Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 1994

Số hiệu 35-L/CTN
Ngày ban hành 21/06/1994
Ngày có hiệu lực 05/07/1994
Loại văn bản Luật
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Nông Đức Mạnh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 35-L/CTN

Hà Nội, ngày 21 tháng 6 năm 1994

 

LUẬT

SỐ 35-L/CTN NGÀY 21/06/1994 CỦA QUỐC HỘI VỀ TỔ CHỨC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN VÀ UỶ BAN NHÂN DÂN

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992, Luật này quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1

Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan Nhà nước cấp trên.

Hội đồng nhân dân thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Trung ương đồng thời phát huy quyền chủ động, sáng tạo của địa phương.

Điều 2

Uỷ ban nhân dân do Hội đồng nhân dân bầu là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm chấp hành Hiến pháp, luật, các văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp.

Điều 3

Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ.

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân quản lý địa phương theo Hiến pháp, luật, các văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, ngăn ngừa và chống các biểu hiện quan liêu, vô trách nhiệm, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác trong cơ quan, cán bộ, viên chức Nhà nước và trong bộ máy chính quyền địa phương.

Điều 4

Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân được tổ chức ở các đơn vị hành chính sau đây:

- Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh);

- Huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện);

- Xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã).

Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân và thể thức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp do Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân quy định.

Điều 5

Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện có Thường trực Hội đồng nhân dân và các ban của Hội đồng nhân dân.

Hội đồng nhân dân cấp xã có Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân.

Điều 6

Nhiệm kỳ của mỗi khoá Hội đồng nhân dân các cấp là năm năm.

Nhiệm kỳ Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp xã theo nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân cùng cấp. Khi Hội đồng nhân dân hết nhiệm kỳ, Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp xã tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Hội đồng nhân dân khoá mới bầu ra Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp xã.

Điều 7

Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Chương IX của Hiến pháp năm 1992 và theo quy định của Luật này.

Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ở mỗi cấp do Chính phủ trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định.

[...]