Quyết định 553/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển công nghiệp sinh học đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 553/QĐ-TTg
Ngày ban hành 21/04/2017
Ngày có hiệu lực 21/04/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 553/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 21 tháng 04 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP SINH HỌC ĐẾN NĂM 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Kết luận số 06-KL/TW ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Ban Bí thư về việc tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển công nghiệp sinh học đến năm 2030 (gọi tắt là Kế hoạch tổng thể) với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp sinh học, đổi mới cơ chế chính sách, tranh thủ hợp tác và hỗ trợ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư và sản xuất sản phẩm từ công nghệ sinh học (gọi tắt là doanh nghiệp công nghiệp sinh học) trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y dược, bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng (gọi tắt là các ngành, lĩnh vực) và trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phục vụ an sinh xã hội, bảo vệ môi trường bền vững, đảm bảo an ninh quốc phòng.

2. Mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn

a) Đến năm 2025:

- Đẩy mạnh xây dựng và phát triển công nghiệp sinh học trong các ngành, lĩnh vực, ưu tiên nhóm sản phẩm trong nông nghiệp, y dược, công thương. Phát triển tăng 20% số lượng doanh nghiệp công nghiệp sinh học, góp phần đóng góp tối thiểu 5% GDP từ công nghiệp sinh học.

- Đầu tư mới, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật của các doanh nghiệp công nghiệp sinh học, tổ chức khoa học và công nghệ và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp sinh học. Tập trung đầu tư xây dựng các trung tâm công nghệ sinh học quốc gia, các phòng thí nghiệm trọng điểm tại ba miền Bắc, Trung, Nam đủ năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp sinh học và kiểm định an toàn sinh học.

- Đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành công nghệ sinh học đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp sinh học theo các hình thức đào tạo mới, đào tạo lại, đào tạo nghề bảo đảm chất lượng, đặc biệt chú trọng đào tạo chuyên gia trình độ cao (thạc sỹ, tiến sỹ, sau tiến sỹ) phục vụ phát triển công nghiệp sinh học.

b) Đến năm 2030:

- Tạo động lực đột phá, huy động nguồn lực phát triển tăng tối thiểu 50% các doanh nghiệp công nghiệp sinh học trong các ngành, lĩnh vực đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế; góp phần đạt tối thiểu 7% GDP từ công nghiệp sinh học.

- Tiếp tục đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho các doanh nghiệp công nghiệp sinh học, tổ chức khoa học và công nghệ và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp sinh học.

- Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành công nghệ sinh học đáp ứng nhu cầu thực tiễn phát triển công nghiệp sinh học theo các hình thức đào tạo mới, đào tạo lại, đào tạo nghề bảo đảm chất lượng, đặc biệt chú trọng đào tạo chuyên gia đầu ngành chủ động phát triển công nghệ phục vụ công nghiệp sinh học.

II. NỘI DUNG

1. Phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp

Phát triển các doanh nghiệp công nghiệp sinh học sản xuất sản phẩm trong nông, lâm, thủy sản với các nhóm chủ yếu sau:

a) Sản phẩm giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản.

b) Sản phẩm phân hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, sản phẩm xử lý môi trường, thức ăn chăn nuôi...

c) Sản phẩm sinh học phục vụ bảo quản chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy, hải sản.

d) Vắc-xin phòng bệnh cho vật nuôi; thuốc thú y sinh học; kít sử dụng cho chẩn đoán, quản lý dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, thủy sản và kiểm soát dư lượng các chất cấm.

[...]