BỘ GIAO THÔNG VẬN
TẢI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 809/QĐ-BGTVT
|
Hà Nội, ngày 13
tháng 04 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG
TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA BỘ GTVT THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 06/NQ-CP NGÀY 7/3/2012 CỦA
CHÍNH PHỦ
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng
4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức
của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 7/3/2012 của
Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này
Chương trình hành động của Bộ Giao thông vận tải thực hiện Nghị quyết số
06/NQ-CP ngày 7/3/2012 của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016.
Điều 2. Giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị:
Theo chức năng, nhiệm vụ và các công việc được giao
trong Chương trình hành động này, các đơn vị xây dựng chương trình hành động của
đơn vị mình, tổ chức thực hiện nghiêm túc; bảo đảm về chất lượng và tiến độ thực
hiện; hàng tháng, báo cáo Bộ (qua Văn phòng Bộ để tổng hợp).
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành
kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng
các Vụ, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng các Cục, Thủ trưởng
các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- VPCP (để báo cáo)
- Các Thứ trưởng;
- Các Tập đoàn, tổng công ty;
- Các sở GTVT;
- Lưu: VT, KHĐT (06); VP.
|
BỘ TRƯỞNG
Đinh La Thăng
|
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN
TẢI, THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 06/NQ-CP NGÀY 07/3/2012 CỦA CHÍNH PHỦ NHIỆM KÌ
2011-2016
(Ban hành theo quyết định số 809/QĐ-BGTVT ngày 13/4/2012)
Ngày 07/3/2012, Chính phủ đã có Nghị quyết 06/NQ-CP
ban hành Chương trình hành động (CTHĐ) của Chính phủ nhiệm kì 2011-2016. Theo
chức năng nhiệm vụ của Ngành, Bộ GTVT xây dựng Chương trình hành động của Bộ
GTVT giai đoạn 2011-2016 và giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan đơn vị thuộc Bộ
thực hiện Nghị quyết nói trên. Cụ thể:
1. Công tác xây dựng văn bản
QPPL và các đề án quy hoạch
- Tổ chức triển khai thực hiện quyết định của Bộ
trưởng ban hành chương trình xây dựng văn bản QPPL năm 2012 và giai đoạn
2013-2016 của Bộ GTVT, hàng năm cập nhật xây dựng kế hoạch cho từng năm và tổ
chức thực hiện. Đôn đốc và tổng hợp báo cáo đề án đã được Chính phủ giao Bộ
GTVT thực hiện tại Nghị quyết 06/NQ-CP.
- Chủ trì xây dựng 03 dự án luật về GTVT: Dự án Luật
sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa; Dự án Luật
sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng VN; Dự án Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải VN.
- Phối hợp, tham gia với các Bộ ngành trong việc sửa
đổi, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật Đầu tư
công và Mua sắm công, Luật Đô thị, các luật khác có liên quan và các văn bản dưới
luật để tạo thuận lợi cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông …
(Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các cơ quan
tham mưu của Bộ, các đơn vị trong Ngành)
- Rà soát, điều chỉnh chiến lược và các quy hoạch
chuyên ngành
(Vụ KHĐT và Tổng cục/Cục chuyên ngành, Viện Chiến
lược và Phát triển GTVT).
2. Công tác vận tải
Đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa phục
vụ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã được Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần
thứ XI đề ra. Trong đó dự kiến vận chuyển hàng hóa tăng bình quân mỗi năm từ 7
- 10%; vận chuyển hành khách tăng bình quân năm 8 - 11%.
Xây dựng các chương trình đề án về quản lý vận tải,
quản lý phương tiện, hợp tác quốc tế về vận tải và chương trình an ninh an toàn
ngành GTVT.
Phối hợp với Bộ Tài chính để xây dựng các chính
sách phù hợp về phí, lệ phí, giá dịch vụ các loại hình vận tải góp phần kiểm
soát lạm phát, bình ổn thị trường, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho phát
triển sản xuất kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp, đời sống nhân dân.
(Vụ Vận tải chủ trì, phối hợp với Tổng cục/Cục
chuyên ngành, các sở GTVT)
3. Đảm bảo trật tự, an toàn
giao thông
Thường xuyên cập nhật tình hình thực tế để hoàn thiện
kịp thời hệ thống văn bản QPPL liên quan đến trật tự ATGT.
Phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương
để xử lý nghiêm các vi phạm “giao thông tĩnh”.
Hoàn thiện và trình Chính phủ thông qua Chiến lược
bảo đảm TTATGT đường bộ quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, Nghị quyết của
Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an
toàn giao thông để làm cơ sở cho việc tổ chức triển khai các giải pháp đồng bộ
về bảo đảm ATGT.
Tiếp tục chỉ đạo thực hiện Quyết định số
1856/QĐ-TTg ngày 27/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về lập lại trật tự hành
lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt; theo dõi đôn đốc việc thực hiện
Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP ngày 31/7/2008 của Chính phủ về từng bước khắc phục
ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Tổ chức thực hiện quyết liệt các Nghị quyết của Quốc
hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục kiềm chế tai nạn giao
thông và từng bước khắc phục ùn tắc giao thông đô thị theo mục tiêu đề ra trong
từng năm.
Xây dựng hệ thống sơ cứu TNGT, đề xuất giải pháp hạn
chế hậu quả do TNGT gây ra.
(Vụ ATGT chủ trì, phối hợp các Tổng cục/Cục, các
cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, các Sở GTVT)
4. Công nghiệp
- Công nghiệp tàu thủy: Ổn định sản
xuất kinh doanh, tập trung thực hiện tái cơ cấu Tập đoàn, đảm bảo tốc độ tăng
trưởng về doanh thu hàng năm từ 15%; tập trung vào 3 lĩnh vực chính: công nghiệp
đóng và sửa chữa tàu biển với quy mô phù hợp, công nghiệp phụ trợ phục vụ cho
việc đóng và sửa chữa tàu biển, đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ CBCN.
Hoàn thành bàn giao đúng tiến độ các hợp đồng đã ký kết.
- Công nghiệp ô tô: Doanh thu công
nghiệp dự kiến tăng bình quân 16,6 %/năm. Trong đó sản phẩm chủ lực là sản xuất,
lắp ráp ô tô khách trên 24 chỗ ngồi, xe buýt từ 40 đến 80 chỗ, hướng tới tiết
kiệm năng lượng, sử dụng nhiên liệu sạch, thị phần trong nước đạt đến 70% vào
năm 2016 và đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 50%; sản xuất, lắp ráp xe tải phấn đấu đạt
tỷ lệ nội địa hóa trên 40% vào 2016; đưa vào nghiên cứu, chế thử dòng xe du lịch
Hybrit, xe buýt chạy xăng, ga, điện và sẽ sản xuất hàng loạt nếu được thị trường
đón nhận...
- Công nghiệp hàng không: Thành lập tổ
chức chuyên cung ứng dịch vụ kỹ thuật tàu bay trên cơ sở tiếp tục phát triển hệ
thống các cơ sở bảo dưỡng tàu bay hiện có nhằm đạt tiêu chuẩn quốc tế, có năng
lực mạnh, đảm bảo khả năng cung ứng các dịch vụ kỹ thuật tàu bay cho các hãng
HK trong nước và quốc tế đi đến VN; khuyến khích hợp tác, liên kết với nước
ngoài đầu tư xây dựng một số cơ sở bảo dưỡng tàu bay thân lớn; gắn các chương
trình đầu tư tàu bay dài hạn với việc hợp tác tham gia sản xuất phụ tùng, cấu
kiện tàu bay.
- Công nghiệp đường sắt: Cơ cấu lại tổ
chức để hình thành đơn vị sản xuất công nghiệp chính; cung cấp dịch vụ công
nghiệp hỗ trợ; phấn đấu tự chế tạo trong nước vật tư, thiết bị, phụ tùng đáp ứng
một phần nhu cầu bảo trì, sửa chữa, nâng cấp KCHT ĐS và phương tiện vận tải;
hoàn thiện công nghệ lắp ráp đầu máy diesel công suất từ 1.500 - 2.500 CV; đầu
tư xây dựng dây chuyền công nghệ lắp ráp, sửa chữa đoàn tàu tự hành để vận tải
hành khách nội, ngoại ô; đầu tư, đưa vào sử dụng dây chuyền sửa chữa lớn đầu
máy diesel; tìm kiếm thị trường xuất khẩu toa xe và các sản phẩm cơ khí đường sắt
trong khu vực. Phấn đấu tăng trưởng bình quân 15%/năm về sản lượng và trên
10%/năm về doanh thu công nghiệp
(Ban Quản lý và Đổi mới DN; các Tập đoàn, Tổng
công ty)
5. Công tác đầu tư xây dựng
Huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển GTVT nhằm
tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phục
vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước thông qua việc hoàn thiện
hệ thống cơ chế, chính sách, định hướng thu hút đầu tư, tạo điều kiện để các
thành phần kinh tế đầu tư xây dựng KCHT giao thông, đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu
tư KCHT giao thông, khuyến khích đầu tư bằng các hình thức BOT, PPP... Cụ thể:
- Tiếp tục đưa vào cấp hệ thống quốc lộ và phấn đấu
hoàn thành mở rộng toàn tuyến quốc lộ 1 (Hà Nội - Cần Thơ). Ưu tiên đầu tư trước
một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam, tuyến nối Hà Nội và Thành phố
Hồ Chí Minh với các cửa ngõ và các đầu mối giao thông quan trọng, phấn đấu hoàn
thành khoảng 600 km đường cao tốc. Tiếp tục xây dựng đường Hồ Chí Minh, đường
ven biển, đường tuần tra biên giới theo quy hoạch được duyệt.
- Tiếp tục khôi phục nâng cấp các tuyến đường sắt
chủ yếu hiện có vào cấp kỹ thuật, trong đó ưu tiên nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống
tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện có, tăng cường công tác quản lý bảo trì nâng cao
năng lực và an toàn chạy tàu. Nghiên cứu, chuẩn bị thủ tục đầu tư xây dựng các
đoạn đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Vinh và TP Hồ Chí Minh - Nha Trang, đường sắt
xuống các cảng biển cửa ngõ, đường sắt nối Tp HCM - Vũng Tàu, Tp HCM - Cần Thơ.
Đẩy mạnh tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và Tp Hồ Chí
Minh.
- Tiếp tục cải tạo, đầu tư nâng cấp các tuyến đường
thủy nội địa chính vào cấp kỹ thuật theo quy hoạch; kết hợp tăng cường công tác
quản lý, bảo trì, duy tu nhằm nâng cao khả năng thông qua của cả hệ thống và đảm
bảo an toàn giao thông. Đặc biệt chú trọng nâng cấp các tuyến vận tải thủy nội
địa tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng Bắc Bộ; các tuyến ven biển;
các cửa Lạch Giang, cửa Đáy, cửa Tiểu, cửa sông Soài Rạp.
- Tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống cảng
biển quốc gia, các cảng cửa ngõ quốc tế, các bến cảng nước sâu tại ba vùng kinh
tế trọng điểm có khả năng tiếp nhận các tàu container thế hệ mới. Ưu tiên đầu
tư đồng bộ, hiện đại hai cảng biển cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) và cảng
Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu); khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu
tư phát triển cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (Khánh Hòa).
- Tiếp tục đầu tư, nâng cấp các cảng hàng không hiện
có đáp ứng nhu cầu, trong đó ưu tiên 5 cảng hàng không quốc tế: Nội Bài, Thành
phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Cam Ranh. Nâng cao chất lượng dịch vụ, hiệu
quả đầu tư và khai thác nhằm tăng sức cạnh tranh đối với các cảng hàng không
trong khu vực. Phấn đấu đưa năng lực của toàn mạng CHK lên 60 triệu lượt khách
thông qua/năm. Tiếp tục đầu tư xây dựng và trang bị hệ thống các công trình
chuyên ngành quản lý bay hiện đại, đảm bảo tầm phủ của các trang thiết bị liên
lạc, dẫn đường và giám sát trong toàn bộ vùng FIR của Việt Nam với độ chính xác
và tin cậy cao, đảm bảo tuyệt đối an toàn bay.
(Vụ KHĐT chủ trì, phối hợp với các Tổng cục/ Cục,
các đơn vị trong Ngành)
6. Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông
- Khẩn trương thực hiện các đề án về phân cấp, xã hội
hóa công tác duy tu, bảo trì KCHT giao thông; từng bước xây dựng đề án quỹ bảo
trì cho các lĩnh vực giao thông còn lại;
- Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng
quản lý, khai thác KCHT giao thông. Nghiên cứu đề xuất sửa đổi hoặc ban hành mới
một số cơ chế về quản lý kết cấu hạ tầng giao thông như: cho thuê khai thác
KCHT cảng biển được đầu tư bằng vốn Nhà nước; thí điểm hình thức khoán mục
tiêu, kinh phí quản lý bảo trì đường bộ và công tác nạo vét, duy tu luồng hàng
hải tại các tuyến luồng trọng điểm; phối hợp với các Bộ ngành và địa phương
liên quan giải quyết việc tồn đọng, ùn tắc hàng hóa tại cảng biển.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch
bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, chú trọng công tác bảo trì kết cấu hạ tầng
giao thông trọng điểm, đầu mối, đường cao tốc, quốc lộ, đường sắt Bắc Nam, nạo
vét, duy tu hàng hải tại các tuyến luồng trọng điểm...
(Vụ KCHT chủ trì phối hợp với các Tổng cục/Cục
quản lý chuyên ngành).
7. Công tác cải cách hành chính
- Tiếp tục triển khai chương trình hành động của
Chính phủ về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý
của bộ máy nhà nước; rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
- Triển khai thực hiện Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày
8/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà
nước giai đoạn 2011 - 2020.
- Tiếp tục thực hiện Quy tắc chuẩn mực ứng xử, đạo
đức nghề nghiệp, những việc được làm và không được làm của cán bộ, công chức,
viên chức và Quy định về văn hóa ứng xử, giao tiếp trong thi hành công vụ, đồng
thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính nhằm nâng cao trách nhiệm thi hành
công vụ của mỗi cán bộ, công chức.
- Thực hiện tốt các công tác tiếp nhận, xử lý thông
tin của cử tri, Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương, thông tin báo chí, tuyên truyền trong và ngoài
nước.
- Thực hiện công khai tài chính minh bạch
(Vụ TCCB chủ trì, phối hợp với Văn phòng Bộ và
các Cục, Vụ, các đơn vị trong Ngành)
8. Công tác đổi mới phát triển
DN
Tái cơ cấu doanh nghiệp GTVT nhằm nâng cao hiệu quả
hoạt động và thực hiện tốt hơn vai trò của DN nhà nước; tiếp tục triển khai thực
hiện công tác sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp theo kế hoạch đã được
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại các Quyết định số 63/2003/QĐ-TTg ngày
21/4/2003, số 95/2005/QĐ-TTg ngày 06/5/2005, số 1333/QĐ-TTg ngày 04/7/2007, số
1729/QĐ-TTg ngày 29/12/2006 và số 177/QĐ-TTg ngay 24/01/2010.
(Ban đổi mới và Quản lý doanh nghiệp chủ trì, phối
hợp với các đơn vị trong ngành)
9. Công tác đào tạo, phát triển
nguồn nhân lực
- Nghiên cứu sắp xếp lại, nâng cấp hoặc thành lập mới
các cơ sở đào tạo thuộc Bộ; thành lập một số trung tâm đào tạo chất lượng cao,
đầu tư xây dựng các cơ sở giảng dạy hiện đại làm mẫu cho các cơ sở đào tạo khác
theo Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành GTVT giai đoạn 2011-2020 đã được
Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt tại quyết định số 1576/QĐ-BGTVT ngày 19/7/2011.
- Trên cơ sở sắp sếp lại các cơ sở đào tạo, xây dựng
kế hoạch đầu tư cùng các giải pháp huy động vốn, để đến năm 2016 tất cả các cơ
sở đào tạo đều được đầu tư thiết bị, phương tiện đào tạo hiện đại. Củng cố nâng
cao năng lực đào tạo sau đại học ở các cơ sở đào tạo sau đại học hiện có. Tiếp
tục phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lựa chọn nghề trọng điểm để
hỗ trợ đầu tư từ CTMT quốc gia giai đoạn 2011-2015 cho 8 trường thuộc Bộ GTVT với
8 nghề cấp quốc tế, 11 nghề cấp khu vực ASEAN, 12 nghề cấp quốc gia.
- Trên cơ sở sắp xếp lại cơ sở đào tạo, tiến hành
xây dựng kế hoạch đầu tư cùng các giải pháp huy động vốn, phấn đấu theo hướng đến
2015 tất cả các cơ sở đào tạo đều được đầu tư các thiết bị, phương tiện đào tạo
hiện đại. Củng cố, nâng cao năng lực đào tạo sau đại học ở các cơ sở đào tạo
sau đại học hiện có;
- Phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo,
chất lượng nguồn nhân lực trên cơ sở thực hiện Quy hoạch phát triển nguồn nhân
lực ngành GTVT giai đoạn 2011 - 2020 đã được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải
phê duyệt tại Quyết định số 1576/QĐ-BGTVT ngày 19/7/2011.
(Vụ TCCB chủ trì, phối hợp các đơn vị trong
Ngành)
10. Công tác KHCN và bảo vệ
môi trường
- Tổ chức thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học,
phát triển và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ,
đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không; xây dựng, triển khai các
chương trình, dự án ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu, bảo đảm
dịch vụ thông tin phục vụ quản lý nhà nước và đáp ứng nhu cầu của tổ chức, cá
nhân tham gia hoạt động giao thông vận tải. Thực hiện chuyển đổi cơ chế hoạt động
của các đơn vị KHCN theo cơ chế doanh nghiệp, tạo lập thị trường công nghệ.
- Tập trung chuyển đổi, xây dựng và hoàn thiện hệ
thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình và sổ tay hướng dẫn kỹ thuật, phát triển
mô hình và phần mềm phân tích kết cấu áp dụng trong ngành GTVT theo hướng cập
nhật công nghệ tiên tiến đồng thời phù hợp với đặc điểm điều kiện Việt Nam.
- Tiếp tục đầu tư tăng cường năng lực các cơ sở
nghiên cứu KH-CN, tập trung đẩy mạnh các nghiên cứu ứng dụng, áp dụng vật liệu
mới, công nghệ mới, hiện đại trong lĩnh vực xây dựng, quản lý, khai thác bảo
trì hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT. Nâng cao năng lực công nghệ cho các đơn vị
tư vấn, các Tổng công ty XDGT, đảm bảo tính hiện đại, đồng bộ, đáp ứng mọi yêu
cầu công nghệ thi công xây lắp các công trình GT, đủ năng lực tham gia đấu thầu
trong nước và Quốc tế. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ,
nâng cao chất lượng sản phẩm, công trình GTVT.
- Tiếp tục hỗ trợ đầu tư chiều sâu cho công tác
nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ đóng mới và sửa chữa tàu biển cỡ lớn,
đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu theo
đơn đặt hàng. Nghiên cứu ứng dụng dây chuyền đại tu đầu máy Diesel đồng bộ, hiện
đại để phục vụ công tác đại tu, tiến tới lắp ráp đầu máy trong nước. Xây dựng
chiến lược đóng mới toa xe. Xây dựng và hoàn thiện một số trung tâm thử nghiệm
đầu máy, toa xe. Nghiên cứu và áp dụng dây chuyền sản xuất ôtô, tăng tỷ lệ nội
địa hóa để phục vụ trong nước, tiến tới XK. Nghiên cứu ứng dụng nhiên liệu sử dụng
khí ga tự nhiên đối với một số loại hình phương tiện giao thông.
- Từng bước triển khai Đề án kiểm soát khí thải xe
môtô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố lớn theo Quyết định
số 909/QĐ-TTg ngày 17/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
- Triển khai Đề án kiểm soát ô nhiễm môi trường
trong hoạt động giao thông vận tải theo Quyết định số 855/QĐ-TTg ngày 06/6/2011
của Thủ tướng Chính phủ.
- Triển khai thực hiện kế hoạch hành động của Bộ
GTVT về ứng phó biến đổi khí hậu theo Quyết định số 199/QĐ-BGTVT ngày
26/01/2011, nâng cao khả năng phòng tránh và hạn chế tác động xấu của thiên
tai; ứng cứu kịp thời và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
- Hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Lộ
trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường
bộ theo tiêu chuẩn Euro 3, 4, 5 theo Chương trình hành động của Chính phủ thực
hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị.
(Vụ KHCN, Vụ MT chủ trì phối hợp với các Tổng cục/Cục,
các đơn vị)
11. Hợp tác Quốc tế
- Triển khai trên phạm vi rộng, chú trọng chiều sâu
các họat động đối ngoại, hợp tác quốc tế cả về song phương cũng như đa phương
trong các lĩnh vực hàng hải, hàng không, đường bộ, đường sắt và đường sông.
- Tiếp tục triển khai công tác đàm phán, ký kết,
gia nhập các điều ước quốc tế. Đẩy mạnh việc thực hiện các điều ước quốc tế, đặc
biệt là các Hiệp định tạo thuận lợi cho vận tải giữa Việt Nam và các nước láng
giềng, các nước trong khu vực.
- Chú trọng mối quan hệ song phương với các nước
láng giềng truyền thống như Lào, Căm-pu-chia, Trung Quốc.
- Tăng cường mối quan hệ với các đối tác có tính
chiến lược như Nhật Bản, Hàn Quốc...; với các tổ chức tài chính quốc tế như WB,
JICA, ADB để thu hút đầu tư vào lĩnh vực giao thông vận tải...
- Tích cực mở rộng mối quan hệ với các đối tác quan
trọng nhưng chưa khai thác hết tiềm năng như với Hoa Kỳ, Nga, EU...
- Đẩy mạnh thu hút nguồn vốn ODA, vốn đầu tư trực
tiếp nước ngoài để phát triển KCHT giao thông.
- Tham gia sâu hơn vào hoạt động của các tổ chức quốc
tế như Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế
(ICAO) để tranh thủ sự hợp tác giúp đỡ của các tổ chức này trong công tác an
toàn, an ninh hàng hải, hàng không.
(Vụ HTQT chủ trì, phối hợp với Vụ KHĐT, các Tổng
cục/Cục, các đơn vị)
12. Thực hiện Luật phòng chống
tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt
Chương trình hành động của Bộ GTVT thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng và Luật
Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, trong đó đặc biệt chú trọng đến các biện
pháp phòng ngừa theo quy định của Luật phòng chống tham nhũng và quy định cụ thể
của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện công khai tài chính tạo điều kiện
cho việc kiểm tra, giám sát thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí.
(Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp các đơn vị)
13. Công tác thanh tra, kiểm
tra
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp
luật và bộ máy tổ chức về hoạt động thanh tra GTVT; lựa chọn tiến hành thanh
tra một số dự án xây dựng hạ tầng giao thông có dấu hiệu sai sót, sai phạm thuộc
phạm vi quản lý của các Tổng cục, Cục; Thanh tra việc quản lý và sử dụng các
nguồn vốn do nhà nước cấp.
Thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác quản lý tài
chính, kế toán; quản lý vốn và tài sản thuộc các doanh nghiệp Nhà nước và các
doanh nghiệp có phần vốn của Nhà nước.
Tổ chức thanh tra, kiểm tra thực hiện các quy định
của pháp luật về phòng chống tham nhũng, Pháp luật về khiếu nại tố cáo, thực
hành tiết kiệm; Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính
sách pháp luật, nhiệm vụ được giao của cơ quan, đơn vị, cán bộ công chức thuộc
quyền quản lý của các cấp quản lý.
Tăng cường thanh tra chuyên ngành đối với việc chấp
hành pháp luật chuyên ngành; chú trọng thanh tra việc chấp hành các quy định về
điều kiện, tiêu chuẩn chuyên ngành và các vấn đề liên quan trực tiếp đến bảo đảm
trật tự an toàn giao thông vận tải ở các lĩnh vực, ở các khu vực trọng điểm có
lưu lượng giao thông cao; tăng cường thanh tra công tác bảo vệ hành lang an
toàn.
Thực hiện các cuộc thanh tra, kiểm tra khác theo chỉ
đạo của Thanh tra Chính phủ, Chính phủ.
(Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp các đơn vị)
III. Tổ chức thực hiện
Theo chức năng, nhiệm vụ và các công việc được giao
trong Chương trình hành động này, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị xây
dựng chương trình hành động của đơn vị mình, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hàng
năm tiến hành điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế và báo cáo
đánh giá tổng kết gửi văn bản về Văn phòng Bộ (kèm gửi file điện tử qua địa chỉ
email: vpbaocao@mt.gov.vn) trước ngày 1/12 hàng năm để tổng hợp báo cáo Thủ tướng
Chính phủ theo quy định.