Nhằm mục đích đẩy mạnh cuộc vận động nhân dân
các địa phương trong tỉnh xây dựng, phát triển ngành nghề; bảo tồn, phát triển
các làng nghề truyền thống và du nhập nghề mới phù hợp với quy hoạch, kế hoạch
phát triển kinh tế xã hội nói chung, phát triển công nghiệp - tiểu thủ công
nghiệp, nông nghiệp, thủy sản nói riêng; gắn với bảo vệ môi trường, xây dựng đời
sống văn hóa ở cơ sở góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện
đời sống, tăng thu nhập cho người dân nông thôn, thực hiện chuyển dịch cơ cấu
kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Ủy ban
nhân dân tỉnh Bến Tre quy định về tiêu chuẩn áp dụng trong tỉnh Bến Tre làm cơ
sở để xây dựng, phát triển, xét công nhận và thực hiện các chính sách ưu đãi đối
với làng nghề.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Khái niệm một
số từ ngữ trong quy định này:
1. Làng nghề: Là một hoặc nhiều cụm dân cư sinh
sống trong một hoặc nhiều ấp (khóm hoặc khu phố) trên địa bàn một xã, phường,
thị trấn có cùng hoạt động sản xuất tạo ra một hoặc nhiều sản phẩm khác nhau; sản
xuất theo quy mô từng hộ gia đình hoặc cơ sở sản xuất trong ấp (khóm, khu phố
hoặc tương đương), phát triển đến mức trở thành thu nhập quan trọng của người
dân trong làng.
2. Làng nghề truyền thống: Là làng nghề có lịch
sử hình thành và hoạt động trên 40 năm, sản phẩm mang tính đặc thù riêng của địa
phương, có uy tín trên thị trường, có giá trị kinh tế và văn hóa.
Điều 2. Đối tượng và
phạm vi áp dụng:
Quy định này áp dụng cho các làng nghề, làng nghề
truyền thống Bến Tre thuộc các lĩnh vực như:
1. Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.
2. Sản xuất hàng tiêu dùng.
3. Chế biến lương thực, thực phẩm, thủy sản.
4. Sản xuất công cụ phục vụ sản xuất và đời sống.
5. Sản xuất vật liệu xây dựng.
6. Sản xuất hoa kiểng, cây giống và làm muối.
Chương II
TIÊU CHUẨN CỦA LÀNG NGHỀ
CÔNG NGHIỆP TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP, NÔNG NGHIỆP VÀ THỦY SẢN
Điều 3.
1. Tiêu chuẩn của
làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thủy sản:
a) Chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của chính quyền địa phương, đảm
bảo vệ sinh môi trường;
b) Có tối thiểu 50 hộ tham gia sản xuất, thu hút
từ 100 lao động trở lên;
c) Hoạt động sản xuất hàng hóa, ổn định và phát
triển;
d) Có hình thức sản xuất phù hợp, phát triển sản
xuất kinh doanh gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, giải quyết việc
làm, xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
2. Tiêu chuẩn của làng nghề nông nghiệp:
a) Chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của chính quyền địa phương, đảm
bảo vệ sinh môi trường;
b) Số hộ lao động (hoặc số lao động) trong lĩnh
vực hoa kiểng, cây giống, làm muối chiếm 30% trở lên so với tổng số hộ (hoặc số
lao động) của làng;
c) Giá trị thu từ sản xuất hoa kiểng, cây giống,
làm muối chiếm tỷ trọng trên 30% so với tổng giá trị sản xuất hoặc doanh thu của
làng trong năm;
d) Có hình thức sản xuất phù hợp, phát triển sản
xuất kinh doanh gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, giải quyết việc
làm, xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Điều 4. Các tiêu chuẩn
làng nghề phải được thực hiện ổn định và đạt từ 02 năm trở lên thì được Ủy ban
nhân dân tỉnh xem xét và ra quyết định công nhận làng nghề; đồng thời nếu có thời
gian hình thành và hoạt động trên 40 năm sẽ được xem xét và ra quyết định công
nhận làng nghề truyền thống.
Điều 5. Tên của làng nghề
gắn với tên của nghề và địa danh của làng nghề. Việc đặt tên nghề của làng do
chính quyền địa phương tổ chức lấy ý kiến của nhân dân trong làng nghề để quyết
định đặt tên làng nghề cho phù hợp.
Chương III
TỔ CHỨC XÉT DUYỆT CÔNG
NHẬN LÀNG NGHỀ
Điều 6. Việc tổ chức xét
duyệt, công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống, làng nghề mới được thực hiện
theo trình tự như sau:
1. Căn cứ vào tiêu chuẩn làng nghề, Ủy ban nhân
dân huyện, thị xã có trách nhiệm chỉ đạo cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn
tiến hành rà soát địa bàn có ngành nghề phát triển ổn định trong hai năm gần nhất
và tiến hành lập hồ sơ báo cáo xây dựng làng nghề để trình xét công nhận.
Mẫu hồ sơ báo cáo xây dựng làng nghề do Sở Công
nghiệp, Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, Sở Thủy sản thống nhất hướng dẫn.
2. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, tối đa trong vòng 02
tháng Hội đồng thẩm định tỉnh (do Sở Công nghiệp hoặc Sở Nông nghiệp - Phát triển
nông thôn hoặc Sở Thủy sản chủ trì tùy theo ngành nghề) phải tiến hành thẩm định
và đề xuất trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, công nhận làng nghề.
Hội đồng thẩm định tỉnh với thành phần chính gồm:
Sở Công nghiệp, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Sở Thủy sản, Sở Tài
nguyên - Môi trường, Sở Khoa học -Công nghệ, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài
chính, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 7. Khi làng nghề được
công nhận, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã phải có trách nhiệm đánh giá hoạt động
của làng nghề hàng năm để báo cáo về Sở quản lý chuyên ngành theo dõi và tiến
hành kiểm tra, đề xuất trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét thu hồi quyết định
công nhận làng nghề đối với những làng nghề không đảm bảo giữ vững các tiêu chuẩn
quy định trong 02 năm liền.
Chương IV
TRÁCH NHIỆM, QUYỀN LỢI CỦA
LÀNG NGHỀ
Điều 8. Trách nhiệm của
làng nghề:
1. Vận động nhân dân hăng hái tham gia xây dựng
và thực hiện các tiêu chuẩn của làng nghề;
2. Tích cực đầu tư, mở rộng sản xuất; đổi mới
thiết bị công nghệ, quy trình công nghệ; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào
sản xuất; nâng cao chất lượng sản phẩm; xác lập quyền sở hữu trí tuệ, đăng ký
nhãn hiệu hàng hóa góp phần tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu
thụ sản phẩm của làng nghề;
3. Thường xuyên báo cáo về cơ quan quản lý nhà
nước ở địa phương (Sở Công nghiệp hoặc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và
Phòng Kinh tế huyện, thị xã) về tình hình hoạt động sản xuất, kế hoạch của làng
nghề định kỳ hàng tháng, quý, năm.
Điều 9. Quyền lợi của
làng nghề:
1. Được ưu tiên hưởng các chế độ ưu đãi về phát
triển nghề và làng nghề của Ủy ban nhân dân tỉnh và các chính sách theo quy định
của nhà nước;
2. Được hỗ trợ phát triển đổi mới thiết bị công
nghệ, phát triển sản phẩm; hỗ trợ xác lập quyền sở hữu trí tuệ và quảng bá
thương hiệu làng nghề; hỗ trợ đầu tư các mô hình sản xuất thí điểm, tham quan học
tập kinh nghiệm; hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đối với một số làng nghề
trọng điểm có khó khăn thông qua chương trình mục tiêu quốc gia, quỹ khuyến
công;
3. Được đào tạo, bồi dưỡng kỷ năng nghề nghiệp;
4. Các cơ sở ngành nghề nông thôn của làng nghề
có dự án đầu tư tốt, được Ủy ban nhân dân huyện, thị xã thẩm định, sẽ được Quỹ
Hỗ trợ phát triển cho vay đầu tư; hỗ trợ lãi suất sau đầu tư; bảo lãnh tín dụng
đầu tư theo các điều kiện, trình tự, thủ tục quy định của pháp luật.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Ủy ban nhân
dân xã, phường, thị trấn là chủ thể tổ chức quản lý, điều hành hoạt động của
làng nghề, có trách nhiệm tuyên truyền vận động nhân dân tham gia xây dựng và
phát triển làng nghề gắn với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội ở cơ sở.
Điều 11. Các sở, ban,
ngành tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp phối hợp với Ủy
ban nhân dân các huyện, thị xã hướng dẫn các địa phương phấn đấu xây dựng và
phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề theo đúng các tiêu chuẩn trong bảng
quy định này.
Điều 12. Hàng năm Sở
Công nghiệp, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Sở Thủy sản phối hợp các
ngành, huyện, thị xã tiến hành tổng kết rút kinh nghiệm và đề xuất những giải
pháp để xây dựng và phát triển làng nghề gắn với nhiệm vụ phát triển công nghiệp
- tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp địa phương.
Điều 13. Trong quá
trình thực hiện nếu có gì khó khăn vướng mắc, các ngành và địa phương phản ảnh
về Ủy ban nhân dân tỉnh để kịp thời sửa đổi bổ sung cho phù hợp với tình hình
thực tế./.