Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 1706/2001/QĐ-BVHTT phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin ban hành

Số hiệu 1706/2001/QĐ-BVHTT
Ngày ban hành 24/07/2001
Ngày có hiệu lực 24/07/2001
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Văn hoá và Thông tin
Người ký Lưu Trần Tiêu
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ VĂN HÓA - THÔNG TIN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 1706/2001/QĐ-BVHTT

Hà Nội, ngày 24 tháng 7 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA VÀ DANH LAM THẮNG CẢNH ĐẾN NĂM 2020

BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA - THÔNG TIN

- Căn cứ nghị định 81/CP ngày 08 tháng 11 năm 1993 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Văn hóa - Thông tin;
- Căn cứ Chỉ thị số 32/CT ngày 23 tháng 9 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng quy hoạch phát triển ngành đến 2010;
- Căn cứ các văn bản thỏa thuận của các Bộ, ngành có liên quan (Bộ Xây dựng tại văn bản số 1887/BXD-KTQH ngày 12 tháng 10 năm 2000; Bộ Kế hoạch và Đầu tư số 6663/BKH/LĐVX ngày 27/10/2000; Bộ Tài chính số 4470/TC/HCSN ngày 30/10/2000; Tổng cục Du lịch số 1053/TCDL- KHĐT ngày 31/10/2000; Hội Khoa học lịch sử Việt Nam số 31/HSH ngày 29/9/2000);
- Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Bảo tồn bảo tàng tại công văn số 563/BTBT ngày 03/10/2000;
- Theo đề nghị của Trưởng Ban quy hoạch và Vụ trưởng Vụ Kế hoạch;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

I. Đối tượng của Quy hoạch

- Là các địa điểm khảo cổ, di tích lịch sử và di tích kiến trúc nghệ thuật cùng toàn bộ các di vật, bảo vất quốc gia, các giá trị văn hóa vi vật thể có liên quan tới các di tích đó.

- Là các danh lam thắng cảnh có giá trị lịch sử, thẩm mỹ, khoa học.

II. Các quan điểm bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh

1. Việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh (sau đây gọi là di tích) phải đảm bảo tính trung thực của lịch sử hình thành các di tích, không được làm sai lệch các giá trị và đặc điểm vốn có của di tích, phải giữ gìn nguyên vẹn, không làm biến đổi những yếu tố cấu thành của di tích, đảm bảo tính nguyên gốc của di tích.

2. Bảo tồn phải gắn với phát huy những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của di tích, với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, sự phát triển của các ngành hữu quan, nhất là các ngành Du lịch, Giao thông công chính, Xây dựng v.v. Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích nhằm đặt cơ sở pháp lý và khoa học, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các ngành và địa phương.

3. Tạo lập sự hài hoà giữa phát triển kinh tế, quá trình đô thị hóa với bảo vệ các di tích; ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất đai và xây dựng các công trình không phù hợp trong các khu vực bảo vệ của di tích.

4. Nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước, thực hiện xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị các di tích. Huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước, nâng cao nhận thức và sự tham gia đóng góp của toàn xã hội trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích.

III. Mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di tích đến 2020

1. Mục tiêu lâu dài

Giữ gìn nguyên vẹn và đầy đủ các di tích đã và đang được xếp hạng, không để xuống cấp, tổn thất hoặc bị huỷ hoại.

Nâng cao nhận thức, phát huy các giá trị của di tích trong việc giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa và truyền thống văn hiến của dân tộc cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ; giới thiệu bản sắc và tinh hoa văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam với các nước, là cơ sở quan trọng để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc như Nghị quyết Trung ương 5 đã đề ra.

Trong điều kiện cho phép, các di tích cần được tu bổ, tôn tạo một cách hoàn chỉnh với tư cách là một sản phẩm du lịch có giá trị phục vụ chiến lược phát triển ngành Du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về di tích và danh lam thắng cảnh theo hướng ở rộng quá trình xã hội hóa, thu hút sự tham gia rộng rãi của nhân dân vào việc bảo vệ và phát huy di tích, gắn với quản lý nhà nước bằng pháp luật.

2. Mục tiêu cụ thể

Đến 2005, hoàn thành cuộc tổng kiểm kê di tích, phân loại, hoàn thiện hồ sơ khoa học cho từng di tích, đưa vào lưu trữ quốc gia (ngân hàng dữ liệu về di tích) và ở các địa phương.

Đến 2010, 50% di tích quốc gia đặc biệt được Nhà nước đầu tư tu bổ và tôn tạo trong đó ưu tiên các di tích về lịch sử cách mạng và kháng chiến; 50% các di tích quốc gia được đầu tư tu bổ và tôn tạo bằng nhiều nguồn vốn khác nhau. Các di tích khác đã được xếp hạng, chủ yếu huy động sự đóng góp của nhân dân để tu bổ, chống xuống cấp,

Từ 2000 đến 2010, hoàn thành việc xây dựng các cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành bảo tồn di tích (các phòng thí nghiệm bảo quản, các xưởng phục chế, các trung tâm lưu trữ tư liệu về di tích...).

IV. Định hướng cơ bản trong tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích

1. Định hướng chung

1.1. Trong tu bổ, chống xuống cấp di tích

1.1.1. Khi thực hiện việc tu bổ, chống xuống cấp các công trình di tích phải lập dự án trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát, đánh giá toàn diện các giá trị di tích gốc.

[...]