Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 621/QĐ-TTg năm 2007 phê duyệt Kế hoạch phát triển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2007 – 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 621/QĐ-TTg
Ngày ban hành 16/05/2007
Ngày có hiệu lực 16/05/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Sinh Hùng
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Giao thông - Vận tải

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

*******

Số: 621/QĐ-TTg

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

*******

Hà Nội, ngày 16 tháng 05 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN TỔNG CÔNG TY ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2007 – 2010

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tại tờ trình số 2133/TTr-ĐS ngày 28 tháng 9 năm 2006, các văn bản số 422DS-KHĐT ngày 08 tháng 3 năm 2007 và số 576ĐS-KHĐT ngày 29 tháng 3 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch phát triển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2007 – 2010, với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Về mục tiêu phát triển:

Phát triển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trở thành Tập đoàn kinh tế mạnh trong nước và trong khu vực, đa sở hữu, kinh doanh đa ngành, trong đó vận tải đường sắt, quản lý, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt giữ vai trò chủ lực, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Phấn đấu đến năm 2010, vận tải đường sắt chiếm 6%-8% về tấn km hàng hóa và 10% - 12% về hành khách, km trong ngành vận tải.

2. Kế hoạch đầu tư phát triển:

a) Hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt:

- Đầu tư cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng theo cấp kỹ thuật quy định đối với các tuyến đường sắt hiện có (ưu tiên tuyến đường sắt Thống Nhất và tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội - Hải Phòng) nhằm nâng cao năng lực vận tải và an toàn chạy tàu.

Triển khai xây dựng đường sắt trên cao Hà Nội, đoạn Yên Viên - Ngọc Hồi; xây dựng ga Hà Nội thành ga trung tâm của đường sắt vừa là đầu mối trung chuyển, kết nối các loại phương tiện vận tải, vừa là trung tâm dịch vụ đa năng. Liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để làm tổng thầu thực hiện các dự án xây mới đường sắt; nghiên cứu, triển khai các dự án xây dựng đường sắt đến cảng biển, khu mỏ, khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm trong cả nước và kết nối với mạng đường sắt hiện tại.

- Tập trung nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư và bước đầu triển khai xây dựng các tuyến đường sắt quan trọng chiến lược: Đường sắt cao tốc Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh; đường sắt đôi tốc độ cao khổ 1,435 mm Lào Cai – Hà Nội - Hải Phòng; cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Đồng Đăng – Hà Nội thành đường đôi.

(Danh mục các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt giai đoạn 2007 – 2010 nêu tại Phụ lục I kèm theo).

b) Phương tiện, thiết bị đường sắt:

- Đầu tư đầu máy: Nhập khẩu, lắp ráp, chế tạo đầu máy diesel hiện đại có công suất lớn 1.000 – 2.000 HP, loại bỏ đầu máy lạc hậu, công suất nhỏ; hoàn thành dự án đầu máy Đức và dự án lắp ráp, chế tạo 20 đầu máy diesel công suất 2.000 HP bằng vốn vay ưu đãi của nước ngoài và trong nước; tiếp tục triển khai chương trình chế tạo đầu máy diesel bằng vốn vay, ưu tiên huy động các thành phần kinh tế cùng tham gia.

- Đầu tư toa xe: Tiếp tục đóng mới các loại toa xe khách chất lượng cao, hiện đại, toa xe hàng nhiều chủng loại phù hợp với nhu cầu vận chuyển trong nước và xuất khẩu. Thực hiện các dự án đóng mới toa xe bằng vốn vay ưu đãi trong nước, dự án đóng mới toa xe xuất khẩu sang Campuchia: liên doanh, liên kết để chế tạo các loại xe cao cấp phục vụ cho đường sắt đô thị, đường sắt cao tốc, đường sắt tốc độ cao sau này.

- Đầu tư cơ sở công nghiệp: Củng cố phát triển mạng lưới cơ khí đường sắt đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh trong và ngoài ngành. Từng bước hiện đại hóa các cơ sở bảo trì, đại tu, sửa chữa, đóng mới phương tiện. Tiếp tục huy động nguồn vốn vay trong nước, liên doanh, liên kết đầu tư dây chuyền sửa chữa đầu máy diesel, dây chuyền lắp ráp, chế tạo đầu máy, dây chuyền đóng mới toa xe, hệ thống xếp, dỡ hàng hóa.

(Danh mục các dự án đầu tư phương tiện, thiết bị đường sắt giai đoạn 2007 – 2010 nêu tại mục Phụ lục II kèm theo).

c) Nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp xây lắp. Tiếp tục đầu tư, kêu gọi các cổ đông chiến lược cùng đầu tư thành lập một số Công ty cổ phần xây dựng đường sắt và kinh doanh bất động sản tại 3 khu vực Bắc, Trung, Nam có đủ khả năng tham gia xây dựng các dự án hiện đại hóa đường sắt, kinh doanh quỹ đất do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quản lý. Chủ động tham gia đấu thầu xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông và các công trình dân dụng khác.

d) Dịch vụ đường sắt và các dịch vụ khác:

- Nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, khả năng cạnh tranh, mở rộng quy mô các loại hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ vận tải, công nghiệp, vật tư thiết bị, thương mại, du lịch… Tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ trực tiếp cho vận tải đường sắt như hệ thống nhà ga, kho, bãi hàng… nhằm phát triển mạnh sản xuất, tạo điều kiện phát triển vững chắc cho toàn ngành. Phấn đấu đến năm 2010, vận tải hàng hóa đạt 14,1 triệu tấn/năm, hành khách đạt 20,7 triệu lượt khách/năm.

- Tham gia đầu tư vào các ngành tài chính, chứng khoán, viễn thông, bất động sản, bảo hiểm; thành lập và phát triển các công ty cổ phần, liên doanh đầu tư kinh doanh bất động sản, sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu nhiên liệu, vật tư, thiết bị phục vụ cho ngành đường sắt và các nhu cầu khác của nền kinh tế quốc dân, đảm bảo có hiệu quả và hỗ trợ tốt cho sự phát triển của các ngành sản xuất kinh doanh chính.

- Xây dựng cơ chế hoạt động theo hướng liên danh các doanh nghiệp cùng có lợi ích về kinh tế và thị trường, huy động được các nguồn lực về vốn, kỹ thuật, công nghệ, lao động, trình độ tổ chức quản lý để tham gia thực hiện các dự án lớn với nhiều hình thức khác nhau.

đ) An toàn giao thông đường sắt:

Tiếp tục thực hiện mọi giải pháp và khẩn trương triển khai các dự án đảm bảo an toàn giao thông đường sắt.

(Danh mục các dự án đảm bảo an toàn giao thông đường sắt giai đoạn 2007 – 2010 nêu tại Phụ lục số 1 kèm theo).

[...]