THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------
|
Số:
999/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 10 tháng 07 năm 2009
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XÂY DỰNG KHU ĐẠI HỌC PHỐ HIẾN TẠI TỈNH HƯNG
YÊN
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Quyết định số 191/2006/QĐ-TTg ngày 17 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng
Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết
số 54/NQ-TW ngày 14 tháng 9 năm 2005 của Bộ Chính trị;
Căn cứ Nghị quyết số 31/2007/NQ-CP ngày 31 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về việc
xét duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 và kế hoạch sử dụng đất
5 năm (2006-2010) của tỉnh Hưng Yên;
Căn cứ Quyết định số 121/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn
2006-2020;
Xét đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên và Bộ trưởng Bộ Giáo dục
và Đào tạo,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê
duyệt Đề án Xây dựng Khu Đại học Phố Hiến tại tỉnh Hưng Yên, với những nội dung
chính sau đây:
1. Địa điểm và
quy mô sử dụng đất:
- Địa điểm xây dựng tại thành phố
Hưng Yên và huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên: phía Đông giáp tỉnh lộ 61; phía Tây
giáp sông Điện Biên; phía Nam giáp quốc lộ 39A; phía Bắc giáp quốc lộ 38B (quốc
lộ 39B cũ);
- Quy mô sử dụng đất khoản 1.000
ha, trong đó diện tích đất sử dụng xây dựng các cơ sở giáo dục đại học, nghiên
cứu khoa học và phát triển công nghệ khoảng 700 ha và diện tích đất sử dụng xây
dựng đô thị khoảng 300 ha;
2. Mục tiêu:
- Đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô và
nâng cao chất lượng giáo dục đại học cho vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng
Thủ đô Hà Nội, phù hợp với Chiến lược phát triển giáo dục đào tạo và xu thế hội
nhập quốc tế;
- Xác lập mô hình mới về tổ chức
xây dựng, đầu tư các cơ sở giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học và phát triển
công nghệ theo hướng tập trung gắn với hiện đại hóa các cơ sở giáo dục đại học
theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế;
- Góp phần vào việc phân bố mạng lưới
trường đại học, cao đẳng vùng Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng; giãn bớt
một số trường đại học, cao đẳng từ nội thành Hà Nội, tạo điều kiện mở rộng, cải
tạo, đầu tư xây dựng mới cơ sở vật chất kỹ thuật của các trường đại học theo hướng
chuẩn hóa.
3. Yêu cầu:
a) Về tính chất:
- Khu Đại học gồm tổ hợp cơ sở giáo
dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực, cơ sở nghiên cứu khoa học và phát triển công
nghệ chất lượng cao, là một bộ phận của mạng lưới trường đại học, cao đẳng;
- Khu Đại học gồm nhiều pháp nhân
khác nhau được tổ chức quy hoạch và đầu tư xây dựng trong một không gian quy hoạch
thống nhất, bảo đảm tính đồng bộ, hiện đại, mang đậm bản sắc truyền thống; được
khai thác hệ thống hạ tầng và các tiện ích chung; thu hút đầu tư theo quy hoạch
và quản lý theo quy định.
b) Về cơ cấu:
Khu Đại học gồm:
- Các cơ sở giáo dục đại học,
nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được giãn ra từ Hà Nội hoặc được
thành lập mới theo quy định;
- Các cơ sở giáo dục đại học,
nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ hợp tác được thành lập theo quy định
về hợp tác đầu tư, liên kết với nước ngoài.
Trong đó, ưu tiên thu hút các ngành
thuộc lĩnh vực kỹ thuật – công nghệ cao như: công nghệ thông tin, cơ điện tử và
tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học, môi trường của đô thị
và khu công nghiệp; các ngành kinh tế như: quản trị kinh doanh, tài chính –
ngân hàng; các ngành cơ khí nông nghiệp, bảo quản, chế biến nông sản, công nghiệp,
thành phố nông thôn; ngoại ngữ.
4. Quy mô:
a) Quy mô khoảng 80.000 sinh viên
và khoảng 500 – 1.000 cán bộ, nhân viên của các cơ sở nghiên cứu phát triển
khoa học và công nghệ;
b) Quy mô xây dựng công trình:
Diện tích các công trình phục vụ hoạt
động đào tạo, nghiên cứu khoảng 1.537.000 m2 sàn; diện tích các công
trình phục vụ sinh hoạt nội trú sinh viên khoảng 529.000 m2 sàn; diện
tích xây dựng nhà công vụ cho cán bộ, giảng viên khoảng 34.000 m2
sàn.
5. Vốn và nguồn vốn
đầu tư:
a) Kinh phí giải phóng mặt bằng,
xây dựng hạ tầng kỹ thuật chung (cho khoảng 1.000 ha), dự kiến 5.530 tỷ đồng,
trong đó:
- Kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải
phóng mặt bằng, tạo việc làm, ổn định đời sống cho người dân có đất bị thu hồi
khoảng 1.250 tỷ đồng;
- Kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật
chung khoảng 4.280 tỷ đồng.
Nguồn vốn đầu tư bao gồm: thu từ việc
đấu giá quyền sử dụng khoảng 300 ha đất, dự tính khoảng 4.800 tỷ đồng; vốn hỗ
trợ có mục tiêu từ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn huy động hợp pháp, khoảng
730 tỷ đồng.
b) Nguồn vốn xây dựng các cơ sở
giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ gồm:
- Vốn hợp pháp của các cơ sở giáo dục
công lập như: vốn xây dựng cơ bản được đầu tư từ ngân sách nhà nước theo bố trí
kế hoạch hàng năm, vốn thu từ việc chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ tài sản,
quyền sử dụng đất tại các cơ sở cũ của trường khi được giãn hoặc chuyển địa điểm
đến Khu Đại học; vốn tín dụng ưu đãi trong nước, vốn hỗ trợ chính thức ODA; vốn
liên doanh, liên kết đầu tư trong và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác;
- Vốn tự có của các cơ sở giáo dục
ngoài công lập; vốn thu hút xã hội hóa; vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của
Nhà nước.
c) Nguồn vốn xây dựng công trình hạ
tầng xã hội, công trình dịch vụ dân sinh … được huy động từ các nguồn vốn đầu
tư hợp pháp của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
6. Thời gian thực
hiện Đề án: từ năm 2009 đến năm 2020.
Điều 2. Tổ
chức thực hiện
1. Đề án được chia thành 3 giai đoạn
triển khai thực hiện như sau:
- Giai đoạn I (2009 - 2011): lập
quy hoạch chi tiết xây dựng Khu Đại học; bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng;
thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho khoảng 650 ha (gồm 300 ha
đất xây dựng đô thị; 350 ha đất xây dựng các cơ sở giáo dục đại học, nghiên cứu
khoa học và phát triển công nghệ) và thực hiện dự án đầu tư xây dựng một số cơ
sở giáo dục đại học;
- Giai đoạn II (2012 - 2015): hoàn
thành việc đầu tư xây dựng 350 ha và cơ sở hạ tầng kỹ thuật toàn Khu Đại học và
xây dựng một số cơ sở giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học và phát triển công
nghệ;
- Giai đoạn III (2016 - 2020): hoàn
thành toàn bộ các dự án đầu tư, đưa các cơ sở giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa
học và phát triển công nghệ trong Khu Đại học vào hoạt động.
2. Quản lý, đầu tư xây dựng và vận
hành Khu Đại học Phố Hiến:
a) Cơ quan chủ quản đầu tư: Ủy ban
nhân dân tỉnh Hưng Yên;
b) Cơ quan chủ đầu tư: Ban Quản lý
Khu Đại học Phố Hiến.
Ban Quản lý Khu đại học là cơ quan
trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên thực hiện chức năng quản lý nhà nước
trực tiếp đối với Khu Đại học; tổ chức và quản lý các hoạt động cung ứng dịch vụ
hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến đầu tư xây dựng và hoạt động
của Khu Đại học.
Ban Quản lý Khu Đại học Phố Hiến do
Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và phê duyệt quy chế hoạt động trên cơ
sở đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên và Bộ Giáo dục và Đào tạo; có tư
cách pháp nhân, con dấu hình Quốc huy và tài khoản riêng; kinh phí quản lý hành
chính nhà nước, hoạt động sự nghiệp và vốn đầu tư phát triển do ngân sách nhà
nước cấp theo kế hoạch hàng năm và vốn hợp pháp khác.
c) Ban Quản lý Khu Đại học Phố Hiến
có một số nhiệm vụ chính sau:
- Tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh
Hưng Yên và các Bộ, ngành trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật,
chính sách, quy hoạch có liên quan đến hoạt động đầu tư, phát triển Khu Đại học;
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
liên quan xây dựng cơ chế phối hợp làm việc với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy
ban nhân dân tỉnh hoặc các cơ quan liên quan để thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn
được giao theo cơ chế một cửa, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và tổ chức
thực hiện;
- Tiếp nhận đăng ký dự án đầu tư, tổ
chức thẩm tra, cấp và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư;
- Tổ chức lập quy hoạch chi tiết
xây dựng Khu Đại học; lựa chọn thuê tư vấn có đủ năng lực, kể cả tư vấn nước
ngoài; trình cơ quan chủ quản đầu tư tổ chức thẩm định, phê duyệt trên cơ sở ý
kiến thỏa thuận của Bộ Xây dựng;
- Tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất,
lựa chọn nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu Khu Đại học; quản lý, kiểm
tra giám sát xây dựng theo quy hoạch và theo tiến độ được duyệt của các dự án hạ
tầng thành phần, quản lý chất lượng công trình xây dựng và bảo vệ môi trường
theo quy định;
- Thành lập Ban Quản lý dự án giúp
chủ đầu tư làm đầu mối quản lý các dự án hạ tầng thành phần sử dụng vốn có tính
chất ngân sách nhà nước (Vốn vay ưu đãi, vốn ODA, vốn hỗ trợ có mục tiêu của
trung ương hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác);
- Thực hiện các quy định về chính
sách xã hội, lao động, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự,
an toàn xã hội trong Khu Đại học;
- Xây dựng tiêu chí, điều kiện để lựa
chọn các cơ sở đào tạo, nghiên cứu vào Khu Đại học trình Ủy ban nhân dân tỉnh
phê duyệt trên cơ sở ý kiến thống nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tổ chức tiếp
nhận, quản lý xây dựng, hoạt động của các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, phù hợp với
quy hoạch và các quy định của Khu Đại học;
- Ban hành các quy định và quản lý
hoạt động kinh doanh các dịch vụ phát triển hạ tầng, dịch vụ dân sinh thuộc các
thành phần kinh tế đầu tư xây dựng, kinh doanh và cung ứng các dịch vụ trong
Khu Đại học.
3. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân
tỉnh Hưng Yên:
- Thực hiện trách nhiệm của cơ quan
chủ quản đầu tư theo quy định của pháp luật;
- Chỉ đạo thực hiện công tác đền
bù, giải phóng mặt bằng, bố trí tạo việc làm thực hiện chính sách đối với các hộ
dân có đất bị thu hồi, đảm bảo an ninh trật tự xã hội;
- Chỉ đạo việc đấu giá đất, lựa chọn
nhà đầu tư theo quy định;
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục
và Đào tạo trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Quản lý Khu Đại học và phê
duyệt Quy chế hoạt động của Ban Quản lý Khu Đại học;
- Chỉ đạo lập quy hoạch xây dựng, tổ
chức thẩm định và phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết xây dựng Khu Đại
học trên cơ sở ý kiến của Bộ Xây dựng;
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục
và Đào tạo ban hành tiêu chí, điều kiện của các cơ sở giáo dục Đại học, nghiên
cứu khoa học và phát triển công nghệ vào Khu Đại học;
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu
tư, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan đề xuất kế hoạch cân đối vốn hỗ trợ
xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng Khu Đại học, phù hợp với tiến độ;
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ,
ngành liên quan xây dựng và ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các
cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư Khu Đại học, các chính sách ưu đãi,
khuyến khích đối với cán bộ, giảng viên các cơ sở đào tạo và nghiên cứu – phát
triển khi về làm việc tại Khu Đại học.
4. Trách nhiệm của các Bộ, ngành:
a) Bộ Giáo dục và Đào tạo:
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh
Hưng Yên trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Quản lý Khu Đại học Phố Hiến
và Quy chế hoạt động của Khu Đại học; tham gia ý kiến vào quy hoạch Khu Đại học;
ban hành tiêu chí, điều kiện của các cơ sở giáo dục đại học vào Khu Đại học;
- Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện theo
thẩm quyền về công tác quản lý nhà nước về giáo dục tại Khu Đại học; tạo điều
kiện thuận lợi cho các trường đại học thành lập mới và di chuyển về Khu Đại học;
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ
và các Bộ, ngành liên quan xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban
hành các văn bản quy định, hướng dẫn cần thiết, phục vụ cho Khu Đại học và các
cơ chế, chính sách phát triển Khu Đại học;
- Chủ trì đề xuất và tổ chức huy động
các nguồn vốn đầu tư cho các cơ sở đào tạo công lập và phối hợp với Ủy ban nhân
dân tỉnh Hưng Yên huy động các nguồn vốn thực hiện Đề án.
b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài
chính:
Phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh
Hưng Yên, các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu chính sách, cơ chế, bố trí nguồn vốn
ngân sách nhà nước, vận động nguồn vốn ODA, thu hút vốn đầu tư nước ngoài để hỗ
trợ xây dựng và phát triển Khu Đại học Phố Hiến.
c) Bộ Xây dựng:
Hướng dẫn việc lập quy hoạch xây dựng
Khu Đại học và có ý kiến thỏa thuận về quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết trước
khi cơ quan chủ quản đầu tư phê duyệt.
d) Bộ Tài nguyên và Môi trường:
Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành
liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên hướng dẫn việc lập dự án cải tạo và bảo
vệ môi trường; hướng dẫn hoặc ban hành bổ sung các quy định về cơ chế, chính
sách đất đai, quản lý, bảo vệ tài nguyên và môi trường liên quan đến Khu Đại học.
đ) Bộ Nội vụ:
Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục
và Đào tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên và các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn
thực hiện các quy định về cơ cấu tổ chức bộ máy, biên chế và hoạt động của Ban
Quản lý Khu Đại học.
e) Các Bộ, ngành khác liên quan,
theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao phối hợp, hướng dẫn Ủy ban nhân
dân tỉnh Hưng Yên triển khai thực hiện Đề án, bảo đảm tiến độ, hiệu quả của Đề
án.
5. Cơ chế, chính sách ưu đãi:
Khu Đại học Phố Hiến được áp dụng tối
đa các cơ chế, chính sách ưu đãi theo các quy định của pháp luật liên quan đến
giáo dục đại học tại các Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Giáo dục và các quy định
về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo
dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; về cơ chế thí điểm đầu tư
xây dựng công trình hạ tầng xã hội để cho các đơn vị ngoài công lập thuê dài hạn;
về một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho sinh viên các trường đại học,
cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề thuê.
Điều 3. Quyết
định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng cơ
quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu Văn thư, KGVX (5b).
|
KT.
THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Nguyễn Thiện Nhân
|