Thông tư liên tịch 94/2008/TTLT-BTC-BNN hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi cho chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020 và đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực thủy sản đến năm 2020 do Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 94/2008/TTLT-BTC-BNN
Ngày ban hành 24/10/2008
Ngày có hiệu lực 24/11/2008
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,Bộ Tài chính
Người ký Bùi Bá Bổng,Phạm Sỹ Danh
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH - BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 94/2008/TTLT-BTC-BNN

Hà Nội, ngày 24 tháng 10 năm 2008

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG KINH PHÍ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CHI CHO CHƯƠNG TRÌNH TRỌNG ĐIỂM PHÁT TRIỂN VÀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SINH HỌC TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN VÀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SINH HỌC TRONG LĨNH VỰC THỦY SẢN ĐẾN NĂM 2020

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 11/2006/QĐ-TTg ngày 12 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 97/2007/QĐ-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực thủy sản đến năm 2020;
Liên tịch Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi cho Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020 và Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực thủy sản đến năm 2020, như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Thông tư này hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước chi cho Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020, theo nội dung quy định tại Quyết định số 11/2006/QĐ-TTg ngày 12/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ (viết tắt là Chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp) và Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực thủy sản đến năm 2020, theo Quyết định số 97/2007/QĐ-TTg ngày 29/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ (viết tắt là Đề án công nghệ sinh học thủy sản).

2. Nguồn vốn thực hiện Chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp, Đề án công nghệ sinh học thủy sản gồm: Vốn ngân sách Nhà nước hàng năm (ngân sách trung ương); vốn của các tổ chức kinh tế, cá nhân trong nước và ngoài nước; vốn hợp tác quốc tế và các nguồn vốn hợp pháp khác.

3. Đối tượng được ngân sách Nhà nước cấp, hỗ trợ kinh phí để thực hiện Chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp và Đề án công nghệ sinh học thủy sản thuộc mọi thành phần kinh tế phải có đủ điều kiện quy định tại Thông tư này.

4. Các đơn vị thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan Trung ương của các Hội, đoàn thể (gọi tắt là các Bộ, cơ quan Trung ương); tổ chức; cá nhân sử dụng kinh phí Chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp, Đề án công nghệ sinh học thủy sản phải đảm bảo đúng mục đích, đúng chế độ; chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng có thẩm quyền; kết thúc năm ngân sách hoặc kết thúc dự án thực hiện quyết toán kinh phí đã sử dụng theo quy định hiện hành.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Nguồn kinh phí và nội dung chi của Chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp, Đề án công nghệ sinh học thủy sản gồm:

1.1 Chi từ nguồn kinh phí sự nghiệp:

a) Chi từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ:

- Thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp theo quy định tại điểm 1, mục II, Điều 1 Quyết định số 11/2006/QĐ-TTg ngày 12/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020;

- Thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Đề án công nghệ sinh học thủy sản theo quy định tại điểm 1, mục II, Điều 1 Quyết định số 97/2007/QĐ-TTg ngày 29/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực thủy sản đến năm 2020;

- Hỗ trợ các dự án sản xuất thử nghiệm sản phẩm;

- Nhập công nghệ mới về công nghệ sinh học thuộc lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản của các đơn vị sự nghiệp công lập;

- Hỗ trợ chuyển giao công nghệ sinh học để sản xuất ở quy mô công nghiệp các sản phẩm hàng hoá chủ lực của công nghệ sinh học nông nghiệp, thủy sản, gồm: Hỗ trợ đào tạo nhân lực và hướng dẫn chuyển giao công nghệ mới;

b) Chi từ nguồn kinh phí sự nghiệp đào tạo:

- Đào tạo ở nước ngoài: Đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ; đào tạo lại từ 6 tháng đến 1 năm đối với cán bộ khoa học về công nghệ sinh học nông nghiệp, thuỷ sản đã có học vị tiến sĩ, thạc sĩ;

- Đào tạo trong nước: Đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân, kỹ sư, kỹ thuật viên công nghệ sinh học, bồi dưỡng cán bộ khoa học và giảng viên về công nghệ sinh học nông nghiệp, thuỷ sản.

c) Chi sự nghiệp kinh tế:

- Duy trì hoạt động hệ thống cơ sở dữ liệu và thông tin quốc gia về công nghệ sinh học nông nghiệp, thủy sản để cung cấp thông tin về công nghệ sinh học nông nghiệp, thủy sản;

- Hoạt động của Văn phòng Chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp, Đề án công nghệ sinh học thủy sản, bao gồm: Xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; mua sắm trang thiết bị; thông tin, tuyên truyền; khảo sát, hợp tác quốc tế với các nước có nền công nghệ sinh học phát triển; hội thảo, hội nghị, sơ kết, tổng kết Chương trình, Đề án; xác định, tuyển chọn nhiệm vụ khoa học công nghệ sinh học nông nghiệp, thủy sản; kiểm tra, nghiệm thu, đánh giá các đề tài, dự án thuộc chương trình, Đề án; chi cho hoạt động tạo lập thị trường để hình thành và phát triển ngành công nghệ sinh học nông nghiệp, thủy sản và các khoản chi khác.

1.2 Chi từ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản:

- Đầu tư xây dựng, hoàn thiện các phòng thí nghiệm trọng điểm nông nghiệp về công nghệ tế bào động vật, thực vật, công nghệ gen và các phòng thí nghiệm công nghệ sinh học thủy sản về di truyền chọn giống, bảo tồn nguồn gen thuỷ sản quý, hiếmtheo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Đầu tư chiều sâu, nâng cấp hệ thống cơ sở nghiên cứu khoa học và đào tạo; cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị hiện đại hóa cho các phòng thí nghiệm hiện có thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học nông nghiệp, thủy sản của các đơn vị sự nghiệp công lậptheo Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Hỗ trợ cho các tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư trang thiết bị, hiện đại hóa phòng thí nghiệm phục vụ công tác nghiên cứu, đào tạo công nghệ sinh học nông nghiệp, thuỷ sản.

- Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và thông tin quốc gia về công nghệ sinh học nông nghiệp, thủy sản để cung cấp các thông tin về công nghệ sinh học và sản phẩm hàng hóa chủ lực công nghệ sinh học nông nghiệp, thuỷ sản.

[...]