CHƯƠNG TRÌNH
KHUYẾN CÔNG TỈNH HÀ NAM GIAI ĐOẠN 2011 – 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 499/QĐ-UBND ngày 28/3/2012 của Ủy ban nhân
dân tỉnh Hà Nam)
Thực hiện Nghị định số 134/2004/NĐ-CP ngày 09
tháng 6 năm 2004 của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông
thôn; Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 21 tháng 4 năm 2011 của Tỉnh uỷ và Kế hoạch số
588/KH-UBND ngày 20 tháng 5 năm 2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị
quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh uỷ về phát triển công nghiệp đến năm 2015; UBND tỉnh
ban hành Chương trình khuyến công giai đoạn 2011-2015 như sau:
I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG
KHUYẾN CÔNG GIAI ĐOẠN 2006 - 2010:
1. Kết quả đạt được:
a) Những kết quả nổi bật của công tác khuyến
công
- Đào tạo nghề,
truyền nghề, nâng cao tay nghề cho 9.670 lao động; Chương trình gắn với nhu cầu
sử dụng lao động của các cơ sở công nghiệp nông thôn và làng nghề; các ngành
nghề tập trung là thêu ren, mây tre đan, may, dệt, mộc, sơn mài, mỹ nghệ…
- Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật,
chuyển giao công nghệ cho 03 cơ sở công nghiệp nông thôn sản xuất hàng thủ công
mỹ nghệ, chế biến nông sản thực phẩm;
- Hỗ trợ phát triển làng nghề với 140 làng nghề,
làng có nghề; 45 nghệ nhân, thợ giỏi được công nhận;
- Thí điểm thành lập mạng lưới cộng tác viên
khuyến công tại 40 xã bước đầu có hiệu quả;
- Hỗ trợ lãi suất vay cho 09 dự án đầu tư phát
triển, mở rộng sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nông thôn;
- Hỗ trợ các hoạt động nâng cao chất lượng, hiệu
quả công tác khuyến công, tư vấn, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, tổ
chức hội chợ; tham quan học tập cho các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp
nông thôn.
Tổng kinh phí do ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho
hoạt động khuyến công là 8.297,2 triệu đồng; trong đó: Kinh phí khuyến công địa
phương 3.451,2 triệu đồng; kinh phí khuyến công Quốc gia 4.846 triệu đồng.
b) Hiệu quả của công tác khuyến công:
Đã góp phần quan trọng tạo ra tốc độ tăng trưởng
cao trong sản xuất TTCN, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động;
đến năm 2010 giá trị sản xuất TTCN đạt 1.604,1 tỷ đồng, tăng bình quân
17,09%/năm, chiếm 19% so với giá trị sản xuất công nghiệp;
- Chương trình truyền nghề, nhân cấy nghề và
phát triển nghề đã giải quyết việc làm cho lao động, góp phần xoá đói giảm
nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong công cuộc xây dựng
nông thôn mới;
- Sản phẩm TTCN ngày càng đa dạng mẫu mã, chất
lượng ngày một tăng, giúp cho các cơ sở công nghiệp nông thôn từng bước tạo dựng
phát triển về quy mô, trang thiết bị, nhà xưởng…;
- Nhiều mô hình sản xuất tiêu biểu, có hiểu quả
đã được nhân rộng;
- Tăng cường năng lực, nâng cao hiệu quả công
tác quản lý Nhà nước về công nghiệp - TTCN trên địa bàn;
2. Tồn tại và nguyên nhân:
- Cơ chế, chính sách chưa đồng bộ; nguồn lực hỗ
trợ còn hạn chế;
- Các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn
quy mô nhỏ, trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh còn hạn chế, nguồn tài chính
rất hạn hẹp, mặt bằng sản xuất chưa đảm bảo, máy móc thiết bị, công nghệ lạc hậu;
- Chất lượng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu
phát triển của doanh nghiệp; một số chủ doanh nghiệp kiến thức về quản trị kinh
doanh hạn chế;
- Việc đầu tư xây dựng, phát triển thương hiệu
các làng nghề, sản phẩm làng nghề chưa được chú trọng; Thị trường tiêu thụ ít
được mở rộng và đổi mới.
- Cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn, các cụm công
nghiệp - TTCN - Làng nghề phát triển chưa đồng bộ, vệ sinh công nghiệp, vệ sinh
an toàn thực phẩm, an toàn lao động, môi trường sinh thái chưa được quan tâm
đúng mức.
II. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH
KHUYẾN CÔNG GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
1. Mục tiêu
a) Mục tiêu tổng quát:
Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi
thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghịêp - TTCN nhanh, bền vững,
đảm bảo về môi trường, nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công
nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thu
nhập cho lao động nông thôn góp phần xây dựng nông thôn mới;
b) Mục tiêu cụ thể đến năm 2015:
- Giá trị sản xuất TTCN - Làng nghề đạt 3.746 tỷ
đồng, tăng bình quân 18,5%/năm, chiếm 17% giá trị sản xuất công nghiệp toàn
ngành.
- Giá trị xuất khẩu hàng TTCN đạt 46,5 triệu
USD, tăng bình quân 9,6%/năm.
- Đào tạo nghề cho 5.000 lao động;
- Củng cố, phát triển các ngành nghề, các làng
nghề TTCN và có thêm 25 làng nghề được công nhận;
- Hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho 03
cụm công nghiệp, TTCN; di dời 08 cơ sở sản xuất TTCN nông thôn vào cụm, điểm CN
– TTCN để đảm bảo vệ sinh môi trường.
2. Đối tượng và ngành nghề
a) Đối tượng:
- Tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư sản xuất
công nghiệp - TTCN trên địa bàn tỉnh gồm:
+ Các doanh
nghiệp vừa và nhỏ thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp;
+ Các hợp tác xã, tổ hợp tác, thành lập hoạt động
theo Luật Hợp tác xã;
+ Các hộ kinh doanh cá thể.
- Tổ chức, cá nhân tham gia áp dụng công nghệ sản
xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp - TTCN;
- Tổ chức, cá
nhân thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động dịch vụ khuyến công.
b) Lĩnh vực ngành nghề:
- Công nghiệp chế biến nông lâm sản, thực phẩm;
- Sản xuất sản phẩm sử dụng nguyên liệu tại chỗ,
sử dụng nhiều lao động như: Khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, dệt
may, da giày…;
- Sản xuất TTCN, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ
như: chạm khắc đá, chạm khắc gỗ, thêu ren, sơn mài, khảm trai, sừng mỹ nghệ,
mây tre đan, gốm sứ…;
- Cơ sở sản xuất cơ khí nhỏ; cơ sở sản xuất phụ
tùng, lắp ráp và sửa chữa máy cơ khí;
- Sản xuất sản phẩm xuất khẩu, sản phẩm mới; sản
xuất gia công chi tiết, bán thành phẩm cho các cơ sở sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh;
- Hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, xử lý
môi trường cho cụm, điểm CN - TTCN và làng nghề.
3. Nhiệm vụ, giải pháp
a) Đào tạo nghề, phát triển nghề
- Tổ chức các lớp truyền nghề, nhân cấy nghề và
nâng cao tay nghề trong thời gian 03 tháng gắn với các doanh nghiệp, cơ sở công
nghiệp nông thôn; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 5.000 lao động nông
thôn;
- Củng cố và phát triển các ngành nghề, làng nghề
TTCN, đến năm 2015 có thêm 25 làng nghề được công nhận.
b) Nâng cao năng lực quản lý cho lãnh đạo, cán bộ
quản lý cho cơ sở công nghiệp nông thôn
- Tổ chức các lớp tập huấn về khuyến công, khởi
sự doanh nghiệp, nâng cao kỹ năng quản lý cho 300 lượt cán bộ quản lý các cơ sở
công nghiệp nông thôn và cán bộ làm công tác khuyến công;
- Tổ chức 04 hội thảo, hội nghị chuyên đề giới
thiệu kinh nghiệm quản lý, tổ chức sản xuất, tìm kiếm thị trường, phát triển
làng nghề và các chủ đề khác liên quan đến sản xuất cho các cơ sở công nghiệp
nông thôn học tập.
c) Xây dựng mô hình trình diễn, hỗ trợ chuyển
giao công nghệ và đổi mới thiết bị, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất.
- Hỗ trợ đầu tư công nghệ, thiết bị máy móc tiên
tiến cho các doanh nghiệp với mục đích trình diễn, giới thiệu để nhân rộng.
- Tập trung vào một số ngành nghề
có lợi thế như: chế biến nông sản thực phẩm, chế biến gỗ, thủ công mỹ nghệ, dệt
may xuất khẩu, cơ khí sữa chữa - gia công máy phục vụ sản xuất nông nghiệp…
d) Hỗ trợ phát triển sản phẩm công
nghiệp nông thôn tiêu biểu.
- Hỗ
trợ các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn, làng nghề đầu tư phát triển
mở rộng sản xuất kinh doanh, cải tiến mẫu mã kiểu dáng, bao bì đóng gói và
xây dựng thương hiệu…để tạo ra các sản phẩm
có giá trị cao;
- Hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở
công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ, triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu
biểu, nhằm tạo điều kiện giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, liên kết, hợp tác, tìm
kiếm thị trường tiêu thụ;
- Hỗ trợ cung cấp thông tin thường
xuyên và giới thiệu sản phẩm cho các doanh nghiệp thông qua các phương tiện
truyền thông.
e) Hỗ trợ doanh nghiệp liên doanh,
liên kết, hợp tác kinh tế và di dời xử lý ô nhiễm môi trường
- Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp
nông thôn thành lập hiệp hội ngành nghề; mô hình liên kết cơ sở sản xuất kinh
doanh thủ công mỹ nghệ với doanh nghiệp du lịch;
- Hỗ trợ lập quy hoạch, đầu tư xây
dựng kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư phát triển cụm công nghiệp tại các địa bàn
khó khăn, chậm phát triển;
- Hỗ trợ di dời các cơ sở gây ô
nhiễm môi trường ở xen trong khu dân cư vào cụm, điểm công
nghiệp - TTCN.
f) Nâng cao chất lượng, hiệu quả
công tác khuyến công, hỗ trợ các hoạt động tư vấn, xúc tiến thương mại, tìm kiếm
thị trường
- Tăng cường công tác tuyên truyền,
phổ biến cơ chế, chính sách về hoạt động khuyến công;
- Tăng cường công tác kiểm tra,
giám sát, hướng dẫn hoạt động khuyến công để nâng cao hiệu quả của hoạt động
khuyến công;
- Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, điều
chỉnh, ban hành mới các văn bản có liên quan đến hoạt động khuyến công nhằm
hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế,chính sách để giúp hoạt động khuyến công phát
triển.
4. Kinh phí thực hiện Chương
trình:
Từ kinh phí do Ngân sách nhà nước hỗ
trợ và kinh phí đầu tư của các doanh nghiệp; dự kiến kinh phí hỗ
trợ Chương trình khuyến công giai đoạn 2011 - 2015 là 17.980 triệu đồng, trong
đó:
- Ngân sách khuyến công địa
phương: 5.020 triệu đồng
- Ngân sách khuyến công quốc gia:
12.960 triệu đồng
III. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN:
1. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp
với các Sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện chương trình khuyến công
giai đoạn 2011 - 2015; tổng hợp kế hoạch, đề án khuyến công hàng năm trên địa bàn; đồng thời có trách nhiệm định kỳ kiểm tra các hoạt động khuyến công, báo cáo kết
quả về UBND tỉnh.
2. UBND các
huyện, thành phố xây dựng kế hoạch khuyến công hàng năm; hướng dẫn các cơ sở công
nghiệp nông thôn xây dựng đề án khuyến công; phối hợp với Sở Công Thương quản
lý, giám sát việc thực hiện các đề án khuyến công trên địa bàn.
3. Các Sở,
Ban, ngành có liên quan theo chức năng nhiệm vụ phối hợp với Sở Công Thương và
UBND các huyện, thành phố thực hiện các nội dung của Chương trình./.