Quyết định 970/1997/QĐ-TTg năm 1997 về việc phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 970/1997/QĐ-TTg
Ngày ban hành 14/11/1997
Ngày có hiệu lực 29/11/1997
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Ngô Xuân Lộc
Lĩnh vực Đầu tư

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 970/1997/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 1997

 

QUYẾT ĐỊNH

THÁNG 11 NĂM 1997 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP XI MĂNG ĐẾN NĂM 2010

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Nghị định 42/CP ngày 16 tháng 7 năm 1996 của Chính phủ ban hành kèm theo Điều lệ Quản lý đầu tư và xây dựng và Nghị định 92/CP ngày 23 tháng 8 năm 1997 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ Quản lý đầu tư và xây dựng;
Xét đề nghị của Bộ Xây dựng tại các tờ trình Thủ tướng Chính phủ số 626 BXD-VLXD ngày 26 tháng 5 năm 1997 và số 1311 BXD/VLXD ngày 04 tháng 10 năm 1997;
Xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 7017 BKH/CN-VPTĐ ngày 05 tháng 11 năm 1997,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.- Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp xi măng đến năm 2010 do Bộ Xây dựng biên soạn với mục tiêu, quan điểm chủ yếu và những chỉ tiêu chính sau đây:

1. Mục tiêu của ngành xi măng đến năm 2010.

Mục tiêu để phát triển ngành công nghiệp xi măng đến năm 2010 là: Thoả mãn nhu cầu tiêu dùng xi măng (cả về số lượng, chủng loại và chất lượng) cho xây dựng trong nước đồng thời giành một phần để xuất khẩu nhằm cân đối ngoại tệ cho trả nợ và tái sản xuất mở rộng trong các năm sau; từng bước đưa ngành xi măng Việt Nam trở thành một ngành công nghiệp mũi nhọn, có công nghệ hiện đại ngang bằng với các nước trong khu vực, góp phần tăng trưởng kinh tế và thực hiện thắng lợi đường lối công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước.

2. Về quan điểm quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng đến năm 2010.

Về công nghệ: Đảm bảo công nghệ tiên tiến và hiện đại, tự động hoá ở mức cao nhằm tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, điện năng và các vật tư sản xuất; bảo đảm các chỉ tiêu bảo vệ môi trường theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế. Công nghệ áp dụng cho phép sản xuất xi măng chất lượng cao, tiến tới phổ cập mác xi măng PC40 theo phương pháp thử và tiêu chuẩn ISO 679-1989.

Về quy mô và công suất: Kết hợp quy mô lớn, vừa và nhỏ, trong đó khai thác hết năng lực của các cơ sở xi măng lò đứng hiện có, đồng bộ hoá để tận dụng những thế mạnh tại chỗ như nguyên vật liệu, thị trường, nhân lực... nhất là đối với các tỉnh miền núi, Tây Nguyên...

Về bố trí quy hoạch: Việc xây dựng các cơ sở sản xuất xi măng dựa trên sự đánh giá kỹ về nhu cầu thị trường trong nước, thị trường khu vực, đặc điểm tài nguyên, điều kiện hạ tầng, khả năng huy động vốn đầu tư, trình độ quản lý để có thể xác định một cách hợp lý quy mô, địa điểm và thời hạn thực hiện đầu tư của các cơ sở này.

Về huy động các nguồn vốn, cần tranh thủ vốn đầu tư nước ngoài một cách hợp lý đồng thời đảm bảo vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp trong nước đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước. Tuỳ thuộc vào đặc điểm của từng dự án, từng địa phương, từng giai đoạn cụ thể để quyết định phương thức đầu tư (đầu tư trong nước, liên doanh) để thực hiện phương châm trên.

Kết hợp một cách hài hoà đồng bộ giữa các khâu sản xuất và tiêu thụ, giữa các ngành, lĩnh vực liên quan như cơ khí, vận tải, cung ứng vật tư kỹ thuật, xây dựng hạ tầng để đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu xi măng cho các ngành kinh tế và nhu cầu của nhân dân. Khai thác, tận dụng được sự hỗ trợ của các ngành liên quan, đồng thời cũng tạo điều kiện cho các ngành phát triển.

Phát triển công nghiệp xi măng trong mối liên kết chặt chẽ với bảo vệ an ninh quốc phòng, bảo vệ được các di tích văn hoá lịch sử, các danh lam thắng cảnh của đất nước và môi trường, cảnh quan.

3. Các chỉ tiêu của quy hoạch.

a. Các chỉ tiêu về công nghệ sản xuất xi măng: các dự án đầu tư phát triển công nghiệp xi măng thực hiện từ nay đến năm 2010 phải đạt các chỉ tiêu tiên tiến về tiêu hao nguyên vật liệu, nhiệt năng, nồng độ bụi của khí thải, cường độ tiếng ồn, tỷ lệ tự động hoá, năng suất lao động... đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt, giá thành hạ, đủ sức cạnh tranh với xi măng của các nước trong khu vực.

b. Các chỉ tiêu công suất thiết kế công nghiệp xi măng thời kỳ 2000 - 2010:

Năm

2000

2005

2010

Triệu tấn

24,35

34,55

54,55

c. Các chỉ tiêu sản lượng xi măng thời kỳ 2000 - 2010:

Năm

2000

2005

2010

Triệu tấn

18 - 20

27 - 30

41 - 45

Trong đó dự kiến xuất khẩu

1,5 - 2

2 - 4

3 - 5

d. Danh mục và tiến độ dự kiến xây dựng các cơ sở xi măng ghi trong phụ lục kèm theo.

Danh mục các cơ sở dự kiến xây dựng sau năm 2000 là định hướng, Bộ Xây dựng căn cứ định hướng này và tính đến điều kiện thực tế từng giai đoạn để có những hiệu chỉnh cần thiết và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Điều 2.- Yêu cầu phát triển liên ngành và các biện pháp thực hiện quy hoạch.

1. Để phát triển được công nghiệp xi măng cần phải có các giải pháp đầu tư đồng bộ về giao thông vận tải, chế tạo phụ tùng thiết bị, sản xuất gạch chịu lửa...

- Giao Bộ Xây dựng, Tổng công ty Xi măng Việt Nam phối hợp với các Bộ Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập phương án chế tạo phụ tùng trong nước trên cơ sở tận dụng triệt để năng lực sẵn có của tất cả các Bộ, ngành để chủ động trong xây dựng và tiết kiệm vốn đầu tư.

- Giao Tổng công ty xi măng Việt Nam hoàn chỉnh phương án sản xuất gạch chịu lửa phục vụ công nghiệp xi măng. Trước mắt cần sử dụng gạch chịu lửa Cầu Đuống kể cả gạch chịu lửa kiềm tính đang triển khai xây dựng để thay thế nhập khẩu.

- Giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Xây dựng lập phương án đồng bộ phát triển giao thông vận tải phục vụ công nghiệp xi măng (bao gồm cả phương tiện vận tải, phương tiện bốc xếp, các trạm tiếp nhận và phân phối xi măng, cảng sông, cảng biển...).

[...]