Quyết định 51/2007/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp phần mềm Việt Nam đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 51/2007/QĐ-TTg
Ngày ban hành 12/04/2007
Ngày có hiệu lực 18/05/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 51/2007/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 12 tháng 04 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP PHẦN MỀM VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2010

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Quyết định số 246/2005/QĐ-TTg ngày 6 tháng 10 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Công nghệ thông tin và Truyền thông đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp phần mềm Việt Nam đến năm 2010 với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm

Công nghiệp phần mềm là ngành kinh tế tri thức, công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, tạo ra giá trị xuất khẩu cao, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nhà nước đặc biệt khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư và phát triển ngành công nghiệp này trở thành một ngành kinh tế trọng điểm trong nền kinh tế quốc dân.

Phát triển nguồn nhân lực về cả số lượng và chất lượng là điều kiện then chốt cho sự thành công của công nghiệp phần mềm. Nhà nước tăng cường đầu tư và khuyến khích xã hội hoá công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, đồng thời đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghiệp phần mềm, kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và sản xuất.

Cần chú trọng dịch vụ công nghệ thông tin, trước mắt là gia công phần mềm và dịch vụ cho nước ngoài, song song với việc tăng cường mở rộng thị trường trong nước, tập trung phát triển một số phần mềm trọng điểm, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, thay thế các sản phẩm phần mềm nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin của Việt Nam.

2. Mục tiêu

Đến năm 2010, ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam đạt được các mục tiêu cơ bản sau:

- Tốc độ tăng trưởng trung bình đạt khoảng 35 - 40%/năm. Tổng doanh thu từ phần mềm và dịch vụ phần mềm đạt trên 800 triệu USD/năm, trong đó giá trị xuất khẩu đạt ít nhất 40%;

- Tổng số nhân lực phát triển phần mềm và dịch vụ phần mềm đạt khoảng 55.000 đến 60.000 người, với giá trị sản phẩm trung bình đạt 15.000 USD/người/năm;

- Xây dựng được trên 10 doanh nghiệp phần mềm có quy mô nhân lực trên 1.000 người và 200 doanh nghiệp phần mềm có quy mô nhân lực trên 100 người;

- Thuộc nhóm các nước dẫn đầu về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực phần mềm và lọt vào danh sách 15 quốc gia cung cấp dịch vụ gia công phần mềm hấp dẫn nhất trên thế giới;

- Giảm tỷ lệ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực phần mềm xuống bằng mức trung bình trong khu vực.

II. CÁC CHÍNH SÁCH VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN

1. Hoàn thiện môi trường pháp lý, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và hỗ trợ phát triển công nghiệp phần mềm

- Xây dựng, ban hành các quy định cụ thể về ưu đãi đầu tư cho phát triển công nghiệp phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin;

- Nghiên cứu xây dựng và ban hành quy chế quản lý đầu tư, định mức cho các dự án công nghệ thông tin, đặc biệt là các dự án phần mềm;

- Xây dựng và ban hành các quy định về xuất khẩu, nhập khẩu các sản phẩm và dịch vụ phần mềm phù hợp với lộ trình và cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam;

- Củng cố và tăng cường năng lực hoạt động và lực lượng cho cơ quan quản lý nhà nước về công nghiệp phần mềm;

- Thành lập Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung thông tin số Việt Nam - tổ chức sự nghiệp công lập, trực thuộc Bộ Bưu chính, Viễn thông, có chức năng nhiệm vụ phối hợp, hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, các giải pháp, biện pháp hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp phần mềm Việt Nam phát triển;

- Tập trung hoàn thiện các quy định pháp lý về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực phần mềm, bao gồm đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, quy định hành vi vi phạm, hình thức và chế tài xử phạt;

- Nâng cao hiệu lực thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực phần mềm. Xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tuyên truyền kiến thức pháp luật về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực phần mềm cho đội ngũ cán bộ tư pháp, cán bộ tư vấn pháp lý, các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và người dân. Xử lý nghiêm các vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực phần mềm theo quy định của pháp luật;

- Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê về công nghiệp phần mềm theo hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân.

[...]