Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 69/2006/QĐ-UBND quy định tạm thời về tiêu chuẩn làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp do thành phố Cần Thơ ban hành

Số hiệu 69/2006/QĐ-UBND
Ngày ban hành 12/09/2006
Ngày có hiệu lực 22/09/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Võ Thanh Tòng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 69/2006/QĐ-UBND

Cần Thơ, ngày 12 tháng 9 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ TIÊU CHUẨN LÀNG NGHỀ CÔNG NGHIỆP - TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 134/2004/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2004 của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công nghiệp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định tạm thời về tiêu chuẩn làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp” áp dụng trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực sau 10 (mười) ngày và đăng Báo Cần Thơ chậm nhất 05 (năm) ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan ban, ngành thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Võ Thanh Tòng

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

VỀ TIÊU CHUẨN LÀNG NGHỀ CÔNG NGHIỆP - TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 69/2006/QĐ-UBND ngày 12 tháng 9 năm 2006 của UBND thành phố Cần Thơ)

Quy định tạm thời về tiêu chuẩn làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp làm cơ sở xét công nhận làng nghề và tạo điều kiện bảo tồn, khôi phục, phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề truyền thống; xây dựng và phát triển làng nghề mới; phát triển ngành nghề, làng nghề gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (sau đây viết tắt là CN - TTCN), phát triển hoạt động văn hóa du lịch, giao lưu kinh tế; bảo vệ môi trường sinh thái; tăng cường công tác quản lý nhà nước về sản xuất CN - TTCN trên địa bàn.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Khái niệm chung:

Làng nghề, làng nghề CN - TTCN là một cộng đồng dân cư tập trung trên một địa bàn như: làng xóm, ấp, thị trấn, khu phố,… (sau đây gọi chung là làng nghề); mà ở đó, dân cư cùng nhau sản xuất một hoặc một số loại sản phẩm hàng hóa trong đó có ít nhất một sản phẩm đặc trưng, thu hút đại bộ phận lao động hoặc hộ gia đình tham gia, đem lại nguồn thu nhập chính và chiếm tỷ trọng lớn so với thu nhập dân cư tạo ra trên địa bàn của làng hoặc cộng đồng dân cư đó.

Điều 2. Tên và biểu tượng của làng nghề:

Tên gọi của làng nghề được gắn với nghề sản xuất chính và địa danh của làng nghề (nếu chỉ có một nghề tồn tại và phát triển thì lấy nghề đó đặt tên cho nghề của làng; nếu là có nhiều nghề phát triển thì tên nghề của làng lấy tên nghề nào có giá trị sản xuất và thu nhập cao nhất để đặt tên nghề gắn với tên làng nghề; nếu nghề hoạt động trên địa bàn từ 2 địa danh trở lên trong cùng một xã thì tên nghề được gắn với tên xã).

Làng nghề có thể có biểu tượng (logo) để các thành viên của làng nghề sử dụng và nhằm làm tăng thêm vị thế cạnh tranh, quảng bá sản phẩm. Biểu tượng của làng nghề phải nêu được đặc trưng, hình tượng hóa nghề nghiệp của làng nghề và tuân thủ các quy định hiện hành về biểu trưng, biểu tượng.

Điều 3. Phạm vi áp dụng:

Các địa phương có ngành nghề sản xuất CN - TTCN trên địa bàn thành phố, bao gồm các nhóm ngành nghề sau đây:

- Vật liệu xây dựng;

- Chế biến, sơ chế nông, lâm, thủy sản;

- Dệt, thêu, may, da giày;

[...]