Quyết định 66/2004/QĐ-BNN về Quy chế công nhận, quản lý và giám sát các phòng kiểm nghiệm, người lấy mẫu và người kiểm định giống cây trồng nông nghiệp do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 66/2004/QĐ-BNN
Ngày ban hành 22/11/2004
Ngày có hiệu lực 21/12/2004
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Bùi Bá Bổng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc

 

Số: 66/2004/QĐ-BNN

Hà Nội, ngày 22 tháng 11 năm 2004 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ CÔNG NHẬN, QUẢN LÝ VÀ GIÁM SÁT CÁC PHÒNG KIỂM NGHIỆM, NGƯỜI LẤY MẪU VÀ NGƯỜI KIỂM ĐỊNH GIỐNG CÂY TRỒNG NÔNG NGHIỆP

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 86/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn;
Căn cứ Pháp lệnh chất lượng hàng hoá số 18/1999/PL-UBTVQH10, ngày 24 tháng 12 năm 1999 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;
Căn cứ Pháp lệnh giống cây trồng số 15/2004/PL-UBTVQH, ngày 24 tháng 3 năm 2004 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XI;
Căn cứ Nghị định số 179/2004/NĐ-CP, ngày 21 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ qui định quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá;
Căn cứ tiêu chuẩn TCVN ISO/IEC 17025:2001 Yêu cầu chung về năng lực của Phòng kiểm nghiệm và hiệu chuẩn; tiêu chuẩn 10 TCN 382-1999 Yêu cầu chung của phòng thử nghiệm ngành nông nghiệp; tiêu chuẩn 10 TCN 322-2003 Phương pháp kiểm nghiệm hạt giống cây trồng nông nghiệp;
Xét đề nghị của Ông Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Cục trưởng Cục Nông nghiệp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành Quy chế công nhận, quản lý và giám sát các phòng kiểm nghiệm, người lấy mẫu và người kiểm định giống cây trồng nông nghiệp.

Điều 2. Quy chế này thay thế cho việc công nhận phòng kiểm nghiệm giống cây trồng trong Quy chế công nhận phòng thử nghiệm ngành nông nghiệp theo Quyết định số 139/1999/QĐ-BNN/KHCN của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 11 tháng 10 năm 1999.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo.

Điều 4. Các ông Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Cục trưởng Cục Nông nghiệp, các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Bùi Bá Bổng

 

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

QUY CHẾ

CÔNG NHẬN, QUẢN LÝ VÀ GIÁM SÁT PHÒNG KIỂM NGHIỆM, NGƯỜI LẤY MẪU VÀ NGƯỜI KIỂM ĐỊNH GIỐNG CÂY TRỒNG NÔNG NGHIỆP

Hà Nội - 2004

 

 

QUY CHẾ

CÔNG NHẬN, QUẢN LÝ VÀ GIÁM SÁT PHÒNG KIỂM NGHIỆM, NGƯỜI LẤY MẪU VÀ NGƯỜI KIỂM ĐỊNH GIỐNG CÂY TRỒNG NÔNG NGHIỆP
(Ban hành kèm theo Quyết định số  66/2004/QĐ-BNN, ngày 22 tháng 11 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định về việc công nhận, quản lý và giám sát phòng kiểm nghiệm, người lấy mẫu và người kiểm định giống cây trồng nông nghiệp.

2. Quy chế này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động công nhận, quản lý và giám sát các phòng kiểm nghiệm, người lấy mẫu và người kiểm định giống cây trồng nông nghiệp.

 Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Phòng kiểm nghiệm giống cây trồng (Laboratory of Seed Testing) (sau đây gọi là phòng kiểm nghiệm) là phòng kiểm nghiệm đáp ứng các yêu cầu trong Quy chế này và được công nhận để thực hiện các phép thử về chất lượng giống cây trồng.

 2. Phòng kiểm nghiệm giống cây trồng loại I (Laboratory of Seed Testing level I) (sau đây gọi là phòng kiểm nghiệm loại I) là phòng kiểm nghiệm đáp ứng các yêu cầu phòng kiểm nghiệm loại I trong Quy chế này, được công nhận để làm dịch vụ kiểm nghiệm chất lượng các lô giống cây trồng.

3. Phòng kiểm nghiệm giống cây trồng loại II (Laboratory of Seed Testing level II)(sau đây gọi là phòng kiểm nghiệm loại II) là phòng kiểm nghiệm đáp ứng các yêu cầu phòng kiểm nghiệm loại II trong Quy chế này, được công nhận để làm dịch vụ kiểm nghiệm chất lượng các lô giống cây trồng.

4. Lấy mẫu giống cây trồng (Seed Sampling) là việc lấy ra một lượng giống theo quy định đại diện cho một lô giống để kiểm tra các chỉ tiêu chất lượng của lô giống đó.

5. Người lấy mẫu giống cây trồng (Seed Sampler) (sau đây gọi là người lấy mẫu) là người được đào tạo, có kinh nghiệm và được công nhận để thực hiện việc lấy mẫu giống cây trồng.

6. Kiểm định giống cây trồng (Field Inspection) là quá trình kiểm tra chất lượng lô giống cây trồng sản xuất ngay tại ruộng, nương hoặc vườn nhằm xác định tính đúng giống, độ thuần di truyền và mức độ lẫn giống hoặc loài cây khác.

7. Người kiểm định giống cây trồng (Field Inspector) (sau đây gọi là người kiểm định) là người được đào tạo, có kinh nghiệm và được công nhận để thực hiện việc kiểm định giống cây trồng.

8. Thử nghiệm thành thạo (Proficiency testing) là đánh giá hoạt động thử nghiệm của phòng kiểm nghiệm bằng phương pháp so sánh liên phòng.

9. So sánh liên phòng (Interlaboratory comparisons) là tổ chức, tiến hành và đánh giá các phép thử với những nội dung thử nghiệm giống nhau hoặc tương tự ở 2 hay nhiều phòng kiểm nghiệm với các điều kiện đã định trước.

10. Giám sát (Supervision, Monitoring) là quá trình kiểm tra thường xuyên các hoạt động chuyên môn và kết quả kiểm định, lấy mẫu, kiểm nghiệm của người kiểm định, người lấy mẫu và phòng kiểm nghiệm giống cây trồng.

[...]