Pháp lệnh Bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh năm 1984 do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 14-LCT/HĐNN7
Ngày ban hành 31/03/1984
Ngày có hiệu lực 04/04/1984
Loại văn bản Pháp lệnh
Cơ quan ban hành Hội đồng Nhà nước
Người ký Trường Chinh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 14-LCT/HĐNN7

Hà Nội, ngày 04 tháng 04 năm 1984

 

PHÁP LỆNH

CỦA HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC SỐ 14-LCT/HĐNN7 NGÀY 04/04/1984 VỀ BẢO VỆ VÀ SỬ DỤNG DI TÍCH LỊCH SỬ, VĂN HOÁ VÀ DANH LAM, THẮNG CẢNH

Di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh là tài sản vô giá trong kho tàng di sản lâu đời của dân tộc Việt Nam.

Để bảo vệ và sử dụng có hiệu quả di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh trong việc giáo dục truyền thống dựng nước và giữ nước của nhân dân Việt Nam, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội và lòng tự hào dân tộc, nâng cao kiến thức, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, đáp ứng nhu cầu về thẩm mỹ và văn hoá của nhân dân, xây dựng nền văn hoá mới và con người mới xã hội chủ nghĩa, làm giàu đẹp kho tàng di sản văn hoá dân tộc và góp phần làm phong phú văn hoá thế giới;

Để tạo điều kiện đảm bảo vệ cho nhân dân thực hiện quyền làm chủ tập thể trong việc bảo vệ và sử dụng các di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh;

Để đề cao trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân trong việc bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh;

Căn cứ vào Điều 46 và Điều 100 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Pháp lệnh này quy định việc bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1

Di tích lịch sử, văn hoá là những công trình xây dựng, địa điểm, đồ vật, tài liệu và tác phẩm có giá trị lịch sử, khoa học, nghệ thuật cũng như có giá trị văn hoá khác hoặc có liên quan đến những sự kiện lịch sử, quá trình phát triển văn hoá, xã hội.

Danh lam, thắng cảnh là những khu vực thiên nhiên có cảnh đẹp hoặc có công trình xây dựng cổ, đẹp nổi tiếng.

Mọi di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh đều được Nhà nước bảo vệ.

Điều 2

Nhà nước thống nhất quản lý các di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh. Việc quản lý Nhà nước đối với các di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh gồm:

1- Kiểm kê, đăng ký, công nhận và xác định các loại hình di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh.

2- Quy định chế độ bảo vệ, sử dụng di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh và tổ chức việc thực hiện các chế độ đó.

3- Thanh tra việc thi hành những quy định của pháp luật về việc bảo vệ, sử dụng di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh.

Hội đồng bộ trưởng thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với các di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh trong cả nước.

Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với các di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh theo quy định của Hội đồng bộ trưởng.

Bộ Văn hoá và các cơ quan văn hoá thuộc hệ thống Bộ này tại các địa phương là những cơ quan giúp Hội đồng bộ trưởng và Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện việc bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh.

Điều 3

Di tích lịch sử, văn hoá thuộc sở hữu tập thể hoặc cá nhân được Nhà nước bảo hộ.

Nhà nước hướng dẫn, giúp đỡ tập thể hoặc cá nhân là chủ sở hữu trong việc bảo quản và sử dụng di tích lịch sử, văn hoá của mình.

Việc ký gửi, tặng di tích lịch sử, văn hoá thuộc sở hữu tập thể hoặc cá nhân cho Nhà nước được khuyến khích.

Khi chuyển quyền sở hữu di tích lịch sử, văn hoá thuộc sở hữu tập thể hoặc cá nhân, người chủ phải báo trước cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn biết; Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn phải báo kịp thời với Sở văn hoá tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc đơn vị hành chính tương đương.

Trong trường hợp người chủ muốn bán di tích lịch sử, văn hoá thuộc sở hữu của mình thì Nhà nước được quyền mua ưu tiên.

[...]