Thỏa thuận số 30/2005/LPQT về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục phổ thông và đại học trong những năm 2005 - 2008 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Giáo dục quốc dân và Thể thao nước cộng hòa Ba Lan

Số hiệu 30/2005/LPQT
Ngày ban hành 21/02/2005
Ngày có hiệu lực 17/01/2005
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục,Chính phủ Cộng hoà Ba Lan
Người ký Nguyễn Minh Hiển,***
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ NGOẠI GIAO
******

 

Số: 30/2005/LPQT

Hà Nội, ngày 21 tháng 02 năm 2005 

 

Thỏa thuận giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Giáo dục quốc dân và Thể thao nước cộng hòa Ba Lan về hợp tác trong lĩnh vực giáo phổ thông và đại học trong những năm; 2005 - 2008 có hiệu lực, từ ngày 17 tháng 01 năm 2005 ./.

 

TL. BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG
 



Nguyễn Hoàng Anh

 

THỎA THUẬN

GIỮA BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC QUỐC DÂN VÀ THỂ THAO NƯỚC CỘNG HÒA BA LAN VỀ HỢP TÁC TRONG LĨNH VỰC GIÁO DỤC PHỔ THÔNG VÀ ĐẠI HỌC TRONG NHỮNG NĂM 2005 - 2008

Bộ Giáo dục và Đào tạo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Giáo dục quốc dân và Thể thao nước Cộng hòa Ba Lan, dưới đây gọi là "hai Bên";

Nhằm mục đích phát triển và tăng cường hợp tác toàn diện trong lĩnh vực giáo dục phổ thông và đại học, đồng thời tuân thủ các nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi và tăng cường hiệu quả hợp tác, phù hợp với pháp luật của hai nước;

Căn cứ vào các quy định của Hiệp định hợp tác văn hóa và khoa học giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Ba Lan, ký ngày 28 tháng 5 năm 1992 tại Vác-sa-va;

Đã thỏa thuận như sau:

Điều 1. Hai bên sẽ phát triển hợp tác trong những lĩnh vực sau:

a) Trao đổi kinh nghiệm, tài liệu thông tin và giảng dạy liên quan đến quy hoạch, phát triển và quản lý giáo dục phổ thông, đào tạo đại học và các vấn đề khác liên quan tới giáo dục;

b) Đào tạo cán bộ;

c) Nghiên cứu và phát triển việc dạy tiếng Việt và tiếng Ba Lan.

Điều 2.

1. Hai Bên sẽ ủng hộ sự hợp tác trực tiếp giữa các trường đại học và các cơ sở nghiên cứu khoa học của hai nước trong các lĩnh vực sau:

a) Thực hiện các nghiên cứu khoa học chung;

b) Trao đổi giảng viên đại học và cán bộ khoa học của các cơ sở nghiên cứu khoa học để tham gia giảng dạy và dự hội thảo, hội nghị khoa học;

c) Trao đổi các ấn phẩm và thông tin khoa học.

2. Phạm vi cụ thể và các điều kiện về tài chính của quan hệ hợp tác này sẽ được thỏa thuận giữa các trường đại học và các cơ sở nghiên cứu khoa học có nhu cầu.

Điều 3.

1. Hàng năm, Bên Ba Lan sẽ nhận đến 10 người sang học các ch­ương trình đại học, nghiên cứu sinh và thực tập sinh khoa học tại các trường đại học công lập của Ba Lan.

2. Hàng năm, Bên Việt Nam sẽ nhận đến 10 người gồm sinh viên, nghiên cứu sinh và giảng viên đại học, cán bộ khoa học của các cơ sở nghiên cứu khoa học sang thực tập không quá 10 tháng tại Việt Nam.

3. Thời hạn học tập của sinh viên đại học và nghiên cứu sinh sẽ được xác định theo quy định của Bên nhận.

4. Bên nhận sẽ đài thọ kinh phí đào tạo (thực tập) và tạo điều kiện tìm chỗ ở phải trả tiền trong các ký túc xá.

5. Bên nhận không cung cấp chi phí đi lại cho những người được Bên cử gửi tới nơi học hoặc thực tập và quay trở lại.

6. Trong những trường hợp hợp lý, Bên nhận sẽ tổ chức các khóa học tiếng cho những người được cấp học bổng không biết tiếng Bên nhận. Các sinh viên đại học, cao học, nghiên cứu sinh và thực tập sinh, nếu được Bên nhận cho phép, có thể học tập, nghiên cứu bằng các thứ tiếng khác ngoài các ngôn ngữ chính thức của hai Bên.

7. Bên cử chịu trách nhiệm cấp học bổng để trả tiền thuê nhà và sinh hoạt.

8. Bên cử chuyển cho Bên nhận danh sách tên các ứng viên và các hồ sơ cần thiết chậm nhất là ngày 30 tháng 4 hàng năm.

[...]