Tờ trình số 0739/TTR-BTM ngày 23/02/2004 của Bộ Thương mại về việc ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số giải pháp chủ yếu nhằm phát triển mạnh thị trường nội địa trong những năm tới

Số hiệu 0739/TTR-BTM
Ngày ban hành 23/02/2004
Ngày có hiệu lực 23/02/2004
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Bộ Thương mại
Người ký Phan Thế Ruệ
Lĩnh vực Thương mại

BỘ THƯƠNG MẠI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 0739/TTR-BTM

Hà Nội, ngày 23 tháng 2 năm 2004

 

TỜ TRÌNH VỀ VIỆC BAN HÀNH CHỈ THỊ CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC THỰC HIỆN MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NHẰM PHÁT TRIỂN MẠNH THỊ TRƯỜNG NỘI ĐỊA TRONG NHỮNG NĂM TỚI

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thương mại đã nghiên cứu và soạn thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số giải pháp chủ yếu nhằm phát triển mạnh thị trường nội địa trong những năm tới. Sau khi tiếp thu ý kiến tham gia của các bộ, ngành có liên quan, Bộ Thương mại đã hoàn chỉnh dự thảo trình Thủ tướng.

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH CHỈ THỊ

Thời gian qua, nhiều chính sách, biện pháp nhằm tổ chức và phát triển thị trường nội địa đã được ban hành và triển khai, trong đó có Quyết định 311/QĐ-TTg ngày 20 tháng 3 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tiếp tục tổ chức thị trường trong nước, phát triển thương mại nông thôn đến năm 2010 (gọi tắt là Quyết định 311). Những chính sách và biện pháp này đã tác động tích cực đối với sản xuất và lưu thông hàng hoá của các thành phần kinh tế trong cả nước. Nhờ vậy, thị trường nội địa không ngừng được mở rộng, lưu chuyển hàng hoá ngày một tăng, phục vụ tốt nhu cầu của sản xuất và đời sống. Tuy vậy, hoạt động thương mại trên thị trường nội địa cũng còn không ít yếu kém và bất cập như chậm xác lập và phát triển các mô hình tổ chức thị trường và các kênh lưu thông để bảo đảm sự gắn kết ổn định giữa người mua với người bán, giữa sản xuất với thương mại; kết cấu hạ tầng thương mại ít được quan tâm đầu tư phát triển; công tác dự báo cung cầu và giá cả chưa đáp ứng tốt yêu cầu chỉ đạo điều hành vĩ mô nên kinh tế, quá trinh liên kết và tích tụ trong các doanh nghiệp, trước hết là các doanh nghiệp nhà nước diễn ra chậm, do đó không tạo được sức mạnh cạnh tranh trước yêu cầu hội nhập; quản lý nhà nước về thương mại còn nhiều hạn chế; thị trường vẫn mang nặng tính tự phát.

Thực trạng đó có nguyên nhân khách quan là nước ta đang ở giai đoạn đầu của nền sản xuất hàng hoá, cơ chế kinh tế trong quá tình chuyển đổi, hầu hết các doanh nghiệp đều nhỏ bé, thành phần kinh tế tư nhân mới bắt đầu hình thành. Nhưng cũng có nguyên nhân chủ quan là nhận thức về tầm quan trọng của thị trường nội địa chưa được đầy đủ và sâu sắc, công tác tổ chức thị trường nội địa chưa được chú trọng chỉ đạo tập trung và quyết liệt.

Để khắc phục các yếu kém và bất cập trên đây nhằm phát huy vị trí và vai trò ngày càng quan trọng của thị trường nội địa trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước, tạo cơ sở cho việc phát triển xuất nhập khẩu và tạo tiền đề cho việc chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, việc ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số giai pháp chủ yếu nhằm phát triển mạnh thị trường nội địa trong những năm tới là rất cần thiết và rất quan trọng.

Bộ Thương mại đã xây dựng Chỉ thị này trên cơ sở đường lối phát triển kinh tế của Đảng đề ra trong Đại hội IX, các chủ trương, chính sách thực tiễn thị trường và hoạt động thương mại nội địa những năm qua, bám sát những chủ trương lớn thể hiện trong Quyết định 311 của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ thị đã qua nhiều lần dự thảo và tổ chức lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành có liên quan. Hầu hết các ý kiến đóng góp của các bộ, ngành đều nhất trí về sự cần thiết của Chỉ thị, đồng ý với kết cấu và nội dung chủ yếu của Chỉ thị. Những ý kiến đóng góp ý với dự thảo Chỉ thị đã được Bộ Thương mại tiếp thu nghiêm túc trong quá trình hoàn chỉnh dự thảo Chỉ thị và đã được thể hiện trong dự thảo Chỉ thị trình Thủ tướng Chính phủ dưới đây.

II. NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CHỈ THỊ

Nội dung của Chỉ thị bao gồm những vấn đề chủ yếu sau:

1. Xây dựng và phát triển các mô hình tổ chức thị trường nội địa về cả chiều rộng và chiều sâu phù hợp với từng địa bàn và từng mặt hàng.

Chỉ thị đã quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ quản lý ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện hai công việc lớn nhằm xây dựng và phát triển các mô hình tổ chức thị trường nội địa:

Một là: Hình thành và phát triển các kết cấu hạ tầng thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi mua bán hàng hoá, bao gồm chợ, trung tâm thương mại (bán buôn, bán lẻ hàng hoá), siêu thị và mạng lưới các cửa hàng phù hợp với sự phát triển của sản xuất và tiêu dùng của cư dân trên từng địa bàn.

Hai là: Tạo lập mối liên kết trong hệ thống các thương nhân gắn với quá tình lưu thông hàng hoá và mối liên kết giữa lưu thông với sản xuất, đặc biệt là với sản xuất nông nghiệp. Phát triển các phương thức đại lý mua bán và mua bán theo hợp đồng ổn định và lâu dài về hàng nông sản, vật tư sản xuất nông nghiệp và hàng công nghiệp tiêu dùng giữa thương nhân với nông dân.

2. Hình thành từng bước các tập đoàn, các tổng công ty kinh doanh thương mại lớn trên cơ sở thúc đẩy quá trình tích tụ và tập trung, phát triển theo hướng văn minh và hiện đại nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

Chỉ thị đã quy định trách nhiệm của các Bộ quản lý ngành phối hợp với UBND các tỉnh lựa chọn và chỉ đạo một số doanh nghiệp nhà nước đi đầu thực hiện quá trình tổ chức các doanh nghiệp theo hệ thống, kinh doanh đa ngành hoặc chuyên ngành, vừa phát triển xuất khẩu, vừa chú trọng phát triển kinh doanh trên thị trường nội địa trên cơ sở phát triển hệ thống tổ chức kinh doanh xuyên suốt.

3. Thúc đẩy các hiệp hội thương nhân phát triển, phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hiệp hội trên thị trường nội địa.

Chỉ thị quy định trách nhiệm của các Bộ quản lý ngành phối hợp với UBND các tỉnh lựa chọn và chỉ đạo một số doanh nghiệp nhà nước đứng ra làm nòng cốt, đồng thời khuyến khích thương nhân thuộc các thành phần khác cùng nhau phát triển các hiệp hội; đề xuất các cơ chế chính sách để nâng cao hiệu quả hoạt động và phát huy vai trò của hiệp hội trong việc phát triển thị trường và thương mại nội địa.

4. Phát triển mạnh các hợp tác xã thương mại - dịch vụ, đặc biệt là trên thị trường nông thôn.

Chỉ thị đã quy định trách nhiệm chủ trì của Liên minh HTXVN phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thương mại và Uỷ ban nhân dân các tỉnh trong việc chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng các hợp tác xã trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ trên các địa bàn, trọng tâm là địa bàn nông thôn theo mô hình chủ yếu là Hợp tác xã  Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ với hoạt động chính là các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và mô hình hợp tác xã nông thôn với thành phần tham gia bao gồm cả thể nhân lẫn pháp nhân; đồng thời giao nhiệm vụ cho một số cơ quan nghiên cứu bổ sung, sửa đổi một số chính sách khuyến khích phát triển các Hợp tác xã cho phù hợp với Luật Hợp tác xã sửa đổi, nhất là các chính sách về đất đai, tài chính, tín dụng, xúc tiến thương mại... đối với các hợp tác xã.

5. Tăng cường quản lý nhà nước, từng bước hoàn chỉnh thể chế quản lý lưu thông hàng hoá, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dự báo, điều hành thị trường và giá cả các mặt hàng trọng yếu, bảo đảm thị trường nội địa phát triển ổn định và bền vững.

Chỉ thị đã quy định Bộ Thương mại chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh trong việc:

- Đề xuất và thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý thị trường nhằm hạn chế tiến tới đẩy lùi hoạt động buôn lậu, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, sản xuất và lưu thông hàng giả, hàng không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng và các hành vi gian lận thương mại khác, nhất là trên thị trường nông thôn nhằm bảo vệ quyền lợi của người sản xuất và người tiêu dùng.

- Cải tiến và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ điều hành vĩ mô về thị trường các mặt hàng trọng yếu nhằm lường trước và chủ động đối phó với những tác động trong quan hệ cung cầu và các nhân tố ảnh hưởng của thị trường quốc tế, bảo đảm ổn định và phát triển thị trường nội địa.

- Rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các chính sách và thể chế hiện hành về lưu thông hàng hoá và kinh doanh dịch vụ thương mại trên thị trường nội địa, để điều chỉnh, bổ sung và sửa đổi, trước hết là các mặt hàng kinh doanh có điều kiện và các mặt hàng hạn chế kinh doanh.

Các nội dung công việc và sự phân công trách nhiệm thực hiện 5 giải pháp lớn trên đây đều được các bộ, ngành hữu quan đồng tình chia sẻ và hưởng ứng thống nhất.

III. VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ CÒN CÓ Ý KIẾN KHÁC NHAU

1. Về quan hệ giữa xây dựng mô hình thương mại và phát triển hạ tầng kỹ thuật:

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ