Quyết định 56/2004/QĐ-UB phê duyệt Chương trình Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2004 - 2010
Số hiệu | 56/2004/QĐ-UB |
Ngày ban hành | 02/04/2004 |
Ngày có hiệu lực | 02/04/2004 |
Loại văn bản | Quyết định |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Lâm Đồng |
Người ký | Phan Thiên |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 56/2004/QĐ-UB |
Đà Lạt, ngày 02 tháng 04 năm 2004 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
- Căn cứ Văn bản số 4284/KNKL ngày 05/11/2003 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc xây dựng mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao;
- Xét Tờ trình số 516/TT-NN và PTNT ngày 23/3/2004 của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng về việc đề nghị phê duyệt Chương trình Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2004- 2010;
Điều 1: Phê duyệt Chương trình Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2004 - 2010 với các nội dung chủ yếu sau :
1- Tên chương trình: Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2004 -2010.
2- Cơ quan thường trực điều phối chương trình: Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng.
3 - Phạm vi, địa điểm thực hiện: địa bàn các huyện, thị, thành phố thuộc tỉnh Lâm Đồng.
4 - Mục tiêu chủ yếu:
4.1 - Mục tiêu chung :
Nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị đất sản xuất nông nghiệp; xây dựng thương hiệu và tạo lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm đặc thù của Lâm Đồng trên thị trường tiêu thụ trong nước và ngoài nước; từng bước nâng cao sản lượng hàng hóa và quy mô phát triển theo hướng sản xuất khép kín.
4.2 Mục tiêu cụ thể :
- ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau, hoa, cây cảnh, dâu tây tại Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng; đến năm 2005 đạt 500 - 1.000 ha và đến năm 2010 đạt 2.000 ha sản xuất theo quy trình nông nghiệp công nghệ cao.
- ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất các giống chè và phát triển vùng nguyên liệu chè chất lượng cao ở Đà Lạt, Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh; đến năm 2005 đạt 1.000 - 1.500 ha và đến năm 2010 đạt từ 4.000 - 5.000 ha.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình phát triển giống bò thịt chất lượng cao với quy mô đàn đến năm 2005 là 2.000 con và năm 2010 là 12.000 con; tiếp tục thực hiện chương trình phát triển giống bò sữa chất lượng cao và điều chỉnh lại quy mô đàn đến năm 2005 là 5.000 - 7.000 con và 2010 là 10.000 con chủ yếu là đàn bò sữa thuần.
5. Nội dung và giải pháp chủ yếu:
5.1 - Quy hoạch các khu nông nghiệp công nghệ cao trong năm 2004:
- Quy hoạch các vùng sản xuất rau, hoa, cây cảnh, dâu tây công nghệ cao tại Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng với quy mô diện tích từ 100 - 500 ha/vùng.
- Quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu chè chất lượng cao tại Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh và thành phố Đà Lạt với tổng diện tích 4.000 ha.
- Quy hoạch phát triển nông lâm kết hợp gắn với phát triển chăn nuôi bò sữa, bò thịt chất lượng cao tại các khu vực: xã Long Lanh - huyện Lạc Dương, các xã vùng Loan - huyện Đức Trọng, các huyện Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, Bảo Lộc, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên; quy mô diện tích bình quân từ 100-500 ha/điểm cho phát triển chăn nuôi tập trung.
5.2 Xây dựng và thực hiện các dự án đầu tư trực tiếp phát triển nông nghiệp công nghệ cao từ năm 2004 :
- Dự án nâng cao năng lực sản xuất giống rau, hoa, dâu tây theo quy trình nông nghiệp công nghệ cao của Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp Lâm Đồng.
- Dự án nâng cao năng lực sản xuất các giống chè chất lượng cao của Trung tâm Nghiên cứu chè và cây ăn quả Lâm Đồng.
- Các dự án hỗ trợ đầu tư xây dựng mô hình sản xuất rau, hoa, dâu tây theo quy trình nông nghiệp công nghệ cao tại thành phố Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng.
- Dự án hỗ trợ đầu tư mô hình sản xuất chè chất lượng cao tại Đà Lạt.
5.3 Xây dựng và thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ đầu tư.
a - Chính sách về đất đai: Nhà nước tạo quỹ đất trong khu quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao cho các nhà đầu tư thuê ổn định lâu dài theo từng dự án được duyệt và tạo điều kiện về đền bù, giải phóng mặt bằng, cơ sở hạ tầng đến ranh giới vùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao.