Thông tư 04/2003/TT-BTC hướng dẫn về tài chính thực hiện Quyết định 80/2002/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng do Bộ Tài Chính ban hành

Số hiệu 04/2003/TT-BTC
Ngày ban hành 10/01/2003
Ngày có hiệu lực 24/06/2002
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Văn Tá
Lĩnh vực Thương mại

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04/2003/TT-BTC

Hà Nội, ngày 10 tháng 1 năm 2003

I - QUI ĐỊNH CHUNG

1/ Đối tượng áp dụng thông tư này là các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hoá với các liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, hộ nông dân, chủ trang trại, đại diện hộ nông dân (dưới đây gọi tắt là người sản xuất).

2/ Hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hoá kí kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất được thực hiện theo các hình thức qui định tại điểm 2 Điều 2 của Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 77/2002/TT-BNN ngày 28/8/2002 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về mẫu hợp đồng tiêu thụ nông sản.

II - QUI ĐỊNH CỤ THỂ

1. Về đầu tư và hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng:

Những vùng sản xuất nguyên liệu tập trung gắn với cơ sở chế biến, tiêu thụ nông sản hàng hoá có dự án đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng như: đường giao thông, thuỷ lợi, điện, hệ thống chợ bán buôn, kho bảo quản, mạng lưới thông tin thị trường, cơ sở kiểm định chất lượng hàng hoá sau khi huy động các nguồn vốn của nhân dân và người sản xuất nếu không đủ sẽ được Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét hỗ trợ thêm từ ngân sách địa phương để thực hiện dự án.

Đối với các tỉnh miền núi, các tỉnh có nguồn thu ngân sách để lại dành cho đầu tư không lớn được ngân sách trung ương hỗ trợ một phần thông qua kế hoạch xây dựng cơ bản hàng năm của địa phương.

Ngoài các nguồn vốn trên, các dự án về phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản, cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn được vay từ nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước và được bố trí trong kế hoạch hàng năm với lãi suất 0% cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Việc hỗ trợ từ ngân sách địa phương, vay vốn và việc hoàn trả vốn vay đối với các dự án nói trên thực hiện theo qui định tại Quyết định số 132/2001/QĐ -TTg ngày 7 tháng 9 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ .

2.Về tín dụng đầu tư phát triển nhà nước.

- Người sản xuất và doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ nông sản có các dự án sản xuất nông nghiệp, trồng cây lâu năm, chăn nuôi gia súc lớn, đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất muối và phát triển chế biến hàng nông sản xuất khẩu được hưởng các hình thức đầu tư nhà nước từ Quỹ hỗ trợ phát triển theo quy định tại Nghị định số 43/1999/NĐ - CP ngày 29 tháng 6 năm 1999 về tín dụng đầu tư phát triển nhà nước và Quyết định số 02/2001/QĐ -TTg ngày 02 tháng 1 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đầu tư từ Quỹ hỗ trợ phát triển đối với các dự án sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu và các dự án sản xuất nông nghiệp.

- Hỗ trợ lãi suất sau đầu tư: Doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ nông sản với người sản xuất có dự án liên doanh hoặc trực tiếp sản xuất, chế biến, gia công hàng nông sản để xuất khẩu vay vốn của các tổ chức tín dụng hợp pháp của Việt Nam được hỗ trợ chênh lệch lãi suất sau đầu tư, giữa mức lãi suất của tổ chức tín dụng với mức lãi suất của Quỹ hỗ trợ phát triển cùng thời điểm theo quy định tại Thông tư số 76/2001/TT-BTC ngày 25/9/2001 của Bộ Tài chính về Quy chế tín dụng hỗ trợ xuất khẩu.

- Các bên ký kết hợp đồng cùng nhau thoả thuận xử lý các rủi ro do về thiên tai, đột biến về giá cả thị trường và các nguyên nhân bất khả kháng khác theo nguyên tắc cùng chia sẻ rủi ro và được Nhà nước xem xét một phần thiệt hại theo quy định của pháp luật.

3. Tín dụng ngắn hạn nhà nước:

Các doanh nghiệp kí hợp đồng tiêu thụ nông sản với người sản xuất có các dự án sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu được vay vốn từ Quĩ hỗ trợ phát triển theo qui định tại quyết định số 133/2001/QĐ- TTg ngày 10 tháng 9 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 76/2001/TT-BTC ngày 25/9/2001 của Bộ Tài chính về Qui chế tín dụng hỗ trợ xuất khẩu;

- Trường hợp doanh nghiệp kí hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hoá với người sản xuất để xuất khẩu, theo hình thức doanh nghiệp phải ứng trước vốn, vật tư hoặc bán vật tư mua lại nông sản và trực tiếp tiêu thụ nông sản cho người sản xuất, được vay vốn từ Quĩ hỗ trợ phát triển.

- Các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản xuất khẩu mang tính thời vụ được vay vốn từ Quĩ hỗ trợ phát triển theo hình thức tín chấp hoặc thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay để vay vốn.

4. Hỗ trợ tài chính vùng khó khăn:

Đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới hải đảo có các dự án đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản được:

+ Vay vốn từ Quĩ hỗ trợ phát triển lãi suất 3% năm.

+ Các dự án trên do doanh nghiệp nhà nước thực hiện thì khi dự án đi vào hoạt động được ngân sách nhà nước cấp đủ 30% vốn lưu động.

Trình tự, thủ tục và hồ sơ cấp vốn lưu động được thực hiện theo các quy định hiện hành.

5. Hỗ trợ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ:

Căn cứ vào kế hoạch ngân sách được giao hàng năm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thủy sản, Uỷ ban nhân dân các tỉnh , thành phố trực thuộc trung ương xem xét ưu tiên triển khai hỗ trợ về công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư cho các vùng sản xuất hàng hoá tập trung có hợp đồng tiêu thụ đồng thời ngân sách nhà nước dành khoản kinh phí để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người sản xuất có hợp đồng tiêu thụ nông sản trong các trường hợp:

- Hỗ trợ một phần kinh phí để nhập khẩu giống mới, triển khai, áp dụng, phổ cập nhanh các loại giống mới.

- Hỗ trợ một phần kinh phí mua giống cho các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, thông tin thị trường, giá cả đến người sản xuất và doanh nghiệp.

- Hỗ trợ một phần kinh phí cho đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp các cơ sở sản xuất nhân giống cây trồng, giống vật nuôi.

Căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng ngành và hiệu quả của các dự án chuyển giao kỹ thuật và công nghệ nói trên. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Thuỷ sản phối hợp với Bộ Tài chính quyết định việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp do Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương quyết định thành lập.

Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp do địa phương thành lập.

6. Hỗ trợ xuất khẩu và xúc tiến thương mại:

[...]