ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 911/QĐ-UBND
|
Phú Yên, ngày
28 tháng 5 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÂN CẤP QUẢN LÝ DI TÍCH - DANH THẮNG ĐÃ ĐƯỢC
XẾP HẠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua
ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6
năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18
tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21
tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật
Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao
và Du lịch tại Tờ trình số 504/TTr-SVHTTDL ngày 12 tháng 4 năm 2013 về việc đề
nghị phê duyệt Đề án phân cấp quản lý di tích - danh thắng đã được xếp hạng
trên địa bàn tỉnh Phú Yên,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm
theo Quyết định này Đề án phân cấp quản lý di tích - danh thắng đã được xếp hạng
trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Điều 2. Chánh Văn phòng
UBND tỉnh; Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thủ trưởng các sở, ban,
ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch UBND các xã,
phường, thị trấn và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Quang Nhất
|
ĐỀ ÁN
PHÂN CẤP QUẢN LÝ DI TÍCH - DANH THẮNG ĐÃ ĐƯỢC XẾP HẠNG TRÊN
ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 911/QĐ-UBND ngày 28/5/2013 của Chủ tịch
UBND tỉnh Phú Yên)
Phần thứ nhất
CĂN CỨ PHÁP LÝ ĐỂ PHÂN CẤP
QUẢN LÝ
I. Căn cứ pháp
lý để phân cấp quản lý di tích - danh thắng
- Luật Di sản văn hóa năm 2001 và
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009;
- Nghị định 98/2010/NĐ-CP ngày
21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số
điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản
văn hóa;
- Quyết định số 1706/2001/QĐ-BVHTT
ngày 24/7/2001 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin về việc
phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị
di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đến năm 2020.
II. Mục đích,
yêu cầu
1. Mục đích
- Giao quyền hạn và trách nhiệm quản lý di tích
- danh thắng (gọi chung là di tích) cho đơn vị quản lý và các đơn vị phối hợp
quản lý.
- Giải quyết cơ bản giữa yêu cầu bảo tồn di sản
văn hóa vật thể với phát triển kinh tế, xã hội trước mắt và lâu dài ở các địa
phương có di tích.
- Tạo cơ sở cho việc định hướng, thực hiện kế hoạch
và những giải pháp bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích theo hướng xã hội
hóa.
- Khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức,
cá nhân có di tích tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di tích; giáo dục ý thức
giữ gìn, bảo vệ di tích; nâng cao lòng tự hào dân tộc, truyền thống yêu nước,
yêu quê hương cho quần chúng nhân dân, cán bộ, thanh niên, học sinh; kịp thời
ngăn chặn hành vi xâm phạm di tích.
2. Yêu cầu
- Việc phân cấp quản lý được tiến hành từng bước,
thận trọng; vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
- Đơn vị quản lý và các đơn vị phối hợp quản lý
có trách nhiệm quản lý, bảo quản, tu bổ và phát huy giá trị di tích có hiệu quả
và đồng bộ.
Phần thứ hai
SỰ CẦN THIẾT PHÂN CẤP QUẢN
LÝ DI TÍCH - DANH THẮNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
I. Thực trạng
công tác quản lý di tích
1. Công tác điều tra, tổng kiểm
kê và lập hồ sơ di tích
Trong những năm qua, công tác điều
tra, tổng kiểm kê di tích trên địa bàn Tỉnh được tiến hành thường xuyên.
Hiện nay, toàn Tỉnh có 39 di tích được xếp hạng, trong đó có 18 di tích xếp hạng
cấp quốc gia và 21 di tích xếp hạng cấp Tỉnh. Các di tích còn lại đã được kiểm
kê và từng bước lựa chọn lập hồ sơ đề nghị xếp hạng.
Việc xây dựng hồ sơ di tích thực hiện đúng quy định
của Luật Di sản văn hóa; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn
hóa. Tuy vậy, với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội ở một số địa phương hiện
nay khá nhanh dẫn đến những hạn chế, thiếu sót trong việc lập hồ sơ di tích. Một
số di tích khoanh vùng còn mang tính chủ quan, không kịp thời tổ chức cắm mốc
chỉ giới bảo vệ di tích, công bố bản đồ khoanh vùng di tích nên khu vực bảo vệ
của nhiều di tích bị xâm phạm, gây không ít khó khăn trong quản lý, bảo vệ và
phát huy giá trị di tích.
2. Công tác bảo tồn, tôn tạo,
phát huy giá trị di tích
Nhờ sự quan tâm đầu tư của Trung ương và địa
phương, trong mấy năm qua một số di tích ở địa phương đã được bảo tồn, tôn tạo
như: Di tích lịch sử Vũng Rô, di tích lịch sử Mộ và Đền thờ Lương Văn Chánh, di
tích khảo cổ Thành An Thổ, di tích lịch sử Nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu
tiên ở Phú Yên, Di tích lịch sử Khu căn cứ tỉnh Phú Yên trong kháng chiến chống
Mỹ, di tích thắng cảnh Bãi Môn - Mũi Điện, di tích thắng cảnh Gành Đá Đĩa, di
tích lịch sử Địa điểm diễn ra cuộc Đồng khởi Hòa Thịnh… Những di tích được đầu
tư tôn tạo, tu bổ trở thành địa chỉ văn hóa, phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch,
giáo dục truyền thống, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.
Tuy nhiên, số kinh phí được cấp cho công tác bảo
tồn, tôn tạo di tích còn hạn chế, lại dàn trải nhiều nơi, nhiều công trình; việc
huy động các nguồn lực để trùng tu, tôn tạo di tích trên địa bàn gặp nhiều khó
khăn nên tình trạng xuống cấp di tích diễn ra. Bên cạnh đó, một số di tích đã
được đầu tư, tôn tạo, song chưa có phương án khai thác hiệu quả; việc phân cấp
quản lý chưa thực hiện nên việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích còn hạn
chế.
3. Công tác quản lý di tích
Thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ di tích - danh thắng,
Luật Di sản văn hóa (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và các văn bản hiện hành của Bộ
Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã
ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện công tác quản
lý di tích. Nhờ vậy, nhiều di tích trên địa bàn đã được quản lý, bảo vệ; việc
xâm phạm di tích được phát hiện ngăn chặn kịp thời, vai trò quản lý Nhà nước về
di tích từng bước được tăng cường.
II. Sự
cần thiết phân cấp quản lý di tích
Công tác quản lý di tích trong thời gian qua bộc
lộ một số khó khăn, hạn chế, do di tích trên địa bàn tỉnh trải dài từ đèo Cù
Mông đến đèo Cả, phần lớn ở xa địa bàn dân cư, đi lại khó khăn; công tác tuyên
truyền, phổ biến pháp luật về di sản văn hóa trong cộng đồng dân cư quanh khu vực
di tích chưa được quan tâm đúng mức nên nhận thức của nhân dân về bảo tồn di sản
văn hóa chưa cao; chưa phát huy tính năng động của địa phương và cộng đồng
trong bảo vệ và phát huy giá trị di tích; tình trạng lấn chiếm, vi phạm khu vực
bảo vệ di tích xảy ra ở một số di tích.
Tỉnh Phú Yên có đầy đủ 4 loại hình di tích: Di
tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ và danh lam thắng cảnh,
nhưng tính tập trung không cao, gây khó khăn cho việc quản lý, bảo vệ và phát
huy giá trị di tích. Mặt khác, các di tích có lịch sử lâu đời, trải qua nhiều
biến thiên của lịch sử, thêm vào đó là tình trạng thời tiết khắc nghiệt và một
phần do ý thức gìn giữ chưa cao của con người nên nhiều di tích đã xuống cấp.
Việc phân cấp quản lý là nhằm tăng cường hơn nữa vai trò chủ động của các địa
phương, đơn vị trong quản lý di tích, cũng như nâng cao tính chủ động, sáng tạo
trong khai thác, tu bổ và phát huy giá trị của di tích.
Nhằm khắc phục tình trạng
trên, đồng thời nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp và các chủ thể được
giao quản lý di tích, từng bước xã hội hóa công tác tu bổ, tôn tạo các di tích
và phát huy giá trị di tích trong tiến trình hội nhập, cần tiến hành phân cấp
quản lý các di tích trên địa bàn tỉnh.
Phần thứ ba
NỘI DUNG PHÂN CẤP QUẢN
LÝ DI TÍCH - DANH THẮNG
I. Nội dung
phân cấp di tích
- Tỉnh tập trung quản lý một số di
tích có giá trị khoa học và lịch sử mang tầm quốc gia và khu vực, các di tích có yêu cầu chuyên môn cao.
- Phân cấp cho các huyện, thị xã,
thành phố quản lý các di tích quốc gia đã xếp hạng và các di tích do UBND tỉnh
ra quyết định xếp hạng.
- Phân cấp cho xã (phường, thị trấn)
quản lý các di tích chưa được xếp hạng và các di tích đã xếp hạng theo
phân cấp của UBND huyện, thị xã, thành phố.
- Phân cấp các đình, chùa, nhà thờ,
lăng, miếu cho các chủ thể đang quản lý theo quy định của pháp luật.
II. Các di tích phân cấp quản
lý
Hiện nay, toàn Tỉnh có 18 di tích được xếp hạng
di tích cấp quốc gia và 21 di tích được xếp hạng di tích cấp Tỉnh. Trên cơ sở mục
đích, yêu cầu và nội dung quản lý di tích đề ra, các di tích được xếp hạng phân
cấp cho địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân quản lý như sau:
1. Ban Quản lý di tích tỉnh: Chịu trách
nhiệm quản lý chung và quản lý chuyên môn các di tích được xếp hạng và trực tiếp
quản lý 07 di cấp quốc gia và 01 công trình, gồm:
- Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia:
Tháp Nhạn (Phường 1, thành phố Tuy Hòa);
- Di tích lịch sử cấp quốc gia: Vũng Rô (xã Hòa
Xuân Nam, huyện Đông Hòa);
- Di tích thắng cảnh cấp quốc gia: Bãi Môn - Mũi
Đại Lãnh (xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa);
- Di tích khảo cổ cấp quốc gia: Thành An Thổ nơi
sinh đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên Đảng Cộng sản Việt Nam (xã An Dân,
huyện Tuy An);
- Di tích thắng cảnh cấp quốc gia: Gành Đá Đĩa
(xã An Ninh Đông, huyện Tuy An);
- Di tích thắng cảnh cấp quốc gia: Núi Đá Bia
(xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa);
- Di tích lịch sử cấp quốc gia: Đường số 5 (huyện
Tây Hòa và Đông Hòa);
- Công trình Đài tưởng niệm Núi Nhạn (Phường 1,
thành phố Tuy Hòa).
2. Thành phố Tuy Hòa: Quản lý 02 di tích cấp tỉnh,
gồm:
- Di tích khảo cổ: Tháp Chăm Đông Tác (Phường
Phú Thạnh);
- Di tích lịch sử: Địa điểm quản thúc và giải
thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (địa điểm xã Bình Kiến);
3. Thị xã Sông Cầu: Quản lý 03 di tích, gồm
01 di tích quốc gia và 02 di tích cấp tỉnh, gồm:
- Di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia: Vịnh
Xuân Đài (phần thuộc thị xã Sông Cầu);
- Di tích lịch sử: Mộ và Đền thờ Đào Trí (Phường
Xuân Đài);
- Di tích lịch sử: Hành cung Long Bình (Phường
Xuân Phú).
4. Huyện Tuy An: Quản lý 11 di tích, gồm
05 di tích quốc gia và 06 di tích cấp tỉnh, gồm:
- Di tích thắng cảnh cấp quốc gia: Đầm Ô Loan;
- Di tích lịch sử cấp quốc gia: Nơi diễn ra vụ thảm
sát Ngân Sơn - Chí Thạnh;
- Di tích lịch sử cấp quốc gia: Địa đạo Gò Thì
Thùng (xã An Xuân);
- Di tích lịch sử quốc cấp gia: Mộ và Đền thờ Lê
Thành Phương (xã An Hiệp);
- Di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia: Vịnh
Xuân Đài (phần thuộc huyện Tuy An);
- Di tích lịch sử: Vụ thảm sát Gò É, Gộp Dệt (xã
An Xuân);
- Di tích lịch sử: Những vụ thảm sát ở An Lĩnh
(xã An Lĩnh);
- Di tích lịch sử: Vụ thảm sát Gành Đá - Vũng Bầu
(xã An Hải);
- Di tích lịch sử: Vụ thảm sát thôn Phú Sơn (xã
An Ninh Đông);
- Di tích lịch sử: Vụ thảm sát chợ Giã (xã An
Ninh Tây);
- Di tích lịch sử: Những vụ thảm sát xã An Hòa
(xã An Hòa).
4. Huyện Đồng Xuân: Quản lý 03 di tích, gồm
01 di tích quốc gia và 02 di tích cấp tỉnh, gồm:
- Di tích lịch sử cấp quốc gia: Nơi thành lập
Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tỉnh Phú Yên (Thị trấn La Hai);
- Di tích lịch sử: Mộ và Đền thờ Nguyễn Hào Sự
(xã Xuân Phước);
- Di tích lịch sử: Suối Cối (xã Xuân Quang 1).
5. Huyện Sơn Hòa: Quản lý 03 di tích, gồm 01 di
tích cấp quốc gia và 02 di tích cấp tỉnh, gồm:
- Di tích lịch sử cấp quốc gia: Căn cứ của tỉnh
Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ (xã Sơn Long, Sơn Định, Sơn Xuân);
- Di tích lịch sử: Trại an trí Trà Kê (xã Sơn Hội).
- Di tích lịch sử: Địa điểm quản thúc và giải
thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (địa điểm Thị trấn Củng Sơn);
6. Huyện Phú Hòa: Quản lý 04 di tích, gồm 02 di
tích quốc gia và 02 di tích cấp tỉnh, gồm:
- Di tích lịch sử cấp quốc gia: Mộ và Đền thờ
Lương Văn Chánh (xã Hòa Trị);
- Di tích khảo cổ cấp quốc gia: Thành Hồ (Thị trấn
Phú Hòa);
- Di tích lịch sử: Núi Sầm (xã Hòa Trị);
- Di tích danh thắng: Gành Đá (xã Hòa Thắng).
8. Huyện Tây Hòa: Quản lý 03 di tích, gồm
01 di tích quốc gia, 02 di tích cấp tỉnh, gồm:
- Di tích lịch sử cấp quốc gia: Địa điểm diễn ra
cuộc Đồng Khởi Hòa Thịnh (xã Hòa Thịnh);
- Di tích danh thắng: Núi Hương, bầu Hương, chùa
Hương (xã Hòa Phong, xã Hòa Mỹ Tây, xã Hòa Mỹ Đông);
- Di tích lịch sử: Địa điểm quản thúc và giải
thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (địa điểm xã Hòa Thịnh).
9. Huyện Đông Hòa: Quản lý 02 di tích cấp tỉnh, gồm:
- Di tích lịch sử: Mộ Nguyễn Hữu Dực (xã Hòa Hiệp
Trung);
- Di tích lịch sử: Núi Hiềm (xã Hòa Xuân Đông);
10. Các di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh khác:
Bao gồm: Di tích lịch sử - nghệ thuật: Chùa Từ Quang
(chùa Đá Trắng) thuộc xã An Dân, huyện Tuy An; Di tích lịch sử - văn hóa: Chùa
Khánh Sơn (Phường 9, TP. Tuy Hòa); Di tích lịch sử - văn hóa: Lăng Phú Lạc (xã
Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa); Di tích lịch sử - văn hóa: Đình Ngọc Lãng (xã
Bình Ngọc, TP. Tuy Hòa) sẽ do chính quyền địa phương và chủ sở hữu di tích phối
hợp quản lý.
Các di tích xếp hạng cấp tỉnh tiếp theo ở tổ chức,
cá nhân hoặc chủ sở hữu được giao quản lý ở địa phương nào thì tổ chức, cá nhân
và chủ sở đó chịu trách nhiệm quản lý.
Các di tích xếp hạng cấp quốc gia tiếp theo, Sở
Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu đề xuất cho UBND tỉnh phân cấp quản lý, tạo
điều kiện cho các di tích được bảo tồn và phát huy.
Phần
thứ tư
TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Sở Văn hóa,
Thể thao và Du lịch giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về di tích trên địa
bàn; Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, UBND các huyện, thị xã,
thành phố tham mưu trình UBND tỉnh đối với công tác trùng tu, tôn tạo di tích
theo kế hoạch; tổ chức giao nhận hồ sơ, tài liệu về di tích cho các đơn vị quản
lý; xây dựng Quy chế quản lý và phát huy giá trị di tích và Quy chế phối hợp quản
lý các di tích trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt.
2. Sở Kế hoạch
và Đầu tư, Sở Tài chính, các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan căn cứ thực trạng
di tích cũng như nguồn vốn ngân sách tham mưu UBND tỉnh trong công tác bảo quản,
tu bổ và phục hồi di tích.
3. UBND các huyện, thị
xã, thành phố:
- Phối hợp với Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch hàng năm lập kế hoạch trùng tu, tu bổ di tích ở địa
bàn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức giao nhận hồ sơ di tích; xây dựng
nội dung bảo vệ, tham quan, phát huy giá trị di tích trên địa bàn.
- Chịu trách nhiệm tổ
chức, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên phạm vi địa phương theo phân cấp
quản lý của UBND tỉnh; kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm phạm di tích;
căn cứ đề án của tỉnh tiếp tục xây dựng đề án phân cấp quản lý các di tích được
giao trên địa bàn theo chức năng; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
và các sở, ban, ngành trong quản lý, bảo quản, tu bổ và phát huy giá trị di
tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Di sản văn hóa và các văn bản hiện hành của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
và của UBND tỉnh Phú Yên.
4. Các cơ quan thông tấn,
báo chí có trách nhiệm phổ biến, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của việc phân cấp
di tích, nhằm thực hiện tốt phương châm xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy
giá trị di tích theo tinh thần của Luật Di sản văn hóa; Luật sửa đổi, bổ sung một
số điều của Luật Di sản văn hóa.
5. Các cơ
quan, tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích có
trách nhiệm bảo vệ di tích; trường hợp phát hiện di tích bị lấn chiếm, hủy hoại
hoặc có nguy cơ bị hủy hoại phải kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn và
thông báo kịp thời cho cơ quan chủ quản cấp trên trực tiếp hoặc UBND địa phương
biết để xử lý.
6. Các cơ
quan, tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích
căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp và tổ chức thực hiện Đề án hiệu
quả. Trong quá trình thực hiện sẽ xem xét tiếp
tục điều chỉnh cho phù hợp với sự phát triển chung./.