Quyết định 791/2005/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển khu vực thành phố Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu (nhóm cảng biển số 5) đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 791/2005/QĐ-TTg
Ngày ban hành 12/08/2005
Ngày có hiệu lực 12/08/2005
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

---------

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Số  : 791/QĐ-TTg

 

----------------------------------------------------------------------------

 

 

 

Hà Nội, ngày  12  tháng  8  năm 2005

 

 

 

QUYẾT ĐỊNH

Về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển khu vực

thành phố Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu

(nhóm cảng biển số 5)

đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020

--------

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Quyết định số 202/1999/QĐ-TTg ngày 12 tháng 10 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2010;

Xét đề nghị của Bộ Giao thông vận tải (tờ trình số 4554/GTVT-KHĐT                ngày 28 tháng 11 năm 2002 và các văn bản số: 790/GTVT-KHĐT ngày 06  tháng 3 năm 2003; số 3164/GTVT-KHĐT ngày 23 tháng 7 năm 2003; số 3853/GTVT-KHĐT ngày 29 tháng 8 năm 2003; số 3330/GTVT-KHĐT ngày 05 tháng 7 năm 2004 và  số 3022/GTVT-KHĐT ngày 23 tháng 5 năm 2005); ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (công văn số 3116 BKH/VPTĐ  ngày 27 tháng 5 năm 2003,            số 4415 BKH/VPTĐ ngày 15 tháng 7 năm 2004 và số 5318/BKH/TĐ&GSĐT ngày 09 tháng 8 năm 2005),

 

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển khu vực thành phố Hồ Chí Minh - tỉnh Đồng Nai - tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Nhóm cảng biển số 5 thuộc Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam) bao gồm cả Quy hoạch tổng thể di dời các cảng trên sông Sài Gòn và Nhà máy đóng tầu Ba Son đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 (sau đây gọi là chung là Quy hoạch nhóm cảng biển số 5 và quy hoạch di dời) với những nội dung chủ yếu sau :

1. Phạm vi quy hoạch:

Phạm vi quy hoạch nhóm cảng biển số 5 và quy hoạch di dời bao gồm cảng biển khu vực thành phố Hồ Chí Minh - tỉnh Đồng Nai - tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Phạm vi phục vụ trực tiếp: vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bình Dương.

Phạm vi phục vụ gián tiếp: các vùng phụ cận, khu vực đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh Tây Nam Bộ và Nam Tây Nguyên.

2. Mục tiêu quy hoạch :

a) Mục tiêu chung :

- Làm cơ sở để bố trí hợp lý các cảng biển trong nhóm với mục đích phát huy được hiệu quả tổng hợp; đồng thời tạo sự phát triển cân đối, đồng bộ giữa các cảng biển và cơ sở hạ tầng liên quan với vùng hấp dẫn của cảng, kết hợp đẩy mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ làm động lực phát triển kinh tế và an ninh, quốc phòng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và một số địa phương vùng Tây Nam Bộ, Nam Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.

- Đáp ứng yêu cầu di dời hệ thống cảng trên sông Sài Gòn và Nhà máy đóng tàu Ba Son nhằm sắp xếp lại hệ thống cảng biển khu vực thành phố          Hồ Chí Minh; tạo điều kiện xây dựng và phát triển hệ thống cảng biển thành phố Hồ Chí Minh phù hợp với sự phát triển chung của thành phố; giảm thiểu tình trạng ách tắc giao thông đường bộ, đường thuỷ và tình trạng ô nhiễm môi trường thành phố; tạo điều kiện phát triển mở rộng không gian đô thị nhằm góp phần xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, khoa học công nghệ của khu vực.

- Hỗ trợ phát triển các khu công nghiệp, các khu chế xuất trong khu vực; đồng thời tạo điều kiện cho phát triển đô thị nhằm đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa của khu vực giai đoạn đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

- Phát triển các cảng biển lớn, cảng cửa ngõ hiện đại nhằm đáp ứng xu thế phát triển của vận tải biển Việt Nam và thế giới, từng bước tăng cường khả năng cạnh tranh của hệ thống cảng biển nước ta đối với cảng biển khu vực và thế giới.

- Tạo điều kiện để phát triển vận tải đường biển và đường sông và phát huy tiềm năng vận tải thủy nội địa của hệ thống sông, kênh trong khu vực.

- Đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững hệ thống cảng biển của khu vực, trong đó gắn phát triển cảng biển với việc bảo vệ môi trường, bảo tồn sinh thái thiên nhiên và không gây tác động xấu đến các hoạt động xã hội dân sinh trong khu vực.

[...]