VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 188/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 21
tháng 07 năm 2016
|
THÔNG BÁO
KẾT
LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ TẠI CUỘC HỌP CỦA BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG VỀ
GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG THỜI KỲ TỪ NĂM 2011 ĐẾN NĂM 2020
Ngày 18 tháng 7 năm 2016, tại trụ sở Chính phủ, Phó
Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững
đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo để cho ý kiến về kết quả thực hiện Nghị quyết
số 76/2014/QH13 ngày 24 tháng 6 năm 2014 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục
tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020; tình hình phân bổ vốn Chương trình mục
tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2016; tình hình thực hiện Quyết định số
398/QĐ-TTg ngày 11 tháng 3 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch
triển khai thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12 tháng 11 năm 2015 về
phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 -
2020; kế hoạch hành động 6 tháng cuối năm 2016 và thời gian tới. Sau khi nghe
lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo, ý kiến phát biểu của các
đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng kết luận như sau:
Đánh giá cao và biểu dương Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan, địa phương tổng hợp đầy
đủ và chuẩn bị tốt nội dung cuộc họp Ban Chỉ đạo, các thành viên Ban Chỉ đạo đã
tham dự đầy đủ và báo cáo về trách nhiệm việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được
giao, góp nhiều ý kiến thiết thực xây dựng kế hoạch 6 tháng cuối năm 2016 và định
hướng hoạt động thời gian tới của Ban Chỉ đạo.
I. Tình hình thực hiện 6 tháng đầu
năm 2016
1. Cơ bản đồng ý với báo cáo đánh giá của Bộ Lao động
- Thương binh và Xã hội. Trong 02 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số
76/2014/QH13, các Bộ, ngành đã chủ động, tích cực rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc
kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách giảm nghèo với lộ trình phù hợp tình
hình và yêu cầu thực tế theo hướng tập trung ưu tiên cho hộ nghèo thuộc đồng
bào dân tộc thiểu số, mở rộng đối tượng hỗ trợ, tăng chính sách hỗ trợ phát triển
sản xuất như y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi, hỗ trợ phát triển sản xuất,...
đem lại những kết quả tích cực, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động
nghiên cứu và phối hợp với các thành viên Ban Chỉ đạo, các Bộ, ngành, địa
phương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án tổng thể chuyển đổi phương pháp
đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020; hướng
dẫn, đôn đốc các địa phương điều tra, tổng hợp, báo cáo về tình hình hộ nghèo,
hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo mới; báo cáo cấp có thẩm quyền công tác giảm
nghèo giai đoạn 2011-2015 và đề xuất Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo
bền vững giai đoạn 2016-2020. Đây là những công việc có ý nghĩa quan trọng, tạo
cơ sở cho việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn tới đạt
những kết quả tốt hơn.
2. Trong 6 tháng đầu năm 2016, mặc dù có thay đổi về
thành viên Ban Chỉ đạo và khuôn khổ pháp lý về quản lý, điều hành Chương trình mục
tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững nhưng cơ quan thường trực và các thành viên
đã có nhiều cố gắng, làm tốt nhiệm vụ được giao. Các Bộ, ngành đã nỗ lực triển
khai thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 398/QĐ-TTg.
Tuy nhiên, một số Bộ, ngành, địa phương còn chậm
phân bổ ngân sách và giải ngân theo mục tiêu, chưa bảo đảm đúng thời hạn thực
hiện nhiệm vụ được giao, cần có giải pháp cụ thể để khắc phục trong thời gian tới.
II. Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm
2016 và trong thời gian tới
Cơ bản thống nhất với đề xuất của Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội. Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tập trung thực hiện một
số nhiệm vụ sau đây:
1. Về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý
về đầu tư liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai
đoạn 2016-2020
a) Về hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi và dự
thảo Quyết định Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn
2016-2020
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì khẩn trương hoàn
thiện báo cáo thẩm định, gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp thu, giải
trình và hoàn chỉnh Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn
2016- 2020 theo đúng quy định của Luật đầu tư công.
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, bổ
sung thêm một số nội dung theo hướng như sau:
+ Kế thừa những mặt được, tích cực của giai đoạn
2011-2015;
+ Cập nhật tình hình về hộ nghèo, hộ cận nghèo và
các chỉ tiêu liên quan trên cơ sở kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo
chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020;
+ Đề xuất giải pháp tôn vinh doanh nghiệp, tập thể,
cá nhân có nhiều đóng góp nguồn lực, cách làm hiệu quả cho công tác giảm nghèo;
+ Tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân tham gia
tuyên truyền về chủ trương, chính sách giảm nghèo; mô hình hiệu quả, tấm gương
nỗ lực vươn lên thoát nghèo để nhân rộng, tạo thêm động lực để người dân tự
vươn lên thoát nghèo.
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp thu,
hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ trong vòng 15 ngày, kể từ ngày nhận được
ý kiến của Hội đồng Thẩm định.
b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện Quyết định
thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020
theo đúng quy định tại Nghị quyết số 100/2015/QH13 nêu trên, đơn vị giúp việc
Ban Chỉ đạo, thành viên Ban Chỉ đạo kiện toàn trên cơ sở đơn vị giúp việc hiện
có; trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25 tháng 7 năm 2016.
c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, trình trong tháng
7 năm 2016 các đề án sau đây:
- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy
chế quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;
- Nghị định của Chính phủ về ban hành cơ chế đặc
thù rút gọn đối với một số dự án có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, Nhà nước
hỗ trợ một phần kinh phí thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn
2016-2020.
d) Đề án trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9
năm 2016 như sau:
- Quyết định phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó
khăn, xã biên giới, xã an toàn khu thuộc diện đầu tư của Chương trình mục tiêu
quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017-2020 do Ủy ban Dân tộc chủ trì;
- Quyết định phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó
khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thuộc đối tượng đầu tư của Chương
trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 do Bộ Lao động
- Thương binh và Xã hội chủ trì.
- Quyết định ban hành tiêu chí huyện nghèo áp dụng
cho giai đoạn 2017-2020.
đ) Các Bộ tập trung nghiên cứu, hoàn thiện, trình cấp
có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các đề án được giao trong
vòng 20 ngày, kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ quyết định Chương trình mục tiêu
quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 các đề án sau đây:
- Đề án Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ
trì:
+ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc,
tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và quy định tỷ lệ vốn đối ứng
của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền
vững giai đoạn 2016 - 2020;
+ Thông tư hướng dẫn thực hiện, quy trình đánh giá,
giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn
2016 - 2020.
- Đề án do Ủy ban Dân tộc chủ trì:
+ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tiêu
chí xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn
2016 - 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều;
+ Thông tư hướng dẫn thực hiện, quy trình đánh giá,
giám sát thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020 (dự án thành phần số
1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020);
+ Quyết định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc
phê duyệt danh sách thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi thuộc
diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020.
- Đề án do Bộ Tài chính chủ trì:
+ Thông tư quy định về thanh toán, quyết toán nguồn
vốn đầu tư thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn
2016 - 2020;
+ Thông tư quy định về quản lý và sử dụng nguồn vốn
sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn
2016 - 2020.
2. Về phân bổ vốn Chương trình mục
tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2016
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, phân
bổ phần kinh phí còn lại của Chương trình năm 2016 để các Bộ, ngành, địa phương
có phương án triển khai thực hiện ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương
trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020;
- Đồng ý với đề xuất: tiếp tục thực hiện các hoạt động
thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững đã phân bổ nhưng chưa
triển khai thực hiện đến ngày 30 tháng 6 năm 2016 và được phân bổ vốn sau ngày
30 tháng 6 năm 2016.
3. Về kiện toàn Ban Chỉ đạo và văn
phòng giúp việc Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu giai đoạn
2016-2020 ở Trung ương và địa phương
- Ở Trung ương: Kiện toàn Văn phòng quốc gia về giảm
nghèo giúp việc Ban Chỉ đạo và trực tiếp giúp việc Bộ trưởng Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội - Phó trưởng Ban Chỉ đạo về quản lý và tổ chức triển khai
thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn
2016-2020; Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông
thôn mới giúp việc Ban Chỉ đạo và trực tiếp giúp việc Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn - Phó trưởng Ban Chỉ đạo về về quản lý và tổ chức triển
khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn
2016-2020; Văn phòng điều phối Chương trình 135 trực tiếp giúp việc Bộ trưởng,
Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về triển khai thực hiện Chương trình 135 giai đoạn
2016-2020. Việc kiện toàn Văn phòng giúp việc phải bảo đảm nguyên tắc: không
tăng biên chế, không tăng chi phí; không tạo ra tầng nấc trung gian, không tăng
thêm thủ tục hành chính; bảo đảm yêu cầu thiết thực, hiệu quả, xử lý nhanh công
việc, thường xuyên theo dõi, đôn đốc và tổng hợp tình hình, kịp thời đề xuất,
kiến nghị.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các thành viên
Ban Chỉ đạo khác thuộc các Bộ, cơ quan liên quan quyết định về đơn vị, cá nhân
giúp việc về các chương trình mục tiêu quốc gia.
- Ở địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện các chương
trình mục tiêu quốc gia và đơn vị giúp việc Ban Chỉ đạo theo các nguyên tắc và
yêu cầu như đối với Ban Chỉ đạo Trung ương.
4. Về tổ chức Hội nghị toàn quốc về
Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững
- Đồng ý với đề xuất tổ chức Hội nghị toàn quốc trực
tuyến về Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững gồm các nội dung
sau: sơ kết tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 76/2014/QH13 nêu trên; tổng
kết tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai
đoạn 2011-2015; tình hình triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bền vững 6
tháng đầu năm 2016 và kế hoạch 6 tháng cuối năm 2016; quán triệt, triển khai Chương
trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 và các quy định
liên quan; kết hợp chuẩn bị tốt nội dung báo cáo phục vụ việc giám sát thực hiện
Chương trình của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội;
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối
hợp Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, các địa phương chuẩn bị kỹ chương
trình, nội dung, thành phần, địa điểm và các vấn đề liên quan.
5. Về tuyên truyền, tôn vinh những
tập thể, cá nhân trong công tác giảm nghèo bền vững
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối
hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội nhà báo Việt Nam tổ chức và phát động
cuộc thi viết về những địa phương, tập thể, cá nhân, hộ gia đình nổi bật trong
giảm nghèo bền vững, những gương điển hình, kinh nghiệm vươn lên thoát nghèo;
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối
hợp với Bộ Nội vụ (Ban thi đua khen thưởng Trung ương), Bộ Thông tin và Truyền
thông phát động phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo”.
6. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các
chính sách
- Các bộ tiếp tục tập trung rà soát để tích hợp hoặc
sửa đổi, bổ sung các chính sách theo hướng tích hợp nhóm chính sách, giảm tối
thiểu số văn bản, hạn chế chính sách chồng chéo, phân tán; xây dựng chính sách mới
để góp phần tạo động lực, khuyến khích để người dân tự lực vươn lên thoát
nghèo. Việc tích hợp, sửa đổi, bổ sung cần tiến hành thận trọng, tránh bỏ sót
chính sách, bỏ sót đối tượng hoặc tạo ra bất hợp lý, không phù hợp với tình
hình thực tế. Bộ chủ trì đề xuất ban hành văn bản về chính sách nào thì chủ trì
rà soát các văn bản về chính sách đó. Cơ quan thường trực (Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội) tổng hợp, trình Ban Chỉ đạo xem xét trong các cuộc họp chuyên đề
của Ban Chỉ đạo.
- Trong tháng 9 năm 2016, các Bộ báo cáo Thủ tướng
Chính phủ về tình hình thực hiện, đề xuất việc tiếp tục thực hiện hoặc bãi bỏ
các chính sách sau đây:
+ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình
Chính phủ chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để giảm nghèo chung trên cơ sở
tích hợp chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình 135, chương
trình 30a và chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo vùng khó khăn theo Quyết
định số 102/2009/QĐ-TTg ngày 07 tháng 8 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ;
+ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối
hợp với Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chính sách bảo hiểm y tế đối với
người dân đang sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải
đảo.
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, trình cấp
có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền chính sách hỗ trợ tín dụng thương mại
ưu đãi về thủ tục đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ là chủ nông trại,
trang trại hoặc hộ tạo nhiều việc làm, thu nhập cho hộ nghèo thoát nghèo.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí vốn ngân
sách nhà nước trong vốn đầu tư công trung hạn bảo đảm cấp bù chênh lệch lãi suất
cho tín dụng chính sách xã hội phục vụ thực hiện các nhiệm vụ liên quan trong Chương
trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan biết,
thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng;
- Các thành viên BCĐ TƯ về giảm nghèo bền vững;
- Các Bộ: LĐTBXH, KHĐT, Tài chính, Y tế, GDĐT, Xây dựng, TTTT, NNPTNT và Ủy
ban Dân tộc;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg; Cổng TTĐT; các Vụ: KTTH, KTN, TH;
- Lưu: VT, KGVX (3), 1b.
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Nguyễn Khắc Định
|