Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 87/2004/QĐ-BCN phê duyệt Đề án "Phát triển ngành Cơ khí đến năm 2010 phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn" do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành

Số hiệu 87/2004/QĐ-BCN
Ngày ban hành 06/09/2004
Ngày có hiệu lực 01/10/2004
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Công nghiệp
Người ký Hoàng Trung Hải
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ CÔNG NGHIỆP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 87/2004/QĐ-BCN

Hà Nội , ngày 06 tháng 9 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP SỐ 87/2004/QĐ-BCN NGÀY 06 THÁNG 9 NĂM 2004 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN NGÀNH CƠ KHÍ ĐẾN NĂM 2010 PHỤC VỤ CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN”

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP

Căn cứ Nghị định số 55/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Bộ Công nghiệp;
Căn cứ Chỉ thị số 24/2003/CT-TTg ngày 08 tháng 10 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản;
Căn cứ Chương trình hành động của ngành công nghiệp số 2749/CV-KHĐT ngày 22/07/2002 của Bộ Công nghiệp gửi các đơn vị trực thuộc nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Cơ khí Luyện kim và Hoá chất, Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Phát triển ngành cơ khí đến năm 2010 phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn” với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển cơ khí phục vụ nông nghiệp, nông thôn:

- Phát triển cơ khí phục vụ nông nghiệp, nông thôn phải phù hợp với Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến 2010, tầm nhìn đến 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời gắn chặt với quy hoạch phát triển các vùng kinh tế, quy hoạch phát triển các ngành nông, lâm, thuỷ sản và quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương.

- Phát triển một cách có tập trung, có chọn lọc một số phân ngành, một số chủng loại sản phẩm cơ khí như máy động lực; thiết bị phục vụ cơ giới hoá khâu làm đất, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch; thiết bị chế biến (trước hết là thiết bị chế biến các loại nông, lâm, thuỷ sản có sản lượng lớn, có thị trường xuất khẩu nhưng tỷ lệ chế biến hiện còn thấp); thiết bị cơ khí thuỷ lợi; sản xuất phụ tùng thay thế, sửa chữa cho các thiết bị cơ khí phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Đáp ứng nhu cầu trong nước, đồng thời khuyến khích xuất khẩu các sản phẩm cơ khí phục vụ nông nghiệp có thị trường, có khả năng cạnh tranh.

- Phát triển cơ khí phục vụ nông nghiệp, nông thôn dựa vào phát huy nội lực là chính (thông qua việc huy động năng lực của cả ngành trên cơ sở tăng cường chuyên môn hoá, hợp tác hoá); kết hợp huy động tối đa các nguồn lực từ bên ngoài, trước hết về công nghệ và vốn.

- Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để mọi thành phần kinh tế tham gia vào chương trình cơ khí phục vụ nông nghiệp, nông thôn.

2. Mục tiêu:

- Cơ giới hoá các khâu và lĩnh vực đòi hỏi nhiều sức lao động; cường độ lao động cao; thời vụ khẩn trương trong nông, lâm, ngư nghiệp. Cơ khí hoá khâu chế biến nông, lâm, thuỷ sản.

- Tạo điều kiện ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật; công nghệ; thiết bị tiên tiến vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp nhằm tăng năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh.

- Nâng cao mức độ cơ khí hoá trong khâu thuỷ lợi, đảm bảo tưới tiêu nước, chủ động đáp ứng yêu cầu thâm canh các loại cây trồng, chủ động phòng chống, hạn chế và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

- Phát triển các dịch vụ cung cấp và sửa chữa, bảo dưỡng máy móc, thiết bị cơ khí phục vụ nông nghiệp, góp phần cơ giới hoá nông nghiệp, tăng năng suất lao động, từng bước cải thiện điều kiện lao động cho nông dân.

3. Định hướng phát triển ngành cơ khí phục vụ nông nghiệp, nông thôn:

3.1. Đối với khâu sản xuất nông, lâm nghiệp:

a) Về trồng trọt.

- Trang bị các loại máy kéo phù hợp với điều kiện từng địa bàn và quy mô sản xuất.

- Cơ giới hoá việc trồng trọt đối với một số loại cây trồng như cây mía, cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày, cây công nghiệp dài ngày và các loại cây ăn quả.

- Để thực hiện mục tiêu phương hướng trên, dự báo từ nay đến năm 2010 mỗi năm cần khoảng 600-700 máy kéo lớn, 4.000-4.500 máy kéo cỡ trung, 5.000-6.000 máy kéo 2 bánh 6 -12 mã lực, 150-180 máy kéo xích. Hàng năm cần 30.000 - 40.000 chiếc máy nông nghiệp theo sau, gồm các máy làm đất (cày trụ, cày chảo, phay đất, bánh lồng....); gieo trồng; chăm sóc; thu hoạch; sơ chế và bảo quản sau thu hoạch.

- Ngành cơ khí trong nước sản xuất và cung cấp hàng năm khoảng 140.000-150.000 động cơ xăng và điezen để đáp ứng yêu cầu của nông nghiệp, nông thôn.

- Ngành cơ khí trong nước đảm bảo chế tạo phần lớn động cơ, một phần máy kéo cỡ nhỏ và các máy nông nghiệp, hầu hết các loại phụ tùng sửa chữa, thay thế cho các loại máy hiện có.

b) Về chăn nuôi.

Đối với các trại chăn nuôi, tập trung thực hiện cơ khí hoá khâu vệ sinh chuồng trại; cung cấp nước; cung cấp thức ăn; tạo tiểu khí hậu (sưởi ấm, làm mát); tắm rửa gia súc; ấp trứng; vắt sữa; bảo quản và vận chuyển sữa.

c) Về lâm nghiệp.

Trong những năm tới chủ yếu là khoanh nuôi tái sinh và bảo vệ vốn rừng hiện có. Cần nâng cao mức độ cơ khí hoá các khâu sản xuất giống, từ làm đất đến trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng, góp phần thực hiện chương trình phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và trồng 5 triệu ha rừng. Từ nay đến năm 2010, các loại máy ủi; máy động lực lớn; xe vận tải nặng phục vụ khai thác, vận chuyển, làm đường trong rừng chủ yếu là nhập khẩu.

[...]