BỘ
GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
1742/QĐ-BGTVT
|
Hà
Nội, ngày 03 tháng 08 năm 2011
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHI TIẾT NHÓM CẢNG BIỂN BẮC TRUNG BỘ
(NHÓM 2) GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26
tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam
ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP
ngày 22/4/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP
ngày 07/9/2006 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch phát triển
tổng thể kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 về sửa
đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP;
Căn cứ Quyết định số 2190/QĐ-TTg
ngày 24/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể
phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
Xét tờ trình số 1657/TTr-CHHVN-KHĐT
ngày 27/7/2011 của Cục Hàng hải Việt Nam và Biên bản Hội đồng thẩm định tháng 6/2011
về Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển miền Bắc Trung Bộ (Nhóm 2) đến năm 2020,
định hướng đến năm 2030;
Xét đề nghị của Thường trực Hội
đồng thẩm định và Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.
Phê duyệt Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển Bắc Trung Bộ
(Nhóm 2) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với những nội dung chủ
yếu sau:
1. Phạm vi
quy hoạch
Phạm vi quy hoạch là các cảng biển
thuộc các tỉnh ven biển khu vực Bắc Trung Bộ: Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.
Phạm vi phục vụ bao gồm các tỉnh trên, đồng thời đáp ứng nhu cầu vận tải hàng
hóa bằng đường biển của nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào (Lào).
2. Quan điểm và
mục tiêu phát triển
a) Quan điểm phát triển
- Phát triển một cách cân đối và
hài hòa với sự phát triển về kinh tế, xã hội của khu vực, trọng tâm là các tỉnh
Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Chức năng, vai trò, quy mô của từng cảng hợp lý,
phù hợp với quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến
năm 2030, quy hoạch giao thông khu vực và quy hoạch kinh tế - xã hội của địa
phương.
- Chú trọng sự kết nối liên hoàn
giữa cảng biển với mạng giao thông quốc gia và các hành lang thông thương với
Lào để đảm bảo chức năng phục vụ của nhóm cảng. Phát triển các bến cảng tổng
hợp tại cảng Nghi Sơn, Cửa Lò, Vũng Áng là các cảng đầu mối đáp ứng nhu cầu vận
tải biển biển gần và trung và là các cảng vệ tinh đối với cảng cửa ngõ quốc tế,
trung chuyển quốc tế; các cảng Đông Hồi, Sơn Dương là các cảng chuyên dùng có
bến tổng hợp; kết nối với các trục hành lang Đông - Tây, góp phần giảm áp lực
lưu lượng hàng hóa trên trục đường bộ Bắc - Nam.
- Đầu tư chiều sâu năng lực thiết
bị, công nghệ bốc dỡ, quản lý khai thác cảng đảm bảo hiệu quả đầu tư, khai thác
kết cấu hạ tầng cảng hiện có, nâng cao năng lực thông qua hàng hóa của cảng.
- Kết hợp chặt chẽ với bảo vệ môi
trường, đảm bảo sự phát triển bền vững, đồng thời đảm bảo về quốc phòng - an
ninh.
b) Mục tiêu, định hướng phát
triển
- Mục tiêu chung: Phát triển
cảng biển Bắc Trung Bộ (Nhóm 2) đồng bộ, hài hòa giữa các bến tổng hợp và các
bến cảng chuyên dùng để kịp thời đáp ứng cho sự hình thành và phát triển của
các khu kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp, các cơ sở công nghiệp tập trung
ngành điện, khai khoáng, lọc hóa dầu trong khu vực như Khu kinh tế Nghi Sơn,
Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, Khu công nghiệp Đông Hồi, Khu kinh tế Vũng Áng;
kết hợp thu hút và đáp ứng nhu cầu vận tải biển của Lào.
- Mục tiêu cụ thể:
+ Bảo đảm thông qua cảng lượng hàng
các giai đoạn quy hoạch như sau:
. 68 ÷ 91 triệu T/năm
vào năm 2015;
. 129 ÷ 186 triệu T/năm
vào năm 2020;
. 263 triệu T/năm vào
năm 2030.
+ Chú trọng phát
triển ba cảng chính là cảng Nghi Sơn, cảng Cửa Lò, cảng Sơn Dương - Vũng Áng,
tạo động lực phát triển các khu kinh tế ven biển thuộc ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ
An và Hà Tĩnh.
3.
Nội dung quy hoạch
a) Quy hoạch chi tiết
các cảng trong nhóm theo quy mô, chức năng nhiệm vụ
- Cảng Nghi
Sơn: Là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực
(loại I), gồm các khu bến cảng Nam Nghi Sơn, Bắc Nghi Sơn và khu đảo Hòn Mê.
Trong đó:
+ Khu bến cảng Nam
Nghi Sơn: có chức năng là khu bến tổng hợp, container, có bến chuyên dùng, đón
nhận cỡ tàu có trọng tải từ 30.000 - 50.000 DWT vào làm hàng. Giai đoạn đầu tập
trung phát triển các bến tổng hợp nối tiếp bến số 1 và số 2 hiện có, hoàn thành
việc xây dựng các bến của nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn, và chuyển đổi công năng
khu Nhà máy đóng tàu thành khu chức năng khai thác cảng và dịch vụ tổng hợp dầu
khí. Đáp ứng lượng hàng thông qua dự kiến khoảng 16 triệu tấn/năm vào năm 2015,
khoảng 22 triệu tấn/năm vào năm 2020.
+ Khu bến cảng Bắc
Nghi Sơn: là khu vực tập trung các bến chuyên dùng của nhà máy lọc hóa dầu Nghi
Sơn, bến chuyên dùng của các nhà máy trong khu công nghiệp, đón nhận cỡ tàu có
trọng tải từ 30.000 - 50.000 DWT vào làm hàng. Lượng hàng thông qua dự kiến đạt
8 - 10 triệu/tấn vào năm 2015, khoảng 10-15 triệu/tấn vào năm 2020.
+ Khu vực đảo Mê
ngoài khơi cảng Nghi Sơn: phát triển khu bến chuyển tải cho tàu lớn trên
100.000 DWT, tiếp tục duy trì là khu quân sự, neo đậu, tránh trú bão, từng bước
hình thành các bến tàu khách để phát triển du lịch khi có đủ điều kiện.
Chi tiết các thông
số quy hoạch cảng Nghi Sơn tuân theo quyết định số 1401/QĐ-BGTVT ngày 26/5/2010
của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
+ Khu bến Lệ Môn,
Quảng Châu, Quảng Nham: cảng tổng hợp địa phương (loại II). Lượng hàng không
qua dự kiến khoảng 0,5 triệu tấn/năm vào năm 2015, khoảng 1 triệu tấn/năm vào
năm 2020. Cỡ tàu vào cảng có trọng tải 1.000 DWT.
- Cảng Nghệ An:
Là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại
I), gồm khu bến Nam Cửa Lò, Bắc Cửa Lò và khu bến cảng chuyên dùng Đông Hồi. Cụ
thể:
+ Khu bến Nam Cửa Lò:
tập trung khai thác hiệu quả 04 bến tổng hợp hiện có với luồng tàu đảm bảo cho
tàu có trọng tải 10.000 DWT đầy tải vào làm hàng tại bến. Đầu tư máy móc thiết
bị để nâng cao năng suất khai thác; nghiên cứu đầu tư bến tiếp nối phía ngoài
cho tàu có trọng tải đến 20.000 DWT.
Lượng hàng thông qua
khu bến Nam Cửa Lò dự kiến đạt khoảng 2,5 - 3 triệu tấn/năm vào năm 2015 và
trên 3 triệu tấn/năm trong giai đoạn 2020.
+ Khu bến Bắc Cửa Lò:
là khu bến container, tổng hợp cho tàu lớn có trọng tải từ 30.000 - 50.000 DWT.
Phát triển các bến tại khu vực này gắn với phát triển khu kinh tế Đông Nam Nghệ
An theo nhu cầu và năng lực đầu tư của khu kinh tế.
Chi tiết các thông
số quy hoạch khu bến Bắc Cửa Lò tuân theo quyết định số 3488/QĐ-BGTVT ngày 03/12/2010
của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
+ Khu bến Đông Hồi:
Là khu bến cảng chuyên dùng phục vụ nhu cầu xuất nhập hàng hóa trực tiếp cho
nhà máy nhiệt điện, thép, vật liệu xây dựng trong khu công nghiệp Đông Hồi Nghệ
An và vùng lân cận, tiếp nhận tàu có trọng tải 30.000 - 50.000 DWT vào làm
hàng, đáp ứng lượng hàng thông qua theo nhu cầu và năng lực đầu tư khu công
nghiệp Đông Hồi.
Chi tiết các thông
số quy hoạch cảng Đông Hồi tuân theo quyết định số 1401/QĐ-BGTVT ngày 26/5/2010
của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
+ Khu bến Bến Thủy,
Cửa Hội: khu bến cảng tổng hợp địa phương có bến chuyên dùng. Có thể thông qua
lượng hàng 0,75 triệu tấn/năm vào năm 2015, khoảng 1,25 triệu tấn/năm vào năm
2020. Cỡ tàu vào cảng có trọng tải từ 1.000 - 3.000 DWT.
- Cảng Sơn
Dương - Vũng Áng: Là cảng tổng hợp quốc gia, đầu
mối khu vực (loại I) gồm có khu bến cảng Vũng Áng và khu bến cảng Sơn Dương. Bao
gồm:
+ Khu bến cảng Vũng
Áng: Gồm các bến tổng hợp, container; có bến chuyên dùng, trong đó các bến tổng
hợp và container đóng vai trò là trung tâm của khu bến cảng Vũng Áng có thể đón
nhận tàu có trọng tải đến 50.000 DWT. Bến chuyên dùng cho xăng dầu đón nhận tàu
có trọng tải đến 15.000 DWT, các bến chuyên dùng cho các nhà máy nhiệt điện đón
nhận tàu chở than có trọng tải từ 10.000 - 90.000 DWT.
+ Khu bến cảng Sơn
Dương: Là khu bến chuyên dùng có bến tổng hợp phục vụ chủ yếu cho các cơ sở
công nghiệp nặng sau cảng như luyện kim, lọc hóa dầu, khai khoáng, … có thể đáp
ứng cho tàu trọng tải từ 100.000 - 350.000 DWT; hình thành các bến tổng hợp,
container khi các bến tổng hợp, container tại Vũng Áng đã phát triển hết công
suất; nghiên cứu bố trí cảng trung chuyển than cho tàu trên 100.000 DWT phục vụ
các trung tâm nhiệt điện tại khu vực. Lượng hàng thông qua cảng Sơn Dương -
Vũng Áng dự kiến đạt khoảng 35 - 37 triệu tấn/năm vào năm 2015 và đạt khoảng 77
- 80 triệu tấn/năm vào năm 2020.
+ Bến cảng Xuân Hải:
Là bến cảng tổng hợp địa phương. Có thể thông qua lượng hàng dự kiến là 0,25
triệu tấn/năm, cho tàu trọng tải từ 1.000 - 30.000 DWT.
+ Bến Cửa Sót (Thạch
Khê): khu bến cảng chuyên dùng tiềm năng phục vụ công nghiệp khai khoáng khi có
yêu cầu.
- Các khu bến
cảng tổng hợp địa phương: Phát triển chủ yếu trên
cơ sở hạ tầng sẵn có, đầu tư chiều sâu về con người và thiết bị để nâng cao
hiệu quả khai thác.
(Danh mục chi tiết
về quy mô, chức năng từng cảng trong nhóm được nêu cụ thể tại Phụ lục và hồ sơ
quy hoạch kèm theo Quyết định này)
b) Quy hoạch phát
triển luồng vào cảng
- Luồng vào
cảng Nghi Sơn:
• Luồng vào khu bến Nam Nghi Sơn: Giai đoạn 2015 khai thác luồng theo
hiện trạng, đảm bảo cho tàu 30.000 DWT. Các giai đoạn tiếp theo sẽ căn cứ vào
thực tế phát triển của cảng để tiến hành nạo vét luồng.
• Đối với luồng tàu cho các khu bến chuyên dùng, tiến hành nạo vét đảm
bảo hoạt động hiệu quả của bến trên cơ sở năng lực đầu tư của cảng.
- Luồng vào
cảng Cửa Lò: Luồng vào khu bến tổng hợp, container
Nam Cửa Lò: Giai đoạn 2015 nâng cấp luồng hiện tại cho tàu 10.000 DWT đầy tải
lợi dụng mực nước ra vào cảng. Các giai đoạn tiếp theo sẽ căn cứ vào thực tế
phát triển của cảng để tiến hành nạo vét luồng.
- Luồng vào cảng
Vũng Áng - Sơn Dương:
• Luồng vào khu bến cảng Vũng Áng: Giai đoạn đến 2020 đảm bảo khai thác
cho tàu 40.000 DWT đầy tải, 50.000 DWT giảm tải lợi dụng mực nước ra vào cảng.
Giai đoạn tiếp theo sẽ căn cứ vào thực tế phát triển của cảng để tiến hành nạo
vét luồng.
• Đối với luồng tàu cho các khu bến chuyên dùng, tiến hành nạo vét đảm
bảo hoạt động hiệu quả của bến trên cơ sở năng lực đầu tư của cảng.
- Luồng vào các
cảng tổng hợp địa phương
Tiếp tục tiến hành
nạo vét duy tu hàng năm để duy trì hoạt động của luồng, đảm bảo điều kiện khai
thác an toàn các bến cảng.
c) Các dự án ưu
tiên giai đoạn đến năm 2015
- Đối với luồng
tàu: Cải tạo nâng cấp luồng tàu đảm bảo cho tàu có
trọng tải 10.000 DWT đầy tải lợi dụng mực nước ra vào cảng Cửa Lò.
- Đối với cảng
tổng hợp
+ Nghiên cứu đầu tư
xây dựng cầu cảng cho tàu trọng tải đến 20.000 DWT khu cảng Nam Cửa Lò.
+ Đầu tư xây dựng bến
tổng hợp số 3 tại Vũng Áng cho tàu trọng tải đến 50.000 DWT do doanh nghiệp
cảng tự đầu tư.
- Đối với cảng
chuyên dùng:
+ Tập trung xây dựng
khu bến của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn gồm bến nhập dầu thô ngoài khơi đảo
Hòn Mê và khu bến xuất sản phẩm rắn và lỏng của Nhà máy.
+ Bến cảng phục vụ
các trung tâm nhiệt điện tại Nghi Sơn - Thanh Hóa, Vũng Áng - Hà Tĩnh.
4.
Các chính sách, cơ chế và giải pháp thực hiện
- Đẩy mạnh xã hội hóa
việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển bằng các hình thức PPP, BOT, BT
…. Tăng cường xúc tiến đầu tư, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho mọi
thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển cảng biển
bằng các hình thức theo quy định.
- Nguồn vốn ngân sách
tập trung đầu tư cho các hạng mục cơ sở hạ tầng công cộng (luồng tàu, đê chắn
sóng dùng chung) kết nối với cảng biển quan trọng. Các hạng mục cơ sở hạ tầng
bến cảng chủ yếu đầu tư bằng nguồn huy động hợp pháp của doanh nghiệp. Các
cảng, bến cảng do nhà đầu tư đề xuất, kể cả các bến cảng tổng hợp thì toàn bộ
hạ tầng bến cảng và hạ tầng kết nối cảng sẽ được đầu tư bằng nguồn vốn tự huy
động của Nhà đầu tư.
- Nghiên cứu, thực
hiện thí điểm việc cho phép đối tác nước ngoài tự đầu tư trang thiết bị bốc xếp
và thuê khai thác kết cấu hạ tầng cảng được đầu tư bằng vốn trong nước (có gắn
với việc chuyển giao công nghệ tiên tiến).
- Tiếp tục đẩy mạnh
cải cách hành chính trong quản lý đầu tư và hoạt động khai thác bến cảng theo
hướng đơn giản hóa và hội nhập quốc tế.
- Tăng cường công tác
quản lý Nhà nước trong quá trình thực hiện Quy hoạch phát triển cảng biển trong
nhóm, trong đó chú trọng phối hợp gắn kết đồng bộ với Quy hoạch phát triển mạng
lưới giao thông khu vực, Quy hoạch xây dựng và Quy hoạch chung phát triển kinh
tế - xã hội của địa phương, vùng lãnh thổ có cảng.
- Khuyến khích xây
dựng bến, khu bến phục vụ chung tại các khu kinh tế, công nghiệp để nâng cao
hiệu quả đầu tư và sử dụng tài nguyên đường bờ làm cảng. Dành quỹ đất thích hợp
phía sau cảng để xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa với chức năng đầu mối
logistics.
- Tiếp tục đẩy mạnh
cải cách hành chính trong quản lý đầu tư và hoạt động khai thác cảng theo hướng
đơn giản hóa, hiện đại hóa; nghiên cứu áp dụng thí điểm mô hình “cơ quan quản
lý cảng” ở các cảng có điều kiện. Đối với khu bến cảng tổng hợp, chuyên dùng
phục vụ khu kinh tế, khu công nghiệp, các Ban quản lý khu kinh tế, khu công
nghiệp khuyến khích, huy động các nhà đầu tư khu kinh tế, khu công nghiệp tham
gia đầu tư cơ sở hạ tầng của cảng.
Điều 2. Quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch
1. Cục Hàng hải
Việt Nam
- Phối hợp với Ủy ban
nhân dân các tỉnh, thành phố và các cơ quan liên quan công bố và quản lý thực
hiện quy hoạch được duyệt;
- Báo cáo Bộ Giao
thông vận tải xem xét, quyết định việc bổ sung, điều chỉnh quy mô, chức năng
các cảng, bến cảng;
- Đối với các cảng,
bến cảng tiềm năng: căn cứ nhu cầu thực tế, theo đề xuất của Nhà thầu và Ủy ban
nhân dân các tỉnh, thành phố, Cục Hàng hải Việt Nam tổng hợp, báo cáo Bộ Giao
thông vận tải xem xét, quyết định.
- Hàng năm phối hợp
với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan, tổ chức kiểm tra tình hình
thực hiện quy hoạch phát triển cảng biển, tổng hợp đề xuất xử lý các dự án
không tuân thủ quy hoạch, báo cáo Bộ Giao thông vận tải.
2. Các Bộ, ngành,
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
- Chỉ đạo các Nhà đầu
tư lập dự án xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp cảng biển, luồng hàng hải phù
hợp với quy hoạch được duyệt và theo đúng các quy định hiện hành về quản lý đầu
tư xây dựng.
- Ủy ban nhân dân các
tỉnh, thành phố căn cứ quy hoạch được duyệt, quản lý chặt chẽ và sử dụng đúng
mục đích đối với quỹ đất xây dựng cảng; bố trí quỹ đất để phát triển đồng bộ
cảng và hạ tầng kết nối với cảng, khu dịch vụ hậu cảng, dịch vụ hàng hải đảm
bảo điều kiện hoạt động thuận lợi cho các cảng biển.
- Việc cập nhật các
khu bến cảng, bến cảng chưa được chi tiết hóa trong quy hoạch này:
+ Đối với khu bến
cảng, bến cảng nhiều chủng loại hàng hóa, nhiều nhà đầu tư: Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng lập quy hoạch chi tiết và gửi Cục Hàng hải Việt
Nam thẩm định, báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét, phê duyệt.
+ Đối với các khu bến
cảng, bến cảng khác: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Nhà đầu tư hoặc cơ quan
chức năng lập quy hoạch chi tiết và gửi Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải
Việt Nam để nghiên cứu, cập nhật vào quy hoạch chi tiết Nhóm cảng và thực hiện
công tác quản lý quy hoạch.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban
hành.
Điều 4. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ
trưởng các Vụ, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Thủ trưởng các tổ chức, cá
nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Nơi nhận:
- Như điều 4;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- PTT. Hoàng Trung Hải (để b/c);
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: KH&ĐT, Xây dựng, Tài chính, Công thương, Quốc phòng, Công an,
TN&MT, NN&PTNT;
- UBND các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh;
- Các Tập đoàn, Tổng Công ty 91;
- Các Tổng cục, Cục, Vụ thuộc Bộ GTVT;
- Công báo, Website Chính phủ;
- Website Bộ GTGT;
- Lưu VT, KHĐT (5).
|
BỘ TRƯỞNG
Hồ Nghĩa Dũng
|