Quyết định 650/QĐ-TTg năm 2016 Phê duyệt “Đề án tiếp tục hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương, giai đoạn 2016-2020” do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 650/QĐ-TTg |
Ngày ban hành | 25/04/2016 |
Ngày có hiệu lực | 25/04/2016 |
Loại văn bản | Quyết định |
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký | Vũ Đức Đam |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 650/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 25 tháng 4 năm 2016 |
QUYẾT ĐỊNH
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2012 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội;
Xét đề nghị của Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tại Tờ trình số 88-TTr/UBTQ-HNBVN ngày 21 tháng 3 năm 2016,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt “Đề án tiếp tục hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương, giai đoạn 2016 - 2020” với những nội dung chính sau đây:
a) Tiếp tục đầu tư, hỗ trợ các tác giả, nhóm tác giả, hoạt động sáng tạo trong các lĩnh vực văn học, mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, kiến trúc, nhiếp ảnh, múa, văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương để có thêm nhiều tác phẩm, công trình có chất lượng, có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phong phú, đa dạng về loại hình và ngôn ngữ nghệ thuật, có tác dụng xây dựng tâm hồn, đạo đức, có giá trị định hướng thẩm mỹ và hình thành nhân cách, lối sống góp phần xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện..., cho các đề tài phản ánh về:
- Lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc qua các thời kỳ kháng chiến cứu nước, di sản văn hóa truyền thống dân tộc.
- Nông nghiệp, nông dân và nông thôn; sự nghiệp phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội nông thôn trong thời kỳ mới.
- Công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ đất nước; những nhân tố tích cực, những con người tiêu biểu trong xã hội, của thời đại.
- Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; dân tộc thiểu số; gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.
- Lý luận và phê bình văn học nghệ thuật; chống diễn biến hòa bình, bác bỏ các luận điệu xuyên tạc, chống phá công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; bảo vệ chủ quyền biển, hải đảo.
b) Hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao địa phương ưu tiên tập trung vào các đề tài lớn:
- Xây dựng Đảng; học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc; phổ biến, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; phản ánh kịp thời, sâu sắc các sự kiện chính trị đặc biệt, các ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn của dân tộc tại địa phương.
- Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn; xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững; đời sống văn hóa cơ sở...
- Đời sống của nhân dân tại các vùng miền núi, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn; thanh niên, thiếu niên và nhi đồng ở địa phương tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...; bảo vệ chủ quyền biên giới, biển và hải đảo.
- Những gương điển hình tiên tiến, gương “Người tốt việc tốt” trong lao động sản xuất, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, giữ gìn an ninh, chính trị ở địa phương...
c) Hỗ trợ, đầu tư sáng tạo theo chiều sâu cho các tác giả, nhóm tác giả có nhiều đóng góp về văn học nghệ thuật, báo chí, có nhiều vốn sống nhưng chưa được đầu tư để có thêm nhiều tác phẩm, công trình có chất lượng; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, bồi dưỡng tài năng trẻ nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sỹ, nhà báo, phóng viên một cách toàn diện cả về số lượng và chất lượng, đề cao trách nhiệm công dân và tính tích cực xã hội, đồng hành mạnh mẽ cùng dân tộc, vì lợi ích của dân tộc, không ngừng đổi mới tư duy sáng tạo, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn...
a) Các tác giả, nhóm tác giả, hoạt động sáng tạo tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương được hỗ trợ thông qua các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam.
b) Các tác giả, nhóm tác giả, hoạt động sáng tạo tác phẩm văn học nghệ thuật cho các địa phương được hỗ trợ thông qua các Hội Văn học nghệ thuật địa phương và Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
c) Các tác giả, nhóm tác giả, hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao ở địa phương được hỗ trợ thông qua các Hội Nhà báo địa phương.
3. Các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện
a) Tuyên truyền, phổ biến chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước về hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật, báo chí đầy đủ cho các hội viên hoạt động ở các Hội Văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và địa phương.
b) Tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sáng tạo tác phẩm, trại sáng tác, triển lãm... để phổ biến kịp thời kinh nghiệm, kiến thức mới nhằm nâng cao tay nghề, chuyên môn, nghiệp vụ và thực tế cuộc sống cho các hội viên. Đặc biệt chú trọng quan tâm, tạo Điều kiện về vật chất và tinh thần cho các hội viên trẻ có triển vọng, hội viên người dân tộc thiểu số.