Thông báo 351/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” ở cấp Trung ương ngày 20 tháng 8 năm 2012 do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 351/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 12/10/2012 |
Ngày có hiệu lực | 12/10/2012 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Kiều Đình Thụ |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 351/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 12 tháng 10 năm 2012 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI PHIÊN HỌP BAN CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP” Ở CẤP TRUNG ƯƠNG NGÀY 20 THÁNG 8 NĂM 2012
Ngày 20 tháng 8 năm 2012, phiên họp Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” ở cấp Trung ương đã được tiến hành dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo. Tham dự phiên họp có 13/19 thành viên Ban Chỉ đạo và 15/21 thành viên Tổ Thư ký giúp việc cho Ban Chỉ đạo. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Tư pháp - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo về tình hình triển khai, thực hiện Đề án, Kế hoạch hoạt động và Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện Đề án tại một số địa phương năm 2012 của Ban Chỉ đạo; ý kiến phát biểu của các thành viên Ban Chỉ đạo và đại diện Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Hội Pháp y học Việt Nam, Viện Pháp y quốc gia là khách mời dự phiên họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo đã kết luận như sau:
1. Về tình hình triển khai, thực hiện Đề án, Kế hoạch hoạt động và Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện Đề án năm 2012 và quý I năm 2013
a) Nhất trí về cơ bản nội dung các dự thảo: Báo cáo tình hình triển khai thực hiện Đề án, Kế hoạch hoạt động, Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện Đề án năm 2012 của Ban Chỉ đạo. Tuy nhiên, để phù hợp tình hình thực tiễn, phiên họp lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo tổ chức vào đầu quý II năm 2013, do đó trong Kế hoạch hoạt động, Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện Đề án của Ban Chỉ đạo cũng cần được điều chỉnh thời hạn thực hiện một số nhiệm vụ cho phù hợp.
b) Giao Bộ Tư pháp - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Phiên họp hoàn thiện, ký ban hành Báo cáo tình hình triển khai, thực hiện Đề án. Đối với dự thảo Kế hoạch hoạt động năm 2012 của Ban Chỉ đạo, cần xác định cụ thể những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2012 và quý I năm 2013 để Ban Chỉ đạo tập trung chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao trong năm 2012 - 2013; hoàn thiện Kế hoạch hoạt động, Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện Đề án của Ban Chỉ đạo trình Phó Thủ tướng - Trưởng Ban Chỉ đạo ký ban hành trong tháng 10 năm 2012.
2. Về công tác chỉ đạo thực hiện Đề án
a) Các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được giao theo Đề án và Kế hoạch thực hiện Đề án của Thủ tướng Chính phủ; rà soát lại danh mục các nhiệm vụ, công việc cần phải triển khai thực hiện của năm 2010, 2011, 2012 mà chưa làm thì phải thực hiện, hoàn thành dứt điểm trong quý I năm 2013. Cụ thể như các Bộ: Y tế, Công an, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cần quan tâm chỉ đạo việc nghiên cứu, xây dựng và ban hành các quy trình, quy chuẩn giám định ở các lĩnh vực hoặc hướng dẫn áp dụng các quy chuẩn chuyên môn trong giám định tư pháp thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành mình; bảng tổn hại sức khỏe dùng cho pháp y; phí giám định tư pháp và nhiều nội dung khác, phải hoàn thành trong quý I năm 2013.
b) Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần quan tâm, chỉ đạo tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao nhận thức về trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý về bản chất, vị trí, vai trò của công tác giám định tư pháp trong hoạt động tố tụng; tổ chức tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho đội ngũ người giám định, người tiến hành tố tụng thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ, ngành và địa phương mình.
c) Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp kéo dài thời gian làm giám định cho các giám định viên pháp y, pháp y tâm thần để khắc phục một bước tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần; về lâu dài, cần có đề xuất, báo cáo Chính phủ giải pháp bảo đảm nguồn nhân lực cho lĩnh vực giám định pháp y như các chính sách thu hút, ưu đãi đặc thù trong đào tạo, có mã ngành đào tạo riêng cho chuyên khoa pháp y; cải cách chế độ tiền lương, xây dựng ngạch bậc lương riêng, phụ cấp thâm niên, phụ cấp đặc thù... và các chế độ, chính sách khác cho giám định viên pháp y, pháp y tâm thần.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội sớm hoàn thiện các thủ tục liên quan, bảo đảm kinh phí và các điều kiện khác phục vụ cho việc xây dựng và đưa vào sử dụng trụ sở Viện Pháp y quốc gia tại quận Hoàng Mai - Hà Nội trước năm 2015.
d) Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan quan tâm chỉ đạo, giải quyết dứt điểm tình trạng nợ đọng tiền bồi dưỡng giám định, chi phí giám định của các cơ quan điều tra đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện giám định hoặc tham gia vào hoạt động giám định tư pháp trong quý I năm 2013.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành có liên quan xây dựng và ban hành quy định về cơ chế cấp phát tài chính bảo đảm cho việc trưng cầu và thực hiện giám định tư pháp được thông suốt, khắc phục tình trạng do khó khăn về kinh phí mà ách tắc hoạt động giám định, ảnh hưởng đến thời hạn, hiệu quả của hoạt động tố tụng.
Các Bộ, ngành và địa phương cần quan tâm, chỉ đạo việc lập dự toán năm 2013 sát với yêu cầu của thực tiễn; Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm chỉ đạo thẩm định và bảo đảm việc cấp phát kinh phí nhanh chóng, thuận lợi và đủ đáp ứng yêu cầu của công tác giám định tư pháp.
đ) Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, cơ quan ngang Bộ khác cần quan tâm, giao nhiệm vụ và chỉ đạo các đơn vị chức năng, tổ chức thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ, ngành mình tập trung thực hiện giám định phục vụ hữu hiệu cho công tác phòng chống tham nhũng, giải quyết các vụ án, vì hiện nay có nhiều vụ việc đang ách tắc bởi giám định trong các lĩnh vực này.
e) Bộ Tư pháp khẩn trương hoàn thành việc xây dựng Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật giám định tư pháp; Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thực hiện các giải pháp sắp xếp, củng cố, kiện toàn các tổ chức giám định tư pháp công lập; các Bộ, ngành và địa phương thực hiện các giải pháp bảo đảm Luật giám định tư pháp được triển khai thi hành một cách có hiệu quả.
Bộ Tư pháp cần phát huy hơn nữa vai trò của Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo trong việc theo dõi, đôn đốc các Bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện Đề án có hiệu quả trên thực tế; phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan rà soát, củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo trong thời gian tới, bảo đảm hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo.
g) Tăng cường tổ chức kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ theo Đề án, Kế hoạch của Chính phủ tại một số địa phương, trong đó tập trung kiểm tra việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người thực hiện giám định tư pháp; kiểm tra việc chấp hành quy định về thủ tục trưng cầu, thực hiện giám định, đánh giá chất lượng kết luận giám định tư pháp tại các tổ chức giám định tư pháp.
Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận này, tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo tại phiên họp lần thứ 3 vào đầu quý II năm 2013.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |