BỘ GIAO THÔNG VẬN
TẢI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 1741/QĐ-BGTVT
|
Hà Nội, ngày 03 tháng
8 năm 2011
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH
CHI TIẾT NHÓM CẢNG BIỂN PHÍA BẮC (NHÓM 1) ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm
2003;
Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 14
tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số
51/2008/NĐ-CP ngày 22/4/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày
07/9/2006 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch phát triển tổng thể
kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 về sửa đổi, bổ
sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP;
Căn cứ Quyết định số 2190/QĐ-TTg ngày
24/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ
thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
Xét tờ trình số 1694/TTr-CHHVN-KHĐT ngày 29/7/2011
của Cục Hàng hải Việt Nam và Biên bản cuộc họp Hội đồng thẩm định tháng 6/2011
về Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển phía Bắc (Nhóm 1) đến năm 2020, định
hướng đến năm 2030;
Xét đề nghị của Thường trực Hội đồng thẩm
định và Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư,
QUYẾT
ĐỊNH:
Điều
1.
Phê duyệt Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển phía Bắc (Nhóm
1) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau:
1.
Phạm vi quy hoạch
Nhóm 1 bao gồm các
cảng biển thuộc các tỉnh, thành phố ven biển thuộc khu vực Bắc Bộ: Quảng Ninh,
Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và thành phố Hải Phòng. Vùng hấp dẫn của cảng
bao gồm toàn bộ các tỉnh phía Bắc và một lượng nhất định hàng quá cảnh Trung
Quốc.
2.
Quan điểm và mục tiêu phát triển
a) Quan điểm phát triển
- Phát triển đáp ứng
nhu cầu vận tải hàng hóa bằng đường biển của khu vực phía Bắc, đặc biệt là vùng
tam giác kinh tế động lực Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Chức năng, vai trò,
quy mô của từng cảng hợp lý và phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cảng
biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt.
- Phát triển cảng hợp
lý trên cơ sở tận dụng tối đa lợi thế tự nhiên trong khu vực; từng bước cải tạo
nâng cấp điều kiện khai thác cảng biển, luồng tàu phù hợp nhu cầu, năng lực duy
trì, duy tu; phát triển cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng theo hướng tiến ra biển
để có thể tiếp nhận được những tàu lớn, giảm thiểu khó khăn trở ngại về luồng
tàu, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội toàn miền Bắc.
Phát triển cảng đồng
bộ với hệ thống kết cấu hạ tầng cảng biển bao gồm cầu cảng, khu nước, luồng
tàu, hệ thống an toàn hàng hải, mạng kỹ thuật và hạ tầng sau cảng. Đặc biệt chú
trọng đến sự kết nối liên hoàn giữa cảng biển với mạng giao thông quốc gia kết
nối tới cảng (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, ...) và các đầu mối,
trung tâm dịch vụ logistics ở khu vực; phát triển đồng bộ, hài hòa với quy
hoạch kinh tế - xã hội địa phương và khu vực; gắn kết và đáp ứng nhu cầu của
các quy hoạch ngành có liên quan.
- Tập trung nguồn lực
để phát triển cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. Đối với các cảng khác, phát triển
trên cơ sở tận dụng tối đa và hợp lý hạ tầng cơ sở sẵn có, đầu tư chiều sâu để
nâng cao năng lực khai thác. Đối với các cảng biển đầu tư xây dựng mới, đặc
biệt là bến cảng container: phải phát triển trên cơ sở đầu tư công nghệ bốc xếp
hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ cao vào quản lý khai thác.
- Phát triển cảng
phải kết hợp chặt chẽ với bảo vệ môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững,
đồng thời đảm bảo về an ninh, quốc phòng. Giảm dần và tiến tới dừng thực hiện
các hoạt động chuyển tải khu vực Vịnh Hạ Long và khu vực lân cận.
b) Mục tiêu, định hướng
phát triển
- Mục tiêu chung: Phát triển cảng biển
phía Bắc (Nhóm 1) một cách đồng bộ, hiệu quả; tập trung nguồn lực phát triển
cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; phát triển các cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối
khu vực (Hải Phòng, Hòn Gai) một cách bền vững, có chiều sâu và hiệu quả, giảm
ùn tắc hàng hóa; làm nền tảng để tạo đà phát triển các đô thị cảng biển, các
khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phát triển
kinh tế toàn khu vực.
- Mục tiêu cụ thể
+ Bảo đảm thông qua cảng lượng hàng các giai
đoạn quy hoạch như sau:
•112 ÷ 125 triệu T/năm vào năm 2015;
•146 ÷ 176 triệu T/năm vào năm 2020;
•320 triệu T/năm vào năm 2030.
+ Tập trung nguồn lực để hoàn thành đầu tư
phát triển cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại khu bến Lạch Huyện để có thể tiếp
nhận tàu trọng tải đến 100.000 DWT, tạo cửa ra cho hàng hóa xuất nhập khẩu của
Việt Nam vận tải trên các tuyến biển xa, và thu hút một phần hàng trung chuyển
quốc tế khu vực.
+ Cải tạo, đầu tư có chiều sâu để nâng cao
năng lực khai thác cảng Hải Phòng (khu bến Đình Vũ, khu bến trên sông Cấm),
cảng Hòn Gai (khu bến Cái Lân) và các bến tổng hợp địa phương khác để khai thác
hiệu quả cơ sở hạ tầng hiện có, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa vận tải biển
từng khu vực.
3.
Nội dung quy hoạch
a) Quy hoạch chi tiết
các cảng trong nhóm
Nhóm 1 gồm các cảng: Hải
Phòng, Hòn Gai, Cẩm Phả, Hải Hà, Vạn Gia, Mũi Chùa, Vạn Hoa, Diêm Điền, Hải
Thịnh.
- Cảng Hải Phòng: Là
cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế (loại IA), gồm các khu bến cảng Lạch
Huyện, khu bến cảng Đình Vũ (gồm cả Nam Đình Vũ), khu bến cảng trên sông Cấm và
khu bến cảng Yên Hưng - Đầm nhà Mạc. Cụ thể như sau:
+ Khu bến cảng Lạch Huyện: Khu bến có quy mô tiếp
nhận tàu container có trọng tải tới 100.000 DWT. Bố trí các bến tổng hợp cho tàu
hàng tổng hợp trọng tải trên 50.000 DWT. Năng lực thông qua dự kiến vào năm
2015 đạt khoảng từ 12,1 - 13,8 triệu tấn/năm và năm 2020 đạt khoảng từ 28,2 - 34,8
triệu tấn/năm, và dự kiến đạt xấp xỉ 120 triệu tấn/năm vào năm 2030.
+ Khu bến cảng Đình Vũ (gồm cả Nam Đình Vũ): Tiếp
tục đầu tư xây dựng các bến tổng hợp, container và các bến chuyên dụng theo quy
hoạch cho cỡ tàu đến 20.000 DWT không đầy tải, lợi dụng thủy triều ra vào làm
hàng. Năng lực thông qua dự kiến vào năm 2015 đạt đến 19,1 triệu tấn/năm, vào năm
2020 đạt khoảng 31 triệu tấn/năm, và dự kiến đạt khoảng 42 triệu tấn/năm vào năm
2030.
+ Khu bến cảng trên sông Cấm: Hạn chế phát triển
mở rộng các bến khu vực trên sông Cấm, đặc biệt khu vực nội thành thành phố Hải
Phòng sẽ từng bước chuyển đổi công năng các bến theo quy hoạch của thành phố. Các
bến khu sông Cấm chỉ đầu tư chiều sâu để duy trì khai thác hiệu quả cho tàu có trọng
tải đến 10.000 DWT. Năng lực thông qua dự kiến vào năm 2015 đạt khoảng 23,6 triệu
tấn/năm, vào năm 2020 đạt khoảng 20 triệu tấn và giảm dần đến năm 2030 dự kiến đạt
khoảng 18 triệu tấn/năm.
+ Khu bến cảng Yên Hưng (sông Chanh, Đầm nhà
Mạc): gồm các bến tổng hợp, chuyên dụng tại khu Yên Hưng dọc sông Chanh cho tàu
có trọng tải đến 50.000 DWT giảm tải và tại khu vực Đầm nhà Mạc cho tàu trọng
tải đến 10.000 DWT; Các bến tổng hợp chủ yếu tập trung bên phía bờ phải sông
Chanh, các bến chuyên dụng chủ yếu tập trung bên bờ trái của sông Chanh và khu
vực Đầm nhà Mạc; khu bến xăng dầu cho tàu có trọng tải đến 40.000 DWT dự kiến là
vị trí di dời của bến cảng dầu B12 tại Hòn Gai. Năng lực thông qua dự kiến vào năm
2015 đạt khoảng 5,3 triệu tấn/năm, đến năm 2020 đạt khoảng 12 triệu tấn/năm, và
đến năm 2030 dự kiến đạt khoảng 25 triệu tấn/năm.
+ Khu bến cảng Diêm Điền: Là cảng tổng hợp
địa phương (loại II), khai thác với cỡ tàu từ 1.000 - 3.000 DWT, thông qua
lượng hàng dự kiến khoảng 0,25 triệu tấn/ năm vào năm 2015 và khoảng 0,5 triệu
tấn/ năm vào năm 2020.
+ Khu bến cảng Hải Thịnh: Là cảng tổng hợp
địa phương (loại II), khai thác với cỡ tàu từ 1.000 - 3.000 DWT, thông qua
lượng hàng dự kiến khoảng 0,25 triệu tấn/ năm vào năm 2015 và khoảng 0,5 triệu
tấn/ năm vào năm 2020.
+ Bến cảng Nam Đồ Sơn: khu cảng tiềm năng,
chuyên phục vụ quốc phòng - an ninh.
- Cảng Hòn Gai: Là cảng tổng hợp quốc
gia, đầu mối khu vực (loại I), gồm khu bến chính Cái Lân và các bến chuyên dụng
của các nhà máy xi măng Thăng Long, xi măng Hạ Long, nhiệt điện Thăng Long, bến
dầu B12, bến tàu khách Hòn Gai. Phát triển cảng Hòn Gai cần đặc biệt lưu ý đến
môi trường vịnh Hạ Long. Cụ thể như sau:
+ Khu bến cảng Cái Lân: Tiếp tục xây dựng các
bến tổng hợp, container một cách hợp lý, nối tiếp các bến hiện có cho tàu có trọng
tải đến 50.000 DWT để phát huy lợi thế của khu bến tổng hợp hiện có. Năng lực thông
qua dự kiến vào năm 2015 đạt khoảng 11 triệu tấn/năm, đến năm 2020 đạt khoảng
14 -16 triệu tấn/năm.
+ Các bến cảng chuyên dùng: Tiếp tục duy trì và
xây dựng theo dự án đã được duyệt với các bến cảng chuyên dùng của Nhà máy xi măng
Thăng Long, Nhiệt điện Thăng Long, Xi măng Hạ Long cho cỡ tàu lớn nhất đến
15.000 DWT. Hạn chế tối đa phát triển các bến chuyên dụng khác trong vùng vịnh Cái
Lân để đảm bảo bền vững cho môi trường di sản thế giới vịnh Hạ Long.
+ Từng bước di dời bến dầu B12: đến năm 2015 di
dời các bến xăng dầu đầu tiên và kết thúc việc di dời trước năm 2020.
+ Bến tàu khách Hòn Gai: Là nơi đón nhận tầu khách
du lịch Bắc - Nam, tàu khách quốc tế với cỡ tàu đến 100.000 GRT. Số bến tàu sẽ phát
triển theo yêu cầu thực tế.
- Cảng Cẩm Phả: Là
cảng chuyên dùng, có bến tổng hợp. Cụ thể như sau:
+ Bến cảng chuyên dùng cho than: Tiếp tục duy
trì và phát huy khai thác đối với khu bến than Cửa Ông cho tàu có trọng tải đến
70.000 DWT (bao gồm cả khu chuyển tải Hòn Nét). Lượng hàng thông qua dự kiến đến
năm 2015 là khoảng 23 triệu tấn/năm, và đến 2020 dự kiến khoảng 28 triệu tấn/năm.
+ Bến cảng tổng hợp Cẩm Phả: Nếu đáp ứng yêu
cầu về bảo vệ môi trường, có thể nghiên cứu khả năng phát triển các bến tổng hợp
tại khu vực hòn Con Ong cho tàu từ 30.000 DWT - 50.000 DWT.
-
Cảng Hải Hà: Là cảng chuyên dùng, có bến tổng hợp;
cảng tiềm năng, dự kiến phát triển cho tàu có trọng tải từ 30.000 - 80.000 DWT
đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa phục vụ các cơ sở công nghiệp tại khu kinh
tế Hải Hà. Phát triển theo nhu cầu và năng lực đầu tư của các nhà đầu tư khu
kinh tế.
- Các cảng tổng
hợp địa phương: Phát triển chủ yếu trên cơ sở hạ tầng sẵn có, đầu tư chiều
sâu về con người và thiết bị để khai thác hiệu quả. Cụ thể như sau:
+ Cảng Vạn Gia: Là cảng tổng
hợp địa phương (loại II), gồm bến chuyển tải bằng phao neo cho cỡ tàu từ 5.000 - 10.000 DWT. Năng
lực thông qua dự kiến đạt 1 triệu tấn/ năm.
+ Cảng Mũi Chùa, Vạn Hoa: Là cảng tổng hợp địa
phương (loại II). Bến cảng Mũi Chùa khai thác với cỡ tàu từ 1.000 - 3.000 DWT. Lượng
hàng thông qua dự kiến vào năm 2015 là khoảng 0,25 triệu tấn/ năm, đến năm 2020
là khoảng 0,5 triệu tấn/ năm. Bến cảng Vạn Hoa trước mắt chưa phát triển.
(Danh mục chi tiết về quy mô, chức năng
từng cảng trong nhóm; vị trí, phạm vi các trung tâm logistics được nêu cụ thể
tại Phụ lục và hồ sơ quy hoạch kèm theo Quyết định này).
b) Quy hoạch phát triển luồng
vào cảng
- Luồng vào cảng Hải
Phòng:
+ Đoạn luồng Lạch Huyện: Giai đoạn 2015: đảm
bảo cho tàu container 50.000 DWT đầy tải và tàu 100.000 DWT giảm tải. Giai đoạn
2020 nghiên cứu nạo vét cho tàu đến 100.000 DWT.
+ Đoạn luồng Hà Nam - Bạch Đằng: Duy trì cho
tàu 10.000 DWT đầy tải, tàu trên 10.000 DWT giảm tải. Nghiên cứu khả năng nâng
cấp luồng phù hợp với năng lực nạo vét duy tu và hiệu quả đầu tư.
+ Đoạn luồng trên Sông Cấm (đến khu bến Hoàng
Diệu): Duy trì luồng đảm bảo tàu 10.000 DWT lợi dụng mực nước ra vào cảng;
+ Đoạn luồng trên sông Chanh (tiếp nối đoạn
luồng Lạch Huyện đến khu bến Yên Hưng): Giai đoạn 2015 đảm bảo cho tàu tổng hợp
30.000 DWT lợi dụng thủy triều ra vào cảng; Nghiên cứu khả năng nâng cấp luồng
cho tàu 30.000 DWT giai đoạn đến 2020
- Luồng vào cảng
Hòn Gai
+ Đoạn luồng Lạch Miều - Đầu Trâu - Hòn Một duy
trì khai thác ở độ sâu tự nhiên.
+ Đoạn luồng từ Hòn Một vào bến Cái Lân: cho tàu
trọng tải đến 50.000 DWT hành hải;
- Luồng vào cảng Cẩm
Phả:
Duy trì điều kiện khai thác hiện hữu cho tàu trọng tải đến 60.000 DWT hành hải.
Phát triển luồng các giai đoạn sau theo yêu cầu cụ thể của cảng trên cơ sở
tuyến luồng hiện có.
- Luồng vào các
cảng tổng hợp địa phương: Tiếp tục tiến hành nạo vét duy tu hàng năm để
duy trì hoạt động của luồng, đảm bảo điều kiện khai thác các bến cảng một cách
phù hợp. Đối với luồng vào cảng Diêm Điền,
cảng Hải Thịnh cần tiến hành nghiên cứu khả năng chỉnh trị ổn định luồng tàu
làm cơ sở xem xét nâng cấp luồng phù hợp.
c) Các dự án ưu tiên
giai đoạn đến năm 2015
- Luồng tàu:
Hoàn thành đầu tư cơ sở
hạ tầng cảng (luồng tàu, đê chắn sóng, ...) của cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng
tại Lạch Huyện.
- Bến tổng hợp,
container
+ Đầu tư xây dựng 02 bến
khởi động cho tàu container trọng tải đến 100.000 DWT tại Lạch Huyện.
+ Đầu tư tiếp 03
bến (số 2, 3, 4) khu bến tổng hợp Cái Lân tiếp nhận tàu có trọng tải đến 50.000
DWT bằng nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp.
+ Các bến tổng
hợp, container khu cảng Đình Vũ, Nam Đình Vũ.
- Bến chuyên dùng
+ Bến chuyên dùng
hàng lỏng đầu mối khu vực phía Bắc tại khu vực sông Chanh, làm cơ sở từng bước
di dời bến B12.
+ Các bến cảng
chuyên dùng dịch vụ hàng hải, các bến hàng lỏng, hàng rời khu vực Đình Vũ, Nam
Đình Vũ
- Cơ sở hạ tầng
kết nối cảng
Xây dựng tuyến đường Tân
Vũ - Lạch Huyện, nối cảng Lạch Huyện với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
4.
Các chính sách, cơ chế và giải pháp thực hiện
- Đẩy mạnh xã hội hóa
việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển bằng các hình thức PPP, BOT,
BT.... Tăng cường xúc tiến đầu tư, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho
mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển cảng biển
bằng các hình thức theo quy định.
- Nguồn vốn ngân sách
tập trung đầu tư cho các hạng mục cơ sở hạ tầng công cộng (luồng tàu, đê chắn
sóng dùng chung) kết nối với cảng biển quan trọng. Các hạng mục cơ sở hạ tầng
bến cảng chủ yếu đầu tư bằng nguồn huy động hợp pháp của doanh nghiệp. Các
cảng, bến cảng do nhà đầu tư đề xuất, kể cả các bến cảng tổng hợp thì toàn bộ
hạ tầng bến cảng và hạ tầng kết nối cảng sẽ được đầu tư bằng nguồn vốn tự huy
động của Nhà đầu tư.
- Nghiên cứu, thực hiện
thí điểm việc cho phép đối tác nước ngoài tự đầu tư trang thiết bị bốc xếp và
thuê khai thác kết cấu hạ tầng cảng được đầu tư bằng vốn trong nước (có gắn với
việc chuyển giao công nghệ tiên tiến).
- Tiếp tục đẩy mạnh cải
cách hành chính trong quản lý đầu tư và hoạt động khai thác bến cảng theo hướng
đơn giản hóa và hội nhập quốc tế. Tăng cường
công tác quản lý Nhà nước trong quá trình thực hiện Quy hoạch phát triển cảng
biển trong nhóm, trong đó chú trọng phối hợp gắn kết đồng bộ với Quy hoạch phát
triển mạng lưới giao thông khu vực, Quy hoạch xây dựng và Quy hoạch chung phát
triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng lãnh thổ có cảng.
- Khuyến khích xây dựng
bến, khu bến phục vụ chung tại các khu kinh tế, công nghiệp để nâng cao hiệu
quả đầu tư và sử dụng tài nguyên đường bờ làm cảng. Dành quỹ đất thích hợp phía
sau cảng để xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa với chức năng đầu mối
logistics.
- Tiếp tục đẩy mạnh cải
cách hành chính trong quản lý đầu tư và hoạt động khai thác cảng theo hướng đơn
giản hóa, hiện đại hóa; nghiên cứu áp dụng thí điểm mô hình “cơ quan quản lý
cảng” ở các cảng có điều kiện; tạo điều kiện bố trí cơ sở làm việc của cảng vụ
hàng hải, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại các khu cảng mới để đảm
bảo việc quản lý nhà nước tại các cảng được kịp thời; khuyến khích các nhà đầu
tư thuộc khu kinh tế, khu công nghiệp tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng cảng biển
và cơ sở hạ tầng kết nối cảng.
Điều
2. Quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch
1. Cục Hàng hải
Việt Nam
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố và các cơ quan liên quan công bố và quản lý thực hiện quy hoạch
được duyệt.
- Báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét,
quyết định việc bổ sung, điều chỉnh quy mô, chức năng các cảng, bến cảng.
- Đối với các cảng, bến cảng tiềm năng: căn
cứ nhu cầu thực tế, theo đề xuất của Nhà đầu tư và Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố, Cục Hàng hải Việt Nam tổng hợp, báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem
xét, quyết định.
- Hàng năm phối hợp với
chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan, tổ chức kiểm tra tình hình
thực hiện quy hoạch phát triển cảng biển, tổng hợp đề xuất xử lý các dự án
không tuân thủ quy hoạch, báo cáo Bộ Giao thông vận tải.
- Giao Cục Hàng hải Việt Nam nghiên cứu cơ
chế tổng thể, đồng bộ về quản lý, khai thác cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng kết
hợp phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ hàng hải, logistics, tài chính, ngân hàng
và các dịch vụ khác liên quan để đảm bảo vai trò cảng cửa ngõ quốc tế, đủ sức
cạnh tranh với các cảng khác trong khu vực.
2.
Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
- Chỉ đạo các Nhà đầu tư
lập dự án xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp cảng biển, luồng hàng hải phù hợp
với quy hoạch được duyệt và theo đúng các quy định hiện hành về quản lý đầu tư
xây dựng.
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố căn cứ
quy hoạch được duyệt, quản lý chặt chẽ và sử dụng đúng mục đích đối với quỹ đất
xây dựng cảng; bố trí quỹ đất để phát triển đồng bộ cảng và hạ tầng kết nối với
cảng, khu dịch vụ hậu cảng, dịch vụ logistic, dịch vụ hàng hải đảm bảo điều
kiện hoạt động thuận lợi cho các cảng biển; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải
trong việc tổ chức giao thông hài hòa, đảm bảo không có sự xung đột giữa giao
thông kết nối cảng với giao thông đô thị.
- Việc cập nhật các khu bến cảng, bến cảng
chưa được chi tiết hoá trong quy hoạch này:
+ Đối với khu bến cảng, bến cảng nhiều
chủng loại hàng hóa, nhiều nhà đầu tư: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan
chức năng lập quy hoạch chi tiết và gửi Cục Hàng hải Việt Nam thẩm định, báo
cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét, phê duyệt.
+ Đối với các khu bến
cảng, bến cảng khác: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Nhà đầu tư hoặc cơ quan
chức năng lập quy hoạch chi tiết và gửi Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải
Việt Nam để nghiên cứu, cập nhật vào quy hoạch chi tiết Nhóm cảng và thực hiện
công tác quản lý quy hoạch.
Điều 3. Quyết
định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Chánh
Văn phòng, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt
Nam, Thủ trưởng các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành
quyết định này./.
Nơi nhận:
-
Như điều 4;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- PTT. Hoàng Trung Hải (để b/c);
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng;
- Văn phòng Chính phủ;
-
Các Bộ: KH&ĐT, Xây dựng, Tài chính, Công thương, Quốc phòng, Công an,
TN&MT, NN&PTNT;
-
Ủy ban nhân dân TP Hải Phòng;
- Ủy ban nhân dân các Tỉnh: Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình;
-
Các Tập đoàn, Tổng Công ty 91;
- Các Tổng cục, Cục, Vụ thuộc Bộ GTVT;
- Công báo, Website Chính phủ;
- Website Bộ GTVT;
- Lưu VT, KHĐT (5)
|
BỘ TRƯỞNG
Hồ Nghĩa Dũng
|