Thông báo 213/TB-VPCP năm 2015 kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Hội nghị về tăng cường đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 213/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 07/07/2015 |
Ngày có hiệu lực | 07/07/2015 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Cao Lục |
Lĩnh vực | Doanh nghiệp,Đầu tư |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 213/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 7 tháng 7 năm 2015 |
Ngày 28 tháng 6 năm 2015, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành về tái cơ cấu ngành nông nghiệp (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì Hội nghị về tăng cường đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp. Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát và Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, lãnh đạo Ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong Ban Chỉ đạo, đại diện các cơ quan có liên quan và một số doanh nghiệp. Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tình hình thực hiện đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp thời gian qua, kiến nghị chính sách, giải pháp để đẩy mạnh thực hiện tăng cường đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp và ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo đã có ý kiến kết luận như sau:
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là “Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao” cần có nhiều nỗ lực và quyết sách mới, trước hết là sự tham gia đầu tư mạnh mẽ của doanh nghiệp vào nông nghiệp.
Các kiến nghị của doanh nghiệp đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nhóm Công tác thu hút đầu tư nông nghiệp nông thôn) tổng hợp và kiến nghị của các đại biểu tại Hội nghị là những khó khăn thách thức đối với doanh nghiệp, trong đó có các vấn đề cần trao đổi và cùng giải quyết như sau:
a) Về đất đai, giải phóng mặt bằng: Đây là cản trở lớn nhất đối với các doanh nghiệp; các Bộ, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư cần rà soát, nghiên cứu đề xuất xử lý. Tuy nhiên, nước ta với mật độ dân số cao, diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân đầu người rất thấp, Do vậy, bên cạnh việc cho các doanh nghiệp thuê đất thì giải pháp ưu tiên, có tính khả thi nhất là doanh nghiệp liên kết, hợp tác với nông dân để tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn, xóa bỏ dần tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát.
b) Về vốn đầu tư: Nhóm Công tác thu hút đầu tư nông nghiệp nông thôn phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, các địa phương làm việc cụ thể với từng dự án, đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ, trong đó lựa chọn tập trung vào một số ngành hàng chủ lực, xây dựng các mô hình để phát triển mở rộng.
c) Về đầu tư hạ tầng cơ sở cho nông nghiệp: Ngoài nguồn vốn ngân sách tập trung đầu tư, cần có cơ chế chính sách huy động nguồn lực tư nhân tham gia đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và thực tế đã có nhiều mô hình đầu tư thành công, hiệu quả theo phương thức này. Vì vậy, doanh nghiệp cần phát huy vai trò nòng cốt, sáng tạo, khả năng về vốn, quản trị để tham gia liên kết đầu tư.
d) Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng quyết định trong việc định hướng liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, các đối tác của nông dân và liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau để kết nối với thị trường đầu vào cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhằm đạt hiệu quả cao. Đối với một số chức năng trước đây do các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện cần nghiên cứu làm thí điểm giao cho các hiệp hội ngành hàng, tổ chức liên kết của các doanh nghiệp thực hiện, khi thành công sẽ triển khai mở rộng trên nhiều lĩnh vực.
đ) Công tác quản lý thị trường phải được quan tâm và có nhiều nỗ lực hơn nữa. Việc quản lý thị trường kém sẽ hạn chế sự sáng tạo, nỗ lực và làm xói mòn cố gắng của các doanh nghiệp làm ăn tốt và lòng tin của người tiêu dùng. Chính phủ sẽ nỗ lực và quyết liệt trong công tác quản lý thị trường, thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp làm ăn chân chính. Mặt khác các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, có trách nhiệm với sản phẩm, đưa ra thị trường những sản phẩm tốt, chất lượng, xóa bỏ tình trạng chỉ chú trọng bán hàng kiếm lợi nhuận, không quan tâm tới lợi ích của cộng đồng.
e) Việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh đã, đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo trong các Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2014 và năm 2015 của Chính phủ, trong đó yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương đều phải có chương trình hành động thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
g) Những góp ý, kiến nghị của đại biểu và doanh nghiệp sẽ được Chính phủ, các Bộ, ngành tiếp thu nghiên cứu. Trong thời gian sớm nhất (tháng 7 năm 2015), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân công đơn vị đầu mối, phối hợp với nhóm Công tác thu hút đầu tư nông nghiệp nông thôn làm việc cụ thể với các doanh nghiệp để thu thập thêm thông tin, kiến nghị các Bộ, ngành chức năng xem xét xử lý kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp.
Trong quý III năm 2015, các Bộ, ngành trả lời bằng văn bản về kết quả giải quyết các kiến nghị thuộc thẩm quyền và đề xuất những vấn đề vượt thẩm quyền, gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo kết quả với Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành về Tái cơ cấu nông nghiệp, đồng thời gửi thông tin đến các doanh nghiệp thành viên nhóm Công tác thu hút đầu tư nông nghiệp nông thôn.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện./,
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |