Quyết định 96/2001/QĐ-UB phê duyệt Rà soát bổ sung quy hoạch phát triển nông nghiệp - nông thôn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2010

Số hiệu 96/2001/QĐ-UB
Ngày ban hành 18/10/2001
Ngày có hiệu lực 18/10/2001
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Phan Thiên
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 96/2001/QĐ-UB

Đà Lạt, ngày 18 tháng 10 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT RÀ SOÁT BỔ SUNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP- NÔNG THÔN TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2010.

- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ( sửa đổi) ngày 21/06/1994;

- Căn cứ Chỉ thị số 32/TTg ngày 23/9/1998 của Thủ tướng Chính phủ công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội thời kỳ đến 2010;

- Căn cứ văn bản số 2742/BNN.KH ngày 14/9/2001 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc tham gia ý kiến báo cáo rà soát quy hoạch phát triển nông nghiệp - nông thôn tỉnh Lâm Đồng;

- Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng tại tờ trình số 1011 /TT-NN&PTNT ngày 19 /9 /2001, kèm theo báo cáo rà soát bổ sung quy hoạch phát triển nông nghiệp-nông thôn tỉnh Lâm Đồng;

Điều 1: Phê duyệt báo cáo “Rà soát bổ sung quy hoạch phát triển nông nghiệp“ nông thôn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2010 với những nội dung chủ yếu như sau:

1.1. Mục tiêu và phương hướng phát triển:

(1). Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa, đưa nhanh các tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất, đặc biệt là công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch và công nghệ chế biến. Tập trung thâm canh, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, không ngừng nâng cao thu nhập cho nông hộ. Chuyển đổi cơ cấu đất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa phát triển cây trồng-vật nuôi, nhằm đảm bảo cho nông nghiệp-nông thôn phát triển với trình độ cao và bền vững.

- Đạt tốc độ tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp trung bình hàng năm trong thời kỳ 2001-2005: 10-11%, thời kỳ 2006-2010: 8-10%. Trong đó, tốc độ tăng tương ứng của trồng trọt thời kỳ 2001-2005: 9-10%, thời kỳ 2006-2010: 8-9%, chăn nuôi thời kỳ 2001-2005:11-12%, thời kỳ 2006-2010: 9-10%.

- Giảm đáng kể tỉ trọng giá trị sản phẩm trồng trọt bằng cách tăng tỉ trọng giá trị sản phẩm chăn nuôi và dịch vụ trong nông nghiệp-nông thôn.

- Đẩy mạnh công tác trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng, ổn định khối lượng gỗ rừng tự nhiên khai thác hàng năm với mức từ 40.000 - 50.000 m3 gỗ các loại, xây dựng vùng nguyên liệu giấy, đảm bảo đủ nguyên liệu cho nhà máy bột giấy có công suất 50.000 -150.000 tấn/năm và nguyên liệu cho phát triển ngành nghề nông thôn.

(2). Tập trung phát triển mạnh mẽ công nghiệp chế biến các loại nông sản chiến lược của tỉnh như cà phê, chè, dâu-tằm, rau-hoa, sữa, lâm sản nhằm không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm chế biến, hạ giá thành để tăng sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

(3). Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn trong từng vùng, đẩy mạnh phát triển dịch vụ, ngành nghề, gắn với việc tổ chức tiêu thụ hàng hóa cho nông dân.

(4). Tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu vực nông thôn. Trong đó, đặc biệt chú trọng xây dựng hệ thống thủy lợi và cung cấp nước sạch, giao thông nông thôn, điện, chú trọng phát triển mạng lưới cơ sở vật chất kỹ thuật cho giáo dục, y tế, thương nghiệp, văn hóa-thể thao, tăng cường đầu tư cho địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc.

(5). Đến năm 2005 hoàn thành cơ bản chương trình định canh định cư và xóa đói, đến năm 2010 hoàn thành cơ bản chương trình giảm nghèo.

1.2. Bố trí sử dụng đất đến năm 2010:

Tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh: 976.478 ha (100,00%).

- Đất nông nghiệp: 256.221 ha (26,20%).

- Đất lâm nghiệp: 649.894 ha (66,50%).

- Đất chuyên dùng: 43.554 ha (4,50%).

- Đất ở:  8.194 ha (0,84%).

- Đất chưa sử dụng và sông suối: 18.615 ha (1,90%).

1.3. Các chỉ tiêu phát triển sản xuất nông- lâm-ngư nghiệp và công nghiệp chế biến đến năm 2010:

1.3.1. Trồng trọt: Đạt chỉ tiêu về diện tích và sản lượng các loại cây trồng chính như sau:

- Cà phê: Diện tích 120.856 ha, trong đó chuyển từ 20-30% diện tích cà phê vối sang cà phê chè; sản lượng 219.860 tấn.

- Chè: Diện tích 28.000 ha, sản lượng 225.840 tấn.

- Rau: Diện tích 21.000 ha, sản lượng 517.850 tấn.

[...]