Thứ 6, Ngày 15/11/2024

Thông báo 244/TB-VPCP năm 2015 về kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Hội nghị sơ kết 2 năm tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 244/TB-VPCP
Ngày ban hành 23/07/2015
Ngày có hiệu lực 23/07/2015
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Văn Tùng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 244/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 23 tháng 07 năm 2015

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI HỘI NGHỊ SƠ KẾT 2 NĂM THỰC HIỆN TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Ngày 11 tháng 7 năm 2015, tại Đồng Tháp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã chủ trì Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, các Bộ, cơ quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, Liên minh hợp tác xã Việt Nam; đồng chí Bí Thư tỉnh ủy Đồng Tháp; đại diện Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long; đại diện một số doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng có liên quan. Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo sơ kết 2 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long và ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo đã có ý kiến kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH

1. Qua 2 năm thực hiện Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng, phê duyệt các đề án, kế hoạch hành động từng ngành, phân ngành; rà soát, điều chỉnh 24 quy hoạch ngành, phân ngành cả nước và từng vùng. Các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai quyết liệt, có 12 tỉnh đã xây dựng đề án hoặc kế hoạch thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, một số tỉnh thành lập ban chỉ đạo và triển khai thực hiện đến tận cấp xã. Công tác tuyên truyền về yêu cầu phải thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp được đẩy mạnh, nhận thức của người dân, các cấp ủy đảng, chính quyền có chuyển biến tích cực. Người dân đã hiểu nông nghiệp muốn phát triển bền vững, hiệu quả, giá trị gia tăng cao phải liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị để mang lại lợi ích cho cả người dân và doanh nghiệp.

2. Kết quả đạt được trong một số lĩnh vực:

a) Trong lĩnh vực trồng trọt: Năm 2014, toàn vùng thực hiện chuyển đổi 78 ngàn ha đất lúa sang cây trồng khác; nhiều mô hình chuyển đổi sang trồng ngô, lạc, đậu nành, vừng khá thành công, đem lại hiệu quả kinh tế cao, trung bình tăng 20-30% so với trồng lúa, có mô hình tăng 100%; cây ngô ở Đồng Tháp, An Giang lợi nhuận cao gấp 1,5-1,8 lần trồng lúa. Thực hiện các dự án cánh đồng lớn trong vụ Đông Xuân 2014-2015 đạt 130 ngàn ha; hoàn thiện và phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất lúa chất lượng cao, đặc sản gắn với bao tiêu, chế biến và xuất khẩu; chú trọng xây dựng cánh đồng lớn sản xuất lúa theo hướng VietGAP, vệ sinh an toàn thực phẩm; quy hoạch cánh đồng lớn phục vụ xuất khẩu. Các địa phương đã lập kế hoạch sản xuất và cung ứng giống theo từng vụ, năm và có sự kiểm soát của cơ quan chuyên môn; nhiều tiến bộ kỹ thuật trong canh tác được áp dụng, nhất là tại các mô hình cánh đồng lớn.

b) Trong lĩnh vực chăn nuôi: Các địa phương chọn đối tượng vật nuôi phù hợp với lợi thế của vùng, hình thành các vùng chăn nuôi trọng điểm; phát triển một số mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi ngành hàng, có 2 tỉnh đã xây dựng đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi.

c) Trong lĩnh vực thủy sản: Các địa phương thực hiện các dự án đóng mới, nâng cấp tàu theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP; triển khai các mô hình ứng dụng tiến bộ trong khai thác và bảo quản sản phẩm trên tàu cá xa bờ. Chủ động sản xuất giống thủy sản chất lượng đối với các đối tượng nuôi chủ lực. Tập trung nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh; chuyển dịch cơ cấu nuôi theo hướng tăng sản lượng tôm thẻ chân trắng; nuôi cá tra đã gắn với nhu cầu của thị trường và hướng tới liên kết theo chuỗi giá trị.

d) Cơ giới hóa nông nghiệp: Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đi đầu cả nước về đầu tư cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp; diện tích đất được làm bằng máy đạt 96%, phun thuốc bảo vệ thực vật đạt 72%, thu hoạch lúa bằng máy đạt 76% diện tích (các chỉ tiêu tương ứng của cả nước là 90%, 45% và 35%); sấy chủ động 46%, xay sát lúa gạo đạt 100%.

đ) Về tổ chức sản xuất: Các hợp tác xã trong vùng hoạt động hiệu quả đạt tỷ lệ khá cao hơn so với cả nước. Kinh tế trang trại đang có xu hướng phát triển mạnh, nhất là ở các hộ gia đình có tiềm năng về đất, vốn, kinh nghiệm sản xuất, cách thức tổ chức sản xuất, kinh doanh tiên tiến.

Vụ hè thu 2014, có 101 doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu lúa gạo cho nông dân trên diện tích 77 ngàn ha, với 2 hình thức phổ biến là liên kết doanh nghiệp với nông dân thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác và liên kết trực tiếp giữa doanh nghiệp với nông dân. Các mô hình liên kết hợp tác sản xuất có hiệu quả đã tạo lòng tin cho nông dân tự nguyện liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã.

e) Xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành được đẩy mạnh đang trở thành phong trào lan rộng, có hiệu quả, làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Toàn vùng có 1.284 xã, bình quân đạt chuẩn 12,02 tiêu chí xã nông thôn mới; có 103 xã đạt 19 tiêu chí; 185 xã đạt 15-18 tiêu chí; 638 xã đạt 10-14 tiêu chí; 349 xã đạt 5-9 tiêu chí; 9 xã đạt dưới 5 tiêu chí.

3. Hạn chế, tồn tại

Bên cạnh các thành tựu đạt được, việc triển khai thực hiện Đề án còn một số hạn chế, tồn tại: Các đề án, kế hoạch thực hiện tái cơ cấu ở các địa phương chưa chi tiết về giải pháp, lộ trình, về phương án lồng ghép kết hợp các nguồn vốn; nhiều địa phương, đơn vị chưa thực sự quan tâm, triển khai chậm, chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ. Chưa có bộ tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nên khó đánh giá địa phương nào làm tốt, chưa tốt. Sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún; mô hình sản xuất cánh đồng lớn có hiệu quả kinh tế cao nhưng phát triển chậm, diện tích lúa tham gia cánh đồng lớn chỉ đạt 3,3% diện tích sản xuất. Tăng trưởng còn tập trung theo chiều rộng, tận dụng tài nguyên thiên nhiên và lạm dụng hóa chất, chưa phát huy tốt vai trò của khoa học công nghệ. Hợp tác xã hoạt động hiệu quả chưa cao; liên kết nông dân-doanh nghiệp, hợp tác xã-doanh nghiệp chưa chặt chẽ. Thị trường tiêu thụ nông sản chủ lực không ổn định; chưa có nhiều thương hiệu sản phẩm. Quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm còn bất cập, chưa truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Triển khai thực hiện các chính sách chậm, còn nhiều bất cập, chưa đạt hiệu quả cao

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm nông nghiệp, nơi có lợi thế so sánh tốt nhất về nông nghiệp của cả nước, nhưng trong bối cảnh nước ta đã, đang và sẽ hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, đồng nghĩa với cạnh tranh ngày càng lớn và gay gắt hơn. Nếu các Bộ, ngành địa phương không chỉ đạo quyết liệt, nhanh chóng thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp thì có thể sẽ thua ngay tại thị trường trong nước và với cả các ngành, lĩnh vực mà nước ta có lợi thế so sánh.

Để tiếp tục phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng và thực hiện đề án tái cơ cấu, cơ bản nhất trí với các nhiệm vụ và giải pháp như báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ý kiến của các đại biểu, đồng thời các Bộ, ngành liên quan và địa phương tập trung vào một số nội dung sau:

1. Các địa phương:

- Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, xác định đây là công việc quan trọng, lâu dài, cần đưa vào kế hoạch hành động của các cấp ủy đảng để tập trung lãnh đạo và chỉ đạo thường xuyên. Khẩn trương phê duyệt các đề án, kế hoạch, chương trình thực hiện tái cơ cấu; thành lập Ban chỉ đạo tái cơ cấu từ tỉnh đến xã, có tổ công tác để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, người sản xuất.

- Rà soát, quy hoạch các vùng chuyên canh phát triển các ngành hàng chủ lực theo định hướng xuất khẩu, lựa chọn các dự án ưu tiên, chủ động thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế, trước hết là các doanh nghiệp để phát triển sản xuất theo đề án tái cơ cấu.

- Bên cạnh cơ chế chính sách chung, các địa phương cần ưu tiên bố trí vốn cho tái cơ cấu nông nghiệp, có chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư trên địa bàn; kết nối với doanh nghiệp để xây dựng, triển khai các dự án đầu tư, tổ chức liên kết hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị, hình thành các tổ hợp nông-công nghiệp-dịch vụ; phát triển hình thức hợp tác liên kết đa dạng giữa nông dân với doanh nghiệp; bám sát từng dự án cụ thể và đối thoại với doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.

- Tuyên truyền vận động nông dân cho thuê đất, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất với doanh nghiệp để hợp tác liên kết sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo chuỗi giá trị nhằm phát triển sản xuất ổn định, hiệu quả, xóa dần tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát. Tiếp tục thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tăng cường trí thức trẻ cho hợp tác xã nông nghiệp.

- Đồng bằng sông Cửu Long là nơi khởi xướng hình thành và phát triển mô hình hợp tác liên kết xây dựng cánh đồng lớn giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà khoa học và nông dân có hiệu quả, các địa phương tiếp tục chỉ đạo tổng kết rút kinh nghiệm, nhân nhanh các mô hình hoạt động hiệu quả ra diện rộng trong sản xuất lúa và các lĩnh vực khác và coi đây là vấn đề then chốt để đẩy mạnh tái cơ cấu.

- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cao, đưa cơ giới hóa vào các lĩnh vực, các khâu từ giống, kỹ thuật canh tác, chăm sóc, nuôi trồng đến thu hoạch, bảo quản, chế biến để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng. Từng ngành, từng khâu công đoạn phải có chỉ tiêu lộ trình cụ thể để phấn đấu thực hiện. Doanh nghiệp là chủ thể phối hợp với các tổ chức khoa học, hợp tác xã, khuyến nông hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, các biện pháp canh tác, sử dụng giống, vật tư tiết kiệm, nâng cao hiệu suất suất sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản. Mở rộng mô hình hợp tác xã cung cấp, quản lý vật tư nông nghiệp để bảo đảm cung cấp vật tư chất lượng tốt, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, giá thành hạ, hạn chế ô nhiễm môi trường.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì, phối hợp với các địa phương trong vùng rà soát điều chỉnh các quy hoạch phát triển sản xuất ngành nông lâm thủy sản, thủy lợi phục vụ thực hiện tái cơ cấu.

- Chủ trì hoặc phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu tổng hợp các dự án đầu tư theo đề nghị của các địa phương, đưa vào kế hoạch trung hạn 2016-2020. Ưu tiên bố trí vốn và theo dõi tình hình thực hiện tái cơ cấu của các địa phương.

[...]