Thông tư 39/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn quy trình kiểm tra và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 39/2016/TT-BLĐTBXH
Ngày ban hành 25/10/2016
Ngày có hiệu lực 10/12/2016
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Người ký Nguyễn Trọng Đàm
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 39/2016/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 2016

 

THÔNG

HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH KIỂM TRA VÀ GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2016-2020

Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Quyết định s 41/2016/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia;

Thực hiện Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội,

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn quy trình kiểm tra và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn quy trình kiểm tra và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 (sau đây gọi tắt là Chương trình).

2. Đối tượng áp dụng

a) Các cơ quan chủ trì, quản lý các dự án, tiểu dự án, các hoạt động thuộc Chương trình;

b) Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện Chương trình.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. “Giám sát” là hoạt động thường xuyên và định kỳ cập nhật các thông tin liên quan đến tình hình thực hiện Chương trình; tổng hợp, phân tích, đánh giá thông tin, đề xuất các phương án phục vụ việc ra quyết định của các cấp quản lý nhằm đảm bảo Chương trình thực hiện đúng mục tiêu, đúng tiến độ, đạt chất lượng và trong khuôn khổ các nguồn lực đã được xác định.

2. “Kiểm tra” là hoạt động định kỳ theo kế hoạch hoặc đột xuất, nhằm kiểm tra việc chấp hành quy định về quản lý Chương trình của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; phát hiện kịp thời những sai sót, yếu kém về quản lý Chương trình theo quy định của pháp luật; kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý những vướng mắc, phát sinh, việc làm sai quy định về quản lý Chương trình; giám sát việc xử lý và chấp hành các biện pháp xử lý các vấn đề đã phát hiện.

3. “Đánh giá” là hoạt động định kỳ theo kế hoạch nhằm xác định mức độ đạt được theo mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể so với quyết định phê duyệt Chương trình. Đánh giá Chương trình bao gồm: Đánh giá đầu kỳ, đánh giá giữa kỳ, và đánh giá cuối kỳ.

4. “Đánh giá đầu kỳ” là đánh giá được thực hiện ngay sau khi bắt đầu thực hiện Chương trình, dự án nhằm xem xét tình hình thực tế của Chương trình, dự án so với thời điểm phê duyệt để có biện pháp xử lý phù hợp.

5. “Đánh giá giữa kỳ” là đánh giá được thực hiện vào thời điểm giữa kỳ theo tiến độ thực hiện Chương trình được phê duyệt, nhằm xem xét tiến độ và kết quả thực hiện Chương trình từ khi bắt đầu triển khai, đề xuất các điều chỉnh cần thiết.

6. “Đánh giá cuối kỳ” là đánh giá được tiến hành vào năm cuối của Chương trình, dự án nhằm xem xét các kết quả đạt được, rút ra các bài học kinh nghiệm.

7. Các chỉ số giám sát, đánh giá và Khung kết quả

a) Đầu vào: là chỉ số thể hiện mức độ huy động các nguồn lực cho hoạt động của Chương trình. Ví dụ như số vốn đầu tư, số ngày công, số cây con giống.

b) Đầu ra: là chỉ số thể hiện hoạt động của Chương trình. Ví dụ như số km đường nông thôn được xây mới, nâng cấp.

c) Kết quả: là chỉ số thể hiện những thay đổi do các hoạt động của Chương trình mang lại. Trong ngắn và trung hạn, chỉ số này thể hiện kết quả trung gian. Ví dụ như thời gian vận chuyển tiết kiệm được nhờ đường nông thôn được xây mới, nâng cấp; năng suất cây trồng được nâng cao nhờ hỗ trợ phát triển sản xuất. Trong dài hạn, chỉ số kết quả thể hiện tác động của Chương trình. Ví dụ như phần trăm nâng cao thu nhập hộ gia đình, tỷ lệ hộ thoát nghèo.

d) Khung kết quả: là một tập hợp của các chỉ số kết quả và một số đầu ra quan trọng mà việc đạt được những chỉ số này sẽ dẫn đến việc đạt được mục tiêu của Chương trình.

Điều 3. Quy trình kiểm tra và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình

1. Quy trình kiểm tra thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 thực hiện theo Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Quy trình giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 thực hiện theo Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này.

[...]