UBND TỈNH NINH BÌNH
BAN CHỈ ĐẠO TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
58/QĐ-BCĐ
|
Ninh
Bình, ngày 17 tháng 05 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
V/V PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THÍ ĐIỂM TÁI CƠ CẤU NÔNG NGHIỆP CẤP XÃ VỀ SẢN XUẤT
NÔNG NGHIỆP ĐẢM BẢO AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM TẠI XÃ YÊN THÁI, HUYỆN YÊN MÔ
GIAI ĐOẠN 2016-2017
TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP
TỈNH NINH BÌNH GIAI ĐOẠN 2015-2020
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Quyết định 899/QĐ-TTg ngày
10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề
án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững
Căn cứ Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày
06/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực
hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp
theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển
bền vững;
Căn cứ Quyết định số 1003/QĐ-UBND
ngày 28/9/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về
việc thành lập Ban chỉ đạo tái cơ cấu ngành nông
nghiệp tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2015-2020;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn tại Tờ trình số 49/TTr-SNN ngày 18/3/2016 về
việc đề nghị phê duyệt Đề án Thí điểm tái
cơ cấu nông nghiệp cấp xã về sản xuất nông nghiệp đảm bảo an toàn vệ sinh thực
phẩm tại xã Yên Thái, huyện Yên Mô giai đoạn 2016-2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án
Thí điểm tái cơ cấu nông nghiệp cấp xã về sản xuất nông nghiệp đảm bảo an toàn
vệ sinh thực phẩm tại xã Yên Thái, huyện
Yên Mô giai đoạn 2016-2017 với các nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu của
Đề án.
1.1. Mục tiêu chung:
- Trên cơ sở thực trạng sản xuất nông
nghiệp của xã, căn cứ vào quy hoạch phát triển sản xuất của xã đến năm 2020 đã
được phê duyệt để đưa ra các các giải pháp về chính sách,
giải pháp về kỹ thuật vào việc sản xuất các sản phẩm hiện có của địa phương để
tạo ra các sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX
nông nghiệp, tổ hợp tác, nâng cao thu nhập và bảo vệ sức khỏe cho người nông dân, bảo vệ môi trường sinh
thái nhằm thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn xã.
1.2. Mục tiêu cụ thể:
*/ Năm 2016
+ Lĩnh vực trồng trọt: Xây dựng chứng
nhận 04 vùng sản xuất trồng trọt đủ điều kiện an toàn. Trong đó: 02 vùng sản xuất
lúa với diện tích 174,2 ha; 02 vùng sản xuất cây màu với diện tích 31,5 ha; 01
vùng sản xuất rau VietGAP với diện tích là 5 ha (sản phẩm chủ lực là hành lá).
+ Lĩnh vực chăn nuôi: Thực hiện các
điều kiện về vệ sinh thú y cho gia súc, gia cầm để tiến hành công nhận cơ sở an
toàn dịch bệnh đối với các bệnh: Lở mồm long móng, dịch tả Lợn, tai xanh, cúm gia cầm; Đăng ký và tiến hành lập
hồ sơ đề nghị thẩm định một số trang trại
chăn nuôi an toàn sinh học và hướng tới công nhận chăn nuôi theo tiêu chuẩn
VietGAP.
+ Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản: Khảo sát, xác định vùng sản xuất, hộ
sản xuất, cách thức canh tác, dịch vụ sản
xuất; xác định các tiêu chí an toàn, chỉ đạo chuyên môn cho các chủ hộ tham gia
sản xuất thủy sản an toàn; Triển khai xây dựng mô hình điểm (mô hình chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi
trồng thủy sản);
*/ Năm 2017
- Hoàn thiện bộ tiêu chí để làm cơ sở xác nhận xã sản xuất nông nghiệp đảm bảo
an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Lĩnh vực trồng
trọt: Toàn bộ diện tích sản xuất trồng trọt trên địa bàn xã Yên Thái đủ điều kiện sản xuất các sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
+ Mở rộng xây dựng,
chứng nhận thêm 04 vùng sản xuất trồng trọt đảm bảo an toàn. Trong đó: 02 vùng
sản xuất lúa với diện tích 254,3 ha; 02 vùng sản xuất cây màu với diện tích
14,7 ha;
- Lĩnh vực chăn nuôi: Công nhận xã
Yên Thái là cơ sở an toàn dịch bệnh động vật đối với các bệnh: Lở mồm long móng, dịch tả Lợn, tai xanh, cúm gia cầm.
- Lĩnh vực thủy sản: Đảm bảo xây dựng
100% vùng nuôi cá lúa đã chuyển đổi trên địa bàn toàn xã đảm bảo vệ sinh an toàn thực
phẩm; 100% người nuôi hiểu biết đúng
và thực hành nuôi an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản.
2. Thời gian thực hiện Đề án:
Từ năm 2016 đến năm 2017.
3. Nội dung của Đề án
3.1. Nâng cao năng lực, nhận thức,
thay đổi tập quán sản xuất nông nghiệp theo hướng đảm
bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
a. Tổ chức tập huấn,
tuyên truyền cho nông lâm về sản xuất nông nghiệp an toàn vệ sinh thực phẩm:
* Tập huấn nâng cao kiến thức
- Triển khai 14
lớp tập huấn nâng cao kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm cho đối tượng là lãnh đạo xã, ban quản
trị các HTX, các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp trên
địa bàn xã, các tổ chức chính quyền, đoàn thể và toàn thể các hộ
nông dân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã.
- Tổ chức cho người dân ký cam kết sản
xuất nông nghiệp đảm bảo vệ sinh thực phẩm làm cơ sở cho việc giám sát nội bộ
trong quá trình sản xuất.
* Tuyên truyền
- Xây dựng chuyên mục phát thanh trên
đài truyền thanh của xã với các nội dung chính: kiến thức về an toàn vệ sinh thực
phẩm, các quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn
- Thiết kế tờ rơi, tài liệu về sản xuất
an toàn theo từng lĩnh vực để tuyên truyền đến tận tay người dân.
- Xây dựng biển
hiệu vùng sản xuất an toàn 01 biển/01 vùng.
b.
Học tập kinh nghiệm về sản xuất nông nghiệp đảm bảo an
toàn thực phẩm, ứng dụng công nghệ cao,
các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiệu quả.
3.2. Xây
dựng Quy hoạch phát triển sản xuất
nông nghiệp phù hợp với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp của xã theo hướng ATTP.
Trong đó, xác định các tiêu chí ATTP cho từng lĩnh vực trồng
trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
3.3. Rà soát, nâng cao năng lực của
hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất
- Tuyên truyền nâng cao ý thức trách
nhiệm của cán bộ và người dân trong việc vận hành sử dụng hệ thống thủy lợi, sử
dụng nước tưới tiết kiệm.
- Phối hợp Công ty TNHH MTV KTCTTL tỉnh
chỉ đạo Chi nhánh KTCTTL huyện Yên Mô, HTX nông nghiệp vận hành cống, trạm bơm,
thực hiện quy trình đo mặn để đảm bảo lấy nước đạt chất lượng,
không vượt quá độ mặn cho phép tưới cho cây trồng, con nuôi.
- Cập nhật bản đồ hiện trạng công
trình thủy lợi, các vùng sản xuất theo lựa chọn của các
đơn vị trên địa bàn xã.
- Nạo vét kênh Ông Đa 475m, kênh Bà
Trừ 570m, sửa chữa 05 cống lấy nước nội đồng (HTX nông nghiệp Đông Thôn) phục vụ
mô hình SRI.
- Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào
công trình thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản ở vùng trũng.
- Triển khai mô hình tưới tiêu lúa
theo phương pháp thâm canh cải tiến (SRI) trên địa bàn xã;
3.4. Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động dịch vụ của HTX
a. Rà soát, hoàn tất thủ tục, cấp
giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh VTNN, thuốc BVTV cho các cơ sở kinh doanh
VTNN, các HTX
b. Đào tạo cán bộ kỹ thuật
+ Thành lập tổ kỹ
thuật của xã: 16 thành viên, trong đó: Tổ trưởng là cán bộ khuyến nông xã, mỗi
HTX tổ chức thành 01 nhóm gồm 02-04 thành
viên là những người làm kỹ thuật của HTX (cán bộ làm dự tính dự báo hiện có của
HTX). Tổ công tác rà soát đề nghị UBND xã ra
quyết định thành lập tổ kỹ thuật, thời gian thực hiện trong tháng 3/2016.
+ Đào tạo tập huấn tổ kỹ thuật: Đảm bảo thực hiện được các nhiệm vụ: Chủ động xây dựng kế hoạch
sản xuất lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn HTX. Đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất các sản phẩm trồng
trọt trên địa bàn xã. Điều tra dự tính, dự báo, xây dựng
thông báo các biện pháp phòng trừ các đối tượng dịch hại
trên đài truyền thanh 3 cấp và thông báo trực tiếp cho các đội trưởng sản xuất.
c. Thành lập, đào tạo tổ phun thuốc thuê.
+ Thành lập tổ phun
thuốc thuê: Thành lập 02 tổ phun thuốc thuê tại 02 HTX
(HTX Đông Thôn và HTX Quảng Công) mỗi HTX thành lập 01 tổ
dịch vụ, mỗi tổ gồm 8
người, bao gồm những người khỏe mạnh, hiện thường xuyên
phun thuốc thuê cho các hộ khác trên địa bàn. Tham mưu cho
Các HTX thành lập, đề nghị UBND xã giám sát hoạt động.
+ Đào tạo, hướng
dẫn các thành viên tổ phun thuốc thuê kỹ thuật sử dụng máy
động cơ phun thuốc và kỹ thuật phun thuốc đảm bảo an toàn, hiệu quả.
+ Chỉ đạo phun thuốc tập trung, đảm bảo đúng kỹ thuật, hiệu quả. Trước mắt áp dụng cho
vùng lúa và rau an toàn. Trên cơ sở đó mở rộng hiệu quả hoạt
động của tổ phun thuốc thuê
3.5. Chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật cho nông dân.
- Cử cán bộ công
tác phụ trách các thôn, đội sản xuất, thường xuyên bám sát địa bàn, phối hợp với
các ban, ngành địa phương, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học mới (theo
bộ văn bản về quy trình
sản xuất nông nghiệp
theo hướng vệ sinh an toàn thực phẩm đã
được soạn thảo), hỗ trợ nông dân trong quá
trình sản xuất;
- Phối hợp với các đơn vị thường xuyên bám sát địa bàn, hướng dẫn hỗ trợ kỹ thuật
cho các HTX nông nghiệp trong quá trình vận hành các công trình tưới tiêu trên địa bàn xã;
- Phối hợp với
chính quyền địa phương (UBND cấp
huyện, cấp xã, công an huyện, công an xã
và các cơ quan chuyên môn, quản lý thị trường...) để quản
lý địa bàn sản xuất, không để các vật tư đầu vào kém chất lượng hay hàng giả đưa
vào tiêu thụ làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
3.6. Tổ chức kiểm tra, xác nhận.
- Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các đơn
vị có liên quan kiểm tra, giám sát
quá trình sản xuất, tổ chức kiểm tra các sản phẩm
sản xuất theo hướng vệ sinh an toàn thực phẩm;
- Vùng trồng trọt,
các cơ sở chăn nuôi đạt các tiêu chí an toàn vệ sinh; các
sản phẩm nông nghiệp đáp ứng yêu cầu đạt
an toàn vệ sinh thực phẩm được các tổ chức xác nhận, công bố chất lượng theo đúng quy trình.
3.7. Hỗ trợ của Nhà nước trong quá trình từ sản xuất đến
tiêu thụ nông sản:
a/ Hỗ trợ xây dựng, chứng nhận vùng sản
xuất lúa, sản xuất cây màu; Chăn nuôi; Nuôi trồng thủy sản
đảm bảo an toàn: Khảo sát vùng đã chọn, triển khai và lấy mẫu đất,
nước phân tích đánh giá đủ điều kiện sản xuất an toàn, chi phí xét nghiệm hoàn
chỉnh hồ sơ công nhận chất lượng sản phẩm.
b/ Tăng cường xúc tiến thương mại: Lựa
chọn, giới thiệu một số đơn vị, công ty liên kết sản xuất thu mua sản phẩm:
Trung tâm nghiên cứu và phát triển Đậu đỗ
- Viện cây lương thực, cây thực phẩm; Công ty TNHH Thiên Nhiên xanh, Công ty
Vietrap...
3.8. Chứng nhận xã đạt tiêu chuẩn xã sản xuất nông nghiệp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm:
- Hoàn thiện bộ tiêu chí xã sản xuất
nông nghiệp đảm bảo ATVSTP
- Hoàn thiện trình tự, thủ tục chứng
nhận xã sản xuất nông nghiệp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
- Hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để
chứng nhận xã Yên Thái là xã sản xuất nông nghiệp đảm bảo an toàn
vệ sinh thực phẩm vào cuối năm 2017.
4. Giải pháp thực
hiện Đề án:
4.1. Nhóm giải pháp về cơ chế chính sách
- Chính sách hỗ trợ được áp dụng theo cơ chế, chính sách hiện hành của nhà nước
và khả năng ngân sách của tỉnh;
- Hỗ trợ hoàn thiện hệ thống thủy lợi
nội đồng, chính sách hỗ trợ trong việc áp dụng thực hiện
các tiến bộ khoa học như tưới tiêu theo phương pháp thâm canh cải tiến (SRI)
cho cây lúa và tưới tiêu tiết kiệm nước cho cây trồng cạn.
- Tiếp tục thực hiện các cơ chế chính
sách đã ban hành về đầu tư, tín dụng hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp đảm bảo
ATVSTP.
- Tạo điều
kiện thuận lợi về chính sách đất
đai để các HTX, tổ hợp tác và các hộ
xã viên có thể chuyển đổi cơ cấu cây
trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao, phát triển
bền vững (chuyển đổi đất 2 lúa sang trồng
lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản).
4.2. Nhóm giải pháp về tổ chức lại sản xuất
- Kiện toàn, chuyển đổi các HTX theo
luật HTX năm 2012.
- Thay đổi tập
quán và hình thức trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản: Xây dựng trồng trọt,
chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng gia trại trang
trại từng bước tiến tới thay thế hình thức trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy
sản hộ gia đình nhỏ lẻ đảm bảo kỹ thuật,
áp dụng quy trình an toàn ATTP; hướng dẫn, khuyến khích các trang trại, gia trại
những người chăn nuôi nhỏ lẻ thành lập các tổ, đội sản xuất, hiệp hội chăn nuôi, Hợp
tác xã chăn nuôi;
- Cải tạo giống:
Đưa giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản đảm bảo phẩm cấp
chất lượng con giống và hiệu quả kinh tế cao phù hợp với địa phương.
- Phòng chống dịch bệnh: Triển khai
tiêm phòng các loại vắc xin theo quy định; Tăng cường công tác giám sát chủ động
lấy mẫu xét nghiệm kiểm tra phát hiện dịch bệnh; Tăng cường các biện pháp kiểm dịch;
- Kiện toàn lại tổ chức dịch vụ: Thông qua nguồn cung cấp giống,
vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và tiêu thụ sản phẩm:
Xây dựng mối quan hệ liên kết cộng đồng giữa các tổ, đội sản xuất, Hiệp hội, Hợp tác xã chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản với các công ty, doanh nghiệp sản xuất giống,
vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, cơ sở
kinh doanh chế biến, tiêu thụ sản phẩm
(theo kiểu liên kết Nhà quản lý, Nhà khoa học, Doanh nghiệp,
Nhà nông) đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất và tiêu thụ sản
phẩm; Sở Nông nghiệp và PTNT là cầu nối hỗ
trợ, tạo điều kiện thuận lợi giúp các tổ chức
theo mối liên kết này hoạt động;
4.3. Nhóm giải pháp về khoa học công nghệ
- Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất: Công nghệ về giống mới, công nghệ chuồng trại trang thiết bị tiên tiến, công nghệ về xử
lý môi trường và phòng chống dịch mới, kỹ thuật thực hiện tưới tiên tiến, tiết
kiệm nước, tưới cho cây công nghiệp, cây trồng cạn
- Tập huấn
chuyên sâu về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng
thủy sản cho các chủ trang trại, gia trại, hộ gia đình về
kỹ thuật sản xuất nông nghiệp an toàn vệ sinh thực phẩm để nâng cao giá trị sản xuất và thân
thiện với môi trường, tập huấn cho tổ kỹ thuật của xã về:
Phương pháp xây dựng kế hoạch sản xuất;
Phương pháp điều tra, phát hiện, dự tính dự báo các đối tượng dịch hại và biện
pháp phòng trừ; Các biện pháp thâm canh lúa cải tiến SRI; Những hiểu biết cơ bản
về thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng thuốc bảo
vệ thực vật an toàn hiệu quả.
- Các Hợp tác xã, tổ hợp tác, các trang trại, gia trại được ưu tiên là nơi thực hiện các đề
tài khoa học kỹ thuật phù hợp với việc sản xuất theo tiêu
chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
4.4. Nhóm giải pháp về chuyên môn, kỹ thuật
- Nghiên
cứu tình hình dịch bệnh, phân tích và xác định những
nguy cơ xảy ra dịch bệnh, có biện pháp chủ động phòng bệnh để sản phẩm sản xuất nông nghiệp an toàn vệ sinh thực phẩm;
- Nghiên cứu và thực hiện các giải
pháp củng cố và nâng cao năng lực hệ thống giám sát dịch bệnh động vật, nâng cao nhận thức của người
chăn nuôi, xây dựng quy chế (quy định) để
thực hiện tốt các nhiệm vụ giám sát dịch bệnh; quản lý việc xuất nhập, giết mổ
động vật;
- Bố trí cán bộ
kỹ thuật theo dõi, hướng dẫn các tiêu chí đánh giá vệ sinh
an toàn thực phẩm, hướng dẫn thực hiện làm
chứng nhận sản phẩm an toàn và sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAHP.
4.5. Nhóm giải pháp về hỗ trợ sản xuất và xúc tiến thương mại
- Các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản của trang trại,
gia trại, người chăn nuôi nhỏ lẻ được hỗ trợ 100% kinh phí đăng ký nhãn hiệu sản
phẩm chăn nuôi, xây dựng Website, tư vấn cho việc lập hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm chăn nuôi tại sở
khoa học công nghệ.
- Được hỗ trợ cung cấp thông tin thương mại, thị trường, kỹ
thuật, các chương trình xúc tiến thương mại, các chủ trang trại,
gia trại được mời dự các hội thảo về thương mại, dự báo thị trường, dịch vụ
khoa học kỹ thuật tiên tiến trong chăn nuôi;
- Xây dựng thương hiệu các sản phẩm
nông nghiệp an toàn vệ sinh thực phẩm, quảng
bá thương hiệu, kêu gọi các công ty, doanh nghiệp đầu tư.
- Xây dựng liên kết giữa các hộ, khu vực sản xuất để giúp đỡ nhau
trong quá trình sản xuất và bao tiêu sản phẩm.
- Xây dựng liên kết giữa khu vực sản
xuất và khu vực phân phối, bán lẻ trong các chuỗi ngành
hàng; tạo dựng lòng tin vào hệ thống tiêu chuẩn và chứng nhận nông sản đảm bảo VSATTP;
- Tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp cùng ngành, lĩnh vực
sản xuất; tăng vai trò chủ động của
hiệp hội doanh nghiệp trong hoạt động đảm bảo VSATTP, xây
dựng tiêu chuẩn sản phẩm, thông tin VSATTP;
4.6. Nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện.
- Sở Nông nghiệp
và PTNT tham mưu cho Ban chỉ đạo thành lập các tổ công tác
để triển khai tổ chức thực hiện đề án.
- UBND
huyện Yên Mô thành lập ban chỉ đạo của huyện (bao gồm các ngành có liên quan,
các tổ chức đoàn thể) tập chung chỉ đạo
thực hiện các nội dung của đề án;
- UBND xã Yên Thái thành lập Ban chỉ đạo để tổ chức thực hiện và chỉ đạo các
thôn, xóm thành lập các tổ, nhóm; các tổ, nhóm thôn, xóm thực hiện nhiệm vụ theo sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo xã
và các nội dung được xây dựng trong mô hình
5. Kinh phí thực
hiện đề án
a. Năm 2016: Từ nguồn kinh phí thực hiện Đề án Tái cơ
cấu ngành nông nghiệp đã bố trí trong dự toán ngân sách tại Quyết
định số 1407/QĐ-UBND ngày 17/12/2015: 01 tỷ đồng;
- Các nguồn vốn
lồng ghép từ các Chương trình, dự án đã bố trí cho Sở Nông
nghiệp trong dự toán ngân sách năm 2016.
b. Năm 2017: Giao Sở Nông nghiệp chủ
trì, phối hợp với các Sở: Tài chính, Kế hoạch Đầu tư và các đơn vị có liên quan tham mưu bố trí kinh phí để thực hiện Đề án.
Điều 2. Tổ chức thực hiện:
1. Giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ
trì, phối hợp cùng UBND huyện Yên Mô, UBND xã Yên Thái và các ngành, đoàn thể
có liên quan triển khai thực hiện các nội dung của Đề án.
2. Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp
với Sở Nông nghiệp và PTNT và các đơn vị
có liên quan tham mưu bố trí năm 2017, thẩm định, thông báo cấp phát kinh phí
(phần kinh phí thực hiện Đề án tái cơ cấu
ngành nông nghiệp đã bố trí trong dự toán ngân sách tỉnh) và hướng dẫn thanh
quyết toán theo quy định hiện hành.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở:
Nông nghiệp và PTNT, Tài chính; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Yên Mô, Chủ tịch
UBND xã Yên Thái; Thành viên Ban chỉ đạo Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Ninh
Bình giai đoạn 2015-2020 và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan, chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như điều 4;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CVP, PCVP Nguyễn Hải Riện;
- Lưu VT, VP.
QĐ.bh34
|
TRƯỞNG BAN
PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH
Đinh Chung Phụng
|