã bị cách ly, phong tỏa, khu vực có các ca nhiễm bệnh theo thông báo của Bộ Y tế.
Bộ Y tế khẩn trương rà soát, dự báo nhu cầu xét nghiệm; phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức, chỉ đạo mua sắm sinh phẩm, vật tư đáp ứng nhu cầu xét nghiệm; sớm có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề chi trả chi phí xét nghiệm.
6. Đồng ý phương án tăng cường năng lực điều trị, huy động các bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện quân đội, các bệnh viện ở các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế tham gia điều trị bệnh nhân ở Thành phố Đà Nẵng. Bộ Y tế phân công cụ thể việc này, không để bị động.
7. Tùy diễn biến dịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương quyết định mức nguy cơ và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với từng mức nguy cơ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 và 19/CT-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2020. Tất cả các địa phương đều phải khẩn trương rà soát phương án, kế hoạch phòng, chống dịch của địa phương mình, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch trong tình hình mới; trước mắt, các địa phương có ca nhiễm cộng đồng xem xét quyết định việc tạm dừng tổ chức sự kiện có tập trung đông người như lễ hội, khuyến cáo việc hạn chế tập trung đông người tại tiệc cưới, tang lễ... Tăng cường công tác quản lý không để thiếu hàng, sốt giá và các hoạt động gây mất trật tự, trị an trên địa bàn.
8. Bộ Quốc phòng tăng cường chỉ đạo quản lý chặt chẽ biên giới, nhất là các tuyến đường mòn, lối mở; quản lý chặt chẽ các cơ sở cách ty tập trung.
9. Ngành giáo dục và đào tạo, các địa phương có phương án tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học, bảo đảm an toàn.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện./.
|
BỘ
TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |