Thông báo 103/TB-VPCP năm 2015 kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Phiên họp lần thứ 4 của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” ở cấp Trung ương do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 103/TB-VPCP
Ngày ban hành 27/03/2015
Ngày có hiệu lực 27/03/2015
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Kiều Đình Thụ
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý,Quyền dân sự

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 103/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 27 tháng 03 năm 2015

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI PHIÊN HỌP LẦN THỨ 4 CỦA BAN CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP” Ở CẤP TRUNG ƯƠNG

Ngày 06 tháng 3 năm 2015, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Phiên họp lần thứ 4 của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” ở cấp Trung ương (sau đây gọi tắt là Đề án). Tham dự Phiên họp có: Thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án, đại diện một số Bộ, cơ quan Trung ương: Ban Nội chính Trung ương; Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Công an, Quốc phòng, Nội vụ, Công Thương, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Văn phòng Trung ương Đảng, đại diện Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Phúc, Kiên Giang, Hải Phòng, đại diện một số tổ chức giám định tư pháp và thành viên Tổ Thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo.

Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Tư pháp báo cáo về tình hình thực hiện Đề án, Kế hoạch hoạt động và Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện Đề án tại một số địa phương năm 2014 của Ban Chỉ đạo, ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận như sau:

1. Đánh giá về tình hình thực hiện Đề án:

Đánh giá cao công tác theo dõi và chuẩn bị dự thảo Báo cáo đầy đủ, sát thực về tình hình thực hiện Đề án của Bộ Tư pháp giúp Ban Chỉ đạo Đề án đánh giá toàn diện quá trình thực hiện Đề án và tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của Đề án trong năm 2015, bảo đảm công tác giám định tư pháp đáp ứng yêu cầu khách quan, trung thực, nâng cao chất lượng.

Nhất trí với đánh giá về kết quả thực hiện Đề án, những tồn tại, hạn chế và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2015 nêu trong dự thảo Báo cáo. Sau 4 năm triển khai thực hiện Đề án, Chỉ thị số 1958/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 25 tháng 10 năm 2010 về một số giải pháp cấp bách nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp và 2 năm triển khai thực hiện Luật giám định tư pháp đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong nhận thức và hoạt động của các bộ, ngành, địa phương về vị trí, vai trò quan trọng của công tác giám định tư pháp đối với hoạt động tố tụng. Các quy định của Luật giám định tư pháp đã được triển khai thực hiện có hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của hoạt động tố tụng, về cơ bản, đã khắc phục những bất cập của công tác giám định tư pháp như: củng cố tổ chức, kiện toàn bộ máy giám định tư pháp ở trung ương và các địa phương; thanh toán tiền bồi dưỡng giám định tư pháp còn nợ đọng; ban hành chế độ, chính sách đãi ngộ cho cán bộ; đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước hữu quan.

Tuy nhiên, qua các báo cáo cho thấy vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục như: một số Bộ, ngành còn chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật giám định tư pháp; một số địa phương chưa thực sự quan tâm tới việc củng cố, kiện toàn tổ chức giám định tư pháp công lập theo quy định của Luật giám định tư pháp; các Trung tâm giám định pháp y tâm thần khu vực chưa được thành lập kịp thời theo Kế hoạch; việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện Đề án của Ban Chỉ đạo chưa đạt so với Kế hoạch đề ra.

2. Về một số giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới:

Phát huy kết quả, kinh nghiệm trong thời gian qua, các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động tập trung triển khai một số nhiệm vụ sau đây:

a) Các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cần tăng cường nhận thức trong cấp ủy, Ủy ban nhân các cấp, các cơ quan trực thuộc Bộ, ngành và các Thành viên Ban Chỉ đạo cần quyết liệt đôn đốc, kiểm tra để thúc đẩy hoàn thành thực hiện Đề án trong năm 2015; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cán bộ, công chức, viên chức nhận thức rõ về vị trí, vai trò của công tác giám định tư pháp trong hoạt động tố tụng cũng như trách nhiệm của cá nhân, đơn vị đối với tổ chức, hoạt động giám định tư pháp; tăng cường tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp lý và nghiệp vụ cho đội ngũ giám định viên, người tiến hành tố tụng thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ, ngành và địa phương mình nhằm nâng cao chất lượng giám định tư pháp; triển khai chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp theo Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg ngày 01 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Các Bộ, ngành cần thực hiện nghiêm túc việc xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản, đề án để triển khai thực hiện Đề án, Luật giám định tư pháp và hoàn thành trong Quý II năm 2015, cụ thể:

- Bộ Tài chính: Phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng và ban hành quy định về cơ chế cấp phát tài chính nhanh gọn, hiệu quả, bảo đảm cho công tác trưng cầu và giám định tư pháp.

- Bộ Công an:

+ Chủ trì, phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao xây dựng, ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn về trưng cầu, yêu cầu giám định, đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp; thống kê về trưng cầu, yêu cầu giám định; đánh giá việc sử dụng kết luận giám định trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.

+ Xây dựng, triển khai thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự.

- Bộ Y tế:

+ Ban hành các thông tư hướng dẫn về: điều kiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện tối thiểu cho tổ chức pháp y, pháp y tâm thần; quy trình giám định pháp y tâm thần; chế độ phụ cấp đối với giám định viên tư pháp trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần;

+ Xây dựng Đề án thành lập Viện pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa, Đồng Nai trên cơ sở Phân viện của Viện Pháp y tâm thần Trung ương (tại tỉnh Đồng Nai) trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;

+ Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an ban hành Quy chế phối hợp giữa Trung tâm pháp y cấp tỉnh và Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh, các cơ quan liên quan trong việc tiếp nhận trưng cầu và thực hiện giám định pháp y;

+ Xây dựng, triển khai thực hiện Đề án củng cố tổ chức giám định pháp y;

+ Chủ động phối hợp với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội xây dựng triển khai dự án đầu tư, xây dựng trụ sở Viện pháp y quốc gia tại quận Hoàng Mai, Hà Nội trong Quý II năm 2015; báo cáo tình hình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo để Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

- Các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư ban hành các thông tư hướng dẫn về: quy chuẩn chuyên môn hoặc hướng dẫn áp dụng quy chuẩn chuyên môn trong thực hiện giám định tư pháp; hồ sơ giám định tư pháp, mẫu bản kết luận giám định, văn bản ghi nhận quá trình giám định tư pháp trong phạm vi lĩnh vực quản lý.

- Bộ Tư pháp ban hành Chương trình khung bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho người giám định tư pháp, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh việc bồi dưỡng kiến thức pháp lý, nghiệp vụ giám định cho người giám định tư pháp.

- Ủy ban nhân dân các tỉnh: An Giang, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Quảng Ngãi khẩn trương thành lập Trung tâm pháp y cấp tỉnh theo quy định của Luật giám định tư pháp.

3. Tổ chức thực hiện:

a) Bộ Tư pháp hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương tiến hành tổng kết thực hiện Đề án, xây dựng dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Đề án và tổng hợp các Báo cáo, gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, báo cáo Ban Chỉ đạo trong Quý IV năm 2015.

b) Các Bộ, ngành, địa phương cần rà soát để xác định những nhiệm vụ cụ thể đã được giao theo Đề án, Kế hoạch thực hiện Đề án, Kế hoạch triển khai thi hành Luật giám định tư pháp, phối hợp chặt chẽ để thực hiện tốt các công việc cụ thể của Đề án.

[...]