Quyết định 55/2007/QĐ-UBND phê duyệt đề án xã hội hoá các hoạt động văn hoá giai đoạn 2006-2010 do tỉnh Bắc Giang ban hành

Số hiệu 55/2007/QĐ-UBND
Ngày ban hành 07/06/2007
Ngày có hiệu lực 17/06/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Giang
Người ký Bùi Văn Hạnh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 55/2007/QĐ-UBND

Bắc Giang, ngày 07 tháng 6 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XÃ HỘI HOÁ CÁC HOẠT ĐỘNG VĂN HOÁ TỈNH BẮC GIANG GIAI ĐOẠN 2006-2010.

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao;

Căn cứ Quyết định số 61/2005/QĐ-BVHTT ngày 04/11/2005 của Bộ VHTT về phê duyệt Đề án quy hoạch, phát triển XHH các hoạt động văn hoá đến 2010;

Căn cứ Chương trình xây dựng và phát triển văn hoá thông tin giai đoạn 2006-2010 ban hành kèm theo Nghị quyết số 52/NQ-TU ngày 10/5/2006 của Tỉnh uỷ Bắc Giang; Kế hoạch số 837/KH-UBND ngày 16/4/2007 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao;

Xét đề nghị của Sở Văn hoá Thông tin tại Tờ trình số 233/TT-VHTT ngày 15 tháng 5 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án xã hội hoá các hoạt động văn hoá tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2006-2010 (có đề án kèm theo).

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn, tổ chức thực hiện Đề án.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Bùi Văn Hạnh

 

ĐỀ ÁN

XÃ HỘI HOÁ CÁC HOẠT ĐỘNG VĂN HOÁ TỈNH BẮC GIANG GIAI ĐOẠN 2006-2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 55 ngày 07/6/2007 của UBND tỉnh)

Thực hiện Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao và Chương trình xây dựng, phát triển văn hoá - thông tin giai đoạn 2006-2010 ban hành kèm theo Nghị quyết số 52/2006/NQ-TU ngày 10/5/2006 của Tỉnh uỷ Bắc Giang; Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng Đề án xã hội hoá các hoạt động văn hoá tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2006-2010 với những nội dung chủ yếu sau:

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN XÃ HỘI HOÁ HOẠT ĐỘNG VĂN HOÁ TRONG THỜI GIAN QUA

I. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

Thực hiện Nghị quyết 90/CP ngày 21/8/1997, Nghị định 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực văn hoá, công tác xã hội hoá các hoạt động văn hoá ở Bắc Giang đã đạt được những kết quả đáng kể.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tiếp tục được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân, tạo ra bước phát triển mới, đạt hiệu quả thiết thực. Mô hình làng, bản, khu phố văn hoá được nhân rộng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, toàn tỉnh có 267.085 hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá (chiếm 72,6%);1.086 làng, bản, tổ dân phố (chiếm 45%) và 1.079 cơ quan, doanh nghiệp, trường học được công nhận là cơ quan, đơn vị văn hoá. Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội cơ bản được tổ chức đúng quy định, đảm bảo thuần phong mỹ tục, hạn chế các hủ tục. Thực hiện xã hội hoá các hoạt động văn hoá cơ sở, vai trò quần chúng nhân dân trong sự nghiệp phát triển văn hoá được khơi dậy. Nhân dân đã đóng góp công sức, tiền của để tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ ở cơ sở. Nhiều đội văn nghệ ở các làng, bản, khu phố tích cực tham gia hoạt động đã góp phần nâng cao mức hưởng thụ về văn hoá và xây dựng đời sống văn hoá cơ sở.

Thông qua các hoạt động văn hoá, văn nghệ và các hoạt động xây dựng đời sống văn hoá cơ sở đã tạo ra mối quan hệ đoàn kết, tương thân, tương ái, hình thành nếp sống văn minh, tạo ra môi trường văn hoá lành mạnh góp phần tích cực vào việc đấu tranh bài trừ tội phạm và tệ nạn xã hội ở các địa bàn dân cư. Đến nay, toàn tỉnh xây dựng được 1.687 nhà văn hoá làng, bản, tổ dân phố; 118 thư viện, tủ sách cơ sở; 1.297 đội văn nghệ quần chúng; 898 câu lạc bộ. Nhân dân đã đóng góp hàng chục tỷ đồng để xây dựng thiết chế văn hoá. Hoạt động của các thiết chế văn hoá xã, phường, thị trấn, làng, bản, điểm bưu điện văn hoá xã và đài truyền thanh cơ sở đã phát huy hiệu quả tích cực.

Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hoá được coi trọng. Toàn tỉnh có 134/303 di tích lịch sử văn hoá đã xếp hạng được tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp từ nguồn hỗ trợ của ngân sách Nhà nước, sự đóng góp của nhân dân và các nguồn khác.

Các lễ hội truyền thống đang dần được khôi phục.

Lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ văn hoá phát triển mạnh, 90% mạng lưới các cơ sở bán, cho thuê băng đĩa hình, phát hành văn hoá phẩm, karaoke, internet, giải trí do tư nhân, tổ chức xã hội đảm nhiệm. Công tác phát hành sách, in, phôtôcopy, vi tính, đóng xén, quảng cáo... do các công ty cổ phần và tư nhân đảm nhận. Một số đơn vị sự nghiệp của ngành VHTT đã đẩy mạnh thu để tự lo được một phần kinh phí cho các hoạt động.

[...]