Quyết định 59/QĐ-BTNMT về Chương trình hành động của ngành tài nguyên và môi trường thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024; Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Số hiệu 59/QĐ-BTNMT
Ngày ban hành 08/01/2024
Ngày có hiệu lực 08/01/2024
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Tài nguyên và Môi trường
Người ký Đặng Quốc Khánh
Lĩnh vực Thương mại,Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 59/QĐ-BTNMT

Hà Nội, ngày 08 tháng 01 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA NGÀNH TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG THỰC HIỆN CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA CHÍNH PHỦ: SỐ 01/NQ-CP NGÀY 05/01/2024 VỀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2024; SỐ 02/NQ-CP NGÀY 05/01/2024 VỀ NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUỐC GIA NĂM 2024

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Nghị định số 68/2022/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024;

Căn cứ Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của ngành tài nguyên và môi trường thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ: số 01/NQ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024; số 02/NQ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2024 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Các Thứ trưởng Bộ TN&MT;
- Lưu: VT, KHTC.D.

BỘ TRƯỞNG




Đặng Quốc Khánh

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA NGÀNH TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

THỰC HIỆN CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA CHÍNH PHỦ: SỐ 01/NQ-CP NGÀY 05/01/2024 VỀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2024; SỐ 02/NQ-CP NGÀY 05/01/2024 VỀ NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUỐC GIA NĂM 2024
(Kèm theo Quyết định số 59/QĐ-BTNMT ngày 08 tháng 01 năm 2024
của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ: số 01/NQ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 và số 02/NQ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2024 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) ban hành Chương trình hành động với những nội dung sau:

I. BỐI CẢNH, TÌNH HÌNH CHUNG

Năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng, khẳng định tiến trình phục hồi bền vững và thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch bệnh COVID-19 của nước ta. Tình hình thế giới, trong nước biến động nhanh, phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức, các yếu tố bất lợi xuất hiện ngày càng tăng. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự quyết liệt, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, thống nhất trong điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự tin tưởng, đồng tình, ủng hộ, chia sẻ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; sự quan tâm, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Bộ TN&MT đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn ngành bám sát Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và phương châm “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tăng tốc sáng tạo; hiệu quả bền vững” để tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm tháo gỡ các vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển; triển khai các giải pháp đột phá để phát huy nguồn lực tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Từng bước khắc phục hiệu quả các hạn chế, khó khăn và từ yêu cầu mới đặt ra trong việc xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử; xây dựng, mở rộng, hoàn thiện hạ tầng số, nền tảng số, tài nguyên số, thực hiện chuyển đổi số tiến tới Chính phủ số, kinh tế số ngành TN&MT.

Năm 2024 là năm bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021 - 2025, tạo động lực cho các năm tiếp theo để thực hiện thành công các mục tiêu kế hoạch 05 năm 2021-2025. Tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, những yếu tố bất định, bất ổn gia tăng trên toàn cầu. Cạnh tranh chiến lược các nước lớn ngày càng gay gắt hơn; nhất là xung đột tại U-crai-na và Dải Gaza diễn biến phức tạp, nhiều khả năng còn kéo dài. Kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi; nhiều tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 thấp hơn năm 2023; tăng trưởng thương mại, đầu tư toàn cầu đối mặt với nhiều rủi ro, nguy cơ tiềm tàng từ căng thẳng địa chính trị. Lạm phát, chính sách tiền tệ của một số nền kinh tế lớn được dự báo còn chứa đựng yếu tố bất định, rủi ro. Các thách thức an ninh phi truyền thống, đặc biệt là dịch bệnh, thiên tai và biến đổi khí hậu trở thành rủi ro thường trực. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng xu hướng phát triển bền vững mang đến nhiều cơ hội và thách thức, tác động mạnh mẽ trên nhiều phương diện. Các nước đẩy nhanh việc thực thi, “pháp lý hóa” các tiêu chuẩn, tiêu chí mới về thương mại và đầu tư quốc tế, tạo sức ép thực thi trên toàn cầu, tác động đến khả năng cạnh tranh của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, yêu cầu các nước phải có điều chỉnh, thích ứng cả trong ngắn hạn và dài hạn. Trong nước, bên cạnh thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức còn rất lớn. Diễn biến bất lợi của thế giới, khu vực sẽ tiếp tục tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư… của nước ta. Năng lực, sức cạnh tranh, tính tự chủ và khả năng thích ứng của nền kinh tế còn hạn chế, năng suất lao động còn thấp. Những tồn tại, hạn chế, bất cập từ nội tại nền kinh tế tích tụ từ lâu vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Sản xuất kinh doanh, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn; sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn sau thời gian dài chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19; rủi ro của các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp còn tiềm ẩn; dịch bệnh, thiên tai, hạn hán, bão lũ, thời tiết cực đoan, hiện tượng El Nino ảnh hưởng với mức độ mạnh, khó lường hơn… Ở trong nước, kinh nghiệm, năng lực và khả năng kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh được tích lũy, nâng lên; các hoạt động kinh tế, xã hội chuyển từ thích ứng, phục hồi sang phát triển nhanh, ổn định hơn. Tuy nhiên, những hạn chế, bất cập, vấn đề tích tụ, tồn đọng lâu ngày bộc lộ rõ nét hơn trước tác động của bối cảnh bất định; cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm; năng suất lao động chưa cao; thị trường bất động sản biến động phức tạp, còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ, xử lý dứt điểm, kịp thời; niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân giảm sút. Hoạt động sản xuất kinh doanh có xu hướng suy giảm, gặp nhiều thách thức khi một số thị trường xuất khẩu, đối tác lớn bị thu hẹp, đồng thời khó khăn trong tiếp cận và huy động vốn. Trong khi đó, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, bão lũ tiếp tục diễn biến bất thường, ảnh hưởng nặng nề hơn.

Trong bối cảnh đó, để phát huy hiệu quả quản lý, sử dụng các tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho phát triển đất nước, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn 2021 - 2025, nhiệm vụ chủ yếu của năm 2024 ngành TN&MT tập trung chủ yếu vào: (1) Tiếp tục rà soát, hoàn thiện đồng bộ thể chế về quản lý tài nguyên nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp; tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; (2) Xây dựng, triển khai kế hoạch ban hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quy định, hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Đất đai (sửa đổi) nhanh chóng, kịp thời, đồng bộ và hiệu quả ngay sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua; tổng hợp nhu cầu sử dụng đất của các địa phương để rà soát, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất 05 năm (2021-2025) quốc gia; phát huy các nguồn lực về tài nguyên; quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên; (3) Tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch BVMT quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông; Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia ngay sau khi được ban hành; hướng dẫn việc xây dựng nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch tỉnh; tổ chức xây dựng nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch vùng. Xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia. Rà soát, hoàn thiện các quy định, tiếp tục nâng cao hiệu quả của công tác đánh giá môi trường chiến lược để hạn chế tối đa những định hướng phát triển gây hại đến môi trường trong các chiến lược, quy hoạch; (4) Tiếp tục triển khai thi hành các quy định của Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu; hoàn thiện các quy định về quản lý tín chỉ các-bon tại Việt Nam, thúc đẩy phát triển thị trường các-bon trong nước và kết nối với thị trường các-bon khu vực và thế giới; hoàn thiện các cơ chế chính sách thu hút nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu. Tập trung triển khai các sáng kiến, cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu và Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP); (5) Tiếp tục hoàn thiện thể chế, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, hiện đại hóa đồng bộ hệ thống quan trắc, truyền tin, dự báo khí tượng thủy văn cảnh báo, dự báo, cảnh báo sớm các nguy cơ thiên tai, trượt lở đất đá, lũ quét, sạt lở, biển xâm thực. Thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển phát triển hạ tầng, các mô hình phát triển; (6) Thực hiện hiệu quả Chương trình phục phục hồi và phát triển KTXH; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số; (7) Tổng kết việc thi hành Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (sửa đổi); sửa đổi, bổ sung một số nghị định thuộc lĩnh vực biển và hải đảo cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 ngay sau khi được thông qua. Chỉ đạo, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong công tác giao khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển; công tác nhận chìm ở biển đảm bảo đúng quy định; (8) Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 40/NQ- CP ngày 27 tháng 3 năm 2023; (9) Xây dựng các văn bản, quy định kỹ thuật tạo môi trường cơ sở pháp lý thuận lợi, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số ngành TN&MT, tạo lập và hoàn thiện thể chế, chính sách về môi trường kinh doanh để thích ứng linh hoạt, phù hợp với những xu thế phát triển mới (như đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh,...); (10) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, việc thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí; việc chấp hành pháp luật về TN&MT đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; việc chấp hành pháp luật về đất đai, bảo vệ môi trường và tài nguyên nước đối với các tổ chức, dự án sử dụng đất; các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị, khu dân cư…; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật về TN&MT; thường xuyên tổ chức giám sát về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở công suất lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao và chủ động rà soát, kịp thời nắm bắt các vấn đề, lĩnh vực hoạt động có nguy cơ xảy ra ô nhiễm môi trường; (11) Xác định cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên; nỗ lực thực chất để tháo gỡ khó khăn, khơi thông các điểm nghẽn về thể chế pháp lý và thực thi cho doanh nghiệp.

II. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NĂM 2024

Bộ TN&MT yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ, Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nâng cao tinh thần trách nhiệm, tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu sau:

1. Mục tiêu chung

Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đặt ra:

1.1. Trình Quốc hội thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi), trình Chính phủ dự án Luật Địa chất và Khoáng sản; ban hành các văn bản dưới Luật giải quyết các vướng mắc đặt ra từ thực tiễn.

1.2. Tiếp tục đơn giản hóa 15-20% thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ thủ tục trong lĩnh vực TN&MT theo mục tiêu đặt ra; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; thực hiện cung cấp dịch vụ công thiết yếu như cấp giấy chứng nhận khi thực hiện các quyền theo hình thức trực tuyến ở 63/63 tỉnh thành phố. Thường xuyên thực hiện liên thông các thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính.

1.3. Phấn đấu đưa vào vận hành hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất, tập trung, kết nối liên thông giữa các ngành; hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu ở 530 đơn vị hành chính cấp huyện; vận hành cổng thông tin địa lý quốc gia, dữ liệu quan trắc, điều tra cơ bản TN&MT.

[...]