THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 507/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 29 tháng 03
năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VỀ CHỐNG BẮT CON TIN
NĂM 1979 VÀ CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VỀ TRỪNG TRỊ VIỆC KHỦNG BỐ BẰNG BOM NĂM 1997
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật ký kết, gia nhập và thực
hiện Điều ước quốc tế ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật phòng chống khủng bố
ngày 12 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Quyết định số
2212/2013/QĐ-CTN ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc gia nhập Công ước quốc tế về chống bắt
con tin năm 1979;
Căn cứ Quyết định số
2213/2013/QĐ-CTN ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc gia nhập Công ước quốc tế về trừng trị
việc khủng bố bằng bom năm 1997;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công
an,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch tổ chức thực hiện Công ước quốc tế về chống
bắt con tin năm 1979 và Công ước quốc tế về trừng trị việc khủng bố bằng bom
năm 1997 ban hành kèm theo Quyết định này.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan
thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết
định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương
Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của
Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc
hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, NC (3b).
|
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|
KẾ HOẠCH
TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VỀ CHỐNG BẮT CON TIN NĂM 1979 VÀ
CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VỀ TRỪNG TRỊ VIỆC KHỦNG BỐ BẰNG BOM NĂM 1997
(Ban hành kèm theo Quyết định số 507/QĐ-TTg ngày 29 tháng 3 năm 2016 của Thủ tướng
Chính phủ)
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Xác định cụ thể nội dung, lộ trình
nội luật hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của Công ước quốc tế
về chống bắt con tin năm 1979 và Công ước quốc tế về trừng trị việc khủng bố bằng
bom năm 1997 (gọi tắt là hai Công ước quốc tế về chống khủng bố) phù hợp với Hiến
pháp, pháp luật và Điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam trong từng giai đoạn,
góp phần hoàn thiện thể chế; tổ chức tốt công tác đấu tranh phòng, chống và trừng
trị hành vi bắt con tin và khủng bố bằng bom, nhất là hành vi khủng bố có yếu tố
nước ngoài, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an
toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân; quy định và phân
công rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc phối hợp tổ chức thực hiện
các biện pháp phòng, chống bắt con tin và khủng bố bằng bom;
- Thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hợp
tác quốc tế của Việt Nam về phòng, chống khủng bố, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của
quốc gia thành viên trong phòng, chống khủng bố; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ
chức, cá nhân Việt Nam ở trong nước và nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài
tại Việt Nam, qua đó củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và
Nhà nước, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
2. Yêu cầu
- Việc tổ chức thực hiện Kế hoạch này
phải chủ động, kịp thời, đồng bộ, có lộ trình cụ thể, được tiến hành lồng ghép với các chương trình,
kế hoạch phòng, chống khủng bố đã ban hành,
nhất là Luật phòng, chống khủng bố, phù hợp
với Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010,
định hướng đến năm 2020, Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Chương trình xây dựng
luật, pháp lệnh của Quốc hội;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan
thuộc Chính phủ, cơ quan, địa phương, đơn vị có liên quan được giao nhiệm vụ phải
tích cực, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện hai
Công ước, bảo đảm đúng chức năng, nhiệm vụ, tiến độ, chất lượng, hiệu quả công
tác; đảm bảo quan hệ phối hợp chặt chẽ và đồng bộ, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá
trình thực hiện;
- Việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến,
hướng dẫn thực hiện hai Công ước và pháp luật Việt Nam về phòng, chống khủng bố
phải được tiến hành thường xuyên, liên tục;
- Hợp tác quốc tế về phòng, chống khủng
bố, giải quyết vụ khủng bố phải phù hợp với
chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; tuân thủ Hiến
pháp và pháp luật Việt Nam, phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; đảm bảo
quyền, lợi ích của Nhà nước, cơ quan, tổ chức,
đơn vị, cá nhân.
II. NỘI DUNG
1, Tuyên truyền, phổ biến nội dung
hai Công ước và pháp luật Việt Nam về phòng, chống bắt con tin và khủng bố bằng
bom
a) Nhiệm vụ
- Xây dựng, biên soạn, in, cấp phát
tài liệu, tổ chức tập huấn chuyên sâu về nội dung hai Công ước và các văn bản
quy phạm pháp luật Việt Nam về phòng, chống bắt con tin và khủng bố bằng bom, về
lĩnh vực quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ
trợ cho cơ quan, cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, các lực lượng có
liên quan, nhất là lực lượng chuyên trách làm công tác đấu tranh phòng, chống
khủng bố để thống nhất nhận thức và nâng cao ý thức, trách nhiệm của các lực lượng
này;
- Xây dựng nội dung, chương trình, kế
hoạch bổ sung vào Đề án tuyên truyền, phổ
biến những nội dung cơ bản của hai Công ước
và pháp luật Việt Nam về phòng, chống bắt con tin và khủng bố bằng bom, văn bản
liên quan đến lĩnh vực quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ
cho cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân, nhất là lực lượng chuyên gia, cán
bộ, công dân Việt Nam công tác, học tập và lao động ở nước ngoài, đặc biệt chú
trọng tới công tác vận động quần chúng nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác,
nhanh chóng, kịp thời phát hiện để ngăn chặn, đấu tranh với hoạt động khủng bố
và tài trợ khủng bố;
- Xây dựng, hoàn thiện đề án, chương
trình, kế hoạch, phương án diễn tập, huấn luyện phòng, chống bắt con tin và khủng
bố bằng bom; phối hợp, tổ chức diễn tập, huấn luyện khả năng phòng, chống bắt
con tin và khủng bố bằng bom, nhất là tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm.
b) Phân công thực hiện
- Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan
thuộc Chính phủ có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tổ chức
biên soạn, in ấn tài liệu, quán triệt, tổ chức tập huấn chuyên sâu về hai Công
ước và pháp luật Việt Nam về phòng, chống bắt con tin và khủng bố bằng bom cho các lực lượng có liên quan; xây dựng, hoàn thiện đề
án, chương trình, kế hoạch, phương án diễn tập, huấn luyện phòng, chống bắt con
tin và khủng bố bằng bom; phối hợp, tổ chức diễn tập, huấn
luyện nâng cao năng lực, khả năng phòng, chống bắt con tin và khủng bố bằng
bom;
- Các Bộ: Tư pháp, Quốc phòng, Ngoại
giao, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Lao động - Thương
binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông vận tải, Tài chính, Khoa
học và Công nghệ, Công thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
các cơ quan, địa phương, đơn vị: Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt
Nam, các cơ quan thông tấn báo chí, Ủy ban
nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan phối hợp;
- Đề nghị Tòa án
nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức quán triệt những nội
dung của hai Công ước và pháp luật Việt Nam về phòng, chống bắt con tin và khủng
bố bằng bom cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao
động khác thuộc ngành tòa án và kiểm sát.
c) Thời gian thực hiện: 2016 - 2018.
2. Nội luật hóa các quy định để đáp ứng
yêu cầu của hai Công ước
a) Nhiệm vụ
- Tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện quy định của pháp luật Việt Nam về phòng, chống
các hành vi khủng bố nói chung và hành vi bắt con tin, khủng bố bằng bom nói
riêng cho phù hợp với quy định của hai Công ước;
- Soạn thảo mới hoặc sửa đổi, bổ sung
và hoàn thiện hướng dẫn các quy định của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình
sự, Luật phòng, chống khủng bố Luật phòng, chống rửa tiền,
Luật tương trợ tư pháp, Luật thi hành tạm giam tạm giữ, Luật tổ chức cơ quan Điều
tra hình sự, Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ
và các văn bản pháp luật khác có liên quan cho phù hợp với hai Công ước.
b) Phân công thực hiện
- Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ
Tư pháp, Bộ Quốc phòng; đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân
tối cao phối hợp.
c) Thời gian thực hiện: theo Chương
trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội; Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm của
các cơ quan.
3. Huy động tiềm lực khoa học, công
nghệ; đầu tư, chuẩn bị sẵn sàng trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, nghiệp vụ
và bảo đảm chế độ, chính sách cho lực lượng chuyên trách
và cá nhân, tổ chức tham gia phòng, chống bắt con tin và khủng bố bằng bom
a) Nhiệm vụ
- Nghiên cứu, đề xuất, huy động tiềm
lực khoa học, công nghệ phát hiện và xử lý bom, mìn, vật liệu nổ; đầu tư, chuẩn
bị sẵn sàng trang thiết bị, vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp
vụ cần thiết cho lực lượng chuyên
trách phòng, chống hành vi bắt con tin và khủng bố bằng
bom;
- Rà soát, nghiên cứu, đề xuất bảo đảm
chế độ, chính sách cho lực lượng chuyên trách chống bắt con tin và khủng bố bằng
bom; cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phòng, chống bắt
con tin, khủng bố bằng bom có thành tích thì được khen thưởng, bị tổn hại về danh dự thì được khôi phục, bị thiệt hại về tài sản thì được đền bù; người bị thương
tích, tổn hại về sức khỏe, bị thiệt hại về tính mạng thì bản thân và gia đình
được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
b) Phân công thực hiện
- Bộ Công an chủ trì, phối hợp với
các với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương, các tổ chức, đơn vị khác có liên quan, căn cứ vào nhu cầu và tình
hình thực tế tại đơn vị, địa phương, có kế hoạch bố trí ngân sách phù hợp nhằm
xây dựng cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ công tác
phòng, chống bắt con tin và khủng bố bằng bom;
- Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện
kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp.
c) Thời gian thực hiện: 2018 - 2020.
4. Tăng cường hợp tác quốc tế, bổ sung cơ chế phối hợp góp phần tăng cường hiệu
quả công tác phòng, chống bắt con tin, khủng bố bằng bom
a) Nhiệm vụ
- Tổ chức thực hiện các hoạt động hợp
tác theo quy định của hai Công ước, các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành
viên; mở rộng ký kết các Điều ước quốc tế song phương và đa phương liên quan đến
tương trợ tư pháp, dẫn độ giữa Việt Nam với các nước thành
viên của hai Công ước; xây dựng quy chế phối hợp, trao đổi thông tin, phối hợp xử lý các vụ việc liên quan đến khủng
bố, tương trợ tư pháp, dẫn độ nói chung và thực hiện các yêu cầu quốc tế liên
quan đến thực hiện hai Công ước nói riêng;
- Nghiên cứu thiết lập hoặc bổ sung
nhiệm vụ làm đầu mối phối hợp, mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia thành
viên của hai Công ước để trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm, tiếp nhận hỗ
trợ kỹ thuật liên quan đến tổ chức, biện pháp, phương tiện và sử dụng trang thiết
bị trong phòng, chống khủng bố;
- Tích cực tham gia các diễn đàn, hội
nghị, hội thảo quốc tế nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia
thành viên hai Công ước về lĩnh vực phòng, chống khủng bố; tổ chức các Đoàn ra
nước ngoài nhằm tham khảo mô hình, thực tiễn nội luật hóa các quy định của hai
Công ước và các Điều ước quốc tế về phòng, chống khủng bố của Liên hợp quốc có liên quan; nghiên cứu kinh nghiệm, trao đổi thông tin, hỗ trợ
kỹ thuật, tập huấn, đào tạo, huấn luyện kiến thức, kỹ
năng, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng, chống khủng bố;
- Tăng cường hợp tác tổ chức huấn luyện,
diễn tập, xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung
phương án, quy trình bảo đảm an toàn, an ninh diễn tập về phòng ngừa, ngăn chặn
và giải quyết các vụ bắt con tin và khủng bố bằng bom trên cơ sở pháp luật
trong nước và các Điều
ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
b) Phân công thực hiện
- Bộ Công an là cơ quan đầu mối của
Việt Nam trong trao đổi thông tin, quan hệ công tác, làm việc với các cơ quan,
tổ chức nước ngoài trong khuôn khổ hợp tác
của hai Công ước; đồng thời chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan ngang
Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan giúp Chính phủ đàm phán, ký hoặc gia
nhập Điều ước quốc tế có liên quan đến phòng, chống
khủng bố theo khuôn khổ hợp tác của hai Công ước;
- Bộ Công an, Bộ Tư pháp và Viện kiểm sát nhân dân tối cao ký kết các Điều ước quốc tế song phương và đa
phương liên quan đến tương trợ tư pháp, dẫn độ giữa Việt Nam với các nước thành
viên của hai Công ước; tiếp nhận, chuyển giao, xem xét, giải
quyết các yêu cầu về dẫn độ, tương trợ tư pháp theo quy định tại Luật tương trợ
tư pháp;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ: Quốc
phòng, Tài chính, Ngoại giao, Tư pháp,
Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà
nước Việt Nam và các Bộ, cơ quan có liên quan là cơ quan,
phối hợp; đề
nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát
nhân dân tối cao phối hợp.
c) Thời gian thực hiện: Thường xuyên
hàng năm.
5. Những nhiệm vụ trọng tâm trước mắt
để tổ chức thực hiện toàn diện nội dung hai Công ước trên phạm vi cả nước
a) Nhiệm vụ
- Rà soát, hệ thống hóa các văn bản
quy phạm pháp luật trong nước liên quan đến phòng, chống bắt con tin và khủng bố
bằng bom
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc
Chính phủ, cơ quan, địa phương, đơn vị có liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn của mình tổ chức rà soát các văn bản
quy phạm pháp luật có liên quan đến phòng, chống khủng bố, đối
chiếu so sánh với các quy định của hai Công ước, đề xuất văn bản cần sửa đổi, bổ sung thay thế, ban hành
mới hoặc bãi bỏ gửi Bộ Công an tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Rà soát, hệ thống hóa các Điều ước
quốc tế về phòng, chống khủng bố
Đối chiếu, so sánh các quy định tại
hai Công ước với quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, từ đó đề xuất văn bản
cần sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ gửi Bộ Công an tổng hợp, báo cáo Thủ
tướng Chính phủ nhằm góp phần hoàn thiện quy định pháp luật về phòng, chống khủng
bố; bổ sung hệ thống hóa cơ quan chuyên trách, phối hợp theo dõi, giám sát, quản
lý nhà nước, báo cáo, chia sẻ kinh nghiệm trong khu vực và
quốc tế.
- Xác định rõ trách nhiệm của các cấp,
các ngành trong việc thực hiện phòng, chống bắt con tin và khủng bố bằng bom,
qua đó, xây dựng, hoàn chỉnh các phương án, kế hoạch, cơ chế phối hợp, hiệp đồng
giữa các lực lượng tham gia phòng, chống khủng bố nói chung
và phòng, chống bắt con tin và khủng bố bằng bom nói riêng trong việc triển
khai, theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện hai Công ước.
b) Phân công thực hiện
- Bộ Công an chủ trì đề xuất việc
phân công các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan, địa
phương, đơn vị có liên quan nghiên cứu các Điều ước quốc tế
của Liên hợp quốc về phòng, chống khủng bố được quy định
trong hai Công ước; đồng thời tập hợp các nghiên cứu và đưa ra đề xuất tổng thể;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc
Chính phủ, cơ quan, địa phương, đơn vị có liên quan là các cơ quan phối hợp.
c) Thời gian thực hiện: 2016 - 2018.
III. LỘ TRÌNH THỰC
HIỆN HAI CÔNG ƯỚC
Lộ trình thực hiện hai Công ước được
chia thành 2 giai đoạn với các Mục tiêu, hoạt
động cụ thể như sau:
1. Giai đoạn 1 (từ 2016 đến năm 2020)
a) Mục tiêu:
- Tổ chức triển khai, phân công thực
hiện cơ bản toàn diện nội dung hai Công ước trên diện rộng;
- Ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các
văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về đấu tranh phòng, chống khủng bố cho
phù hợp với nội dung, quy định của hai Công ước;
- Phối hợp, tổ chức diễn tập, huấn
luyện khả năng phòng, chống bắt con tin và khủng bố bằng bom.
b) Các hoạt động cụ thể:
- Tăng cường công tác tuyên truyền,
diễn tập, huấn luyện và nâng cao nhận thức cho các cơ quan, đơn vị và quần
chúng nhân dân về hai Công ước, cũng như tính nguy hiểm và hậu quả đặc biệt
nghiêm trọng của hành vi bắt con tin và khủng bố bằng bom;
- Sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật phòng, chống khủng
bố, Luật phòng, chống rửa tiền, Luật tương trợ tư pháp, Luật thi hành tạm giam,
tạm giữ, Luật tổ chức cơ quan Điều tra hình sự, Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ
khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và các văn bản pháp luật khác có liên quan;
- Tổ chức, triển khai thực hiện các
quy định về phòng, chống bắt con tin và khủng bố bằng bom đã ban hành; kiểm
tra, hướng dẫn, sơ kết đánh giá việc thực hiện; phân công trách nhiệm cho các tổ
chức, cơ quan theo dõi, triển khai thực hiện;
- Nghiên cứu thiết lập đầu mối phối hợp,
mở rộng quan hệ hợp tác với các nước là thành viên của hai Công ước để trao đổi
thông tin, học tập kinh nghiệm về tổ chức,
biện pháp, phương tiện và sử dụng trang thiết bị có hiệu quả về phòng, chống khủng
bố nói chung và hành vi bắt con tin,
khủng bố bằng bom nói riêng.
2. Giai đoạn 2 (từ sau năm 2020 và những
năm tiếp theo)
a) Mục tiêu:
Đánh giá kết quả thực hiện nội dung
hai Công ước; bổ sung cơ chế, kiện toàn tổ chức nâng cao chất lượng công tác đấu
tranh phòng, chống khủng bố nói chung và hành vi bắt con tin, khủng bố bằng bom
nói riêng có hiệu quả.
b) Các hoạt động cụ thể:
- Đánh giá việc thực hiện nội dung
hai Công ước;
- Nghiên cứu kinh nghiệm của các nước
để bổ sung cơ chế, giải pháp mới nâng cao chất lượng công
tác phòng, chống khủng bố nói chung và hành vi bắt con tin, khủng bố bằng bom
nói riêng, phù hợp với yêu cầu tình hình phát triển của Việt
Nam và quá trình hội nhập quốc tế.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan
ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan, địa phương, đơn vị, tổ chức hữu
quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức thực hiện những nội
dung cụ thể được nêu tại biểu chi tiết các hoạt động thực hiện hai Công ước.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc
Chính phủ, cơ quan, địa phương, đơn vị hữu quan, trong phạm vi chức năng nhiệm
vụ của mình và căn cứ vào nội dung Kế hoạch này, chủ động bổ sung nhiệm vụ thực
hiện hai Công ước vào chương trình, kế hoạch hoạt động của mình; xây dựng, sửa
đổi, bổ sung, hoàn chỉnh các văn bản, chương trình, phương
án, kế hoạch, quy chế phối hợp, phân công trách
nhiệm giữa các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan, địa
phương, đơn vị có liên quan để triển khai, theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thực
hiện Kế hoạch này.
Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối
cao, Tòa án nhân dân tối cao phối hợp xây dựng đề án,
chương trình, kế hoạch và hướng dẫn việc nội luật hóa
các quy định của hai Công ước trên cơ sở nguyên tắc Hiến pháp và pháp luật Việt
Nam.
2. Giao Bộ Công an là cơ quan thường
trực thực hiện hai Công ước có nhiệm vụ tham mưu giúp Chính phủ tổ chức, chỉ đạo, Điều phối, theo dõi, kiểm
tra, đôn đốc việc thực hiện chương trình, kế hoạch trên phạm
vi cả nước; chủ trì, phối hợp với Tòa án
nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ
Quốc phòng xây dựng quy chế phối hợp, chế độ báo cáo, trao đổi thông tin, tiếp
nhận và thực hiện các yêu cầu quốc tế liên quan đến thực hiện hai Công ước.
3. Kinh phí triển
khai thực hiện Kế hoạch do ngân sách nhà
nước đảm bảo và được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của
các Bộ, ngành, địa phương theo phân cấp ngân sách hiện hành và các nguồn hợp pháp khác.
Hàng năm, các Bộ, ngành, địa phương
căn cứ nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này lập và tổng hợp vào dự toán chi ngân
sách nhà nước của Bộ, ngành, địa phương để được bố trí trong dự toán ngân sách
nhà nước theo quy định./.