Quyết định 740/QĐ-UBND năm 2017 Đề án hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020

Số hiệu 740/QĐ-UBND
Ngày ban hành 18/04/2017
Ngày có hiệu lực 18/04/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Đoàn Văn Việt
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: 740/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 18 tháng 4 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025”;

Xét đề nghị của Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- TTTU, TT HĐND tỉnh
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như điều 3;
- Lãnh đạo VPUBND tỉnh;
- Lưu: VT, TH2.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đoàn Văn Việt

 

ĐỀ ÁN

HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 740/QĐ-UBND ngày 18 tháng 4 năm 2017 của UBND tỉnh Lâm Đồng)

Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG KHỞI NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2011-2016

1. Đánh giá tình hình phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2011-2016

Trong giai đoạn 5 năm qua, môi trường kinh doanh của tỉnh từng bước được cải thiện, số lượng doanh nghiệp mới thành lập tăng khá, nhiều doanh nghiệp đã nâng cao được năng lực cạnh tranh. Riêng năm 2016, có 917 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 8.455,3 tỷ đồng, tăng 8,4% về số lượng doanh nghiệp, 103,3% về số vốn đăng ký so với năm 2015. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp năm 2016 đạt 9,2 tỷ đồng, cao gấp 1,13 lần mức bình quân cả nước, tăng 87,8% so với cùng kỳ năm 2015. Tỷ lệ tăng trưởng đăng ký kinh doanh bình quân giai đoạn 2011-2016 là 15,87%.

Đến 31/12/2016, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là 6.447 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 60.972 tỷ đồng, tăng 16,5% về số doanh nghiệp và 16,3% về vốn đăng ký so với 2015. Doanh thu thuần bình quân một doanh nghiệp 10,13 tỷ đồng; số doanh nghiệp có lãi chiếm tỷ trọng khoảng 52,9%, số doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ chiếm 27,95%; số doanh nghiệp hòa vốn chiếm tỷ lệ 19,2%.

Về cơ cấu ngành nghề, doanh nghiệp nông lâm nghiệp chiếm 7,27%; dịch vụ chiếm 11,04%; công nghiệp - xây dựng chiếm 21,11%; thương mại và dịch vụ chiếm 48,39% và các ngành nghề khác 12,19%. Tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng GRDP của tỉnh gồm: Nông lâm nghiệp chiếm 3,1%; công nghiệp - xây dựng chiếm 6,4%; dịch vụ chiếm 4,7%. Khu vực doanh nghiệp tạo việc làm cho khoảng 720 nghìn lao động với thu nhập bình quân 52 triệu đồng/người/năm và tạo giá trị kim ngạch xuất khẩu hơn 480 triệu USD/năm.

Thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực vượt qua khó khăn, phát triển được nhiều sản phẩm mới, khai thác tốt thị trường....Những khó khăn của doanh nghiệp về tiếp cận tín dụng, đất đai, các thủ tục đầu tư, xây dựng... đã từng bước được tháo gỡ nên tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhìn chung vẫn đạt được những kết quả khả quan so với tình hình doanh nghiệp chung của cả nước.

2. Đánh giá khái quát các hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn

Các hoạt động khởi nghiệp đã hình thành từ trước những năm 2000. Tuy nhiên, đến năm 2002, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 90/2002/NĐ-CP về trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa; từ đó khái niệm khởi nghiệp mới được chính thức quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật và một số cơ chế hỗ trợ khởi nghiệp cũng bắt đầu được ban hành. Khái niệm khởi nghiệp tuy đã được quy định trong một số văn bản quy phạm pháp luật nhưng chưa thật sự trở thành chủ trương lớn, chưa được tuyên truyền, phổ biến rộng khắp và việc tổ chức thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu hỗ trợ khởi nghiệp. Việc triển khai Nghị định số 90/2002/NĐ-CP của Chính phủ chỉ tập trung vào một số hoạt động đào tạo khởi nghiệp nhưng còn rời rạc và nhỏ lẻ, chưa đạt được những kết quả rõ nét. Những năm gần đây, với sự hợp tác giữa các hiệp hội doanh nghiệp, các đoàn thể quần chúng, các trường đại học, cao đẳng...phong trào khởi nghiệp trong đoàn viên thanh niên, sinh viên được phát động, hỗ trợ và đã đạt được một số kết quả bước đầu với khoảng 20 ý tưởng được bình chọn hàng năm nhưng chưa có nguồn lực và cơ chế hỗ trợ để những ý tưởng được chọn tiếp tục tham gia thị trường. Chương trình khuyến công của tỉnh đã thực hiện các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho các doanh nghiệp mới thành lập nhưng chủ yếu là tập huấn khởi nghiệp, tổ chức một số cuộc thi lựa chọn các sản phẩm mới và chỉ dừng lại ở mức chấm sản phẩm đạt giải, chưa có cơ chế hỗ trợ các hoạt động tiếp theo để phát triển sản phẩm. Các cơ quan chức năng chưa phối hợp và kết nối với các trường đại học, cao đẳng, các tổ chức đoàn thể và các hiệp hội doanh nghiệp trong việc hỗ trợ đào tạo khởi nghiệp nên tác dụng còn hạn chế. Trong số khoảng 800 doanh nghiệp mới thành lập hàng năm, có từ 30 đến 40 doanh nghiệp được thành lập theo hình thức khởi nghiệp từ các vườn ươm khởi nghiệp của các trường đại học, cao đẳng và từ sự khuyến khích, động viên của các đoàn thể, hiệp hội doanh nghiệp.

Trong thời gian qua, các hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh đã hình thành và được triển khai, tuy nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nhưng chỉ là những chính sách hỗ trợ chung, chưa có chính sách riêng dành cho các cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp và chưa có những quy định pháp luật điều chỉnh sự hình thành và phát triển của những doanh nghiệp khởi nghiệp.

Phần thứ hai

[...]