ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
---------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 831/QĐ-UBND
|
Kon Tum, ngày 23
tháng 10 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ
QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH NGUỒN VỐN HỖ TRỢ HỘ NGHÈO PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT TRÊN ĐỊA BÀN
TỈNH KON TUM
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng
11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 08/10/2012
của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền
vững giai đoạn 2012 - 2015;
Căn cứ Quyết định số 551/QĐ-TTg ngày 04/4/2013
của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ
tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã
an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn;
Căn cứ Thông tư liên tịch số
68/2013/TTLT-BTC-BLĐTBXH, ngày 21/5/2013 của Liên Bộ Tài chính, Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện dự án 3 và
dự án 4 của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 -
2015;
Căn cứ Quyết định số 736/QĐ-UBND, ngày 14/8/2012
của UBND tỉnh Kon Tum về việc phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng và đẩy nhanh
công tác giảm nghèo tỉnh Kon Tum đến năm 2015;
Xét đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội tại Công văn số 1093/SLĐTBXH-BTXH ngày 20/9/2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Quy định về quản lý, điều
hành nguồn vốn hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất trên địa bàn tỉnh Kon Tum (có
Quy định kèm theo).
Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; thủ
trưởng các sở, ban, ngành: Lao động - Thương bình và Xã hội, Nông nghiệp - Phát
triển nông thôn, Ban Dân tộc tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ
trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
Nơi nhận:
- Như điều 2;
- TT. Tỉnh ủy (B/cáo);
- TT. HĐND tỉnh (B/cáo);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- CVP - PVP phụ trách VX;
- Lưu VT - VX 2 - KTTH3.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Thị Kim Đơn
|
QUY ĐỊNH
QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH
NGUỒN VỐN HỖ TRỢ HỘ NGHÈO PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 831/QĐ-UBND ngày 23 tháng 10 năm 2013 của UBND
tỉnh Kon Tum)
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.
Quy định này quy định trách nhiệm của các sở, ban,
ngành, chính quyền địa phương về trình tự lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý,
điều hành thực hiện các dự án, chính sách hỗ trợ nghèo phát triển sản xuất trên
địa bàn tỉnh được bố trí từ các nguồn vốn sau:
1. Nguồn vốn Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo
thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững;
2. Khuyến khích các nguồn vốn Dự án hỗ trợ sản xuất
thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; chính sách hỗ trợ
sản xuất thuộc Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với huyện nghèo;
nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ
sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên
giới, xã an toàn khu, các thôn đặc biệt khó khăn và các nguồn vốn khác có cùng
mục tiêu hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất áp dụng quy định này.
Điều 2. Đối tượng hỗ trợ.
Hộ nghèo theo chuẩn hộ nghèo được quy định theo
từng thời kỳ, có tên trong danh sách hộ nghèo được UBND xã, phường, thị trấn (gọi
tắt là xã) quản lý.
Điều 3. Nguyên tắc hỗ trợ.
Thực hiện hỗ trợ vốn phát triển sản xuất đối với hộ
nghèo, UBND xã phải lập dự án và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Chương 2.
QUY TRÌNH THỰC HIỆN
Điều 4. Xác định mô hình hỗ trợ.
Phòng, ban chức năng của huyện, thành phố (gọi
tắt là cấp huyện) tiếp nhận nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất phối hợp
với các đơn vị liên quan:
- Rà soát, xác định mô hình sản xuất có hiệu quả,
phù hợp với điều kiện của hộ nghèo, phát huy được thế mạnh tiềm năng của địa
phương, nhằm tăng thu nhập cho hộ gia đình hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, từng
bước hình thành và phát triển khu vực sản xuất nông sản hàng hóa, có thị trường
tiêu thụ.
- Chọn địa điểm thực hiện mô hình, tổ chức họp dân
nơi thực hiện mô hình để phổ biến mô hình, công khai mức hỗ trợ, hình thức hỗ
trợ, lựa chọn hộ nghèo tham gia mô hình theo dự toán nguồn vốn được giao, ưu
tiên hỗ trợ trước cho hộ nghèo tự nguyện đăng ký thoát nghèo. Kết quả cuộc họp
được lập biên bản với sự tham dự của lãnh đạo UBND xã.
- Hướng dẫn UBND xã lập dự án triển khai mô hình
theo hình thức luân chuyển vốn hỗ trợ để nâng cao vai trò của Chủ tịch UBND xã,
nâng cao trách nhiệm của từng hộ nghèo đối với nguồn vốn hỗ trợ, bảo đảm nhiều
hộ nghèo được hỗ trợ vốn và bảo toàn, phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ. Quá
trình lập dự án cần chú ý yếu tố huy động thêm nguồn lực của hộ tham gia dự án
và các nguồn lực khác của địa phương.
Điều 5. Lập dự án.
Nội dung cơ bản của dự án gồm:
1. Tên dự án; sự cần thiết phải thực hiện dự án (Phân
tích, đánh giá thực trạng kinh tế - xã hội của địa phương; điều kiện tự nhiên, dân
số, lao động - việc làm; thực trạng hộ nghèo; điểm mạnh của địa phương; giải
quyết tạo việc làm mới, tạo nguồn thu nhập tăng thêm cho hộ nghèo;… để giảm
nghèo bền vững).
2. Cơ sở pháp lý.
3. Xác định các mục tiêu cụ thể (mục tiêu chủ
yếu là tăng thu nhập, bảo đảm thu nhập bình quân của hộ nghèo bằng hoặc trên
150% so với thu nhập bình quân của chuẩn hộ nghèo và các mục tiêu khác mà địa
phương cần đề ra).
4. Thời gian triển khai dự án là 3 năm, mức hỗ trợ
hộ nghèo vay không lãi: tối thiểu 7.000.000 đồng/hộ đối với hộ nghèo DTTS đang
sinh sống ở các địa bàn huyện nghèo, xã nghèo, thôn đặc biệt khó khăn; tối
thiểu 5.000.000 đồng/hộ đối với hộ nghèo sinh sống ở các địa bàn khác. Số hộ
nghèo tham gia năm đầu tiên và các năm tiếp theo; địa bàn thực hiện dự án do
UBND cấp xã thực hiện nhưng phải đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ.
5. Nội dung hoạt động và kết quả chủ yếu của dự án;
6. Cơ chế tài chính
a) Cơ chế hỗ trợ: Nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp bằng
tiền cho người nghèo có nhu cầu đầu tư vào phát triển kinh tế theo hình thức
cho vay không tính lãi trong thời gian 03 năm (kể từ ngày nhận vốn) và được
trả dần hàng năm, dứt điểm trong 03 năm để luân chuyển cho hộ nghèo khác, đáp
ứng yêu cầu nhiều hộ nghèo được hỗ trợ vốn không lãi, hạn chế tình trạng ỷ lại
của một bộ phận hộ nghèo không muốn thoát nghèo để hưởng chính sách hỗ trợ liên
tục nhưng không hiệu quả. Không sử dụng vốn hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất
từ nguồn hỗ trợ của ngân sách Trung ương cho các mục đích khác.
b) Cơ chế xử lý rủi ro: Trường hợp rủi ro do thiên
tai, dịch bệnh làm cho diện tích cây trồng bị mất trắng hoặc vật nuôi bị chết
gây thiệt hại cho hộ vay, hộ vay sẽ được UBND huyện xóa nợ toàn bộ hoặc một
phần sau khi có xác nhận cụ thể về nguyên nhân thiệt hại, hậu quả thiệt hại,
khả năng thu hồi vốn đối với hộ vay của UBND xã.
c) Đối với các nguồn vốn huy động, lồng ghép khác:
do UBND huyện quyết định theo cơ chế tài chính của từng dự án, chính sách.
d) Hàng năm, UBND các huyện, thành phố cân đối,
lồng ghép bố trí kinh phí đối ứng cho dự án để chi khảo sát, xác định mô hình,
họp dân, xây dựng dự án, công tác phí hướng dẫn hộ nghèo thực hiện mô hình,
kiểm tra, giám sát theo khả năng ngân sách cấp huyện.
7. Trách nhiệm thực hiện dự án:
a) Cơ quan quản lý dự án: Ban quản lý dự án huyện;
b) Cơ quan thực hiện dự án: UBND xã nơi thụ hưởng
dự án;
c) Cơ quan phối hợp: gồm các cơ quan có liên quan
đến dự án;
8. Các giải pháp thực hiện dự án:
a) Giải pháp về huy động vốn, kinh phí: Vốn thực
hiện dự án từ các nguồn do Trung ương hỗ trợ, ngân sách địa phương tham gia,
vốn dạy nghề lao động nông thôn, vốn Ngân hàng CSXH, vốn huy động từ hộ dân
tham gia dự án (bao gồm cả tiền, hiện vật và ngày công lao động),…
b) Các giải pháp về nguồn nhân lực thực hiện dự án
và phương pháp quản lý. Trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị chủ trì, phối hợp.
Các giải pháp về kỹ thuật, công nghệ (nếu có);
c) Giải pháp về vật tư, nguyên nhiên liệu, mua sắm
phương tiện, thiết bị, máy móc (danh mục và số lượng nguyên, vật liệu chủ
yếu; thiết bị chủ yếu, nguồn cung cấp và phương thức mua sắm);
d) Giải pháp nâng cao kiến thức sản xuất cho hộ
nghèo từ tập huấn, bồi dưỡng, dạy nghề,… để tham gia thực hiện dự án có hiệu
quả;
đ) Giải pháp tài chính, kế toán: Lập sổ sách theo
dõi số hộ - số tiền vay; số hộ - số tiền thu hồi và luân chuyển hàng năm.
9. Xác định chế độ thu thập thông tin báo cáo; kế
hoạch theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch và giám sát, đánh
giá kết quả thực hiện toàn bộ dự án.
10. Tổ chức thực hiện dự án:
a) UBND cấp huyện ra quyết định thành lập Ban quản
lý dự án, thành phần gồm: lãnh đạo của UBND cấp huyện làm Trưởng Ban quản lý;
các thành viên là đại diện lãnh đạo các phòng, ban liên quan của huyện; thường
trực Ban quản lý là lãnh đạo phòng, ban nơi triển khai nguồn vốn hỗ trợ. Quy
chế hoạt động của Ban Quản lý do Trưởng Ban quản lý quyết định.
b) Ban quản lý dự án huyện có trách nhiệm chỉ đạo,
quản lý, điều hành việc thực hiện dự án trong thời gian 3 năm thực hiện dự án.
12. Đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án.
13. Tính bền vững của dự án: nêu rõ các điều kiện
dự án được tiếp tục thực hiện sau khi hoàn thành thời gian thực hiện dự án (nguồn
kinh phí được bảo toàn thông qua việc thu hồi vốn và luân chuyển vốn; nguồn
kinh phí bổ sung của địa phương từ các chính sách, dự án; thành lập Quỹ Giúp
sức người nghèo cấp xã; sự hướng dẫn của các cơ quan chức năng;…)
14. Các văn bản khác kèm theo dự án:
- Văn bản thống nhất lựa chọn mô hình thực hiện dự
án của UBND huyện.
- Biên bản họp thôn nơi thụ hưởng dự án (có thể
01 thôn hay nhiều thôn thực hiện dự án).
- Danh sách hộ nghèo tham gia dự án.
- Kế hoạch chi tiết thực hiện dự án tổng thể và
hàng năm.
- Kế hoạch thu hồi vốn, luân chuyển vốn cho hộ
nghèo.
- Bản cam kết trả dần vốn hỗ trợ của hộ nghèo tham
gia dự án (thời gian trả hết vốn hỗ trợ không quá 3 năm).
Điều 6. Thẩm định và phê duyệt Dự án.
Sở, ngành quản lý nguồn vốn dự án và UBND cấp huyện
nơi thụ hưởng dự án đồng thẩm định dự án do UBND cấp xã lập.
1. Hồ sơ trình thẩm định dự án do UBND cấp xã lập,
gồm:
a) Văn bản đề nghị thẩm định dự án;
b) Dự án.
c) Báo cáo tóm tắt dự án
2. Nội dung thẩm định dự án:
a) Sự phù hợp, tính khả thi về mục tiêu của dự án
với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội chung của xã, huyện; sự phù hợp của
nội dung dự án;
b) Địa bàn thực hiện, đối tượng thụ hưởng, thời
gian và tiến độ thực hiện;
c) Tổng nhu cầu vốn và cơ chế vốn của dự án;
d) Các giải pháp, cơ chế chính sách thực hiện dự án;
đ) Kết quả và hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án.
e) Tính hợp lý và hợp pháp của phương thức tổ chức
thực hiện dự án.
3. Phê duyệt dự án: Sở, ngành chủ trì nguồn vốn hỗ
trợ dự án trình UBND tỉnh phê duyệt dự án sau khi có kết quả thẩm định dự án.
Trường hợp UBND tỉnh ủy quyền cho UBND cấp huyện phê duyệt dự án thì sau khi có
kết quả thẩm định, UBND xã hoàn thiện dự án gửi phòng, ban quản lý nguồn vốn hỗ
trợ kiểm tra và trình UBND cấp huyện phê duyệt.
Điều 7. Tổ chức bàn giao cho UBND xã.
1. Sau khi kết thúc thời gian thực hiện dự án (theo
quyết định phê duyệt dự án của cấp có thẩm quyền), Ban quản lý dự án cấp
huyện tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện dự án, rút kinh nghiệm chỉ đạo, điều
hành và bàn giao toàn bộ hồ sơ, sổ sách và nguồn vốn đã thu hồi cho UBND cấp xã
nơi thực hiện dự án.
2. UBND cấp xã tiếp nhận toàn bộ hồ sơ, sổ sách và
nguồn vốn được giao và thành lập Quỹ giúp sức người nghèo của xã để tiếp tục hỗ
trợ hộ nghèo, nhân rộng mô hình giảm nghèo.
Điều 8. Tổ chức thực hiện.
1. Giao Sở Lao động - TBXH chủ trì, phối hợp với Sở
Nội vụ, Sở Tài chính, hướng dẫn quy trình thành lập, điều lệ hoạt động Quỹ Giúp
sức người nghèo cấp xã, bảo đảm sử dụng vốn hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất
có hiệu quả.
2. UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo
phòng Lao động - TBXH cùng cấp có trách nhiệm giám sát, kiểm tra, đánh giá hoạt
động của Quỹ Giúp sức người nghèo trên địa bàn quản lý; định kỳ 6 tháng, 1 năm
báo cáo kết quả thực hiện gửi về Sở Lao động - TBXH để tổng hợp báo cáo UBND
tỉnh.
3. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành; UBND các
huyện, thành phố tổ chức thực hiện hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất theo Quy
định này.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn,
vướng mắc đề nghị phản ánh về Sở Lao động - TBXH để tổng hợp báo cáo Ủy ban
nhân dân tỉnh để xem xét, giải quyết./.