Quyết định 792/QĐ-TTg năm 2018 về phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình dự án luật được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 792/QĐ-TTg
Ngày ban hành 28/06/2018
Ngày có hiệu lực 28/06/2018
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 792/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 28 tháng 6 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÂN CÔNG CƠ QUAN CHỦ TRÌ SOẠN THẢO, THỜI HẠN TRÌNH CÁC DỰ ÁN LUẬT ĐƯỢC ĐIỀU CHỈNH TRONG CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2018, CÁC DỰ ÁN LUẬT THUỘC CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2019

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 57/2018/QH14 ngày 08 tháng 6 năm 2018 của Quốc hội về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.

1. Ban hành kèm theo Quyết định này Bản phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

2. Các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 chuyển tiếp sang Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 tiếp tục thực hiện theo phân công tại Quyết định số 1183/QĐ-TTg ngày 11/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 được điều chỉnh, các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.

Điều 2.

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp phụ trách và chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật; chịu trách nhiệm trước Chính phủ về kết quả công tác xây dựng pháp luật của cơ quan mình; coi việc hoàn thành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được giao là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

2. Các bộ, cơ quan ngang bộ được giao chủ trì soạn thảo các dự án luật được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ sau:

a) Khẩn trương thành lập Ban soạn thảo; tập trung thời gian, nguồn lực để soạn thảo dự án, dự thảo văn bản trên cơ sở chính sách đã được Chính phủ thông qua; tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản; chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, đúng nội dung, hình thức, bảo đảm chất lượng, tiến độ khi gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ hoặc trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gửi đến các cơ quan của Quốc hội theo đúng quy định; khắc phục triệt để tình trạng gửi hồ sơ dự án, dự thảo đến cơ quan thẩm định, trình Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội không đúng thời hạn;

b) Trong quá trình soạn thảo, nếu phát sinh chính sách mới cần bổ sung vào dự án, dự thảo thì cần thực hiện đánh giá tác động và báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định;

c) Dự kiến rõ những nội dung cần giao quy định chi tiết trong dự thảo luật; kiến nghị phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết các điều, khoản, điểm của dự thảo luật; chuẩn bị dự thảo văn bản quy định chi tiết trình cùng với dự án luật để Chính phủ xem xét, quyết định trình dự án luật;

d) Dự liệu đủ thời gian để chỉnh lý và nghiêm túc tiếp thu hoặc giải trình các ý kiến góp ý, thẩm định đối với các dự án;

đ) Chủ động phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong quá trình soạn thảo, chỉnh lý dự án luật;

e) Trong quá trình soạn thảo, chủ động xây dựng đề cương, nội dung tuyên truyền và phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, những nội dung cơ bản của các dự án luật để các cơ quan, tổ chức, cá nhân và người dân nắm bắt thông tin đầy đủ và tham gia đóng góp vào quá trình xây dựng dự án luật;

g) Định kỳ hàng tháng, cơ quan chủ trì soạn thảo cập nhật thông tin về tình hình, tiến độ soạn thảo và hàng quý gửi báo cáo thông tin về tình hình nghiên cứu, soạn thảo các dự án đã được phân công, nêu rõ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình soạn thảo và đề xuất, kiến nghị các biện pháp khắc phục đến Bộ Tư pháp (qua địa chỉ email: chuongtrinhluat@gmail.com) để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

3. Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm phối hợp, tham gia tích cực vào quá trình soạn thảo dự án luật; đóng góp ý kiến đối với dự án luật bảo đảm chất lượng và đúng thời hạn theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Quy chế làm việc của Chính phủ.

4. Bộ Tư pháp có trách nhiệm:

a) Tiếp tục nâng cao chất lượng thẩm định các dự án luật, bảo đảm đúng tiến độ. Đối với các dự án, dự thảo không đủ hồ sơ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì trả lại hồ sơ. Đối với các dự án, dự thảo không bảo đảm chất lượng cần thể hiện rõ quan điểm không đủ điều kiện trình Chính phủ;

b) Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh;

c) Công khai tình hình các cơ quan chủ trì soạn thảo chưa bảo đảm tiến độ trình các dự án luật đã được xác định tại Nghị quyết số 57/2018/QH14 của Quốc hội và Quyết định này trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp;

d) Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình tổ chức các phiên họp chuyên đề của Chính phủ về xây dựng pháp luật, bảo đảm có sự gắn kết, sắp xếp hợp lý giữa các dự án luật đưa vào các phiên họp thường kỳ và các phiên họp chuyên đề của Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

5. Bộ Công an phối hợp với Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi), trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

[...]