Quyết định 42/2001/QĐ-UB phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2001 - 2010

Số hiệu 42/2001/QĐ-UB
Ngày ban hành 13/12/2001
Ngày có hiệu lực 13/12/2001
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Đinh Hữu Cường
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 42/2001/QĐ-UB

Đồng Hới, ngày 13 tháng 12 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V “PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH QUẢNG BÌNH THỜI KỲ 2001 - 2010”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân ngày 21/6/1994;

Căn cứ Quyết định số 2371/QĐ-UB ngày 8/12/1999 của UBND tỉnh về việc giao nhiệm vụ bổ sung, hoàn chỉnh và xây dựng quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của các ngành và các huyện, thị xã;

Căn cứ quyết định số 25/2000/QĐ-UB ngày 25/9/2000 của UBND tỉnh về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh thời kỳ 2001 - 2010;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư tại công văn số 614/KHĐT-TH ngày 25 tháng 10 năm 2001 và đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tại công văn số 530/SNN ngày 19/7/2001,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thời kỳ 2001 - 2010 với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. Định hướng tổng quát và mục tiêu phát triển đến năm 2010:

1. Định hướng tổng quát:

- Tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện, đa dựng bền vững, coi trọng đảm bảo an ninh lương thực và tăng nhanh nông sản hàng hóa. Phát triển nông thôn theo hướng mở mang công nghiệp và dịch vụ, đẩy mạnh việc xây dựng, cải tạo và nâng cấp hoàn thiện các công trình hạ tầng nông nghiệp và nông thôn, đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống, đồng thời tăng khả năng phòng tránh, giảm nhẹ và thích nghi với thiên tai.

- Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp phù hợp với hệ sinh thái theo hướng phát triển mạnh cây công nghiệp và chăn nuôi, tạo ra các vùng sản xuất tập trung, thâm canh cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả gắn với công nghiệp chế biến tiên tiến.

- Huy động mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế để trồng mới, chăm sóc, tu bổ, bảo vệ rừng, từng bước phủ xanh đất trống đồi núi trọc, tăng độ che phủ của rừng. Gắn chặt việc khai thác, trồng mới, chế biến lâm sản và tiêu thụ sản phẩm.

- Đẩy nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, thực hiện việc lai tạo, đưa nhanh các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất cao, phù hợp với sinh thái và điều kiện của từng vùng sản xuất.

2. Mục tiêu phát triển:

- Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp thời kỳ 2001 - 2010 tăng trưởng 4,5%.

- Sản lượng lương thực có hạt: 25 - 26 vạn tấn.

- Diện tích cây cao su: 9.000 ha.

- Diện tích cây hồ tiêu: 1.200 ha.

- Diện tích rừng trồng mới thời kỳ 2001 - 2005: 55.000 ha.

- Diện tích thông nhựa: 30.000 ha.

- Diện tích được tưới: 53.000 ha.

II/ Định hướng phát triển từng lĩnh vực:

1. Sản xuất nông nghiệp:

1.1. Trồng trọt:

- Cây lương thực: Đưa các giống lúa kỹ thuật chất lượng cáo vào sản xuất. Thực hiện thâm canh trên diện tích lúa 35.000 ha, ổn định diện tích lúa 47.000 - 48.000 ha. Phấn đấu đến năm 2010 đạt 25.000 - 26.000 vạn tấn lương thực, trong đó có 232.000 tấn lúa. Lương thực bình quân đầu người 275 kg/năm. Chuyển một số diện tích sang trồng lúa có chất lượng cao để xuất khẩu.

- Cây công nghiệp và cây ăn quả: Khuyến khích các thành phần kinh tế, nhất là hộ gia đình trồng cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày. Hình thành các tiều vùng chuyên canh cây công nghiệp ngắn ngày ở bãi bồi ven sông, cây công nghiệp và cây ăn quả ở phía Tây các huyện, thích hợp với đất đai thế mạnh của từng vùng. Tập trung phát triển một số loại cây trồng phục vụ cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu như: cao su, mía, lạc, thông nhựa, hồ tiêu, tre, luồng...

[...]