Quyết định 51/2005/QĐ-BGTVT về đăng kiểm tàu biển Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 51/2005/QĐ-BGTVT
Ngày ban hành 12/10/2005
Ngày có hiệu lực 01/01/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Đào Đình Bình
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 51/2005/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 12 tháng 10 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ ĐĂNG KIỂM TÀU BIỂN VIỆT NAM

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông Vận tải;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về đăng kiểm tàu biển Việt Nam”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2006.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ: Khoa học công nghệ, Pháp chế, Vận tải, Tổ chức cán bộ, Tài chính, Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam, Giám đốc các Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính,Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

BỘ TRƯỞNG




Đào Đình Bình

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ ĐĂNG KIỂM TÀU BIỂN VIỆT NAM
(Ban hành theo Quyết định số 51/2005/QĐ-BGTVT gày 12 tháng 10 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải)

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy định này quy định nội dung, nguyên tắc, thủ tục đăng kiểm tàu biển Việt Nam và tầu công vụ Việt Nam (sau đây gọi là tầu biển).

Tàu biển không quy định đăng ký trong Sổ đăng ký tàu biển quốc gia của Việt Nam (sau đây gọi chung là tàu biển cỡ nhỏ) cũng phải được đăng kiểm phù hợp với Quy định này.

2. Quy định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác đăng kiểm tàu biển trong quản lý nhà nước, quản lý khai thác, thiết kế, đóng mới, hoán cải, phục hồi, sửa chữa tầu biển.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Chủ tàu biển bao gồm chủ sở hữu tầu, người quản lý tầu, người khai thác tầu hoặc người thuê tầu trần.

2. Công ước quốc tế bao gồm các Công ước của Tổ chức Hàng hải quốc tế về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường và đo dung tích tàu biển mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

3. Hệ thống quản lý an toàn là hệ thống quản lý được xây dựng phù hợp với các quy định của Bộ luật quốc tế về quản lý an toàn.

4. Hệ thống an ninh là hệ thống được xây dựng phù hợp với các quy định của Bộ luật quốc tế về an ninh tàu biển và cảng biển.

5. Tài liệu hướng dẫn là tài liệu được xây dựng theo quy định của quy phạm, tiêu chuẩn của Việt Nam và Công ước quốc tế nhằm chỉ dẫn thuyền viên đảm bảo an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường đối với tầu biển.

6. Đánh giá là hoạt động mà tổ chức đăng kiểm phải thực hiện để cấp hoặc xác nhận hiệu lực các giấy chứng nhận theo quy định của Bộ luật quốc tế về quản lý an toàn và Bộ luật quốc tế về an ninh tàu biển và cảng biển.

7. Tuyến quốc tế là tuyến hành trình của tàu biển từ một cảng của Việt Nam đến cảng của nước ngoài hoặc ngược lại hoặc giữa hải cảng của nước ngoài.

Chương 2

[...]