Thông báo 199/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2016 và triển khai nhiệm vụ ngành Kế hoạch và Đầu tư 6 tháng cuối năm 2016 do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 199/TB-VPCP
Ngày ban hành 27/07/2016
Ngày có hiệu lực 27/07/2016
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Sỹ Hiệp
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 199/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 27 tháng 7 năm 2016

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ TẠI HỘI NGHỊ SƠ KẾT 6 THÁNG ĐẦU NĂM VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NGÀNH KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ 6 THÁNG CUỐI NĂM 2016

Ngày 16 tháng 7 năm 2016, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã dự và chủ trì Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2016 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 của ngành Kế hoạch và Đầu tư. Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; đại diện các cơ quan của Đảng, Quốc hội và các Bộ, cơ quan liên quan, Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng các địa phương trong cả nước; Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đơn vị trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kết luận như sau:

Nhất trí với báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ý kiến phát biểu của các đại biểu. Đánh giá cao và biểu dương toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngành Kế hoạch và Đầu tư thời gian qua đã nỗ lực phấn đấu và có đóng góp quan trọng trong việc tham mưu cho Trung ương, Chính phủ nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nhiều văn bản pháp luật quan trọng, như: Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư công, Luật đấu thầu, Luật hợp tác xã,... và các nghị định hướng dẫn.

Trong 6 tháng đầu năm, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường. Trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là thiệt hại nặng nề do thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, sự cố môi trường biển. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực của các hệ thống chính trị, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm đã đạt được nhiều kết quả tích cực: Kinh tế vĩ mô ổn định; Dự trữ ngoại hối đạt mức cao nhất từ trước tới nay; vốn FDI 5 tháng gấp 02 lần; một số ngành công nghiệp tăng cao; hoàn thành và vượt tiến độ 33 công trình giao thông quan trọng; hỗ trợ nhà ở cho trên 15.000 gia đình người có công; xuất cấp hơn 84.000 tấn gạo cứu đói, hỗ trợ sự cố môi trường; đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt kết quả tích cực; quốc phòng an ninh được bảo đảm. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm còn nhiều khó khăn, thách thức: Nợ công cao, áp lực trả nợ lớn; sử dụng vốn đầu tư công kém hiệu quả; bội chi, nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ xấu trong nền kinh tế cao; hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế chậm lại ... Để làm tốt chức năng tham mưu, tổng hợp về kinh tế xã hội cho Chính phủ, thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Nghị quyết của Quốc hội, các chương trình hành động, Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng toàn ngành Kế hoạch và Đầu tư phải chủ động, sáng tạo, đổi mới tư duy, cách làm, tăng cường trách nhiệm trong việc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đã được giao, trong đó lưu ý một số nhiệm vụ cụ thể sau:

1. Quan tâm, làm tốt hơn công tác xây dựng thể chế, mô hình phát triển, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Hoàn thiện Luật Quy hoạch trình Chính phủ vào kỳ họp tháng 7 năm 2016 cho ý kiến để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 năm 2016.

2. Không chỉ quan tâm đến quản lý đầu tư công mà phải thực hiện tốt hơn chức năng quản lý về đầu tư toàn xã hội, trong đó có đầu tư trong nước, quản lý nhà nước về ODA, viện trợ phát triển, FDI, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài,...

3. Sớm có giải pháp để thực hiện có hiệu quả Luật Hợp tác xã; khẩn trương kiện toàn lại bộ máy quản lý hợp tác xã theo nguyên tắc không tăng thêm biên chế, sắp xếp, cơ cấu lại biên chế hiện có để tăng cường năng lực quản lý khắc phục tình trạng trì trệ, yếu kém của kinh tế hợp tác, hợp tác xã.

4. Tăng cường chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của Tổng cục Thống kê, hệ thống thống kê các địa phương; bảo đảm cung cấp kịp thời, chính xác các thông tin, số liệu và phân tích đầy đủ các số liệu thống kê cho các cấp, các ngành.

5. Tăng cường trách nhiệm, đạo đức công vụ, chống tiêu cực, nhũng nhiễu; thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ; kiện toàn bộ máy, xây dựng cán bộ của ngành Kế hoạch và Đầu tư trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của ngành trong thời gian tới.

6. Nâng cao trách nhiệm để phối hợp tốt hơn, chặt chẽ hơn với các bộ, ngành trong công tác chỉ đạo, điều hành và tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

7. Tổ chức thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền cơ chế, chính sách, những kết quả đã đạt được để tạo niềm tin và đồng thuận xã hội. Phát huy vai trò của các đơn vị báo chí trong ngành; chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về hoạt động của ngành Kế hoạch và Đầu tư và xử lý phản hồi của dư luận về cơ chế, chính sách đã ban hành để điều chỉnh phù hợp, hiệu quả.

8. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trung ương và địa phương:

- Chủ động xây dựng các kịch bản tăng trưởng, lạm phát để đối phó với mọi tình huống trong 6 tháng cuối năm; phối hợp với Bộ Công Thương chủ động nghiên cứu, điều tiết tốt khai thác dầu thô theo giá cả thị trường.

- Khẩn trương hoàn thiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, trình Chính phủ và báo cáo Quốc hội đúng thời gian quy định.

- Xây dựng báo cáo chuyên đề về thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); rà soát lại các quy định của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ.

- Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chỉ số phát triển doanh nghiệp của các địa phương và có các chỉ tiêu đo lường cụ thể.

- Khẩn trương xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, phối hợp với Bộ Tài chính triển khai kế hoạch tài chính ngân sách trung hạn để trình Quốc hội vào tháng 10 năm 2016.

- Khẩn trương hoàn thiện khung khổ 02 chương trình mục tiêu quốc gia và 21 chương trình mục tiêu với chất lượng cao nhất, tạo cơ sở thực hiện cho các năm sau. Đôn đốc các bộ là chủ chương trình hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định 2 chương trình mục tiêu quốc gia và 21 chương trình mục tiêu để có căn cứ pháp lý phân bổ, giao vốn và triển khai thực hiện kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch 2016. Đổi mới tư duy và cách làm trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, khắc phục bệnh thành tích, đầu tư nhỏ lẻ, gây lãng phí, thất thoát, hiệu quả kém, phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản trong thực hiện chương trình.

- Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư công năm 2017 phù hợp với định hướng phát triển đã được Đại hội Đảng lần thứ XII thông qua và Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017.

9. Phối hợp cùng với các bộ, ngành:

- Thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu và chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để phấn đấu thực hiện tốt nhất các mục tiêu về kinh tế, xã hội mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đề ra.

- Tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 28 tháng 4 năm 2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 8 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016.

- Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp theo tinh thần của Nghị quyết số 19; phấn đấu năm 2016 đạt các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh tối thiểu bằng mức trung bình của ASEAN-4.

- Tăng cường huy động nguồn lực, khuyến khích khu vực ngoài nhà nước, kể cả FDI tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Đa dạng hóa các hình thức đầu tư, đặc biệt là PPP. Rà soát, hoàn thiện cơ chế quản lý, thu phí đối với các dự án BOT, tăng cường công khai, minh bạch trong lựa chọn dự án, nhà đầu tư và công tác thu phí, thanh quyết toán.

- Quyết liệt thực hiện tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế và tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực theo hướng tăng cường đổi mới, sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh.

- Tập trung phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế, chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, tăng tỷ trọng chế biến sâu đối với nông sản.

- Thúc đẩy tiêu dùng, tổ chức tốt thị trường trong nước, phát triển mạng lưới tiêu thụ, phân phối sản phẩm và thương mại biên giới. Đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh, nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm an ninh an toàn cho khách du lịch; xây dựng và thực hiện Đề án phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

[...]